Quân Và Dân Kon Tum Trong Chiến Dịch Mùa Xuân 1975
Năm 1954, nhân dân Kon Tum chưa được hưởng niềm vui chiến thắng bao lâu lại phải bước vào cuộc kháng chiến gian khổ, trường kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược. Với truyền thống anh dũng, kiên cường, nhân dân Kon Tum từ già trẻ, gái trai tham gia đánh giặc. Từ những trận đánh du kích nhỏ lẻ đã phát triển lên chiến dịch, cuộc tổng tiến công với sự giúp sức của lực lượng chủ lực (trực tiếp là Mặt trận Tây Nguyên - B3 - tiền thân của Quân đoàn 3 ngày nay) tiến tới giải phóng toàn tỉnh.
Đến thời điểm nửa cuối năm 1974, tình hình trong nước và quốc tế có những thay đổi quan trọng tác động trực tiếp đến quá trình chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Trước tình đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp tháng 10/1974, sau khi phân tích tình hình và nhận định thời cơ chiến lược mới, đã đi đến thống nhất quyết tâm chiến lược và thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976. Tại địa bàn tỉnh Kon Tum, sau chiến thắng Đăk Pét, Măng Đen, Măng Bút, hầu hết vùng nông thôn của tỉnh Kon Tum đã được giải phóng. Địch chỉ còn co cụm phòng ngự tại thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum) và một số cứ điểm quân sự vùng ven và quận lỵ Đăk Tô lưu vong (đóng ở đèo Sao Mai, phía nam thị xã Kon Tum).
Đầu năm 1975, ngoài kế hoạch giải phóng miền Nam được tiến hành trong hai năm 1975-1976, Bộ Chính trị còn dự kiến: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị chọn Tây Nguyên - một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, “là hướng tấn công chủ yếu trong cuộc tấn công rộng lớn năm 1975”. Trong chiến dịch này, tỉnh Kon Tum cùng với tỉnh Gia Lai được xác định là hướng tấn công nghi binh nhằm thu hút lực lượng để đánh lừa mục tiêu phán đoán của địch.
|
Quán triệt nội dung các nghị quyết của cấp trên, của Đảng bộ, quân dân tỉnh Kon Tum, với nỗ lực cao nhất, với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, Tỉnh ủy Kon Tum đã thành lập Ban chỉ đạo tiền phương để phối hợp bộ đội chủ lực, các đoàn, các đội công tác đều được chấn chỉnh, tập huấn về chính trị, quân sự. Lực lượng của tỉnh Kon Tum tham gia gồm có 2 tiểu đoàn bộ binh, 5 đại đội tỉnh, 8 đại đội của các huyện và thị xã Kon Tum; 200 du kích xã, 300 cán bộ chính trị, binh vận tăng cường cho thị xã Kon Tum.
Trung tuần tháng 2/1975, Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320A của Mặt trận Tây Nguyên bí mật di chuyển vào nam Tây Nguyên, Sư đoàn 968 bộ binh vào thay thế các vị trí và tiếp tục duy trì các công việc của hai sư đoàn này. Hằng ngày ta vẫn phát đi nhiều bức điện, báo cáo giả, làm cho địch tin rằng hai Sư đoàn 10 và 320A vẫn còn nằm im ở vị trí cũ. Theo kế hoạch tác chiến đã được định sẵn, lực lượng của tỉnh Kon Tum đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, hình thành một thế trận định sẵn tấn công vào giải phóng thị xã theo nhiều hướng.
Đi kèm với các cánh quân luôn có các đội vũ trang công tác làm nhiệm vụ dẫn đường và phát động quần chúng nổi dậy. Trong đó một đội theo hướng từ bắc vào, một cánh nhỏ khác đi từ phía Kon Plông theo đường 5 (nay là Quốc lộ 24) lên. Riêng các đội công tác của thị xã phần lớn tập trung theo hướng chính ở cánh đông nam. Quần chúng nhân dân trong nội thị cơ bản đã hiểu được cách mạng, trông chờ được giải phóng. Một số gia đình là cơ sở, đã đóng góp không nhỏ để lực lượng cách mạng nắm bắt địa bàn. Từ trong căn cứ, tất cả các ban của tỉnh đều chuẩn bị sẵn một lực lượng tiền phương làm công tác tiếp quản khi thị xã được giải phóng.
Đầu tháng 3/1975, khi tiếng súng tấn công địch rộ lên khắp Mặt trận Tây Nguyên, cùng lúc đó ở tỉnh Kon Tum, từ ngày 7/3/1975 đến ngày 15/3/1975 hoả lực của Tỉnh đội Kon Tum phối hợp với Sư đoàn 968 quân chủ lực đánh vào các khu quân sự và khu kho trong thị xã, làm cháy năm kho nhiên liệu, một kho đạn, khống chế sân bay. Bộ đội đặc công của tỉnh Kon Tum đánh vào khu cảnh sát dã chiến, khu Nguyễn Huệ, khu thương phế binh ngụy. Đặc công của B3 đánh vào trạm tiếp điện Chư Hreng tiêu diệt gọn một chốt, làm cho địch phải lo phòng giữ tuyến trong của thị xã Kon Tum.
|
Đúng 01 giờ 35 phút ngày 10/3/1975, quân ta nổ súng mở màn cuộc tiến công thị xã Buôn Ma Thuột. Đến 11 giờ ngày 11/3/1975, thị xã Buôn Ma Thuột được hoàn toàn giải phóng. Tin thắng lợi của ta ở Buôn Ma Thuột vang dội khắp nơi. Cả Tây Nguyên lan tỏa một khí thế chiến thắng. Trước thời cơ thuận lợi đó, ở Kon Tum, ngay từ ngày 10/3/1975 các lực lượng của tỉnh phối hợp với một bộ phận quân chủ lực (Sư đoàn 968) hoạt động mạnh ở trọng điểm từ nam cầu Đăk Bla đến ngã ba Tà Huỳnh, đánh diệt ba chốt ở phía đông quận lỵ Đăk Tô lưu vong và đột nhập vũ trang tuyên truyền, thâm nhập giác ngộ quần chúng ở các khu dồn dân Ngok Leng, Tri Đạo, Tân Phú. Đêm 13/3/1975, Tiểu đoàn 304 bộ binh của Tỉnh đội Kon Tum từ cánh đông nam nổ súng tấn công tiêu diệt chốt điểm Chư Hreng, Đại đội 187 ở cánh tây thị xã pháo kích liên tục vào đồn Chư Grết. Ban chỉ huy tây nam thị xã đã nắm chắc hai trung đội nghĩa quân địch ở làng Kênh, làng Yút, chuẩn bị cho việc nổi dậy và báo về hậu cứ chuẩn bị mọi mặt để đưa lực lượng áp sát thị xã. Đồng chí Nguyễn Thế Vũ (Bí thư H5) chuẩn bị tiếp quản đưa theo bộ máy cơ quan thị xã để khi giải phóng sẵn sàng làm nhiệm vụ tiếp quản. Ở phía bắc, ta thực hiện nhiều đợt pháo kích, đồng thời các đội vũ trang công tác và Đại đội đặc công số 14, nhanh chóng tiếp cận ngay một số mục tiêu ở nội thị xã Kon Tum.
Sau thời gian chống trả, đến ngày 15/3/1975, địch ở tỉnh Kon Tum bắt đầu thực hiện một cuộc rút chạy về Plei Ku theo đường 14. Ngày 16/3/1975, một bộ phận của Tiểu đoàn 304 của Tỉnh đội Kon Tum chiếm đường 14 ở phía nam thị xã Kon Tum chặn đánh quân địch tháo chạy, buộc bộ phận của địch phải chạy đường rừng phía tây đường 14 xuống Plei Ku. Trưa ngày 16/3/1975, các lực lượng của tỉnh Kon Tum, từ các hướng áp sát vào thị xã Kon Tum, tiếp quản một số vùng phụ cận. Tiểu đoàn 304 tiếp tục mai phục đón đánh tiêu diệt tàn quân địch rút chạy, đánh sập một cầu và tiêu diệt gọn địch ở phía nam khu vực đèo Sao Mai. Cũng trong ngày 16/3/1975, ta đánh và chiếm quận lỵ Đăk Tô (lưu vong), vây ép địch ở phía bắc và phía đông. Các lực lượng tây nam thị xã tước vũ khí hai trung đội nghĩa quân, dùng lực lượng này cùng với lực lượng của ta chiếm ấp Tân Điền, Phương Hòa, áp sát nam cầu Đăk Bla. Tên Phạm Đình Hùng, Tỉnh trưởng tỉnh Kon Tum và đám tàn quân còn lại thoát chạy đến Cheo Reo (Gia Lai) cũng bị chủ lực quân giải phóng chặn đánh và tiêu diệt. Đêm 16/3/1975, tất cả các lực lượng vũ trang và chính trị trong tỉnh, cùng với các mũi đột kích của chủ lực Sư đoàn 968 đột nhập chiếm lĩnh và làm chủ các khu vực quân sự và chính trị trọng yếu, tiêu diệt tất cả các ổ đề kháng cuối cùng của địch, nhanh chóng triển khai chiếm toàn bộ thị xã Kon Tum. Thị xã Kon Tum hoàn toàn giải phóng.
Kết thúc chiến dịch, quân và dân tỉnh Kon Tum đã cùng với lực lượng chủ lực đập tan sào huyệt cuối cùng của Mỹ - Ngụy ở thị xã, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum; đã cùng với tỉnh Gia Lai hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghi binh, thu hút địch góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường chính Buôn Ma Thuột tấn công địch giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Để có được thắng lợi trên, quân và dân Kon Tum dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy đã chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời chủ động, sáng tạo chuẩn bị điều kiện về lực lượng, sẵn sàng tham gia chiến đấu và đảm bảo nhiệm vụ tiếp quản khi giải phóng; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chủ lực trong hợp đồng tác chiến để giành thắng lợi cuối cùng. Thắng lợi của chiến dịch mùa Xuân năm 1975 là hành trang vô giá để Đảng bộ, quân và dân Kon Tum bước tiếp trên con đường xây dựng quê hương.
Để khẳng định mốc son chói lọi trong sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước, ngày 17/3/2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Thông báo số 59-TB/TU thống nhất chọn ngày 16/3 hằng năm là ngày kỷ niệm Ngày giải phóng tỉnh Kon Tum.
Đã 46 mùa xuân trôi qua, hậu quả của cuộc chiến tranh đã được khắc phục, Đảng bộ, quân, dân Kon Tum phát huy truyền thống vẻ vang ra sức xây dựng và bảo vệ quê hương trong thời kỳ mới ngày càng ổn định và phát triển, đồng thời làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia.
Trần Thị Sáu
Từ khóa » Hình ảnh Kon Tum Trước 1975
-
Những Hình ảnh Kontum Xưa Và Thời Chinh Chiến điêu Linh
-
Hình ảnh KON TUM Xưa Và Nay ( Trước 1975 - 2020), #familyvlog
-
Tư Liệu Hình ảnh Quý Hiếm Về đất Và Người Kontum Xưa - Khoi Studio
-
Hình ảnh Kontum Ngày Xưa (4) - Kon Tum Quê Hương Tôi
-
Kontum Xưa - Facebook
-
Hình ảnh KONTUM Xưa- ST, Phố Núi Và Bạn Bè... Chút Gì để Nhớ!
-
Phim Tư Liệu: Kon Tum Xưa Và Nay - Nam Ròm
-
Lich Sử Hình Thành - Cổng Thông Tin điện Tử Tỉnh Kon Tum
-
Tư Liệu ảnh Quý Về Tây Nguyên Ngày Xưa
-
Kon Tum – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thị Xã Kon Tum - Người Kể Sử
-
[PDF] CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY KHÓA XI CHỦ ...