Quế được Mùa, được Giá - Báo Công Thương

Cùng với ổn định diện tích, các địa phương cũng đang hướng đến phát triển quế theo hướng hữu cơ, gia tăng giá trị cho cây quế.

Quế được mùa, người dân phấn khởi

Theo những hộ nông dân trồng quế tại xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, quế vụ Xuân năm 2022 bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 đến nay. Năm 2022 là năm giá quế cao nhất từ trước tới nay nên cả người dân trồng quế và tư thương đều rất phấn khởi. Các sản phẩm quế thu hoạch đến đâu có thương lái, doanh nghiệp đến tận nơi thu mua đến đó. Người trồng quế còn có thể tận thu bán lá quế, thậm chí những thân cây quế nhỏ cũng được mua với giá ổn định.

Quế được mùa, được giá

Người dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đang thu hoạch quế

Vỏ quế khô hiện đang được tư thương và các doanh nghiệp thu mua ở mức từ 58.000 - 59.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg; vỏ quế tươi 28.000 - 30.000 đồng/kg, tăng 6.000 - 7.000 đồng/kg; lá quế từ 1.800 - 2.000 đồng/kg, tăng 200 - 300 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Nguyễn Thái Bình - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lào Cai, cây quế được tỉnh xác định là cây trồng chủ lực, mũi nhọn và là cây đa tác dụng có giá trị kinh tế cao và ổn định. Tính đến thời điểm hiện tại, Yên Bái có diện tích trồng quế trên 80 nghìn ha, chiếm 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh và là tỉnh có diện tích trồng và sản lượng quế lớn nhất cả nước.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 17 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn sử dụng công nghệ lò hơi để trưng cất tinh dầu với công suất 1.000 tấn sản phẩm tinh dầu/năm. Đây là quy trình công nghệ tách triết tinh dầu quế khép kín có sử dụng tác nhân là nhiệt độ bằng hệ thống nồi hơi, không sử dụng hóa chất hoặc các tác nhân khác. Ngoài ra, còn có một số các cơ sở chế biến các sản phẩm từ quế, nhưng chủ yếu là chế biến thô.

Hướng đến sản xuất hữu cơ

Mặc dù lợi ích kinh tế mà cây quế đem lại là không nhỏ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Bình, có một thực tế đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng cây quế là công tác quản lý chất lượng cây giống, tình trạng sâu bệnh xảy ra với cây quế và tình trạng khai thác không hợp lý, tận thu quá mức… Nhiều hộ trồng quế đã khai thác ồ ạt, thậm chí khai thác trắng cả những diện tích quế còn non; chặt cây tỉa cành không khoa học, tác động xấu đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng và chất lượng sản phẩm từ quế.

Để phát triển cho ngành quế địa phương, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã quan tâm xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây quế trên địa bàn. Trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị. Cụ thể đối với các dự án có quy mô từ 1.000 ha trở lên được hỗ trợ 2 tỷ đồng/1 dự án.

“Tỉnh đưa ra định hướng cụ thể trong giai đoạn 2021- 2025 là duy trì những diện tích quế hiện có với quy mô trên 80 nghìn ha cũng như tập trung các diện tích có khả năng phát triển trong giai đoạn 2021- 2025, từ đó, tuyên truyền hướng dẫn cho các hộ trồng quế trên địa bàn tham gia thực hiện đúng quy trình quản lý rừng bền vững và tiến tới trồng chăm sóc theo hướng hữu cơ, an toàn nhằm nâng cao chất lượng cây quế” - ông Nguyễn Thái Bình cho hay.

Lào Cai đã ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng chứng chỉ quế hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào chế biến các sản phẩm quế.

Từ khóa » Giá Cả Quế Khô