Quay Lưng Với Than Tổ Ong - Báo Đà Nẵng

Than tổ ong một thời là sự lựa chọn của nhiều gia đình bởi tính tiện ích và rẻ tiền. Nhưng hiện nay, người dân ở Đà Nẵng đang dần quay lưng lại với loại nguyên liệu này vì những độc tố thải ra từ bếp than tổ ong ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí.

Sau 6 năm đun nấu bằng than tổ ong, bà Kỷ đã chuyển sang sử dụng than củi bảo đảm sức khỏe.  Ảnh: T.Y
Sau 6 năm đun nấu bằng than tổ ong, bà Kỷ đã chuyển sang sử dụng than củi bảo đảm sức khỏe. Ảnh: T.Y

Cầu giảm, cung giảm

Những năm gần đây, dựa trên phản ánh của người dân, rất nhiều cơ sở than tổ ong trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã bị đình chỉ hoạt động do gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Thêm vào đó, nhu cầu sử dụng của người dân giảm khiến nguồn nhiên liệu này đến nay không còn được sản xuất rầm rộ như trước. Chị Hoa, bán than tổ ong tại chợ An Hải Bắc, cho biết trước đây mỗi ngày chị bán được 100 viên thì hiện nay chỉ còn 20 viên mỗi ngày do nhiều chị em buôn bán vỉa hè chuyển sang dùng than củi.

Mới đây, sau khi nhận được phản ánh của người dân qua đường dây nóng, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất tại cơ sở than tổ ong trên địa bàn do bà Kiều Thị Thu Thủy làm chủ. Theo phản ánh, cơ sở này trong quá trình sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh. Anh Nguyễn Xuân Hoài, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ngũ Hành Sơn cho biết, sau khi cơ sở của bà Thủy bị cấm hoạt động, trên địa bàn quận hiện không còn địa chỉ nào sản xuất than tổ ong, trừ Xí nghiệp than Đà Nẵng do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố quản lý. Tuy nhiên, xí nghiệp này cũng đang trong quá trình di dời do nằm trong khu giải tỏa Làng đá mỹ nghệ Non Nước.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Xí nghiệp than Đà Nẵng đưa ra so sánh, nếu như cách đây vài ba năm, mỗi tháng xí nghiệp cung ứng cho thị trường Đà Nẵng trên 15 nghìn viên than tổ ong thì hiện nay, mỗi tháng chỉ sản xuất cầm chừng 1 nghìn viên để duy trì hoạt động. Con số sụt giảm đáng kể là do thị trường hiện không còn ưa chuộng loại than này vì những tác hại của nó đến sức khỏe con người. Chưa kể, sức nóng của loại than này khiến các mái tôn bị mục nát, thủng lỗ chỗ nên rất nhiều chợ đã cấm tiểu thương, hộ buôn bán hàng ăn sử dụng trong quá trình đun nấu tại chợ.

Đơn cử tại khu vực chợ Nại Hiên Đông, hầu như không còn hàng ăn uống nào sử dụng than tổ ong để đun nấu mà chuyển sang dùng bếp gas hoặc than củi. Bên cạnh nhu cầu sử dụng của người dân giảm, Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND thành phố ngày 10-8-2010 về việc bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nêu rõ trong 19 ngành nghề không được cấp phép mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư có ngành chế biến than. Theo anh Hoài, quyết định này đã làm hạn chế nguồn cung, khiến sản lượng than tổ ong dần sụt giảm.

Chọn sức khỏe thay vì than tổ ong

Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, khi than tổ ong cháy sẽ thải ra nhiều độc tố nguy hiểm như khí CO (cacbon mônôxit), trong quá trình cháy sẽ sản sinh ra các hợp chất oxit của nitơ (NOX), là khí gây độc hại cho hệ hô hấp và hệ tuần hoàn máu. Ngoài ra, trong than tổ ong của Việt Nam có rất nhiều lưu huỳnh, khi cháy sẽ tạo ra khí SO2 gây bệnh hen suyễn và phổi… Tuy nhiên, những độc tố này không làm người sử dụng phát bệnh ngay lập tức mà thấm dần vào cơ thể một thời gian dài mới phát bệnh. Do những “lợi bất cập hại” này, thời gian qua trên địa bàn thành phố, rất nhiều hộ kinh doanh vỉa hè, quán ăn đã chấp nhận chi thêm tiền để chuyển đổi nguyên liệu đốt.

Như trường hợp của chị Kỷ, tổ 37B, phường Mân Thái là một ví dụ. Cách đây 7 năm, chị quyết định mở quán bánh canh gần nhà kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Qua tư vấn của một số người bạn, chị chọn mua bếp than tổ ong về phục vụ việc đun nấu trong suốt quá trình bán buôn. Chị bảo, thời gian ấy than tổ ong rẻ lắm, mỗi viên giá chỉ khoảng 600 đồng, đun suốt trong 6 giờ than mới tàn, lại không có khói. Mỗi ngày, chị sử dụng khoảng 3 viên cho 3 bếp là đủ.

Ngày ngày ngồi bên bếp than tổ ong, chị cảm thấy mệt mỏi, khó thở, tức ngực, tay chân, mặt mũi bị nám sạm nhưng không hiểu nguyên nhân vì sao. Khách đến quán chị ăn uống cũng than phiền mùi than gây cảm giác khó chịu và nóng bức, nhưng vì việc sử dụng than tổ ong tiện lợi lại rẻ tiền, chị cứ lần lữa chưa muốn đổi. Rồi cách đây gần 1 năm, trong một lần đi khám bệnh, bác sĩ nói chị bị viêm phổi, nếu còn sử dụng than tổ ong lâu dài sẽ dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), khó chữa trị. Về nhà, chị chia sẻ điều này với chồng con và được cả nhà khuyên không nên dùng than tổ ong để nấu nướng. Từ ngày bỏ than tổ ong qua sử dụng than củi, mỗi ngày chị chi thêm 30.000 đồng cho loại nguyên liệu mới này. “Dù giá than củi đắt hơn than tổ ong, lại có khói lúc mới nhen, nhưng từ khi chuyển qua sử dụng than củi, tôi cảm thấy dễ chịu và đỡ tức ngực, sức khỏe cải thiện hơn”, chị Kỷ nói.

Việc chuyển đổi này được ThS.BS Nguyễn Hứa Quang, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng cho rằng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Theo bác sĩ Quang, than tổ ong và thuốc lá có tác hại gần như nhau. Trên thế giới, bệnh nhân mắc COPD hầu hết là đàn ông, còn ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh này từ 10 đến 15%. Dựa trên biểu hiện bệnh, ông đúc kết rằng nam giới mắc bệnh COPD do thường xuyên sử dụng thuốc lá, sống và làm việc ở môi trường ô nhiễm như nhà máy nghiền đá, xi-măng hoặc công nhân trải nhựa đường. Còn phụ nữ thường là người nội trợ hay sử dụng than tổ ong trong việc đun nấu hoặc công nhân các nhà máy nói trên.

Theo thống kê của WHO, hiện có khoảng 600 triệu người trên thế giới bị bệnh COPD, trong đó hơn 3 triệu người chết mỗi năm. COPD là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Trước nguy cơ sử dụng bếp than tổ ong thời gian dài sẽ gây ra căn bệnh nguy hiểm trên, bác sĩ Nguyễn Hứa Quang khuyến cáo người dân không nên sử dụng than tổ ong với mật độ dày, khi sử dụng nên mang bếp ra nơi thoáng gió, đeo khẩu trang để hạn chế hít phải độc tố. Đặc biệt, phụ nữ mang thai cần tránh tiếp xúc với than tổ ong do có nguy cơ sảy thai, thai bị biến dạng, việc đốt than trong phòng kín có thể gây tử vong.

Điều đáng lo ngại là mặc dù đã có nhiều tài liệu cảnh báo về việc sử dụng than tổ ong thải nhiều độc tố nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cấm sử dụng loại than này. Nhiều hộ gia đình kinh tế khó khăn hiện vẫn chọn bếp than tổ ong để đun nấu thay vì bếp gas hay bếp dầu nhằm giảm chi phí sinh hoạt. Đó là nguyên nhân chính khiến bếp than tổ ong vẫn tồn tại đâu đó dù hiểm họa từ loại bếp này đã được nhiều người biết đến.

TIỂU YẾN

Từ khóa » Cung Cấp Than Củi Tại đà Nẵng