Quảng Nam: "Rón Rén"... Qua Cầu Bà Rén - Công An Nhân Dân

Trước sự xuống cấp nhanh chóng của cây cầu, Cục Đường bộ Việt Nam đã có quyết định cấm xe tải trên 20 tấn đi qua cầu. Điều này đã gây bức xúc lớn cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, khi cầu này đã "đến tuổi" hết sức chịu đựng thì sự cấm vận xe tải trọng lớn đi qua nhằm đảm bảo an toàn giao thông thì cũng là điều dễ hiểu.

Nằm trong danh sách những cây cầu yếu cần được sửa chữa, làm cầu mới; bấy lâu cầu Bà Rén đã phải gồng mình gánh chịu những xe container có tải trọng lớn, đặc biệt có nhiều xe container chở lên tới gần 70-80 tấn.

Mặc dù mỗi năm, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) có bố trí vốn để sửa chữa, gia cố, song do cầu quá niên hạn sử dụng đã lâu nên tình trạng xuống cấp ngày một gia tăng...

Sự cấm xe tải trên 20 tấn lưu thông qua cầu gây bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải mấy ngày vừa qua như "giọt nước tràn ly", bởi không sớm thì muộn lệnh cấm các xe tải trọng lớn qua cầu cũng được thực thi nếu không có giải pháp tức thì. Nếu không đi qua cầu thì bắt buộc các xe tải trọng lớn phải "gánh" thêm vài trăm kilômét nữa để đi đường tránh lắm đèo dốc, hiểm trở, tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Theo Ban Thanh tra giao thông đường bộ III thì phải cấm các loại xe tải trọng lớn để đảm bảo an toàn.

Hệ thống dầm cầu Bà Rén bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo đó, cấm những xe có tải trọng trên 20 tấn khi đi qua cầu. Lộ trình phân luồng như sau: Đối với các xe tải trọng lớn từ miền Nam ra, trên quốc lộ 1A, khiđến ngã ba Cây Cốc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam rẽ theo quốc lộ 14 E đi vào đường Hồ Chí Minh tại huyện Phước Sơn, Quảng Nam, sau đó, theo quốc lộ 14B xuống quốc lộ 1A tại ngã ba Túy Loan, TP Đà Nẵng. Đối với xe đi theo hướng Bắc vào, đến địa phận TP Đà Nẵng sẽ rẽ lên quốc lộ 14Btheo hành trình ngược lạiđể đi vào Nam. Với lộ trình mới này, việc đi vòng chỉ xa hơn 100km và không phải qua đèo Lò Xo.

Hiện tại, ở hai đầu cầu Bà Rén, Khu QLĐB5 đã cho lắp đặt các biển báo giới hạn tải trọng. Đồng thời, Khu QLĐB5 cũng phối hợp với Sở GTVT Quảng Nam, TTGT hướng dẫn giao thông cho các loại xe từ 15 tấn trở xuống qua cầu một làn với mật độ 20 mét/chiếc. Đồng thời, Khu cho tiến hành đóng cọc gia cường trụ tạm để đảm bảo an toàn cho cầu.

Đây là một giải pháp cần thiết trước mắt, song đó cũng là vấn đề gây khó khăn không những đối với việc đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn khi qua cầu mà còn làm tổn thất không nhỏ cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa trên đường Nam ra Bắc, đặc biệt đây là thời điểm "vào mùa" làm ăn của các DN vì Tết Nguyên đán sắp đến gần.

Do đó, xây dựng cầu tạm tại cầu Bà Rén phải được coi là một nhiệm vụ cấp bách số 1 hiện nay. Theo đó, dự án cầu tạm đã được giao cho Trung tâm Kỹ thuật Đường bộ 5 tiến hành khảo sát, thiết kế.

Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện Trung tâm đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ thiết kế để trình Cục ĐBVN xét duyệt vào ngày 30/11/2009. Theo phương án kỹ thuật, cầu tạm sẽ được xây dựng cách cầu chính hiện nay 0,8 mét về phía hạ lưu. Khu QLĐB5 đang phấn đấu sẽ xây dựng xong cầu tạm trong vòng 3 tháng, sau khi hồ sơ thiết kế được Cục ĐBVN phê duyệt.

Trong khi chờ đợi một cây cầu mới được xây dựng thì Cục ĐBVN, Khu QLĐB5 và các đơn vị, địa phương có liên quan cần khẩn trương bắt tay tiến hành xây dựng cầu tạm càng nhanh càng tốt, nhằm tạm thời trả lại mạch máu giao thông trên tuyến huyết mạch quốc gia qua địa bàn Quảng Nam. Đặc biệt, tránh những bức xúc dư luận không tốt và đảm bảo ATGT trên tuyến.

Trước bức xúc của các DN vận tải trên địa bàn, Hiệp hội Vận tải hàng hoá đường bộ TP Đà Nẵng đã đề nghị Bộ GTVT "Cho xe vận tải hàng hóa qua cầu có tải trọng đúng theo quyết định 60/QĐ-BGTVT với cự ly và tốc độ an toàn quy định, theo sự hướng dẫn của nhân viên quản lý đường bộ".

Cụ thể như, bố trí thời gian trong ngày cho xe tải qua lại cầu,ban ngày từ 12-15 giờ; ban đêm từ 0-3 giờ sáng và 30 phút sẽ có 1 chiều đi qua. Trong thời gian này, ngành Giao thông tiếp tục gia cố, theo dõi thường xuyêntình trạng của cầu và khẩn trương xây dựng cầu phụ để thay thế.

Từ khóa » Cầu Bà Rén