Quy Dieu Va Noi Luat - Ban The Dao
Có thể bạn quan tâm
Huấn Từ
"Cái tài thì do sự học mà có, cái đức là do lập chí tu thân theo Đạo Thánh Hiền mà được. Nếu có tài mà không có đức thì cũng như đóa hoa có sắc mà không có hương; cái tài đó cũng không phải là tài hữu dụng."ĐỨC CAO THƯỢNG SANH (Trích huấn từ ngày mùng 8 tháng 2, 1970-Canh Tuất)
QUY ĐIỀU
THÀNH LẬP
Chiếu theo Thánh Giáo Đức LÝ GIÁO TÔNG ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ ngày mồng 3 tháng Chạp năm Quý Tỵ (1953) và Thánh Giáo Đức Hộ Pháp ngày mồng 9 tháng 2 năm Ất Tỵ (1965).
TU CHỈNH
Quy Điều đã được tu chỉnh do HỘI THÁNH HIỆP THIÊN ĐÀI theo Vi bằng số 10/VB ngày mùng 6 tháng 6 năm Kỷ Dậu (DL ngày 19.7.1969) và được Đức Hộ Pháp phê chuẩn do THÁNH GIÁO đêm mùng 4 tháng 7 năm Kỷ Dậu (DL: 16.8.1969.ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ (Tứ Thập Niên) TÒA THÁNH TÂY NINH
HIỆP THIÊN ĐÀI VĂN PHÒNG THƯỢNG SANH, - SỐ:01/TL
THƯỢNG SANH CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
CHIẾU TÂN LUẬT VÀ PHÁP CHÁNH TRUYỀN,Chiếu HIẾN PHÁP và NỘI LUẬT HIỆP THIÊN ĐÀI ngày Rằm tháng Hai năm Nhâm Thân (DL. 21-3-1932),
Chiếu HIẾN PHÁP Hiệp Thiên Đài ngày mồng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn (DL. 20-2-1964),
Chiếu THÁNH GIÁO của Đức LÝ GIÁO TÔNG đêm mồng 3 tháng Chạp năm Quý-Tỵ (1953) ấn-định 4 phẩm trong Ban Thế Đạo như sau:
- 1. HIỀN TÀI 2. QUỐC SĨ 3. ÐẠI PHU 4. PHU TỬ
Nghĩ vì HỘI-THÁNH đã lập xong QUY ĐIỀU của BAN THẾ ÐẠO được sự chấp thuận của Đức Hộ Pháp do Thánh Giáo đêm mồng 9 tháng 2 năm Ất Tỵ (DL. 11-3-1965), nên:
THÁNH LỊNH
ĐIỀU THỨ NHẤT: - Để cầu hiền giúp ÐẠO, Hội Thánh đã lập thành Ban Thế Đạo với Quy Điều kèm theo đây kể từ ngày ký tên Thánh Lịnh này.ĐIỀU THỨ NHÌ: - BAN THẾ ÐẠO đặt dưới quyền trực thuộc Hội Thánh Hiệp Thiên Đài " CHI THẾ ".
ĐIỀU THỨ BA: -Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hội Thánh Phước Thiện, tùy nhiệm vụ, lãnh ban hành và thi hành THÁNH LỊNH này.
TÒA THÁNH, ngày 28 tháng năm Ất-Tỵ (DL. ngày 30-3-1965) THƯỢNG SANH CHƯỞNG QUẢN HIỆP-THIÊN-ĐÀI (Ấn ký)
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ (Tứ Thập Niên) TÒA THÁNH TÂY NINH
HIỆP-THIÊN-ĐÀI VĂN PHÒNG THƯỢNG SANH SỐ: 114/QCQ
BẢO THẾ QUYỀN CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
Kính gởi:Quý Hiền Huynh:
- -ĐẦU SƯ kiêm THƯỢNG CHÁNH PHỐI SƯ -Quyền NGỌC CHÁNH PHỐI SƯ -GIÁO SƯ Xử Lý Thường Vụ Văn Phòng THÁI CHÁNH PHỐI SƯ -CHƯỞNG QUẢN PHƯỚC THIỆN
Quý Hiền Tỷ:
- -NỮ CHÁNH PHỐI SƯ, Chưởng Quản Nữ Phái CỬU TRÙNG ĐÀI -NỮ PHỐI SƯ, Chưởng Quản Nữ Phái PHƯỚC THIỆN.
Kính Quý Hiền Huynh và Hiền Tỷ, HỘI THÁNH HIỆP THIÊN ĐÀI đã lập thành BAN THẾ ÐẠO và Bản QUY ĐIỀU liên hệ, được Đức HỘ PHÁP chấp nhận do Thánh Giáo đêm mùng 9 tháng 2 Ất Tỵ (11-3-1965).
Đây là một phương sách mở rộng cửa Từ Bi tiếp rước nhân tài có thiện tâm giúp Hội Thánh điểm tô Đại Nghiệp Đạo và cũng là phương tiện dìu độ Nguyên nhân nhập trường công quả.
Tôi xin Hội Thánh CỬU TRÙNG ĐÀI và PHƯỚC THIỆN phổ biến tài liệu quý báu này cho Chư Vị Khâm Châu và Đầu Tộc khi gặp Sĩ Phu Quân Tử hãy hết dạ ân cần đón tiếp.
Nay kính TÒA THÁNH, ngày 8 tháng 3 năm Aát-Tỵ (DL. ngày 9-4-1965) QUYỀN CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI BẢO THẾ LÊ THIỆN PHƯỚC (Ấn ký)
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ (Tứ Thập Niên) TÒA THÁNH TÂY NINH
VĂN PHÒNG HIỆP THIÊN ĐÀI
BAN THẾ ÐẠO
QUY ĐIỀU
Thể theo tinh thần Thánh Giáo của Đức LÝ GIÁO TÔNG đêm mùng 3 tháng 12 năm Quý Tỵ (1953) và theo tôn chỉ của ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ, Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh thành lập BAN THẾ ÐẠO cốt yếu mở rộng trường công quả tiếp đón những bậc nhân tài văn võ có khả năng phụng sự cho Đạo mà không thể phế Đời hành Đạo.
BAN THẾ ÐẠO tức là cơ quan thuộc về phần Đời bắt nguồn từ cửa Đạo - phát xuất làm dây nối liền cho Đạo Đời tương đắc tương liên, ngõ hầu tạo lập một đời sống thanh bình cho nhơn loại trong thời chuyển thế.
CHƯƠNG I
NHIỆM VỤ VÀ PHẨM TRẬT
Chức Sắc trong Ban Thế Đạo có nhiệm vụ độ ĐỜI nâng ÐẠO và hành sự trực tiếp với Cửu Trùng Đài về mặt chuyên môn trong Xã Hội, và trực thuộc Hiệp Thiên Đài "CHI THẾ" về mặt Chơn Truyền và Luật Pháp.BAN THẾ ÐẠO gồm có 4 phẩm:
- HIỀN TÀI QUỐC SĨ ÐẠI PHU PHU TỬ
Những vị nào muốn được tuyển trạch vào Ban Thế Đạo phải có 2 Vị Chức Sắc trong Đạo tiến cử và phải nhập môn cầu Đạo, khi được Hội Thánh chấp nhận vào hàng phẩm kể trên tùy địa vị ngoài Đời của đương sự.
I- HIỀN TÀI:-- Là bậc trí thức chọn vào trong hàng Đạo Hữu có Văn Bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp hoặc Văn Bằng Sơ Học (Certificat d'Etudes Primaires) hồi xưa, hoặc trong hàng Công, Tư Chức bậc Trung Cấp Nam Nữ đương quyền từ 40 tuổi sắp lên, hay đã hồi hưu, hay trong hàng Sĩ phu có Tú Tài toàn phần từ 21 tuổi sắp lên và hàng Sĩ Quan từ Đại Úy sắp lên.
Ngoài ra những Vị có Học lực khá và có khả năng mở mang kinh tế làm nên sự nghiệp như Nghiệp Chủ, Điền Chủ, nhà Thầu Khoán có giúp ích cho Đạo có đủ bằng chứng cũng được xin vào hàng phẩm Hiền Tài.
Những vị 40 tuổi sắp lên được chọn vào phẩm Hiền Tài phải có thành tích lập công với Đạo và đầy đủ hạnh đức.
Con nhà Đạo dòng khi xin gia nhập Ban Thế Đạo được miễn xuất trình Sớ cầu Đạo (con những Vị Chức Sắc tiền bối có công khai Đạo lúc ban sơ)
. Hai Vị Chức Sắc tiến cử phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với Hội Thánh về phương diện hạnh đức của người mình tiến cử vào Ban Thế Đạo.
II- QUỐC SĨ: - Những danh nhơn được trạch cử vào hàng Quốc Sĩ phải có điều kiện sau đây:
- 1) Bậc Hiền Tài đầy đủ hạnh đức, đã dày công giúp Đạo trợ Đời được công chúng hoan nghinh có văn bằng minh chứng.
- 2) Bậc Nhân Sĩ có công nghiệp vĩ đại đối với Quốc gia Dân tộc có bằng chứng cụ thể đắc nhơn tâm.
- 3) Các Tổng Trưởng, Bộ Trưởng, Sứ Thần, Tướng Lãnh và các vị Tiến Sĩ, Thạc Sĩ có thiện tâm giúp Đạo, kỳ công trợ Đời.
III- ÐẠI PHU:- Những danh nhơn được sắp vào hạng Đại Phu là:
- 1) - Bậc Quốc Sĩ đầy đủ hạnh đức, dày công giúp Đạo về việc phổ thông Giáo Lý và giúp Đời về mặt thâu phục nhơn tâm.
- 2) - Những bậc có địa vị cao trọng trong nước như Quốc Trưởng, Tổng Thống hay Thủ Tướng và các ân nhân của nhơn loại có thiẹân tâm giúp Đạo và kỳ công trợ Đời.
IV- PHU TỬ:- Những danh nhơn được sắp vào hàng Phu Tử là:
- 1) - Bậc Đại Phu đầy đủ hạnh đức có đại công tế thế an bang.
- 2) - Bậc vĩ nhân khổ hạnh phổ truyền Chơn Giáo dìu độ toàn dân một nước hay nhiều nước.
*Phương thức chọn lọc và phong vị: a) - Hàng phẩm Hiền Tài do Hội Thánh Hiệp Thiên Đài chọn lọc và tấn phong (1).
b) - Các hàng phẩm QUỐC SĨ, ÐẠI PHU và PHU TỬ do Hội Thánh Hiệp Thiên Đài tuyển chọn và dâng lên quyền Thiêng Liêng phán định.
CHƯƠNG II
HỆ THỐNG
Ban Thế Đạo đặt Văn Phòng Trung Ương tại Tòa Thánh Tây Ninh và những Văn Phòng Địa Phương tại các Châu và Tộc Đạo.Tại Trung Ương thì hành sự trực thuộc dưới quyền Hội Thánh Hiệp Thiên Đài "CHI THẾ".
Tại Địa Phương, Ban Quản Nhiệm Địa Phương hoặc Đại Diện Ban Quản Nhiệm Địa Phương hành sự trực tiếp với Ban Quản Nhiệm Trung Ương và tiếp xúc với Chức Sắc Cửu Trùng Đài tại Địa Phương ấy về mặt Đạo.
CHƯƠNG III
LỄ PHỤC
Lễ Phục HIỀN TÀI.- Áo tràng trắng, đầu bịt khăn đóng đen, mang dấu hiệu Cổ Pháp Giáo Tông nơi ngực, thêm hai chữ "Hiền Tài" bằng Quốc ngữ, trong giờ chầu Lễ giữ địa vị trên Phẩm Lễ Sanh dưới Giáo Hữu.Lễ Phục QUỐC SĨ.- Y như của Hiền Tài, Cổ Pháp thêm hai chữ "Quốc Sĩ", khi chầu Lễ giữ địa vị trên phẩm Giáo Hữu dưới Giáo Sư.
Lễ Phục ÐẠI PHU.- Y như của Quốc Sĩ, nhưng đầu bịt khăn đóng đen chín lớp chữ Nhứt, Cổ Pháp thêm hai chữ "Đại Phu", khi chầu Lễ giữ địa vị trên Phẩm Giáo Sư dưới Phối Sư.
Lễ Phục PHU TỬ.- Y như Đại Phu, Cổ Pháp thêm hai chữ "Phu Tử", khi chầu Lễ giữ địa vị trên Phẩm Chánh Phối Sư dưới Đầu Sư.
Lễ Phục của Nữ Phái y như Nam Phái, nhưng để đầu trần.
Về Thế Phục thì tùy ý, nhưng được mang Phù hiệu theo đẳng cấp nơi ngực bên trái.
Chức Sắc Ban Thế Đạo khi lãnh nhiệm vụ đặc biệt của Hội Thánh Hiệp Thiên Đài và với sự chấp thuận của Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, được mang Trường Y (06) sáu nút như tiểu phục Chức Sắc Hiệp Thiên Đài, trong thời gian thi hành nhiệm vụ được giao phó.
CHƯƠNG IV
CẦU PHONG VÀO HÀNG THÁNH
Chức Sắc Ban Thế Đạo muốn cầu phong vào hàng Chức Sắc Hiệp Thiên Đài hay Cửu Trùng Đài phải nộp hồ sơ gồm có:
- 1) - Chứng chỉ cấp bậc hiện tại do CHI THẾ cấp phát. 2) - Tờ hiến thân trọn đời cho Đạo. 3) - Tờ khai lý lịch. 4) - Tờ ước nguyện giữ gìn trai giới theo luật pháp Đại Đạo.
Quyền phong vị vào hàng Chức Sắc Thánh Thể Đức Chí Tôn tại thế do Hội Thánh Hiệp Thiên Đài đề cử và dâng lên quyền Thiêng liêng định đoạt.
Thể theo tinh thần Thánh Lịnh Đức HỘ PHÁP số 49, ngày mồng 1 tháng 6 năm Tân Mão (DL ngày 4-7-1951) thành lập ngôi vị Hiền Tài trong cửa Đạo sau (05) năm năm công nghiệp có Bộ Pháp chánh minh tra đủ lẽ, bậc Hiền Tài sẽ cầu phong vào hàng Chức Sắc Hiệp Thiên Đài hay Cửu Trùng Đài do Thiêng liêng chỉ định.
Cũng như trên, bậc QUỐC SĨ, ÐẠI PHU và PHU TỬ sẽ được cầu phong do quyền Thiêng liêng định đoạt.
Khi đắc phong vào hàng Thánh rồi thì không còn phận sự trong Ban Thế Đạo nữa và phải tuân y trọn vẹn Tân Luật và Pháp Chánh Truyền.
Ngày sau Bản Quy Điều này có thể bổ sung hay điều chỉnh tùy nhu cầu tiến hóa của nhơn sanh.
Quy Điều này đã được tu chỉnh do Hội Thánh Hiệp Thiên Đài theo vi bằng số 10/VB ngày mùng 6 tháng 6 năm Kỷ Dậu (DL. ngày 19-7-1969) và được Đức Hộ Pháp phê chuẩn do Thánh giáo đêm mùng 4 tháng 7 Kỷ Dậu. (DL.16-8-1969).
(1) CHÚ GIẢI: Về thể thức lập hồ sơ xin gia nhập Ban Thế Đạo:
1) - Đơn xin ứng viên vào phẩm Hiền Tài Ban Thế Đạo do chính tay đương sự viết tay, cam kết trọn tùng Quy Điều và Nội Luật BTĐ và tùy theo khả năng và chức vụ mà chung lo lập công quả với Đạo.
2) - Tờ khai lý lịch, kể rõ về hộ tịch cá nhân, mối liên hệ trong gia đình v.v. Văn Bằng học, sinh ngữ, nghề nghiệp hiện tại, hoạt động về phần Đời, lập công quả về phần Đạo và địa chỉ cư ngụ hiện tại (Về lời khai có thành tích hoạt động về phần Đời hay về thành-tích lập công quả với Đạo phải đính kèm theo văn kiện chính xác để làm bằng. Nếu không trình bằng cớ, thì lời khai kể như vô hiệu).
3) - Bản sao Sớ Cầu Đạo do Đạo Quyền thị thực.
4) - Công, Tư Chức, Sĩ Quan và Sinh Viên phải nộp bản sao Văn Bằng, Nghị định và các giấy tờ liên hệ theo bản Quy Điều và Nội Luật ấn định (Bản sao do Chính Quyền từ cấp Quận đổ lên thị thực). Các văn kiện bằng photocopies cũng phải có Chính Quyền thị thực.
5) - Tờ tiến cử do 2 Vị Chức Sắc đương quyền hành chánh từ Phẩm Giáo Hữu hay Truyền Trạng sắp lên (1 Vị Lễ Sanh Quyền Khâm Châu hay Hiền Tài sau khi thọ phẩm được 1 năm không vi phạm kỷ luật và đang có phận sự Đạo, được đứng tiến cử chung với một Vị Chức Sắc Hội Thánh nói trên).
Trong tờ tiến cử có ghi rõ về hành vi và hạnh kiểm và cam kết bảo đảm chịu trách nhiệm về sở hành và hạnh đức của đương sự, nếu ngày sau Hội Thánh xét ra sự tiến cử không đúng sự thật, thì hai Vị bảo đảm hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Pháp Luật Đạo phán xét.
Chức Sắc Phước Thiện vì không có phận sự về hành chánh nên không được đứng tiến cử. Và chư Vị Hiền Tài không có phận sự Đạo cũng không được đứng tiến cử.
6) - Ứng viên Hiền Tài bất luận ở vào thành phần nào, điều kiện bắt buộc là phải nộp văn kiện (bản chánh) chứng minh có thành tích lập công với Đạo do Đạo Quyền cấp phát. Ngoại trừ Sinh Viên còn đang học được chế giảm, nhưng phải nộp chứng chỉ nhà trường cấp phát còn hiệu lực để chứng minh còn đang học.
Trong những kỳ tuyển trạch các Ứng cử viên nào xin vào Phẩm Hiền Tài BTĐ sau này, Hội Thánh HTĐ sẽ không cứu xét những hồ sơ nào thiếu nguyên tắc theo lời chú giải trên đây.
NỘI LUẬT
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ (Tứ Thập Niên) TÒA THÁNH TÂY NINH
HIỆP THIÊN ĐÀI
BAN THẾ ÐẠO
NỘI LUẬT
CHƯƠNG MỞ ĐẦU
"ÐẠO không ĐỜI không sức, ĐỜI không ÐẠO không quyền". BAN THẾ ÐẠO đặt căn bản và định phương hướng hoạt động trên tư tưởng ấy. ÐẠO lo cho phần hồn của chúng sanh, phổ độ nhơn sanh để sau khi trả xong nợ thế, trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, đồng thời ÐẠO cũng chú trọng đến phần xác của con người, cải thiện xã hội nhơn quần ngay tại thế gian này.Có nhiều bậc ưu thời mẫn thế sẵn có Đạo tâm, giàu lòng nhân ái, muốn phụng sự Đại Đạo, nhưng còn ràng buộc trách nhiệm đối với quốc gia, xã hội, chưa phế Đời hành Đạo được. BAN THẾ ÐẠO là nơi dụng hiền, tạo cơ hội cho những bậc có Đạo tâm thực hành thiện nguyện ấy.
Đó là ý nghĩa của sự thiết lập BAN THẾ-ÐẠO, ý nghĩa này được minh định trong bản QUY ĐIỀU. Ban Thế Đạo là cơ quan thuộc về phần Đời, bắt nguồn và phát xuất từ cửa Đạo làm dây nối liền cho Đạo Đời tương liên, tương đắc ngõ hầu tạo lập đời sống thanh bình cho nhơn loại trong thời chuyển thế.
Như vậy, nhiệm vụ Ban Thế Đạo là tuân Thế Luật của Đạo, đem công đức và giáo lý hướng dẫn nhơn sanh trở về nguồn cội Đạo, tô điểm cho nền Đại Đạo mỗi ngày một thêm huy hoàng.
Để đạt mục đích ấy, Hội Thánh mở rộng cửa Ban Thế Đạo đón nhận nhơn tài, chí sĩ đã có thành tích lập công với Đạo và giúp ích cho xã hội.
Nội Luật này được soạn thảo để quy định tổ chức, nhiệm vụ và điều hành Ban Thế Đạo, theo những Chương, Điều sau đây:
CHƯƠNG I
TỔ CHỨC
ĐIỀU THỨ NHẤT: Ban Thế Đạo thành lập do Thánh Lịnh số 01/TL ngày 28 tháng 02 năm Ất Tỵ (30-03-1965) của Đức THƯỢNG SANH thể theo Thánh Giáo của Đức LÝ ÐẠI TIÊN đêm mùng 3 tháng 12 năm Quý Tỵ (07-01-1954). Cơ quan này trực thuộc Hiệp Thiên Đài, dưới quyền chưởng quản của một vị Thời Quân Chi Thế Hiệp Thiên Đài do Hội Thánh ủy nhiệm.ĐIỀU THỨ NHÌ: Để giúp ý kiến về việc điều hành công việc chung của Ban Thế Đạo, Hội Thánh đề cử một Ban Cố Vấn mà thành phần gồm có: Chức Sắc từ Giám Đạo, Giáo Sư và Chơn Nhơn trở lên.
ĐIỀU THỨ BA: Dưới quyền lãnh đạo của vị Chưởng Quản BTĐ, một Ban Quản Nhiệm Trung Ương được thành lập để điều hành công việc của Ban Thế Đạo, thành phần như sau:
- -1 Tổng Quản Nhiệm, -1 Đệ Nhứt Phó Tổng Quản Nhiệm -1 Đệ Nhị Phó Tổng-Quản Nhiệm -1 Thủ Bổn, -1 Trưởng Nhiệm Giáo Lý, -1 Trưởng Nhiệm Văn Hóa, -1 Trưởng Nhiệm Xã Hội, -1 Trưởng Nhiệm Quốc Chính, -1 Trưởng Nhiệm Kế Hoạch và Tổ Chức, -1 Trưởng Nhiệm Kinh Tài -1 Trưởng Nhiệm Ngoại Vụ -1 Trưởng Nhiệm Thanh Sát
Ban Quản Nhiệm Trung Ương BTĐ do Đại Hội toàn thể Chức Sắc Ban Thế-Đạo bầu lên theo thể thức đơn danh, kín, đa số tưởng đối. Cuộc bầu cử đặt dưới quyền chủ tọa của vị Chưởng Quản BTĐ hoặc vị Chức Sắc HTĐ đặc trách Ban Thế Đạo nếu vị Chưởng Quản bận việc, và một Ban Phụ Tá do Đại Hội bầu cử gồm có:
- -1 Phụ Tá Chủ Tọa -2 Thư Ký -2 Kiểm Soát viên
Thành phần Ban Quản Nhiệm được bầu cử gồm 1 Tổng Quản Nhiệm và 2 Phó Tổng Quản Nhiệm. Sau khi đắc cử, 3 vị này trọn quyền tuyển chọn các vị Trưởng Nhiệm trong Ban Quản Nhiệm Trung Ương, trình danh sách lên vị Chưởng Quản chấp thuận và Hội Thánh HTĐ phê chuẩn. Nếu Đại hội lần thứ nhứt không đủ 2/3 tổng số Chức Sắc Ban Thế Đạo thì phải triệu tập lần thứ hai trong vòng một tháng và lần này Đại hội đương nhiên hợp lệ bất cứ với tỷ số nào.
Về việc tính túc số Đại Hội, một hội viên hiện diện chỉ có quyền nhận một ủy nhiệm thư của một Chức Sắc Ban Thế Đạo vắng mặt. Nhưng khi biểu quyết và bỏ phiếu, vị hội viên hiện diện chỉ bỏ một phiếu cho phần mình.
Mỗi Chức Sắc Ban Thế Đạo có quyền ra ứng cử các chức vụ Tổng Quản Nhiệm, Đệ I hoặc Đệ II Phó Tổng Quản Nhiệm.
Các vị chức Sắc Ban Thế Đạo có phẩm trật cao hơn vị Tổng Quản Nhiệm đắc cử, đương nhiên là Cố Vấn Ban Quản Nhiệm. Tuy nhiên, chức vụ Tổng Quản Nhiệm, Đệ I và Đệ II Phó Tổng Quản Nhiệm là chức vụ rất quan trọng, hành động và tư cách của những vị đắc cử có liên quan đến uy tín và danh dự của Ban Thế Đạo, nên khi đề cử ứng cử viên và biểu quyết, Đại Hội nên dựa vào 3 điều kiện:
- 1. Không can án Đạo và Đời 2. Không bị ràng buộc vì chức vụ Đời như công chức, quân nhân tại ngũ hay chức vụ chính khác. 3. Phải liên tục điều hành Ban Quản Nhiệm.
Trong trường hợp 2 ứng cử viên có số thăm đồng nhau thì vị nào cao niên hơn được đắc cử, trừ khi vị cao niên đó bằng lòng nhường lại cho vị nhỏ tuổi hơn thì vị sau này mới được đắc cử.
ĐIỀU KHOẢN DỰ LIỆU: Trong trường hợp vì lý do gì không bầu được vị Tổng Quản Nhiệm, Đại Hội yêu cầu Hội Thánh HTĐ chỉ định một Chức Sắc HTĐ kiêm nhiệm chức vụ Tổng Quản Nhiệm trong thời gian một năm. Vị Chức Sắc này có nhiệm vụ tổ chức cuộc bầu cử lại vị Tổng Quản Nhiệm, nếu cuộc bầu cử vẫn không kết quả, Đại Hội yêu cầu Hội Thánh HTĐ bổ nhiệm vị Chức Sắc khác đảm trách chức vụ Tổng Quản Nhiệm hoặc chỉ định vị Chức Sắc đương kim tái nhiệm.
Trong trường hợp vị Tổng Quản Nhiệm vì lý do nào không thể tiếp tục quyền hành, vị Chưởng Quản BTĐ phải triệu tập Đại Hội bầu cử vị Tân Tổng Quản Nhiệm trong vòng 6 tháng để tiếp tục đến mãn nhiệm kỳ. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này chỉ được thực hiện khi nhiệm kỳ còn lại tối thiểu 18 tháng.
Nếu nhiệm kỳ còn lại dưới 18 tháng, vị Đệ I Phó Tổng Quản Nhiệm được ủy nhiệm hành quyền Tổng Quản Nhiệm đến mãn nhiệm kỳ.
ĐIỀU THỨ TƯ: Tổng Quản Nhiệm Ban Quản Nhiệm Trung Ương được quyền đề nghị một số nhân viên văn phòng. Những vị này là Chức Sắc Ban Thế Đạo do vị Chưởng Quản bổ nhiệm. Ngoài ra, mỗi vị Trưởng Nhiệm có quyền đề cử một hay nhiều Phụ Tá Trưởng Nhiệm liên hệ. Các vị này sẽ được hợp thức hóa bằng một Sắc Lịnh do vị Chưởng Quản bổ nhiệm.
ĐIỀU THỨ NĂM: Thành phần Ban Quản Nhiệm Địa Phương và Hải Ngoại cũng tổ chức như Trung Ương, tuy nhiên nhân số có thể giảm bớt tùy theo nhu-cầu. Các Ban Quản Nhiệm Địa Phương và Hải Ngoại phải tuân hành chỉ thị của Ban Quản Nhiệm Trung Ương về mọi phương diện. Các Ban Quản Nhiệm Địa Phương do vị Đệ I Phó Tổng-Quản Nhiệm chủ tọa bầu cử. Địa phương nào chưa đủ 20 Chức Sắc Ban Thế Đạo thì chỉ có quyền cử một Đại Diện và một Phụ Tá Đại Diện để trực tiếp thi hành chỉ thị của Ban Quản Nhiệm Trung Ương.
ĐIỀU THỨ SÁU: Nhiệm kỳ của Ban Quản Nhiệm BTĐ là (03) ba năm và có thể lưu nhiệm từng năm một do quyết định của vị Chưởng Quản, tuy nhiên không được lưu nhiệm quá 2 lần.
Do đề nghị của vị Chưởng Quản vì một lý do xác đáng, Hội Thánh HTĐ có thể giải tán toàn thể Ban Quản Nhiệm đương nhiệm. Trong trường hợp này, vị Chưởng Quản với sự hỗ trợ của Ban Cố Vấn sẽ đảm trách điều hành Ban Thế Đạo. Thời gian tối đa để thành lập tân Ban Quản Nhiệm là sáu tháng.
CHƯƠNG II
GIA NHẬP, NHIỆM VỤ, HOẠT ĐỘNG
ĐIỀU THỨ BẢY: Khi được tuyển trạch vào Ban Thế Đạo tùy theo công đức, tài năng và đạo hạnh, vị Chức Sắc Ban Thế Đạo tân phong được xếp vào một trong bốn phẩm tính từ dưới lên như sau: Hiền Tài, Quốc Sĩ, Đại Phu, Phu Tử.ĐIỀU THỨ TÁM: Muốn vào Ban Thế Đạo, đương sự phải lập hồ sơ cầu phong theo Quy Điều ấn định trình lên vị Chưởng Quản, do 2 vị Chức Sắc từ phẩm Giáo Hữu đương hành quyền Tòa Thánh Tây Ninh tiến cử. Những vị được tiến cử phải có thành tích lập công với Đạo và đầy đủ hạnh đức.
Chức Sắc Ban Thế Đạo sau thời gian một năm thọ phẩm không phạm kỷ luật được cùng với một vị Chức Sắc Hội Thánh tiến cử nhân tài gia nhập Ban Thế Đạo.
ĐIỀU THỨ CHÍN: Nhiệm vụ của Chức Sắc Ban Thế Đạo về phương diện Chính Trị Đạo:
- -Truyền bá giáo lý của Đại Đạo. -Bảo vệ và giúp đỡ Tín đồ của Đại Đạo trong mọi hoàn cảnh. -Giúp ý kiến cho Chức Sắc Hành Chánh Đạo địa phương. -Đề nghị với Ban Quản Nhiệm Trung Ương đệ lên vị Chưởng Quản xin Hội Thánh điều chỉnh hoặc bổ túc phương châm hành Đạo nơi địa phương cho thích hợp và hữu hiệu hơn.
ĐIỀU THỨ MƯỜI: Nhiệm vụ của Chức Sắc Ban Thế Đạo về phương diện Chính Trị Đời:
- 1. LẬP TRƯỜNG: Ban Thế Đạo có nhiệm vụ thực thi Chính Trị Đời của Đạo, do đó lập trường chính trị của Ban Thế Đạo phải do Hội Thánh hoạch định hoặc do Ban Thế Đạo đề nghị và được Hội Thánh chấp thuận. Ban Thế Đạo không phải là một đảng phái chính trị, Chức Sắc Ban Thế Đạo không có quyền tuyên bố bất cứ đường lối chính trị nào của Ban Thế Đạo mà không phù hợp với lập trường chung của Hội Thánh. Vị nào vi phạm điều này tức là vi phạm kỷ luật Ban Thế Đạo, sẽ bị xét xử theo Điều 18 của Nội Luật này.
- 2. VỚI TƯ CÁCH MỘT CHỨC SẮC: Chức Sắc Ban Thế Đạo muốn tham chính với danh nghĩa Chức Sắc phải được sự đề nghị của vị Chưởng Quản và sự chấp thuận của Hội Thánh HiệpThiên Đài.
- 3. VỚI TƯ CÁCH CÁ NHÂN: Chức Sắc Ban Thế Đạo có thể tham gia các sinh hoạt lợi ích cho nhơn sanh trong mọi lãnh vực quốc gia, xã hội miễn là không tương phản với chủ trương của Hội Thánh, nhưng phải trình báo cho Ban Quản Nhiệm Trung Ương và vị Chưởng Quản.
Riêng đối với chức vụ dân cử, khi Ban Thế Đạo chủ trương đưa người ra ứng cử tại địa phương nào thì Chức Sắc Ban Thế Đạo muốn ra ứng cử tại địa phương đó phải qua một cuộc bầu cử nội bộ do Ban Quản Nhiệm Trung Ương tổ chức có sự chấp thuận của vị Chưởng Quản.
ĐIỀU THỨ MƯỜI MỘT: Nhiệm vụ của Ban Quản Nhiệm Trung Ương:
- -Thi hành các chỉ thị của Chưởng Quản và Hội Thánh. -Phát triển và điều hành Ban Thế Đạo. -Thực thi các chương trình đã được vị Chưởng Quản chấp thuận. -Biểu quyết các kế hoạch đề nghị.
ĐIỀU THỨ MƯỜI HAI: Nhiệm vụ của các chức vụ Ban Quản Nhiệm Trung Ương được ấn định như sau:
- 1. TỔNG QUẢN NHIỆM: - Điều hành Ban Thế Đạo theo đúng Quy Điều và Nội Luật của Ban Thế-Đạo. - Chịu hoàn toàn trách nhiệm với vị Chưởng Quản. - Quản trị hành chánh, tài chánh của Ban Thế-Đạo. - Kiểm soát các Ban Quản Nhiệm Địa Phương hoặc Đại Diện Ban Quản Nhiệm Trung Ương tại địa phương. - Có quyền phê xuất tối đa 20.000$00, trên số này phải được sự chấp thuận của Ban Quản Nhiệm Trung Ương. - Thủ Bổn trực tiếp dưới quyền Tổng Quản Nhiệm.
2. ĐỆ I PHÓ TỔNG QUẢN NHIỆM: - Phụ tá Tổng-Quản Nhiệm. - Điều hành công việc của 4 Trưởng Nhiệm: Kế Hoạch và Tổ Chức, Quốc Chính, Kinh Tài và Ngoại Vụ. - Chủ tọa bầu cử Ban Quản Nhiệm Địa Phương hay Đại Diện. - Thay mặt Tổng Quản Nhiệm điều hành thường vụ khi vị này vắng mặt.
3. ĐỆ II PHÓ TỔNG QUẢN NHIỆM: - Phụ tá Tổng Quản Nhiệm. - Điều hành công việc của 4 Trưởng Nhiệm: Giáo Lý, Văn Hóa, Xã Hội và Thanh Sát. - Thay mặt Tổng Quản Nhiệm điều hành thường vụ khi vị này và Đệ I Phó Tổng Quản Nhiệm vắng mặt.
4. THỦ BỔN: - Lập và giữ số sách chi thu tài chánh của Ban Thế Đạo. - Giữ tối đa là 50.000$00 (Năm chục ngàn đồng), trên số này phải gởi vào Hộ Viện hoặc Ty Ngân Khố. - Phiếu gởi và phiếu chi thu phải có chữ ký của vị Tổng Quản Nhiệm. - Tất cả sổ sách tài chánh phải có chữ ký kiểm soát hàng tháng của vị Trưởng Nhiệm Thanh Sát. - Chịu trách nhiệm về kế toán và tài chánh của Ban Thế Đạo và chịu sự kiểm soát của Ban Kiểm Soát Tài Chánh của Hội Thánh.
5. TRƯỞNG NHIỆM GIÁO LÝ: - Soạn tập chương trình giáo lý tại các Trung Tiểu Học để dâng đề nghị lên Hội Thánh cứu xét. - Thành lập thư viện để tập trung các tài liệu liên quan đến giáo lý nền Đại Học. - Phát huy và phổ thông triết lý Đại Đạo trong nhơn sanh. - Nghiên cứu và xuất bản sách về giáo lý và triết lý Đại Đạo. - Hằng tháng lập bản tin tức nội bộ để phổ biến cho các Ban Quản Nhiệm và Cơ Quan Đạo.
6. TRƯỞNG NHIỆM VĂN HÓA: - Thành lập Viện Khảo Cổ, sáng tác và dịch thuật các sách Đạo. - Tổ chức báo chí, nhựt báo, tuần báo, đặc san, nguyệt san. - Phát huy và sưu tầm Sử Liệu của Đạo. - Nghiên cứu thành lập nhà nội trú và các Trường chuyên nghiệp cho học sinh Đạo. - Lập kế hoạch trợ cấp học bổng cho học sinh Đạo, nghèo, học giỏi. -Vận động học bổng cho học sinh Đạo ưu tú, nghèo, hiến thân, đang học tại Đại học Việt Nam hoặc xuất ngoại.
7. TRƯỞNG NHIỆM XÃ HỘI: - Lo về quan, hôn, tang, tế. - Tổ chức cứu trợ. - Tổ chức Y Tế.
8. TRƯỞNG NHIỆM QUỐC CHÍNH: - Đưa ý kiến về ảnh hưởng của tình hình chính trị đối với Đạo và Quốc gia. - Nghiên cứu và hội thảo về lập trường chính trị của Đạo để có thể đệ trình lên Hội Thánh duyệt xét.
9. TRƯỞNG NHIỆM KẾ HOAÏCH VÀ TỔ CHỨC: - Tổ chức nghi lễ khánh tiết của Ban Thế Đạo. - Soạn thảo kế hoạch chung của Ban Quản Nhiệm.
10. TRƯỞNG NHIỆM KINH TÀI: - Tổ chức kinh tế cho Ban Thế Đạo: Nông, Công, Thương, và Kỹ Nghệ. - Hoạt động tài chánh cho Ban Thế Đạo. - Quản trị các bất động sản và động sản của Ban Thế-Đạo.
11. TRƯỞNG NHIỆM NGOAÏI VỤ: - Liên lạc với các Ban Quản Nhiệm Địa Phương và Hải Ngoại để tìm hiểu và giúp đỡ. - Liên lạc với chính quyền Địa phương và Trung ương khi có ủy nhiệm của Chưởng Quản Ban Thế-Đạo. - Liên lạc với các Đoàn Thể và Tôn Giáo bạn để gây tình thông cảm. - Liên lạc với các cơ quan Ngoại Giao khi hữu cần và với sự ủy nhiệm của Hội Thánh.
12. TRƯỞNG NHIỆM THANH SÁT: - Kiểm soát và đôn đốc Chức Sắc Ban Thế Đạo thi hành Nội luật. - Kiểm soát và đôn đốc các Ban Quản Nhiệm Địa Phương hay Đại Diện Ban Quản Nhiệm Trung Ương tại địa phương. - Kiểm soát và khuyến khích Chức Sắc Ban Thế Đạo giữ gìn luật Đạo. - Kiểm soát tài chánh và tài sản của Ban Thế Đạo.
ĐIỀU THỨ MƯỜI BA: Văn Phòng Ban Quản Nhiệm Trung Ương đặt tại Tòa Thánh Tây Ninh và làm việc theo ngày giờ của Hội Thánh. Văn Phòng các Ban Quản Nhiệm khác nên đặt trụ sở tại các cơ quan Hành Chánh Đạo địa phương do sự đồng ý của Khâm Châu Đạo, tuy nhiên địa điểm có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh.
ĐIỀU THỨ MƯỜI BỐN: Đại Hội Chức Sắc Ban Thế Đạo mỗi năm họp một lần do vị Chưởng Quản triệu tập vào thượng tuần tháng Chạp âm lịch. Ban Quản Nhiệm họp mỗi tháng một lần do Tổng Quản Nhiệm triệu tập vào ngày Chúa Nhựt cuối tháng Âm Lịch. Trong trường hợp đặc biệt, vị Chưởng Quản có thể triệu tập Đại Hội bất thường.
CHƯƠNG III
THĂNG THƯỞNG, KỶ LUẬT.
ĐIỀU THỨ MƯỜI LĂM: Khi có công trạng đặc biệt, Chức-Sắc Ban Thế Đạo sẽ được khen thưởng theo đề nghị của Ban Quản Nhiệm Trung Ương và vị Chưởng Quản.ĐIỀU THỨ MƯỜI SÁU: Chức Sắc Ban Thế Đạo muốn cầu phong vào hàng Thánh Thể Đức Chí Tôn phải có (05) năm năm công nghiệp hành Đạo không gián đoạn được Bộ Pháp Chánh minh tra đủ lẽ theo điều kiện pháp định.
Hồ sơ gồm có:
- - Đơn xin cầu phong. - Chứng chỉ cấp bậc hiện tại do chi Thế cấp phát. - Tờ hiến thân trọn đời cho Đạo. - Tờ khai lý lịch, công nghiệp và tờ tánh hạnh có sự xác nhận của Tổng Quản Nhiệm và sự phê kiểm của vị Chưởng Quản. - Tờ ước nguyện giữ gìn trai giới theo luật Đạo.
Quyền phong vị vào hàng Thánh Thể Đức Chí Tôn do Hội Thánh Hiệp Thiên Đài đề cử và dâng lên Quyền Thiêng Liêng định đoạt.
Nếu cầu phong vào hàng Thánh Thể, nguyên tắc đối phẩm sau đây sẽ được áp dụng:
- Hiền Tài cầu phong Giáo Hữu. Quốc Sĩ cầu phong Giáo Sư. Đại Phu cầu phong Phối Sư. Phu Tử cầu phong Đầu Sư.
ĐIỀU THỨ MƯỜI BẢY: Chức Sắc Ban Thế Đạo muốn cầu phong theo phẩm vị của Ban Thế Đạo từ dưới lên trên cũng phải đầy đủ điều kiện ghi ở Điều 16, ngoại trừ việc lập tờ khai hiến thân phế Đời hành Đạo.
Sự cầu thăng hay tuyển trạch vào hàng Quốc Sĩ trở lên phải do Quyền Thiêng Liêng định đoạt.
ĐIỀU THỨ MƯỜI TÁM: Hội-Đồng Kỷ-Luật.
Ban Thế Đạo có một Hội Đồng Kỷ Luật để phán quyết hình phạt đối với Chức Sắc Ban Thế Đạo vi phạm luật Đạo như: Tân Luật, Quy Điều và Nội Luật Ban Thế Đạo.
Thành phần Hội Đồng Kỷ Luật gồm có:
- -1 vị Chủ Tọa: Lựa trong hàng Chức Sắc BTĐ cao phẩm hơn can nhân, trường hợp chưa có Chức Sắc cao phẩm hơn thì Chủ Tọa là một vị Chức Sắc HTĐ cao phẩm hơn do vị Chưởng Quản chỉ định. -2 vị Nghị Án: Chức Sắc này đồng phẩm với can nhân. -1 vị Thư Ký chép án: Vị này có thể là một Chức Sắc BTĐ hoặc vị Thư Ký Văn Phòng Tổng Quản Nhiệm.
Hai vị Nghị Án và vị Thư Ký cũng do Chưởng Quản chỉ định.
Án lịnh của Hội Đồng Kỷ Luật là chung thẩm, nhưng phải có sự duyệt y của vị Chưởng Quản mới được ban hành.
Hội Đồng Kỷ Luật chỉ xét xử Chức Sắc Ban Thế Đạo khi phạm lỗi nhẹ như:
- -Tuyên bố về chính trị sai với lập trường của Hội Thánh. -Lấy tư cách Chức Sắc Ban Thế Đạo đi dự hội với các đoàn thể, tôn giáo hay các nhóm chính trị mà không có phép của Chưởng Quản Ban Thế-Đạo. -Thất lễ với người trưởng thượng. -Bỏ bê phận sự hoặc bất tuân lịnh của Ban Quản Nhiệm Trung Ương.
Trong những trường hợp kể trên, vị Tổng Quản Nhiệm lãnh phần minh tra, đệ hồ sơ lên vị Chưởng Quản để đưa nội vụ ra Hội Đồng Kỷ Luật.
Tùy theo trường hợp, can nhân có thể bị ngưng chức từ 1 đến 2 năm.
Hội Đồng Kỷ Luật được triệu tập do quyết định của vị Chưởng Quản Ban Thế Đạo.
ĐIỀU THỨ MƯỜI CHÍN: Khi Chức Sắc Ban Thế Đạo phạm tội nặng hay tái phạm, vị Chưởng Quản đệ trình lên Hội Thánh HTĐ để đưa ra Tòa Hiệp Thiên Đài chiếu theo Thập Hình của Đức Lý Giáo Tông mà xét xử do sự minh tra và đề nghị của Bộ Pháp Chánh.
CHƯƠNG IV
TÀI CHÁNH.
ĐIỀU THỨ HAI MƯƠI: Mỗi tháng Chức Sắc Ban Thế Đạo chung đậu một số tiền nhiều ít do Ban Quản Nhiệm Trung Ương quyết định để giúp quỹ điều hành Ban Thế Đạo.Riêng ở Địa phương, Ban Quản nhiệm được quyền sử dụng 60% để điều hành, 40% để giúp Ban Quản Nhiệm Trung Ương.
ĐIỀU THỨ HAI MƯƠI MỐT: Ngân quỹ của Ban Thế Đạo sẽ được dùng vào việc tương trợ tang tế, tiếp tân, điều hành và phát triển các cơ sở của Ban Thế Đạo.
ĐIỀU THỨ HAI MƯƠI HAI: Ban Thế Đạo cũng có thể nhận sự trợ giúp của các nhà hảo tâm không phân biệt Đạo hay Đời gồm hiện kim, hiện vật, động sản và bất động sản.
ĐIỀU THỨ HAI MƯƠI BA: Tài sản Ban Thế Đạo đương nhiên là tài sản của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh.
CHƯƠNG V
SỬA ĐỔI NỘI LUẬT.
ĐIỀU THỨ HAI MƯƠI BỐN: Để thích ứng với những tiến triển của tình thế, nếu cần Hội Thánh có thể sửa đổi một phần hay toàn phần bản Nội Luật này. Ngoài ra, 2/3 Chức Sắc Ban Thế Đạo trong Đại Hội Thường Niên hoặc Bất Thường cũng có thể đệ đạt ý kiến lên Hội Thánh để tu chỉnh Nội Luật.Ngoài ra, các Điều khoản khác không thay đổi.
Nội Luật Ban Thế Đạo được Hội Thánh HTĐ duyệt y do phiên họp ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi (23-12-1967), Vi Bằng số 03/VB.
Nội Luật đã sửa đổi chiếu theo Vi Bằng số 07/VB do phiên nhóm Hội Thánh Hiệp Thiên Đài tại Giáo Tông Đường ngày 30 tháng 2 năm Mậu Thân (28-03-1968) dưới quyền chủ tọa của Đức Thượng Sanh.
Nay chiếu Vi Bằng Hội Thánh Hiệp Thiên Đài số 02/VB ngày 27 tháng 11 năm Mậu Thân (15-01-1969) dưới quyền chủ tọa của Đức Thượng Sanh, Nội Luật được tu chỉnh lần thứ nhì và ban hành cho toàn Ban Thế Đạo tuân hành.
- CHỦ TỌA THƯỢNG SANH
HUẤN TỪ
Của
ĐỨC CAO THƯỢNG SANH CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
ĐỐI VỚI CÁC HIỀN TÀI TÂN PHONG
THIÊN LƯƠNG VÀ ÐẠO ĐỨC
HUẤN TỪ CỦA ĐỨC THƯỢNG SANH Nhân lễ Tấn Phong Hiền Tài tại Đền Thánh ngày mùng 8 tháng 2 Canh Tuất, (DL.15-3-1970)
- Kính Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện, Kính Quý Quan Khách, Kính Chư Chức Sắc và Đạo Hữu Nam Nữ, Kính Quý Hiền Tài Ban Thế Đạo
Trước hết nhơn danh Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, tôi xin để lời chào quý Quan Khách và toàn thể Chức Sắc Ban Thế Đạo, trong đó có Quý vị Hiền Tài mới được chấp nhận trong niên khóa Kỷ Dậu và hôm nay hiện diện trong buổi lễ Tấn Phong, cũng là buổi lễ để Quý vị trình diện với Hội Thánh đặng thọ lãnh phẩm vị Hiền Tài.
Thưa Quý vị, Nho học có câu: "Lập thân hành đạo dương danh ư hậu thế dĩ hiền phụ mẫu, hiếu chi chung dã", có nghĩa: "lập thân hành Đạo để tiếng lại đời sau, làm cho rạng chói danh thơm đến cha mẹ, đó là trọn đạo hiếu vậy".
Hai chữ hành Đạo đây nói về Đạo làm người, bao hàm các bổn phận đối với gia đình, đối với xã hội và đối với Đất nước quê hương.
Sanh ra nơi trần thế, người hữu học có công thập niên đăng hỏa, thì ai cũng muốn chen vào trường ốc, mong chiếm bảng vàng hầu lập nên sự nghiệp vẻ vang, làm đẹp mặt nở mày cho cha mẹ.
Quý vị Hiền Tài đã có chí hướng như trên và phần đông đã có địa vị xứng đáng ngoài mặt đời, được kể vào hàng trí thức của xã hội.
Tuy nhiên, làm tròn bổn phận làm người tức là phần Nhơn Đạo, chẳng phải là một việc dễ, ai cũng có thể làm được.
Theo trào lưu tiến bộ của văn minh vật chất hiện tại, nhứt là trước hiểm họa của làn sóng vô thần quá khích, con người dù là hạng trí thức, dễ bị lôi cuốn vào cảnh bê tha trụy lạc, hoặc bị đưa đẩy vào vòng lợi danh đen tối, làm tôi tớ cho thế lực kim tiền, bán rẻ lương tâm, không còn kể nghĩa nhân là lẽ phải nữa.
Chủ nghĩa duy vật đã lan tràn khắp trên đất nước và đầu độc hết chín phần muời dân tộc Việt Nam, nền luân lý cổ truyền đã đổ vỡ, người ta đang vứt bỏ hết mọi căn bản đạo đức và họ đã chới với luân lạc trong đêm dài mờ mịt, chỉ vì đời sống của họ thiếu hẳn quân bình giữa vật chất và tinh thần, tức là thiếu luồng điện hòa hợp, thiếu cái biết trí tri của tâm linh hay là ánh sáng dẫn đến trực giác.
Mặc dù quý vị có học thức hay được sinh trưởng trong gia đình đạo đức thuần túy, mà quý vị không tu thân khắc kỷ thì trên bước đời chông gai hiểm trở, quý vị không thể tránh khỏi những cạm bẫy do thất tình lục dục luôn luôn đặt dưới chơn quý vị.
Nho giáo dạy rằng: "Mục đích của đời người là tu thân theo tiếng gọi của lương tâm, tiến tới hoàn thiện để kết hợp với Thượng Đế và giáo hóa người khác được hoàn thiện như mình. Vì vậy từ bậc vua chúa cho đến thứ dân, ai cũng lấy sự sửa mình làm gốc". (Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, nhứt thị giai dĩ tu thân vi bản).
Không thực hành cái định luật này, con người chỉ là con người của vật chất, quá tầm thường sanh ra để gây rối cho gia đình và cho xã hội.
Thế nào là Tu Thân ? Tu Thân là đem trật tự lại trong con người sửa ngay ngắn lại những gì chênh lệch, chấn chỉnh lại những gì gian tà, đổi ra thành thật những gì giả dối.
Để hoàn thành những công việc đó, Đức Khổng Tử khuyên phải triệt để thực hiện thứ tự những điều mục: Thành ý, Chánh tâm, Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ.
Quý vị may duyên sanh nhằm thời kỳ trên đất nước có được nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Đấng Chí Tôn Thượng Đế khai sáng với tôn chỉ tận độ chúng sanh, cứu vớt 92 ức Nguyên nhân đọa trần thoát vòng khổ hải.
Mở rộng trường thi công quả để tiếp đón nhơn tài, Hội Thánh chỉ mong ước cho quý vị thấm nhuần đạo đức, lập chí tu thân, hằng ngày lo tròn bổn phận làm người, sau nữa là thi thố tài năng giúp Đời trợ Đạo tùy theo địa vị và hoàn cảnh của mỗi người.
Một đấng Hiền Tài là một nhơn vật có phẩm giá đặc biệt, đầy đủ đức độ và chân tài.
Cái tài thì do sự học mà có, cái đức là do lập chí tu thân theo đạo Thánh Hiền mà được. Nếu có tài mà không có đức thì cũng như đóa hoa có sắc mà không hương; cái tài đó cũng không phải là tài hữu dụng. Thời xưa, Nho học sắp những bậc Hiền Nhân vào hạng người Quân Tử, tức là hạng người có đức hạnh tôn quý, trọng nghĩa ái nhân.
Những Ông Hiền được đời kính nể mến phục vì những đấng ấy có tư tưởng cao siêu, hành vi xuất chúng, lúc nào cũng cứ ngay thẳng mà làm điều lành, điều phải, không vì tư tâm tư lợi mà hại đạo lý. Giàu sang không thể làm cho đổi được cái chí của mình, uy quyền võ lực không thể làm cho khuất được cái khí của mình (Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy-võ bất năng khuất). Lúc nào bậc Hiền nhân cũng không tự dối với mình và dối thiên hạ, cho nên ngưởng lên không xấu với Trời, cúi xuống không thẹn với người, cùng khổ không mất nghĩa, hiển đạt không lìa Đạo (Ngưởng bất quý ư Thiên, phủ bất tạo ư nhân; cùng bất thất nghĩa, đạt bất ly Đạo).
Khi đắc vận được một đấng minh quân thỉnh cầu ra giúp nước, thì đem cái ân rải khắp muôn phương làm cho nhà an nước trị. Nếu không gặp vận thì thà chịu mai một, sống ẩn dật, vui thú lâm tuyền bạn với gió trăng, thi gan cùng tuế nguyệt, chớ không màng đến danh lợi đen tối.
Vì vậy chúng ta mới được thưởng thức những câu thơ xưa bất hủ, như:
- Triền cao hang thẩm, hiền mai tích, Suối lặng khe êm, khách chịu nhàn.
Hoặc:
- Nghêu ngao vui thú yên hà, Mai là bạn cũ, hạc là người quen. .
Các bậc Hiền thời xưa được có cái tiết tháo như vậy là nhờ biết phân biệt cái tước của Trời cho và cái tước của người cho.
Nhân nghĩa, trung tín, vui làm điều lành không mỏi là cái tước của Trời, tức là Thiên Tước; công khanh đại phu là cái tước của người cho, tức là Nhơn Tước.
Người xưa lo sửa cái Thiên tước thì cái Nhơn tước theo sau và được bền-bỉ. Người đời nay chỉ lòe mình có cái Thiên tước để cầu lấy cái Nhơn tước; khi đã được cái Nhơn tước rồi thì đạp bỏ cái Thiên tước không nói đến nữa. Như thế thì thật quá nông nổi, vì rốt cuộc thành ra mất hết, cái Nhơn tước cũng không giữ được bao lâu.
Thưa Quý vị, Mở rộng cửa Ban Thế Đạo, Hội Thánh Hiệp Thiên Đài do theo nhã ý của Đức Hộ Pháp, ban phẩm Hiền Tài cho những bậc hữu học để khích lệ hạng trí thức nhập vào trường công quả hầu có dịp tiến đức tu thân theo chí hướng của mình.
Mặc dù còn vướng bận vai tuồng thế sự, hoặc là sinh viên còn ở trong ngưỡng cửa Đại học, Quý vị đã có sẵn tinh thần đạo đức, nên có nguyện vọng bước lên địa vị Hiền Tài để đem khả năng phục vụ cho nền Chánh giáo.
Giờ đây nguyện vọng của Quý vị đã được thỏa mãn, lẽ dĩ nhiên Hội Thánh có phận sự dìu dắt và giúp sức quý vị thực hành nhiệm vụ đối với Đạo mỗi khi Quý vị cần đến.
Thật ra, sự giúp Đạo của Quý vị không có tánh cách bắt buộc, Hội Thánh để cho Quý vị thư thả liệu định, tùy cơ hội, tùy dịp may mà thực hành.
Điềàu cần thiết là từ đây Quý vị đã chánh thức là Chức Sắc Ban Thế Đạo Tòa Thánh Tây Ninh, Quý vị nên để công học Đạo, trau giồi hạnh đức, tu luyện tánh tình để có thể tiêu biểu cho cái chân giá trị của phẩm Hiền Tài, và để khi gặp cơn bất trắc, quý vị có đủ sáng suốt mà đối phó với mọi trường hợp, nhứt là gìn giữ thân danh được toàn vẹn.
Là Chức Sắc Hiệp Thiên Đài, chúng tôi cần có thật nhiều bậc nhơn tài để làm bạn đồng chí, giúp sức với chúng tôi trong việc thức tỉnh nhơn tâm quay về với Thiên-Lương và Đạo Đức.
Chính Quý vị là những bạn đồng chí đó, chính Quý vị là những gạch nối liền làm cho Đạo Đời tương đắc, tạo cảnh thuận tiện cho Chức Sắc Hành Chánh Đạo nêu cao ngọn cờ cứu khổ khắp trên Đất nước.
Nếu Quý vị thành công, Quý vị sẽ tạo nên một sự nghiệp tinh thần quý báu, có thể đưa Quý vị xứng đáng trong cửa Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Đó là điều mong ước của Hội Thánh.
Nhơn buổi Lễ Tấn Phong hôm nay, đại diện Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, tôi xin để lời mừng cho quý vị Tân Hiền Tài và cầu chúc cho toàn thể Chức sắc Nam nữ Ban Thế Đạo được hưởng Hồng Ân của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.
NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT. TÒA THÁNH, ngày mùng 8 tháng 2 Canh Tuất. (DL. 15-3-1970)
THƯỢNG SANH CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
GIẢI THÍCH Ý NGHĨA PHÙ HIỆU HIỀN TÀI
ÐẠI-ÐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ (Tứ Thập Niên) TÒA THÁNH TÂY-NINH
HIỆP THIÊN ĐÀI VĂN PHÒNG THƯỢNG-SANH SỐ:01/TL
BẢO THẾ THỪA QUYỀN THƯỢNG SANH
KÍNH GỞI: QUÝ VỊ HIỀN TÀI BAN THẾ ÐẠO
Kính Quý vị Hiền Tài, Nhập vào Ban Thế Đạo với phẩm Hiền Tài, Quý vị đã lãnh phù hiệu để mang khi chầu lễ Đức Chí Tôn và khi đi đường. Tôi xin giải thích ý nghĩa Phù Hiệu về sở dụng Thiêng liêng và sở dụng phàm trần của nó cho Quý vị tường lãm.
Số là Chức Sắc Thiên Phong Cửu Trùng Đài có nhiệm vụ trực tiếp với Đời để độ Đời vào cửa Đạo, nên cần thiết nhờ 3 Cổ Pháp của Giáo Tông ủng hộ cho trong mọi hành tàng của mình.
Quý vị Hiền Tài còn một phần ở thế, nên phải tùng Chi Thế Hiệp Thiên Đài, lại thêm có một phần tùng Đạo nên vẫn gần Hội Thánh Cửu Trùng Đài, tức phải mang Cổ Pháp của Giáo Tông.
Một ngày kia Quý vị nào có đủ điều kiện muốn hiến thân trọn vẹn cho Đạo thì được xin vào hàng Thánh Cửu Trùng Đài cũng giữ luôn Phù Hiệu hiện hữu để bảo vệ mình về cả hai phần hữu hình và vô vi.
Ba Cổ Pháp của Giáo Tông là: Phất Trần, Thư Hùng Kiếm và Long Tu Phiến.
Phất Trần biểu hiệu sự quét sạch trược chất vấn vương lòng phàm.
Thư Hùng Kiếm là gươm thần huệ nghiêm trị xảo trá, khử trừ tà mị.
Long Tu Phiến xướng xuất khả năng mở vòng oan trái đưa Chơn linh tái nhập trường thi Tiên Phật.
Về sở dụng Thiêng liêng cả ba Cổ Pháp hiệp lại làm phép phò trì Thiên mạng và vì phép nầy sắc bén cả hai bề sống và lưỡi, thì chẳng phải mang nó để làm đồ trang sức mà để làm khuôn luật khử ám hồi minh nắm bổn Chơn Pháp.
Còn sở dụng phàm trần là Phù Hiệu có cái vi diệu đưa Đời dành cho Đạo một ý niệm sùng Đạo và thân dân và cũng đưa Đạo dành cho Đời tất cả tinh thần phục vụ.
Hiểu ý nghĩa siêu nhân mầu nhiệm của Phù Hiệu, quý vị không còn thắc mắc khi mang nó vào thân và sẽ gặp nhiều may duyên trong nghiệp tương lai của quý vị về mặt Đời lẫn mặt Đạo.
- Nay kính,
TÒA THÁNH, ngày 2 tháng 9 Bính Ngọ (DL. 15-10-1966)
BẢO-THẾ THỪA QUYỀN THƯỢNG SANH (Ấn Ký) LÊ-THIỆN-PHƯỚC
BAN THẾ-ÐẠO HẢI NGOẠI - 2001 Tái Bản Lần Thứ Hai USA
Từ khóa » đạo Lịnh 01
-
Từ “BẢN ÁN CAO ĐÀI” đến ĐẠO LỊNH Số 01
-
PHÂN ĐỊNH HAI LẼ CHÁNH - TÀ TỪ ĐẠO LỊNH 01 ... - Facebook
-
C- ĐẠO LỊNH Số 01- HỆ LỤY. 1)- Ai... - Chơn Pháp Cao Đài
-
3251. ĐẠO LỊNH 01/1979 - Khoinhonsanh
-
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
-
SỰ BÍ MẬT Của THÔNG TRI 001 Và - ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
-
Cong Van Lich Su - I
-
Giới Thiệu đạo Cao Đài ở Việt Nam - Ban Tôn Giáo Chính Phủ
-
[PDF] CƠ QUAN ĐẠI DIỆN CAO ĐÀI HẢI NGOẠI
-
VNTB – Khổ Nạn Của đạo Cao Đài ( Phần 2)
-
[PDF] HIẾN CHƢƠNG HỘI THÁNH CAO ĐÀI TIÊN THIÊN NHIỆM KỲ (2020
-
HUẤN LỊNH 638 (ngày 30-5 Đinh Hợi) Của Đức Hộ Pháp