Quy định Chuyển Nhóm Lương Quân Nhân Chuyên Nghiệp

Quân nhân chuyên nghiệp có những vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với đất nước ta. Quân nhân chuyên nghiệp được hiểu là những quân nhân có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật và đã phục vụ lâu dài trong quân đội. Ở bất cứ một môi trường nào thì vấn đề lương thưởng luôn được quan tâm hàng đầu. Đối với môi trường quân đội cũng không ngoại lệ, ngoài nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, tính mạng, sức khoẻ và an toàn cho người dân thì việc nhận mức lương phù hợp với năng lực để ổn định cuộc sống cũng rất quan trọng. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định chuyển nhóm lương quân nhân chuyên nghiệp.

Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568

1. Thẩm quyền chuyển nhóm lương quân nhân chuyên nghiệp:

Tại Điều 9 Thông tư 170/2016/TT-BQP quy định cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương, phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm trong trường hợp bị kỷ luật hạ bậc lương; trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành đã quy định về thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, phong, thăng cấp bậc quân hàm; hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm; kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ và cho thôi phục vụ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng như sau:

– Thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:

+ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp.

+ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền nâng lương, chuyển nhóm đối với quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương từ 6,80 trở lên; thăng cấp bậc quân hàm Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp.

+ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền nâng loại quân nhân chuyên nghiệp.

+ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền nâng lương, chuyển nhóm đối với công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương từ 6,20 trở lên.

+ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền nâng loại công nhân quốc phòng, thăng hạng viên chức quốc phòng.

+ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp có cấp bậc quân hàm Thượng tá và đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8a, khoản 2 Điều 8b Thông tư 170/2016/TT-BQP của Bộ Quốc Phòng.

– Thẩm quyền của Tổng Tham mưu trưởng:

+ Tổng Tham mưu trưởng có thẩm quyền thực hiện thẩm quyền của người chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 170/2016/TT-BQP đối với Bộ Tổng Tham mưu và doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng.

+ Tổng Tham mưu trưởng có thẩm quyền quyết định phê duyệt danh sách kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ một năm (đủ 12 tháng) đến không quá 5 năm đối với quân nhân chuyên nghiệp có cấp bậc quân hàm Trung tá trở xuống theo đề nghị của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.

– Thẩm quyền của người chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng trừ các doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng:

+ Người chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng trừ các doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng có thẩm quyền nâng lương, chuyển nhóm đối với quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương dưới 6,80; thăng cấp bậc quân hàm từ Trung úy đến Trung tá quân nhân chuyên nghiệp.

+ Người chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng trừ các doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng có thẩm quyền nâng lương, chuyển nhóm đối với công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới 6,20.

+ Người chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng trừ các doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng có thẩm quyền kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp có cấp bậc quân hàm Trung tá trở xuống gồm: Kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ dưới một năm hay kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ một năm (đủ 12 tháng) đến không quá 5 năm sau khi có quyết định phê duyệt của Tổng Tham mưu trưởng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư 170/2016/TT-BQP của Bộ Quốc Phòng.

– Pháp luật cũng quy định cấp có thẩm quyền thăng cấp bậc quân hàm, nâng lương đến cấp bậc, hệ số mức lương nào thì có thẩm quyền cho hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đến cấp bậc, hệ số mức lương đó.

– Ngoài ra thì các cấp có thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, thăng quân hàm đến cấp bậc, hệ số mức lương nào thì có thẩm quyền hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm và cho thôi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp, cho thôi phục vụ trong quân đội đối với công nhân và viên chức quốc phòng đến cấp bậc, hệ số mức lương đó theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, pháp luật nước ta quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền nâng lương, chuyển nhóm đối với quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương từ 6,80 trở lên và chủ thể là người chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng trừ các doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng có thẩm quyền nâng lương, chuyển nhóm đối với quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương dưới 6,80 cũng như thăng cấp bậc quân hàm từ Trung úy đến Trung tá quân nhân chuyên nghiệp.

2. Quy định chuyển nhóm lương quân nhân chuyên nghiệp:

Xếp lương khi chuyển nhóm quân nhân chuyên nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 4 Thông tư 73/2010/TT-BQP hướng dẫn xếp lương khi nâng loại, chuyển loại, chuyển nhóm quân nhân chuyên nghiệp do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành với nội dung cụ thể như sau:

– Đối với trường hợp được chuyển nhóm mới có hệ số lương cùng bậc cao hơn nhóm cũ (ví dụ: từ nhóm 2 chuyển sang nhóm 1 cùng loại quân nhân chuyên nghiệp) thì thực hiện như sau:

+ Nếu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở nhóm cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở nhóm cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở nhóm mới. Thời gian hưởng lương ở nhóm mới được tính kể từ ngày quyết định chuyển nhóm mới có hiệu lực thi hành. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở nhóm mới được tính như sau: Đối với trường hợp chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở nhóm mới so với hệ số lương đang hưởng ở nhóm cũ mà bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa hai bậc lương liền kề ở nhóm cũ, thì được tính kể từ ngày quyết định chuyển nhóm mới có hiệu lực thi hành; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa hai bậc lương liền kề ờ nhóm cũ thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở nhóm cũ.

Ví dụ cụ thể: Đồng chí A, kể từ ngày 15/7/2009 hưởng lương bậc 4, nhóm 2, loại quân nhân chuyên nghiệp cao cấp hệ số lương là: 4,70; đến tháng 3 năm 2010 có quyết định chuyển sang nhóm 1 loại quân nhân chuyên nghiệp cao cấp. Đồng chí A được xếp hưởng lương bậc 4, nhóm 1 loại quân nhân chuyên nghiệp cao cấp hệ số 4,90 kể từ tháng 3 năm 2010. Bởi vì chênh lệch giữa hệ số lương mới và hệ số lương cũ (4,90 – 4,70) bằng 0,20 thấp hơn chênh lệch giữa hệ số lương bậc 4 và bậc 5 trong nhóm cũ (5,05 – 4,7) là 0,35 nên thời gian xét nâng bậc lương lần sau của đồng chí A được tính từ tháng 7 năm 2009.

+ Nếu các chủ thể đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, mà tổng của hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung ở nhóm cũ cao hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong nhóm mới thì xếp hưởng hệ số lương ở bậc cuối cùng trong nhóm mới và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng của hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở nhóm cũ (nếu có). Thời gian hưởng lương ở nhóm mới (kể cả chênh lệch bảo lưu) và thời gian xét hưởng thâm niên vượt khung ở nhóm mới được tính kể từ ngày ký quyết định chuyển nhóm mới có hiệu lực thi hành theo đúng quy định của pháp luật.

Hệ số chênh lệch bảo lưu tại quy định nêu trên (tính tròn số sau dấu phẩy 2 số) được hưởng trong suốt thời gian quân nhân chuyên nghiệp xếp lương ở nhóm mới.

Ví dụ 2: Đồng chí B đang hưởng 7% phụ cấp thâm niên vượt khung ở nhóm 2, loại quân nhân chuyên nghiệp cao cấp kể từ ngày 10 tháng 8 năm 2008 (tổng của hệ số lương 7,50 cộng 7% TNVK là 8,02) đến ngày 10 tháng 3 năm 2010, đồng chí B đủ điều kiện được chuyển nhóm 1 loại quân nhân chuyên nghiệp cao cấp. Do hệ số lương 8,02 đang hưởng ở nhóm 2 lớn hơn. hệ số lương 7,70 ở bậc cuối cùng nhóm 1 trong loại quân nhân chuyên nghiệp cao cấp, nên đồng chí B được xếp vào hệ số lương 7,70 bậc 12 nhóm 1 loại quân nhân chuyên nghiệp cao cấp và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu là 0,32 (8,02 – 7,70) kể từ ngày 10 tháng 3 năm 2010.

– Còn trong trường hợp được chuyển nhóm mới có hệ số lương cùng bậc thấp hơn nhóm cũ (ví dụ từ nhóm 1 sang nhóm 2 cùng loại quân nhân chuyên nghiệp), thì xếp ngang bậc lương đang hưởng ở nhóm cũ sang nhóm mới và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương ở nhóm cũ (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có). Thời gian hưởng lương ở nhóm mới theo quy định của pháp luật thì sẽ được tính kể từ ngày ký quyết định chuyển nhóm mới có hiệu lực thi hành. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở nhóm mới được tính kể từ ngày xếp hệ số lương ở nhóm cũ.

Hệ số chênh lệch bảo lưu tại điểm này (tính tròn số sau dấu phẩy 2 số) được hưởng trong suốt thời gian quân nhân chuyên nghiệp xếp lương ở nhóm mới.

Ví dụ 3: Đồng chí C là quân nhân chuyên nghiệp loại Trung cấp đang hưởng lương bậc 8, nhóm 1 có hệ số lương là 5,60 kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2007. Đến ngày 01 tháng 4 năm 2010, đồng chí C được chuyển xuống nhóm 2 (cùng loại quân nhân chuyên nghiệp). Do hệ số lương bậc 8 nhóm 2 là 5,30 thấp hơn hệ số lương ở bậc 8 nhóm 1 là 0,30 (= 5,60 – 5,30), nên đồng chí C được xếp hưởng lương hệ số là 5,3 và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu là 0,30 kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2010 (ngày quyết định chuyển nhóm có hiệu lực thi hành). Đến ngày 01 tháng 8 năm 2010, sau đủ 3 năm, đồng chí C đủ điều kiện, tiêu chuẩn được xét nâng bậc lương ở nhóm 2 (bậc 9, hệ số lương = 5,60) và vẫn tiếp tục hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu 0,30.

Như vậy, đây là quy định về xếp lương khi chuyển nhóm quân nhân chuyên nghiệp được quy định cụ thể tại Thông tư 73/2010/TT-BQP của Bộ Quốc Phòng. Việc xếp lương khi chuyển nhóm quân nhân chuyên nghiệp sẽ cần được thực hiện theo quy định cụ thể được nêu trên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của quân nhân chuyên nghiệp.

Từ khóa » Hệ Số Lương Quân Hàm Qncn