Quảng Nam Mở Rộng Thành Phố Tam Kỳ, Phát Triển Thành đô Thị Loại 1

(KTSG Online) – Tỉnh Quảng Nam sẽ sáp nhập hai huyện Phú Ninh và Núi Thành vào thành phố Tam Kỳ trong lộ trình biến thành phố này thành đô thị loại 1.

  • Quảng Nam: đến 2023, tăng trưởng du lịch trở lại mức như trước dịch Covid-19
  • Quảng Nam công bố 36 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư

Theo lộ trình này, tỉnh Quảng Nam sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua đề án sáp nhập vào quý 2-2023 và đến năm 2024 tiến hành sáp nhập.

Một góc thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quang Nam. Ảnh: Quốc Hưng

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam, phương án sáp nhập Tam Kỳ, Núi Thành và Phú Ninh thành một đơn vị hành chính mới sẽ đảm bảo tính chất đô thị động lực của vùng, đảm bảo quy mô diện tích, tiêu chí về dân số và có đủ điều kiện để xây dựng và phát triển một không gian đô thị chiến lược trong tương lai cho Quảng Nam. Tổng diện tích của vùng đô thị mới là 904 km2, dân số quy đổi gần 450.000 người.

Hơn nữa, điều này phù hợp với đồ án Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 đang được lập, phát triển Quảng Nam trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung- Tây Nguyên.

Thực ra, thành phố Tam Kỳ từng sáp, nhập nhiều lần trước đây. Từ một huyện chung, đến năm 1963 huyện Tam Kỳ được chia thành 3 đơn vị hành chính, gồm huyện Nam Tam Kỳ, Bắc Tam Kỳ và thị xã Tam Kỳ. Năm 1975, khi đất nước thống nhất, 3 huyện trên lại được sáp nhập thành huyện Tam Kỳ có diện tích lớn nhất tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng lúc bấy giờ. Năm 1983, tỉnh Quảng Nam lại thành lập mới huyện Núi Thành và thị xã Tam Kỳ. Năm 2005, tỉnh lại điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Tam Kỳ và thành lập huyện Phú Ninh.

Tuy nhiên, theo lãnh đội Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, nếu xét riêng về tiêu chí đô thị loại 1, phân tích cơ học ở thời điểm hiện tại, sau khi sáp nhập 03 địa phương thì một số tiêu chí sẽ giảm và chưa đạt tiêu chí đô thị loại 1. Đó là, mật độ dân số toàn đô thị khá thấp 524 người/km2 (yêu cầu tối thiểu 2.000 người/km2); tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị là 67% (yêu cầu tối thiểu 85%), một số tiêu chí về trình độ phát triển hạ tầng, kiến trúc cảnh quan đô thị (nhà ở, công trình công cộng, giao thông- tỷ lệ mật độ đường rộng 7,5m trở lên trong khu nội thị, cấp nước, thoát nước...) sẽ giảm so với Tam Kỳ hiện tại.

Vì vậy, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, nếu tập trung bằng nhiều giải pháp tích cực, cùng với huy động mạnh mẽ các nguồn lực thì Tam Kỳ đạt các tiêu chí đô thị loại 1 vào năm 2030 là khả thi.

Từ khóa » Cầu Vượt ở Tam Kỳ