Quy Chế Làm Việc - BacLieu

Ban Quản lý làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ thủ trưởng; cá nhân chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công; trong đó:

1. Lãnh đạo Ban:

a. Trưởng ban: Là người quản lý và điều hành mọi hoạt động của Ban Quản lý; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý.

b. Phó Trưởng ban: Là người giúp Trưởng ban quản lý, điều hành hoạt động của Ban Quản lý; phụ trách một số lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ theo sự phân công hoặc ủy quyền của Trưởng ban (bằng văn bản riêng) và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về lĩnh vực được phân công, ủy quyền.

2. Các bộ phận:

a. Trưởng bộ phận: Là người quản lý và điều hành mọi hoạt động của bộ phận; chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao (theo quy định tại chương II); trong đó:

- Xây dựng, công khai quy trình xử lý từng công việc và kịp thời điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành hoặc ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền;

- Quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong bộ phận. Phân công nhiệm vụ cụ thể; đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho từng thành viên và mỗi năm tổ chức kiểm tra ít nhất một lần.

b. Phó Trưởng bộ phận: Là người giúp Trưởng bộ phận quản lý, điều hành hoạt động của bộ phận; phụ trách một số lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ theo sự phân công của Trưởng bộ phận và chịu trách nhiệm trước Trưởng bộ phận về lĩnh vực được phân công.

c. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có trách nhiệm tổ chức thực hiện các công việc do Trưởng, Phó bộ phận phân công; xử lý công việc đúng quy trình và chịu trách nhiệm trước Trưởng, Phó bộ phận về kết quả công việc do mình thực hiện.

Mối quan hệ trong công tác

1. Mối quan hệ giữa Lãnh đạo Ban và các bộ phận:

Là mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, trường hợp có ý kiến khác nhau thì ý kiến của Lãnh đạo Ban là quyết định cuối cùng, Trưởng các bộ phận có trách nhiệm chấp hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiến của Lãnh đạo Ban, đồng thời được quyền bảo lưu ý kiến của mình.

2. Mối quan hệ giữa các bộ phận với nhau:

Là mối quan hệ phối hợp, cộng đồng trách nhiệm để thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong đó:

a. Đối với công việc đột xuất hoặc chưa có quy trình xử lý, thì:

- Bộ phận chủ trì (được Lãnh đạo Ban giao) lấy ý kiến (bằng văn bản hoặc trao đổi trực tiếp) đối với các bộ phận có liên quan về những nội dung cần thiết; sau đó tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý và chịu trách nhiệm về đề xuất của mình.

- Bộ phận phối hợp có trách nhiệm góp ý (bằng văn bản hoặc trao đổi trực tiếp) về những nội dung mà bộ phận chủ trì xin ý kiến; theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và chịu trách nhiệm về góp ý đó.

b. Đối với công việc đã có quy trình xử lý, thì:

- Bộ phận phối hợp chủ động gửi và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình (nội dung, yêu cầu, v.v… theo đúng quy định, quy trình) đến bộ phận chủ trì đúng thời gian quy định.

- Bộ phận chủ trì tổng hợp ý kiến của các bộ phận phối hợp và căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đề xuất hướng xử lý; chịu trách nhiệm về đề xuất của mình.

3. Mối quan hệ trong cùng một bộ phận với nhau:

Các thành viên trong bộ phận (kể cả Phó bộ phận) chịu trách nhiệm trực tiếp trước Trưởng bộ phận về công việc được giao do mình thực hiện; trường hợp có ý kiến khác nhau thì ý kiến của Trưởng bộ phận là quyết định cuối cùng, các thành viên có trách nhiệm phải thi hành và được quyền bảo lưu ý kiến của mình.

Thời gian làm việc

Ban Quản lý áp dụng thời gian làm việc theo quy định của Nhà nước; theo đó:

1. Tuần làm việc 40 giờ (từ thứ Hai đến thứ Sáu); ngày làm việc 08 giờ (Sáng từ 07 giờ đến 11 giờ, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ); các ngày nghỉ Lễ, Tết, v.v… theo quy định hiện hành;

Làm việc ngoài giờ quy định nêu trên (nếu có) phải được sự chấp thuận của Lãnh đạo Ban, được chấm công và chi trả tiền làm thêm; Trưởng các phòng nghiệp vụ có trách nhiệm theo dõi và chấm công (hàng tháng) gởi về Văn phòng để làm thủ tục chi trả tiền lương theo quy định.

2. Nghỉ phép, nghỉ việc riêng được thực hiện theo quy định hiện hành, về thời gian nghỉ: Chánh Văn phòng và Trưởng các phòng nghiệp vụ có quyền giải quyết 01 ngày, từ 02 ngày trở lên do Lãnh đạo Ban quyết định; Chánh Văn phòng và Trưởng, Phó các bộ phận trước khi nghỉ phải được sự chấp thuận của Lãnh đạo Ban.

Chế độ hội họp

1. Họp báo định kỳ: Vào lúc 08 giờ ngày thứ Hai của tuần thứ nhất và tuần thứ ba trong tháng (nếu trùng vào ngày nghỉ thì dời lại ngày làm việc kế tiếp), do Lãnh đạo Ban chủ trì với Trưởng các bộ phận (trường hợp Trưởng bộ phận vắng thì cử cấp phó dự thay, nhưng phải báo cáo và được sự chấp thuận của Lãnh đạo Ban); nội dung đánh giá kết quả công tác 02 tuần vừa qua và đề ra kế hoạch, phương hướng thực hiện nhiệm vụ trong 02 tuần kế tiếp;

2. Họp báo đột xuất: Khi có yêu cầu cần thiết của công việc, do Trưởng ban quyết định;

3. Họp nội bộ của các bộ phận: Vào lúc 08 giờ ngày thứ Sáu hàng tuần, để đánh giá kết quả công tác của tuần vừa qua và đề ra phương hướng thực hiện nhiệm vụ tuần kế tiếp, trao đổi nghiệp vụ, chuyên môn, v.v...; khi cần thiết Lãnh đạo Ban sẽ cùng tham dự;

4. Họp, sinh hoạt Đảng và các Đoàn thể do các tổ chức này quy định sau khi có sự thống nhất của Lãnh đạo Ban.

Chế độ báo cáo

1. Báo cáo phục vụ họp báo định kỳ: Các bộ phận gửi báo cáo kết quả công tác 02 tuần qua, kế hoạch 02 tuần tới và những kiến nghị, vướng mắc ... về Phòng Tổng hợp chậm nhất là 14 giờ ngày thứ Sáu của tuần trước liền kề ngày họp báo định kỳ; Phòng Tổng hợp có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo về những kiến nghị, vướng mắc (nếu có) của các bộ phận và đề xuất hướng xử lý tại cuộc họp;

2. Báo cáo định kỳ (của Ban gửi các cơ quan chức năng): Các bộ phận căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xây dựng dự thảo báo cáo đúng yêu cầu, nội dung, thời gian, v.v... theo hướng dẫn hoặc quy định của các cơ quan chức năng và trình Lãnh đạo Ban xem xét trước thời hạn quy định ít nhất là 01 ngày;

3. Báo cáo đột xuất: Theo yêu cầu của Lãnh đạo Ban hoặc trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc xuất hiện những yếu tố mới hoặc cần đề đạt nguyện vọng, v.v...; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều có quyền và nghĩa vụ báo cáo, đề xuất phương án xử lý (bằng văn bản hoặc trực tiếp hoặc điện thoại) với Trưởng bộ phận hoặc Lãnh đạo Ban để kịp thời xem xét, quyết định.

Quy trình xử lý văn bản

1. Tất cả văn bản đến cơ quan đều do Văn phòng tiếp nhận để ghi số, ngày văn bản đến và vào sổ theo dõi văn bản đến; Chánh Văn phòng tổng hợp trình Lãnh đạo Ban xử lý trong mỗi buổi làm việc, sau đó ghi ý kiến xử lý của Lãnh đạo Ban và chuyển đến các bộ phận để triển khai thực hiện;

2. Căn cứ ý kiến xử lý, chỉ đạo của Lãnh đạo Ban hoặc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao (đối với báo cáo định kỳ); các bộ phận có trách nhiệm soạn thảo văn bản (kể cả bản vẽ hoặc các loại giấy theo mẫu, v.v...) trình Lãnh đạo Ban xem xét, quyết định; Trưởng bộ phận chịu trách nhiệm toàn bộ (từ nội dung đến thể thức) về văn bản trình Lãnh đạo Ban;

3. Văn bản sau khi được Lãnh đạo Ban ký, Văn phòng có trách nhiệm ghi số, ngày, tháng, năm phát hành; đóng mộc cơ quan, tên và chức danh người ký; vào sổ theo dõi văn bản đi và phát hành đúng số lượng theo nơi nhận ghi trong văn bản; Văn phòng không phát hành văn bản sai thể thức và kịp thời báo cáo Lãnh đạo Ban để xử lý.

Thẩm quyền ký văn bản

1. Trưởng ban ký tất cả văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật;

2. Các Phó Trưởng ban được thay mặt Trưởng ban ký các loại văn bản thuộc lĩnh vực do Trưởng ban phân công hoặc ủy quyền mình phụ trách;

3. Chánh Văn phòng và Trưởng các phòng nghiệp vụ được ký tắt (ký nháy) các văn bản do bộ phận mình soạn thảo trước khi trình Lãnh đạo Ban ký;

4. Chánh Văn phòng được thừa lệnh Trưởng ban ký các văn bản: Giấy giới thiệu; Giấy đi đường; Thư mời; Thông báo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Ban về điều hành công việc nội bộ và bản sao văn bản (xác nhận)./.

Tải bản chính tại đây.

Từ khóa » Cách Xây Dựng Quy Chế Làm Việc