Quốc Lộ 1A đoạn Hà Nội - Bắc Ninh Cần Nâng Cấp - CAND

Đường xuống cấp, phương tiện tăng gấp đôi tai nạn!

Tham gia giao thông trên QL1A (cũ) đoạn Hà Nội - Bắc Ninh vào bất kỳ thời điểm nào đều cảm thấy ngạt thở vì khói bụi và lưu lượng phương tiện ken chật cứng mặt đường.

Không kể nguyên nhân số lượng phương tiện đã lên đến 13 - 15 ngàn phương tiện/ngày đêm, tức gấp 2,3 lần công suất thiết kế, thì còn có nguyên nhân hành lang ATGT đã bị lấn chiếm khá nghiêm trọng, nhất là đoạn giáp Hà Nội.

Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hàng loạt vụ TNGT chết người rất thương tâm, mà người đi đường chỉ biết trông vào nhà quản lý, còn nhà quản lý trước đây thì chờ phân cấp, nay tiếp tục chờ vốn trên phê duyệt.

Theo Phòng CSGT Bắc Ninh, đoạn đường dài chừng 20km từ Đáp Cầu đến Đình Bảng, Từ Sơn mà số vụ TNGT nghiêm trọng dẫn đến chết người đã chiếm quá nửa so với số vụ trong toàn tỉnh.

Năm 2007, cả tỉnh Bắc Ninh xảy ra 66 vụ, làm chết 66 người chưa kể số bị thương, thì riêng tuyến đường này đã xảy ra 11 vụ, 14 người chết và 7 người khác bị thương.

Đáng chú ý là vụ tai nạn xảy ra tại km139, khi anh Nguyễn Văn Việt đi xe máy đèo một người phía sau đã va vào xe BKS 99H7-6594, dẫn đến 2 người chết.

Theo người dân, tai nạn xảy ra có nguyên nhân từ lượng phương tiện rất đông, xe máy, ôtô mặc sức chen lấn, lạng lách tránh những phần đường xấu dẫn đến giao thông hết sức phức tạp.

Theo khảo sát của chúng tôi, đoạn đường này hiện chỉ rộng có 7 - 10m. Trên toàn tuyến xuất hiện khá nhiều trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn. Nhẹ thì xây tường rào, một số nhà dân để vật tư sắt thép, kho chứa hàng xi măng, vật liệu xây dựng...

Ở đoạn giáp ranh, trên địa bàn Hà Nội từ cầu Chui đi hướng Bắc Ninh, hàng trăm hộ dân cư kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng, hàng cơ khí và cả trung tâm thương mại thường xuyên có xe tải siêu trường siêu trọng chở hàng, quay đầu cản trở luồng xe chạy rất mất an toàn.

Theo ông Vương Hữu Truyền - Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh, thì đoạn đường này hiện đã quá tải nhiều lần và xuống cấp trầm trọng. Nền đường qua đoạn thị trấn Lim (Tiên Du) và xã Đồng Nguyên (Từ Sơn) nhiều chỗ ổ gà như ao, nền đường rạn nứt tạo sình lầy khi mưa xuống.

Tình trạng tắc đường cả tiếng đồng hồ thường xuyên xảy ra, nhất là khu vực Từ Sơn với vài trăm phương tiện nối đuôi nhau.

Sớm nâng cấp, trả lại sự an toàn cho tuyến đường

Trước đây, khi đề cập tới tình trạng xâm lấn hành lang, xuống cấp của tuyến đường này, các cơ quan chức năng tại Bắc Ninh đưa ra lý do vì chưa được phân cấp quản lý.

Nhưng kể từ ngày 1/1/2008, Bộ GTVT đã có quyết định giao cho tỉnh Bắc Ninh tổ chức quản lý, bảo dưỡng khai thác toàn bộ đoạn đường này. Nghĩa là con đường từng một thời là huyết mạch và hiện đang gồng sức tải gấp 3 lần phương tiện qua mỗi ngày nay đã có chủ mới.

Tuy nhiên, điều dư luận lo lắng về sự an toàn của tuyến đường, chính là tập quán ăn ở, đi lại, vận tải hàng của người dân hai bên luôn luôn gắn trực tiếp với mặt đường, trong khi lưu lượng phương tiện ngày càng đông.

Nhưng còn nguyên nhân khác, bắt nguồn từ cách quản lý của chính quyền các địa phương, đó là: Tình trạng cấp đất ở cho người dân hai bên quốc lộ không quy hoạch đường gom dân sinh.

Hàng chục làng nghề truyền thống, khu công nghiệp, cụm công nghiệp như khu vực Từ Sơn, Tiên Du, Đồng Nguyên... được quy hoạch trên địa bàn cũng trổ thẳng đường dẫn ra mặt đường mà không tính tới hệ thống giao thông an toàn trước khi kết nối với quốc lộ.

Còn người dân thì mặc sức lấn chiếm nhiều năm qua chưa thể giải quyết dứt điểm. Đây cũng là thách thức lớn với ngành Giao thông địa phương, khi mà Cục Đường bộ Việt Nam vừa có chủ trương giải tỏa hành lang an toàn trên nhiều tuyến đường trong toàn quốc.

Theo ông Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh, thì tỉnh này đã có chủ trương sớm nâng cấp tuyến đường nhưng còn phải chờ trên phê duyệt kinh phí, bởi việc đầu tư con đường là rất tốn kém.

Trên cũng đã có chủ trương bằng nhiều phương thức huy động vốn, kể cả hình thức đổi đất lấy hạ tầng hoặc giao cho các địa phương nơi có tuyến đường đi qua huy động vốn.

Hy vọng rằng, những giải pháp trên sẽ đủ quyết liệt để thay đổi diện mạo một con đường nhằm đảm bảo ATGT, thay cho các biện pháp mang nặng tính hành chính như buộc cam kết chấp hành giao thông vốn rất kém hiệu quả thời gian qua

Từ khóa » Hà Nội Bắc Ninh Cũ