Quốc Tế - Thế Giới Hân Hoan Chào đón Năm Mới 2021

Biểu ngữ chào mừng năm 2021 tại trung tâm thành phố Pristina, Kosovo, ngày 30/12/2020. Người dân Kosovo sẽ đón năm mới tại nhà do bối cảnh đại dịch COVID-19. (Ảnh: AFP) 

Khép lại một năm 2020 đầy biến động, có lẽ ngoài những điều mong ước cho bản thân và gia đình, chưa bao giờ người dân thế giới lại có chung một mong ước giản dị như hiện nay. Từ châu Âu, châu Á hay đến châu Phi, người dân đều có chung một điều ước đó là mong đại dịch COVID-19 qua nhanh để được trở về cuộc sống bình thường như trước

Không có những màn đếm ngược đông nghẹt người hay các bữa tiệc tưng bừng trên đường phố, nhưng người dân thế giới vẫn đón chào 2021 với những màn pháo hoa rực sáng trên bầu trời đêm mang theo nhiều hy vọng và ước nguyện về một năm mới yên bình và tươi sáng hơn.

Đúng 11h59' đêm 31/12/2020 (giờ Mỹ), quả cầu pha lê đã được thả xuống Quảng trường Thời đại ở thành phố New York vào thời khắc đón mừng năm mới. Đây là truyền thống đón năm mới ở New York, song lần đầu tiên quả cầu pha lê được thả xuống mà không có sự chứng kiến trực tiếp của khán giả do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.  

Không vì COVID-19 mà những tiếng chuông đồng hồ Big Ben của Anh ngân bé hơn hay những người tham dự tại đó, dù với số lượng rất hạn chế, cũng cảm thấy bớt hào hứng hơn khi thời khắc năm mới đến. Đối với người dân Anh sau nhiều năm Brexit trắc trở, năm 2021 là thời điểm chính thức nước Anh ra khỏi ngôi nhà chung châu Âu, với nhiều những hi vọng về thịnh vượng và phát triển sẽ đến với người dân xứ sở sương mù.

Năm mới đến với người dân Nga bằng màn pháo hoa rực rỡ trên Quảng trường đỏ và Điện Kremlin mặc dù họ chỉ được tận hưởng không khí qua màn hình. Quảng trường bị phong tỏa, các nhà hàng và quán bar đóng cửa để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cũng là điều thú vị, khi các gia đình có cơ hội quây quần trong khoảnh khắc quan trọng nhất. Một nước Nga thịnh vượng và phát triển là điều nhiều người dân nước này mong muốn trong năm 2021.

Trong thời khắc chuyển giao giữa năm 2020 và 2021, các nhà lãnh đạo thế giới đã gửi thông điệp tới người dân nước mình cũng như các quốc gia trên toàn cầu, qua đó kêu gọi đoàn kết, hàn gắn, bày tỏ hy vọng vào một năm mới tươi sáng hơn, hướng tới chiến thắng của nhân loại trước đại dịch COVID-19.

Quan hệ Anh – EU chính thức bước sang chương mới

Anh bước sang chương mới, hoàn toàn tách khỏi EU. (Ảnh: Reuters) 

Khi đồng hồ chạm mốc 0 giờ ngày 1/1/2021 ở Brussels (Bỉ), đây không chỉ là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà đây còn là cột mốc quan trọng đối với Anh và Liên minh châu Âu (EU).

Quá trình chuyển tiếp Brexit đã chính thức khép lại, Anh đã chính thức cắt đứt quan hệ với EU và thỏa thuận thương mại mà hai bên vừa đạt được sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay. Theo đó, Thỏa thuận đạt được vào phút chót hồi tuần trước giữa Anh và EU có nhiều quy định mới sẽ được áp dụng theo lộ trình, tùy theo từng lĩnh vực, nhất là về thương mại, nghề cá, cơ chế giải quyết tranh chấp và hợp tác năng lượng.

Ngoài ra, một lĩnh vực khác cũng sẽ tác động đến người dân Anh và EU là những quy định mới về việc đi lại giữa hai bên. Cụ thể là từ đầu tháng 10 tới, người dân hai bên sẽ không còn được sử dụng căn cước công dân như cũ, mà phải dùng tới hộ chiếu giống như công dân các nước ngoài EU. Ngoài ra, họ cũng sẽ phải xếp hàng làm thủ tục hải quan mỗi khi xuất hay nhập cảnh, thay vì được ưu tiên đi qua cửa riêng như trước.

Giới phân tích nhận định năm 2021 sẽ là một năm đầy thử thách đối với EU khi cả khu vực sẽ vừa phải nỗ lực khống chế đại dịch COVID-19, tái thiết kinh tế sau đại dịch, vừa phải lấp đầy những khoảng trống do Brexit tạo ra.

Tấn công đẫm máu tại Syria, Yemen

Hiện trường vụ tấn công ở sân bay quốc tế Aden, ngày 30/12. (Ảnh: CNN) 

Một cuộc tấn công nhằm vào một chiếc xe buýt ở miền Đông Syria hôm 30/12/2020 khiến ít nhất 37 binh sĩ thiệt mạng. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc. Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết các binh sĩ bị tấn công khi đang trên đường về nhà nghỉ lễ ở tỉnh Deir Ezzor, miền đông Syria. Theo SOHR, hai chiếc xe buýt khác nằm trong đoàn xe đã chạy thoát được.

Liên quan tới vụ nổ lớn xảy ra tại sân bay ở thành phố Aden, miền Nam Yemen ngày 30/12/2020 (theo giờ địa phương) đã khiến ít nhất 26 người thiệt mạng và hơn 60 người bị thương, trong một âm mưu được cho là nhằm vào chiếc máy bay chở Thủ tướng Maeen Abdulmalik và toàn bộ Nội các trong tân chính phủ vừa hạ cánh.

Theo báo cáo ban đầu, các vụ nổ được gây ra bởi pháo kích hoặc tên lửa. Sau đó không lâu, một vụ nổ khác tiếp tục xảy ra gần cung điện Mashiq được xây dựng kiên cố ở Aden, nơi các thành viên Nội các được di tản tới sau vụ tấn công ở sân bay. Không có báo cáo ngay lập tức về thương vong ghi nhận từ địa điểm này được công bố.

Các vụ tấn công xảy ra ít ngày sau khi Chính phủ đoàn kết mới của Thủ tướng Maeen tuyên thệ nhậm chức vào cuối tuần trước. Đây là kết quả của một thỏa thuận chính trị giữa Nội các Yemen do Tổng thống Abd Rabbu Mansour Hadi đứng đầu và lực lượng ly khai có tên gọi Hội đồng chuyển tiếp miền Nam (STC). Vụ việc vừa xảy ra tại sân bay ở thủ đô Aden có thể khiến cho Yemen chỉ còn duy trì được 1 sân bay hoạt động đầy đủ phục vụ cho 28 triệu dân nước này trong bối cảnh đang chịu lệnh phong tỏa.

Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU và sứ mệnh khôi phục niềm tin

 Bồ Đào Nha chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU kể từ 1/1/2021. (Ảnh: CD News)

Kể từ ngày 1/1/2021, Bồ Đào Nha chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng. Những gì nước chủ tịch tiền nhiệm Đức đã làm được vừa là tiền đề tốt, song cũng là áp lực không nhỏ đối với Bồ Đào Nha trong sứ mệnh phục hồi nền kinh tế và đưa châu Âu vượt qua cơn khủng hoảng COVID-19 hiện nay.

Trong 6 tháng ngắn ngủi, Bồ Đào Nha phải khẳng định nhiệm vụ tối quan trọng là phải tăng cường khả năng phục hồi của châu Âu và niềm tin của người dân vào mô hình xã hội châu Âu, thúc đẩy một liên minh dựa trên các giá trị chung về đoàn kết, hội tụ và gắn kết - một liên minh có khả năng phối hợp hành động để phục hồi sau khủng hoảng.

Để thực hiện mục tiêu này, Bồ Đào Nha đặt ra ba nhóm ưu tiên chính bao gồm: Thúc đẩy sự phục hồi của châu Âu với đòn bẩy là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi số; thực hiện trụ cột về quyền xã hội của châu Âu và củng cố quyền tự chủ chiến lược của châu Âu. Nói cách khác, Bồ Đào Nha sẽ theo đuổi 5 mục tiêu, cụ thể là thúc đẩy sự phục hồi, gắn kết và các giá trị của châu Âu (châu Âu phục hồi); đưa châu Âu trở thành ngọn cờ đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (châu Âu xanh); đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp (châu Âu số hóa); thúc đẩy và củng cố mô hình xã hội châu Âu (châu Âu xã hội) và cuối cùng là tiếp tục tăng cường sự cởi mở của châu Âu với thế giới (châu Âu toàn cầu).

Đó là những nhiệm vụ nặng nề, song cũng là mục tiêu Bồ Đào Nha đặt ra trên cương vị Chủ tịch luân phiên EU, nhằm thực hiện "sứ mệnh" khôi phục niềm tin của người dân vào mô hình gắn kết của EU.

Bộ Ngoại giao Cuba phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez phản đối mạnh mẽ lệnh trừng phạt của Mỹ

(Ảnh: AFP) 

Ngày 1/1, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez đã lên tiếng phản đối việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Ngân hàng Tài chính quốc tế của đảo quốc Caribe này vào danh sách cấm các tổ chức và công dân Mỹ giao dịch.

Ông Rodriguez khẳng định biện pháp trừng phạt đơn phương và trái phép mới này tiếp tục siết chặt cuộc bao vây, cấm vận trong suốt 62 năm qua của Mỹ chống Cuba nhằm công khai bóp nghẹt nền kinh tế và thay đổi chế độ tại “hòn đảo tự do.”

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra thông cáo cho biết biện pháp trên sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2021, sau khi Bộ Ngoại giao nước này công bố danh sách cập nhật các tổ chức Cuba bị trừng phạt do bị cho là nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Các lực lượng vũ trang Cuba (MINFAR).

Ngày 30/12/2020, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel và Bộ trưởng Rodriguez cũng đã tố cáo ý định của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Cuba trở lại danh sách do cơ quan này công bố định kỳ về các nước bảo trợ khủng bố.

WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên

Vaccine mRNA Comirnaty COVID-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất là loại đầu tiên được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp. (Ảnh: zingnews.vn) 

Ngày 1/1/2021, mở màn cho một năm mới với nhiều kỳ vọng sẽ đẩy lùi được đại dịch COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo trên Twitter: "Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) đã trở thành vaccine đầu tiên nhận được sự phê duyệt để sử dụng khẩn cấp kể từ lúc dịch bùng phát".

Việc WHO đưa vaccine của Pfizer/BioNTech vào sử dụng khẩn cấp sẽ mở đường cho các quốc gia trên khắp thế giới nhanh chóng đồng ý nhập khẩu và phân phối vaccine này.

“Động thái của WHO là một bước rất tích cực hướng đến đảm bảo toàn cầu được tiếp cận vaccine ngừa COVID-19”, bà Mariangela Simao, một quan chức WHO phụ trách mảng tiếp cận thuốc men và các sản phẩm y tế, đánh giá.

Tuy nhiên, bà Mariangela Simao cũng muốn nhấn mạnh "cần có một nỗ lực toàn cầu lớn hơn để có đủ nguồn cung vaccine nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhóm người ưu tiên khắp mọi nơi".

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 3/1/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 84.966.941 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1.842.935 ca tử vong và 60.084.224 ca phục hồi. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 548.887 ca mắc và 8.137 ca tử vong mới vì đại dịch./.

Từ khóa » Thế Giới Chào đón Năm Mới 2021