Quy định Mới Về Cơ Chế Tự Chủ Tài Chính Của đơn Vị Sự Nghiệp Công ...

Ngày 14/2/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập sau đây gọi là Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Việc ban hành Nghị định đã mang lại một số kết quả tích cực, như: Tăng quyền tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập trong sử dụng tài sản, nguồn lực tài chính, nhân lực trong cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện sử dụng các thế mạnh về tài sản, nguồn lực tài chính, nhân lực để cung cấp dịch vụ công theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, từ thực tiễn thời gian qua cho thấy Nghị định số 16/2015/NĐ-CP còn tồn tại một số hạn chế, do vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 nhằm khắc phục những hạn chế này.

Phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Thứ nhất, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100%; có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định của đơn vị.

Mức tự bảo đảm chi đầu tư được xác định bao gồm các nguồn sau: Số dự kiến trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong năm kế hoạch hoặc của bình quân 05 năm trước liền kê; Số thu phí được để lại để chi thường xuyên không giao tự chủ theo quy định.

Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.

Thứ hai, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).

Thứ ba, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này từ 10% đến dưới 100%, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí và được phân loại như sau: Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên.

Thứ tư, đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên gồm: Đơn vị sự nghiệp công có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này dưới 10%; Đơn vị sự nghiệp công không có nguồn thu sự nghiệp.

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng của nguồn tài chính, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các nội dung chi nêu tại Điều 20 Nghị định này gồm:

- Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương.

Trong thời gian chưa ban hành chế độ tiền lương mới theo hướng cải cách thì áp dụng chế độ tiền lương theo mức lương cơ sở, hệ số ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và phụ cấp, tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

Kể từ ngày áp dụng chế độ tiền lương mới, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

- Chi tiền thưởng: Thực hiện theo chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

- Chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý: Tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

- Các khoản chi khác nếu có.

Sửa quy định về nguồn tài chính

Về nguồn tài chính, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, quy định nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tổng hợp chung tất cả các nguồn lực, chưa có sự tách bạch rõ nguồn thu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và các hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2016 của Chính phủ, bổ sung quy định cụ thể nguồn tài chính của đơn vị SNCL theo hướng tách rõ nguồn thu.

- Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công;

- Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công;

- Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.

Tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, chưa quy định cụ thể các hình thức liên doanh liên kết và việc phân phối kết quả chênh lệch thu chi từ hoạt động liên doanh liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập.

Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất chung về việc phân phối kết quả từ hoạt động liên doanh liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ bổ sung quy định về tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết.

Theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP 21/6/2021 của Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ không quy định việc sử dụng thương hiệu, giấy phép, bản quyền tác phẩm để liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới. Trường hợp liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới thì đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo các quy định pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đầu tư, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan khác.

Việc phân chia kết quả của hoạt động liên doanh, liên kết thực hiện theo thỏa thuận trong Hợp đồng liên doanh, liên kết, cụ thể như sau:

- Đối với hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới: Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện bổ sung toàn bộ kết quả của hoạt động liên doanh, liên kết vào nguồn tài chính của đơn vị có hoạt động liên doanh, liên kết theo đề án liên doanh, liên kết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đối với hình thức liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới: số tiền thu được từ kết quả phân chia của hoạt động liên doanh, liên kết sau khi chi trả các chi phí lãi vay, chi phí thuê tài sản đem đi góp vốn (nếu có); phần thu nhập được chia còn lại của đơn vị sự nghiệp công lập được quản lý và sử dụng theo đề án liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Từ những điểm mới được quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian qua./.

Hoàng Ân

Từ khóa » Số 60/2021/nđ-cp