Quốc Tế - Mỹ-Iran Tiến Gần Hơn Tới đối đầu Quân Sự...

Ông Donald Trump ngày 4-1 cảnh báo Mỹ đã nhắm tới 52 mục tiêu ở Iran nếu nước này tấn công bất kỳ người dân hay tài sản nào của Mỹ. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Iran đang đe dạo tấn công một số cơ sở của Mỹ nhằm trả thù việc Mỹ sát hại tướng Soleimani, nhân vật được coi là quyền lực số 2 của Iran.

My-iran.jpg

Trong tuyên bố trên Twitter, ông Trump còn cho biết, con số 52 tượng trưng cho 52 con tin người Mỹ từng bị Iran bắt cóc trong nhiều năm qua. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, một số trong 52 mục tiêu này ở cấp rất cao, có ý nghĩa rất quan trọng đối với Iran và nền văn hóa nước này sẽ bị tấn công nhanh chóng và mạnh mẽ.

52 nhà ngoại giao Mỹ bị Iran bắt cóc làm con tin năm 1979, thời điểm đánh dấu bước ngoặt thù địch giữa Mỹ và Iran, khiến quan hệ hai nước luôn trong tình thế đối đầu căng thẳng kể từ đó đến nay. Vì vậy, tuyên bố trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông thường được Tổng thống Donald Trump sử dụng để công bố rộng rãi những vấn đề quan trọng, về 52 mục tiêu của Iran có thể bị Mỹ tấn công là một tín hiệu cảnh báo chiến tranh rất đáng lo ngại.

Tổng thống Donald Trump sau đó còn cảnh báo Mỹ sẽ tấn công Iran mạnh hơn bao giờ hết nếu bị Tehran trả đũa. Cũng trên Twitter, ông Trump nhấn mạnh Mỹ “sẽ không do dự” sử dụng các thiết bị quân sự lợi hại “hoàn toàn mới”.

Về phía Iran, trước đó, một chỉ huy của lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, tướng Gholamali Abuhamzeh đã khẳng định trong một buổi lễ rằng 35 mục tiêu của Mỹ nằm trong tầm ngắm của Iran và ám chỉ khả năng tấn công tàu của Mỹ. Không nêu tên mục tiêu cụ thể nào, nhưng ông Abuhamzeh nhắc tới “nhiều tàu khu trục và tàu chiến Mỹ” đi qua eo biển Hormuz. Ông cũng tuyên bố giết tướng Soleimani là “sai lầm chiến lược lớn nhất” của Mỹ trong 4 thập kỷ đối đầu với Iran và khẳng định Tehran sẽ trả thù.

Trong một diễn biến cho thấy “bóng ma” chiến tranh xuất hiện rõ ràng hơn ở khu vực, ngày 4-1, tin tặc đã đăng tải thông điệp báo thù cho tướng Soleimani trên trang web của Chương trình thư viện lưu trữ Liên bang Mỹ (FDLP). Những kẻ tấn công mạng đã đổi tiêu đề trang web thành “tin tặc Iran”, đăng ảnh cờ Iran, ảnh lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei cùng bức ảnh chế Tổng thống Donald Trump bị tấn công bằng nắm đấm. Nhóm tin tặc cho biết, vụ tấn công “chỉ là phần nhỏ trong năng lực tác chiến mạng của Iran”. Cùng ngày, thánh đường Jamkaran thành phố linh thiêng Qom lần đầu tiên đã treo lá cờ màu đỏ tượng trưng cho màu máu, báo hiệu trận “huyết chiến” để trả thù cho tướng Soleimani.

Không còn là lời đe dọa, những tuyên bố chiến tranh đã bắt đầu được hiện thực hóa bằng bạo lực. Tối 4-1, tại Iraq đã xảy ra một loạt vụ tấn công bằng súng cối và rocket nhằm vào Vùng Xanh, nơi có Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad và căn cứ không quân ở phía Bắc có một số lớn binh sĩ Mỹ đồn trú và các nhà thầu của nước này. Chưa rõ bên nào thực hiện các vụ tấn công này, nhưng với thực tế tại Iraq không thiếu các lực lượng thân Iran, thì đây rất có thể là màn dạo đầu cho những đòn trả đũa đẫm máu. Chuyên gia phân tích Erica Gaston thuộc Quỹ Nước Mỹ mới cho rằng, với hành động của Mỹ tấn công tiêu diệt trực tiếp một tướng quân đội cấp cao của Iran và sự leo thang căng thẳng với các lực lượng thân Iran ở Iraq, đây không còn là một cuộc chiến ủy nhiệm, mà đã trở thành một cuộc chiến tranh trực tiếp.

Trước những diễn biến căng thẳng, Bộ An ninh Nội địa Mỹ ngày 4-1 đã ban hành bản tin trên hệ thống khuyến cáo khủng bố về các mối đe dọa tiềm tàng sau vụ sát hại tướng Iran. Bản tin cho biết, hiện chưa có thông tin về các mối đe dọa cụ thể, tuy nhiên, Iran và các lực lượng ủng hộ, bao gồm Hezbollah đã cho thấy ý định và khả năng thực hiện các cuộc tấn công ở Mỹ. Bộ này khuyến cáo người dân Mỹ cần cảnh giác vì những kẻ cực đoan bạo lực trong nước có thể tận dụng căng thẳng hiện nay để tiến hành các vụ tấn công.

Cùng với đó là một loạt động thái cho thấy mối lo ngại chiến tranh ở khu vực là có cơ sở như việc Anh tuyên bố hải quân Hoàng gia nước này sẽ nối lại hoạt động hộ tống các tàu thương mại của Anh đi qua eo biển Hormuz. Hay việc nhóm dân quân Kata’ib Hezbollah kêu gọi lực lượng an ninh Iraq tránh xa các căn cứ đồn trú của quân đội Mỹ ít nhất 1.000m, bắt đầu từ 5 giờ chiều ngày 5-1 (giờ địa phương), ám chỉ sẽ có khả năng tấn công vào các căn cứ này. Trong khi đó, NATO đã ngừng các chiến dịch tại Iraq và liên quân quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu cũng bắt đầu giảm các hoạt động để tăng cường cho những căn cứ có quân đội Mỹ đồn trú. Chính quyền Mỹ trước đó cũng đã cho biết sẽ triển khai từ 3.000 đến 3.500 quân bổ sung tới khu vực.

Trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh Mỹ-Iran, ngày 4-1, hai nghị sĩ Mỹ là thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Ro Khanna đã giới thiệu dự luật ngăn chặn tài trợ cho bất kỳ lực lượng quân đội nào tham gia tấn công hoặc chống lại Iran mà không có sự cho phép trước đó của Quốc hội.

Các nhà lập pháp Mỹ ra tuyên bố cho rằng sự leo thang căng thẳng có thể dẫn tới một cuộc chiến thảm khốc ở Trung Đông. Tuyên bố cũng khẳng định một cuộc chiến với Iran có thể khiến vô số người thiệt mạng, tốn hàng nghìn tỷ USD và khiến nhiều người chết hơn, xung đột hơn và dịch chuyển nhiều hơn ở khu vực vốn đã rất biến động của thế giới.

Theo các nghị sĩ Mỹ, vào thời điểm hiện nay, Mỹ cần ưu tiên và đầu tư vào nhu cầu của người dân Mỹ chứ không phải tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD cho những cuộc chiến bất tận.

Phản ứng trước hành động sát hại tướng Iran của Mỹ và lo ngại chiến tranh bùng nổ, ngày 4-1, nhiều nhóm người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Washington và một số thành phố khác của Mỹ lên án cuộc không kích và quyết định triển khai thêm khoảng 3.000 binh sĩ Mỹ tới Trung Đông. Hàng trăm người biểu tình tập trung bên ngoài Nhà Trắng và giương cao khẩu hiệu kêu gọi Mỹ rút quân khỏi Trung Đông và chấm dứt các lệnh trừng phạt chống Iran. Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở New York, Chicago và nhiều thành phố khác của Mỹ.

XUÂN PHONG

Nguồn: QĐND.VN

Từ khóa » Tin Tức Iran Và Mỹ