Quốc Gia Thứ Hai Trên Thế Giới Chấp Nhận Bitcoin Làm Tiền Tệ Hợp Pháp

Cộng hòa Trung Phi vừa trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới chấp nhận đồng Bitcoin làm tiền tệ chính thức, sau khi quốc gia Mỹ Latin El Salvador có động thái tương tự vào năm ngoái.

Theo thông cáo từ phủ Tổng thống Cộng hòa Trung Phi, các nhà làm luật tại Quốc hội nước này vừa bỏ phiếu nhất trí thông qua dự luật hợp pháp hóa Bitcoin và các loại tiền điện tử khác.

Theo đó, Bitcoin sẽ được xem là đồng tiền pháp định, song song với đồng CAF Franc Trung Phi – tiền tệ chung 6 nước Trung Phi trong Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC) gồm: Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Tchad, Cộng hòa Congo, Guinea Xích Đạo và Gabon.

Obed Namsio, Chánh văn phòng của Tổng thống Faustin-Archange Touadera, gọi động thái này là “một bước đi mang tính quyết định nhằm mở ra những cơ hội mới cho đất nước”.

Cộng hòa Trung Phi là quốc gia có trữ lượng kim cương, vàng và nhiều khoáng chất quý khác nhưng lại được xếp hạng là một trong những quốc gia nghèo và kém phát triển nhất thế giới. Năm 2020, gần 71% trong tổng số 5,4 triệu người dân Cộng hòa Trung Phi hiện sống dưới chuẩn nghèo quốc tế, theo Ngân hàng Thế giới (WB).

Nằm giữa trung tâm châu Phi, nhiều năm qua Cộng hòa Trung Phi chìm trong bất ổn chính trị và bạo lực.

“Câu hỏi lớn là quyết định về tiền ảo này sẽ phục vụ cho ai”, David Gerard, một tác giả động lập theo dõi sát sao lĩnh vực tiền ảo trong nhiều năm, nói với CNBC. “Độ phủ internet tại Cộng hòa Trung phi là 11%. Có lẽ Chính phủ nước này đã được nói cho biết rằng việc hợp pháp hóa tiền ảo có thể giúp cải thiện hệ thống thanh toán, nhưng hiện chưa rõ bằng các nào”.

Động thái của Cộng hòa Trung phi nhận được nhiều lời khen từ cộng đồng tiền ảo và được ca ngợi là một bước tiến nữa tiến tới việc chấp nhận tiền ảo một cách chính thống.

Tuy nhiên, đây cũng là một quyết định gây tranh cãi. Trước đó, sau khi El Salvador công bố Luật Bitcoin, nhiều cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra và nước này cũng vấp phải sự chỉ trích từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

IMF thúc giục El Salvador dừng xem Bitcoin như là tiền tệ pháp định, bày tỏ quan ngại về những rủi ro mà tiền ảo này có thể gây ra cho sự ổn định tài chính và trong việc bảo vệ người tiêu dùng.

Bitcoin được biết đến là một tài sản có giá trị biến động. Điều này làm nảy sinh những nghi vấn về vai trò của tiền ảo này như một phương tiện thanh toán tiêu chuẩn. Theo Coinmarketcap, vào khoảng 15h ngày 29/4, Bitcoin giao dịch ở mức giá 39.583,32 USD, tăng 0,4% so với 24h trước. Tiền ảo này đã mất hơn 40% giá trị kể từ mức đỉnh mọi thời đại trên 68.000 USD vào tháng 11/2021.

Nhiều quốc gia phương Tây bày tỏ lo ngại về việc Nga có thể sử dụng tiền ảo để né tránh các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang nhằm vào quốc gia này do cuộc xung đột ở Ukraine. Cộng hòa Trung Phi được xem là một đồng minh thân cận của Nga.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc chấp nhận Bitcoin làm tiền pháp định có thể giúp những quốc gia nhỏ như Cộng hòa Trung Phi giảm sự phụ thuộc vào đồng Đôla Mỹ trong hoạt động thương mại toàn cầu.

“Đồng Đôla Mỹ đã được dùng làm tiền tệ giao dịch dầu mỏ toàn cầu từ những năm 1950. Sự phụ thuộc vào dầu mỏ là một vấn đề lớn hiện nay, do cuộc xung đột ở Ukraine và lệnh cấm các ngân hàng Nga sử dụng hệ thống tin nhắn ngân hàng SWIFT. Vì vậy, những tiền tệ có tính chất toàn cầu và không thể cản trở như Bitcoin có thể sẽ thực sự tỏa sáng”, Ransu Salovaara, CEO của nền tảng tiền ảo Likvidi, nhận định.

Từ khóa » Tiền Bitcoin được Bao Nhiêu Quốc Gia Công Nhận