Quần Thể Là Gì? Đặc Trưng Cơ Bản Của Quần Thể Và Cho Ví Dụ

Quần thể là một khái niệm trong sinh học đã khá quen thuộc với mọi người. Tuy nhiên quần thể vẫn đôi khi bị nhầm lẫn với một số khái niệm khác như hệ sinh thái, quần xã… Vậy quần thể là gì, đặc trưng của quần thể? Hãy cùng khám phá nhé.

Tóm tắt

  • 1 Quần thể là gì?
  • 2 Đặc trưng cơ bản của quần thể
    • 2.1 Cấu trúc sinh sản và cấu trúc giới tính
    • 2.2 Thành phần nhóm tuổi
    • 2.3 Sự phân bố cá thể
    • 2.4 Kích thước cá thể và mật độ cá thể
    • 2.5 Sức sinh sản, mức độ tử vong của cá thể

Quần thể là gì?

Trong sinh học, quần thể là một tập hợp các cá thể sinh vật cùng một loài, cùng sống trong không gian xác định, vào một thời điểm nhất định, có lịch sử phát triển chung và cách ly với những quần thể cùng loài khác.

Khái niệm “quần thể” được sử dụng phổ biến ở Việt Nam hiện nay được dịch từ tiếng Anh là population dùng trong sinh thái học, di truyền học và học thuyết tiến hoá thuộc sinh học. Chúng ta đừng nhầm với khái niệm dân số (cũng viết là population).

Một quần thể có thể chỉ sinh sản hữu tính hoặc sinh sản vô tính, hoặc cả hai hình thức sinh sản này. Những cá thể được xem là cùng một quần thể, khi chúng thoả mãn các điều kiện chính sau:

– Các cá thể thuộc cùng một loài và nhất là có chung một vốn gen. Giữa chúng thường tồn tại quan hệ sinh sản.

– Thường phân bố cùng một không gian được gọi là sinh cảnh trong hệ sinh thái.

– Cùng có lịch sử phát triển chung có nghĩa là đã trải qua nhiều thế hệ chung sống.

– Tồn tại trong cùng một thời điểm đang xét đến.

Ví dụ dễ hình dung về một quần thể là một đàn voi tụ tập với nhau, trải qua nhiều đời cùng sống ở một nơi. Giữa chúng có quan hệ họ hàng, che chở bảo vệ lẫn nhau và những voi con được sinh ra trong đàn.

Một ví dụ khác về quần thể là một đàn cá chép trong cùng một ao đã trải qua vài thế hệ sống chung với nhau. Đàn cá này không thể vượt qua ao mà chúng đang sống để sang ao bên cạnh được – nghĩa là nó có cách ly với quần thể cũng là cá chép ở ao liền kề.

Quần thể voi

Đặc trưng cơ bản của quần thể

Thông thường một quần thể sẽ mang những đặc trưng sau:

Cấu trúc sinh sản và cấu trúc giới tính

Cấu trúc sinh sản là tỉ lệ con đực trên con cái trong đàn sinh sản. Tỉ lệ này chủ yếu phụ thuộc vào tập tính sinh sản của từng loài, mục đích của nó nhằm nâng cao khả năng thụ tinh cho trứng hay sức sống của thế hệ con, tăng tỉ lệ sống sót…

Cấu trúc giới tính là tỉ lệ số cá thể đực trên số cá thể cái của quần thể. Cấu trúc giới tính trong thiên nhiên và trong số các cá thể mới sinh thường là 1:1. Tuy nhiên tỉ lệ này sẽ dần thay đổi phụ thuộc vào đặc tính của loài, tập tính sinh sản, điều kiện môi trường và sức sống của các cá thể. Điều này cho thấy tiềm năng sinh sản của quần thể này, giúp con người chủ động điều chỉnh tỉ lệ đực cái để phù hợp cho nhu cầu sản xuất và khai thác tài nguyên.

Hệ sinh thái là gì? Các hệ sinh thái hiện nay

Quần thể chim cánh cụt

Thành phần nhóm tuổi

Đời sống của sinh vật thường gồm 3 nhóm tuổi: trước sinh sản, sinh sản, sau sinh sản. Nó phụ thuộc vào: tuổi thọ trung bình của loài, khu vực phân bố, điều kiện sống và khả năng sống sót của từng nhóm tuổi. Nghiên cứu thành phần nhóm tuổi cho ta đoán trước được sự phát triển của quần thể trong tương lai.

Khi xếp chồng các nhóm tuổi lên nhau ta được tháp tuổi (đối với quần thể người thì đây gọi là tháp dân số). Có 3 dạng tháp như sau:

– Tháp phát triển: Đáy rộng, đỉnh nhọn dần chứng tỏ số con non nhiều, cá thể già ít, tỉ lệ sinh nhiều, tử ít.

– Tháp ổn định: đáy rộng vừa phải, cạnh tháp gần như thẳng đứng, tỉ lệ sinh/tử xấp xỉ nhau.

– Tháp suy thoái: đáy hẹp, đỉnh rộng tức là tỉ lệ tử nhiều, sinh ít, nhiều cá thể già và ít con non.

Sự phân bố cá thể

Sự phân bố cá thể là sự chiếm không gian của các cá thể trong sinh cảnh, phụ thuộc vào điều kiện môi trường cùng với tập tính của loài.

Có 3 dạng phân bố:

– Phân bố đều khi đạt điều kiện môi trường đồng nhất. Các cá thể ở môi trường này có tính lãnh thổ cao. Dạng phân bố này thực chất hiếm gặp trong tự nhiên.

– Phân bố theo nhóm khi điều kiện môi trường không đồng nhất và các cá thể có xu hướng tụ lại với nhau. Dạng phân bố này hay gặp nhất trong tự nhiên.

– Phân bố ngẫu nhiên là dạng trung gian, khi điều kiện môi trường đồng nhất, các cá thể lại không có tính lãnh thổ cao cũng không có xu hướng tụ lại. Dạng phân bố này cũng khá ít gặp trong tự nhiên.

Kích thước cá thể và mật độ cá thể

Kích thước là tổng số cá thể trong quần thể phù hợp với nguồn sống, không gian mà nó chiếm cứ. Những loài có kích thước cơ thể nhỏ thường lại tồn tại trong quần thể có kích thước lớn và ngược lại, những loài có kích thước cơ thể lớn thường sẽ sống trong quần thể có kích thước nhỏ. Mối quan hệ này bị kiểm soát chủ yếu bởi nguồn nuôi dưỡng của môi trường cùng với đặc tính thích nghi của từng loài.

Nhân tố sinh thái là gì? Có các loại nhân tố sinh thái nào?

Quần thể rừng thông

Công thức tính: Nt = No – D + B + I – E. Trong đó:

  • Nt, No: Số lượng cá thể của một quần thể ở thời điểm t và to
  • D: Mức tử vong
  • B: Mức sinh sản
  • I: Mức nhập cư
  • E: Mức di cư

Trong công thức trên, mỗi số hạng sẽ có thuộc tính riêng, đặc trưng cho loài và còn phụ thuộc vào môi trường.

Kích thước của quần thể có 2 mức: tối thiểu và tối đa.

– Mức tối thiểu đặc trưng cho loài, đảm bảo đủ khoảng cách cho các cá thể có khả năng duy trì, phát triển số lượng, để thực hiện các mối quan hệ nội bộ giữa các cá thể với nhau, cũng như là duy trì vai trò của quần thể trong thiên nhiên. Dưới mức này, quần thể sẽ suy thoái và diệt vong.

– Mức tối đa: là số lượng của quần thể có thể đạt được cao nhất tương ứng với các điều kiện của môi trường. Mức tối đa của kích thước quần thể phụ thuộc vào điều kiện sống của môi trường và cả các yếu tố sinh thái khác.

Theo lý thuyết thì số lượng quần thể có thể phát triển tới mức vô hạn. Nhưng trên thực tế thì không gian và nguồn sống của môi trường có hạn và còn bị chia sẻ cho những loài, quần thể khác nên kích thước quần thể chỉ có thể phát triển tới một giới hạn cân bằng với điều kiện môi trường.

Mật độ là số lượng cá thể của quần thể trên một đơn vị diện tích hay thể tích (nếu quần thể trong nước) mà quần thể sinh sống. Nó cũng cho thấy khoảng cách trung bình giữa các cá thể trong vùng phân bố của quần thể.

Mật độ có ý nghĩa lớn trong sinh học. Nó là một tín hiệu sinh học thông tin cho quần thể về trạng thái số lượng để tự điều chỉnh. Khi số lượng cá thể tăng lên sẽ làm cho mật độ quần thể tăng, nguồn sống của môi trường giảm đi, ô nhiễm môi trường. Do vậy mà sức sinh sản giảm, bệnh tật tăng làm cho nhiều cá thể bị chết, số lượng cá thể và mật độ giảm đi.

Mật độ giảm thì nguồn sống cung cấp cho cá thể lại nhiều lên, ô nhiễm môi trường giảm đi, sức sống của cá thể tăng lên làm số lượng cá thể tăng. Quá trình này lặp đi lặp lại giúp quần thể luôn duy trì số lượng phù hợp với điều kiện môi trường. Như vậy mật độ cũng chi phối hoạt động sinh lý của các cá thể.

Cách xác định mật độ:

– Đối với quần thể vi sinh vật: người ta đếm số lượng khuẩn lạc trong một thể tích môi trường được nuôi cấy xác định.

– Thực vật nổi (phytoplankton) hoặc động vật nổi (zooplankton): đếm số lượng cá thể có trong một thể tích nước xác định.

– Thực vật, động vật đáy (những loài ít di chuyển): xác định số lượng trên ô tiêu chuẩn.

– Cá trong vực nước: đánh dấu cá thể sau đó bắt lại, từ đó tìm ra kích thước của quần thể và suy ra mật độ.

Quần xã là gì? Quần xã sinh vật là gì? Cho ví dụ

Sức sinh sản, mức độ tử vong của cá thể

Sức sinh sản là khả năng gia tăng số lượng của quần thể. Nó phụ thuộc vào sức sinh sản của các cá thể. Cụ thể:

– Số lượng trứng (con) trong một lần sinh, khả năng chăm sóc trứng – con của cá thể loài đó

– Số lứa đẻ trong một năm, tuổi trưởng thành sinh dục.

– Mật độ cá thể.

Sự tử vong là việc giảm số lượng cá thể của một quần thể. Nó phụ thuộc vào:

– Giới tính: sức sống của cá thể cái so với đực khác nhau.

– Nhóm tuổi.

– Điều kiện sống.

Như vậy là các bạn đã cùng Palada.vn tìm hiểu về quần thể là gì, đặc trưng của quần thể cùng một vài ví dụ dễ hiểu nhất. Hi vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho các bạn tham khảo. Nếu thấy thông tin này hay thì bạn hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé. Hẹn gặp lại trong những bài viết tiếp theo trên Palada.vn.

Từ khóa » đặc Trưng Cơ Bản Nhất Của Quần Thể Là Gì