Quy định Mới Về Hồ Sơ Lâm Sản - Báo Nông Nghiệp Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Bảng kê lâm sản
Bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập sau khai thác; khi mua bán, vận chuyển, xuất lâm sản trong cùng một lần và trên một phương tiện vận chuyển. Chủ lâm sản chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung kê khai và nguồn gốc lâm sản hợp pháp tại bảng kê lâm sản.
Điều tra tăng trưởng rừng trồng (Ảnh minh họa) |
Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT có 04 mẫu bảng kê lâm sản, dùng để kê cho các loại lâm sản khác nhau (Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 chỉ có 01 mẫu bảng kê lâm sản chung cho các loại lâm sản); trong đó, quy định chi tiết các nội dung thông tin về nguồn gốc lâm sản, tên gỗ, kích thước; số hiệu, nhãn đánh dấu (nếu có), để thuận tiện trong việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Đối tượng phải xác nhận bảng kê
Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT quy định chỉ xác nhận bảng kê lâm sản đối với 03 đối tượng, được nêu cụ thể tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 6 và trường hợp các đối tượng này khi vận chuyển nội bộ ra ngoài tỉnh. Ngoài các đối tượng và trường hợp nêu trên, cơ quan Kiểm lâm sở tại, không thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản.
So với văn bản cũ (Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 và Thông tư số 40/2015/TT-BNNPTNT ngày 21/10/2015), Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT không quy định thẩm quyền xác nhận bảng kê lâm sản của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ và UBND cấp xã.
Trình tự, thủ tục khai thác thực vật rừng thông thường
Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT chỉ quy định trình tự, thủ tục khai thác gỗ, thực vật rừng ngoài gỗ và động vật rừng thông thường. Không quy định khai thác chính gỗ rừng tự nhiên, bỏ quy định khai thác gỗ phục vụ nhu cầu thiết yếu tại chỗ. Các quy định về đối tượng, điều kiện, phương thức khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, được quy định cụ thể tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Khai thác tận dụng gỗ, tận thu gỗ loài thực vật thông thường từ rừng tự nhiên:
Trước khi khai thác tận dụng gỗ, tận thu gỗ loài thực vật thông thường từ rừng tự nhiên, chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, lập hồ sơ khai thác theo quy định và gửi đến Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh nơi khai thác đối với chủ rừng là tổ chức hoặc đến cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với chủ rừng là cá nhân để tổng hợp, kiểm tra trong quá trình khai thác. Sau khai thác, chủ lâm sản lập và trình cơ quan Kiểm lâm sở tại xác nhận bảng kê lâm sản.
Khai thác rừng trồng thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân:
Đối với khai thác gỗ rừng trồng, gỗ vườn và cây trồng phân tán thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân, bao gồm cả gỗ được trồng theo các chính sách, dự án hỗ trợ của Nhà nước; thực vật rừng ngoài gỗ và dẫn xuất của thực vật rừng. Chủ rừng tự quyết định việc khai thác. Sau khai thác, chủ lâm sản lập bảng kê lâm sản. Không quy định xác nhận bảng kê lâm sản đối với gỗ rừng trồng loài thông thường.
Đối với rừng trồng bằng ngân sách Nhà nước, dự án có nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước đầu tư đã kết thúc dự án, rừng giao cho tổ chức, cá nhân hoặc do UBND cấp xã quản lý thì được xác định là rừng trồng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu; trường hợp rừng trồng được hỗ trợ một phần từ các chính sách, dự án giao cho tổ chức, các nhân quản lý thì được xác định là rừng trồng thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân.
Hồ sơ lâm sản mua bán, vận chuyển
Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT quy định mới về “Bản sao hồ sơ nguồn gốc lâm sản của chủ lâm sản bán” trong hồ sơ lâm sản khi mua bán, vận chuyển. Tài liệu này là bản sao hồ sơ nguồn gốc lâm sản của chủ lâm sản khi xuất bán lâm sản giao cho tổ chức, cá nhân mua kèm theo lâm sản đó để thuận tiện cho việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản khi cần thiết.
Đánh dấu mẫu vật
Đây là quy định mới, đối tượng đánh dấu mẫu vật là các loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; các loài thuộc các Phụ lục CITES; sản phẩm gỗ hoàn chỉnh khi mua bán.
Việc đánh dấu mẫu vật do chủ lâm sản tự thực hiện, có thể thực hiện bằng tem, mã số, mã vạch, mã QR, chíp điện tử… Có chứa đựng thông tin để truy xuất nguồn gốc; nhãn đánh dấu được gắn trực tiếp lên mẫu vật, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và chịu trách nhiệm về tính trung thực, rõ ràng, chính xác của nhãn đánh dấu.
Kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản
Nguyên tắc hoạt động kiểm tra:
Hoạt động kiểm tra của cơ quan Kiểm lâm do Tổ kiểm tra hoặc Đoàn kiểm tra (sau đây viết tắt là Tổ kiểm tra) thực hiện khi có quyết định của người có thẩm quyền.
Trường hợp Tổ kiểm tra đang thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm quả tang thì phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết và báo cáo theo quy định.
Mọi trường hợp xác minh, kiểm tra nguồn gốc lâm sản phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục kiểm tra theo quy định của pháp luật và phải lập biên bản kiểm tra.
Kiểm tra vận chuyển lâm sản:
Tổ kiểm tra chỉ được dừng phương tiện giao thông đang lưu thông để kiểm tra lâm sản khi có các căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 40 Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT.
Từ khóa » Chủ Lâm Sản Là Gì
-
Lâm Sản Là Gì? Đặc điểm Của Lâm Sản? Một Số Lâm Sản Quý Hiếm?
-
Lâm Sản – Wikipedia Tiếng Việt
-
Quy định Về Truy Xuất Nguồn Gốc Lâm Sản Tại Thông Tư 27/2018/TT ...
-
Bảng Kê Lâm Sản Là Gì? Đối Tượng Nào Phải Xác ... - Luật Minh Khuê
-
Lâm Sản Là Gì? - Hỏi đáp Pháp Luật
-
Thông Tư 27/2018/TT-BNNPTNT Quy định Quản Lý Truy Xuất Nguồn ...
-
Quy định Về Bảng Kê Lâm Sản Theo Pháp Luật Hiện Hành
-
Quy định Mới Về Hồ Sơ Lâm Sản - Chi Tiết Tin Tức - Sở NN&PTNT
-
Hướng Dẫn Chuẩn Bị Hồ Sơ Lâm Sản Cần Cung Cấp Khi Xuất Khẩu
-
Hướng Dẫn Về Hồ Sơ Nguồn Gốc Lâm Sản Khai Thác Từ Rừng Trồng Do ...
-
07/VBHN-BNNPTNT Quy định Hồ Sơ Lâm Sản Hợp Pháp Và Kiểm Tra ...
-
Xử Phạt Chủ Lâm Sản Nếu Không đánh Dấu Mẫu Vật
-
Thông Tư Quy định Hồ Sơ Lâm Sản Hợp Pháp Và Kiểm Tra Nguồn Gốc ...
-
Thông Tư 27/2018/TT-BNNPTNT Về Quản Lý, Truy Xuất Nguồn Gốc Lâm ...