QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ LÃI CHẬM TRÃI VÀ LÃI SUẤT QUÁ HẠN

Lãi chậm trả và lãi quá hạn? Cách tính lãi suất chậm trả và quá hạn? Cho vay không trả phải làm thế nào để đòi nợ.

Tục ngữ có câu “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, có thể nói tiền bạc là mồ hôi là công sức, đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Chính bởi vậy khi đem tiền của mình đi cho người khác vay, dù là để giúp đỡ, dù là để kiếm lời từ việc cho vay thì người vay tiền cũng mong muốn được nhận đủ tiền sớm nhất hoặc ít nhất là đúng hạn. Tuy nhiên trên thực tế, người vay thường sẽ không thể trả nợ được đúng hạn, vì làm ăn thua lỗ, ốm đau, tai nạn,… không thể nào thu xếp đủ tiền để trả nợ. Điều này, ít nhiều sẽ gây thiệt hại cho người cho vay tiền. Để đảm bảo quyền lợi của các bên trong mối quan hệ dân sự này, pháp luật có quy định về việc tính lãi chậm trả và lãi quá hạn. Vậy nội dung trên được quy định như thế nào? Để giải quyết vấn đề này, trong phạm vi bài viết, đội ngũ luật sư và chuyên viên Luật Nhân Hòa sẽ đề cập đến quy định về việc tính lãi chậm trả và lãi quá hạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về khái niệm “lãi quá hạn” hay “lãi chậm trả”:

Hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành không có quy định về khái niệm “lãi quá hạn”, hay “lãi chậm trả”. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 357, 466 Bộ luật dân sự năm 2015, thì có thể hiểu:

  • “Lãi chậm trả” (hay còn gọi là tiền lãi chậm trả)

Có thể hiểu, lãi chậm trả là khoản tiền lãi phát sinh mà bên vay/mượn phải trả cho bên cho vay khi đến hạn mà bên vay không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền, trong đó, số tiền lãi này được tính trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

  • “Lãi quá hạn” (hay còn gọi là tiền lãi quá hạn).

Cũng như “lãi chậm trả”, đối với khái niệm “lãi quá hạn” cũng không có văn bản nào quy định cụ thể về khái niệm này. Tuy nhiên căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015, có thể hiểu, “lãi quá hạn” được hiểu là khoản tiền lãi phát sinh trên khoản nợ gốc quá hạn chưa trả tương ứng với thời gian chậm trả (thời gian quá hạn), mà người vay phải trả cho bên cho vay tính đến thời điểm trả nợ. Trong đó, thời gian chậm trả (thời gian quá hạn) được hiểu là một khoảng thời gian tính từ ngày hết hạn trả nợ đến này tính tiền trả nợ. “Lãi quá hạn” thường được áp dụng đối với trường hợp xác định nghĩa vụ trả nợ đối với khoản vay tính có lãi.

Dù “lãi chậm trả”, “lãi quá hạn” được hiểu như thế nào thì có thể thấy, đây cũng là một trong những khoản tiền lãi phát sinh do bên vay tiền/vay vốn không tuân thủ hợp đồng vay, thời hạn vay. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của bên cho vay, nhất là đảm bảo quyền phát sinh cơ hội đầu tư từ số tiền đã cho vay của bên cho vay thì theo nội dung quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các bên, bên cho vay tiền/vay vốn phải trả thêm khoản tiền lãi chậm trả, lãi quá hạn.

Thứ hai, về cách tính lãi suất chậm trả và lãi suất quá hạn.

  • Cách tính lãi suất chậm trả:

Về mặt nguyên tắc, trong quan hệ vay vốn, vay tiền thì bên vay phải có trách nhiệm trả đủ tiền khi đến hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào, bên vay cũng thực hiện được thỏa thuận này. Trường hợp này, khi đến hạn trả nợ mà bên vay không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay ngoài việc thanh toán nghĩa vụ trả nợ, phải trả thêm một khoản tiền lãi chậm trả.

Về lãi suất chậm trả, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 357, Khoản 4, 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất này trước hết sẽ do các bên tự thỏa thuận. Lãi suất thỏa thuận này có thể được ghi nhận trước đó trong hợp đồng vay vốn, hợp đồng vay tiền được ký kết trước đó. Lãi suất này cũng có thể do hai bên tự thỏa thuận tại thời điểm tính tiền trả nợ, nếu trong giấy/hợp đồng vay tiền không có quy định về lãi suất này.

Trường hợp không thỏa thuận được về vấn đề lãi suất chậm trả thì lãi suất chậm trả sẽ được xác định theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất chậm trả sẽ được xác định bằng 50% mức lãi suất cho vay giới hạn tại thời điểm trả nợ là 20%/năm, tương đương với mức lãi suất chậm trả là 10%/năm.

Trên cơ sở này, khoản tiền lãi chậm trả sẽ được xác định bằng 10%/năm (tương đương 0,83 %/tháng) tính trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về mức lãi suất chậm trả.

Có thể thể hiện bằng công thức như sau:

– Lãi chậm trả = nợ gốc chưa trả x lãi chậm trả (0,83%/tháng) x thời gian chậm trả.

(Công thức này áp dụng cho trường hợp cho vay không có lãi, theo quy định tại khoản 2 Điều 357, khoản 4 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015).

– Lãi chậm trả = nợ gốc x lãi suất vay theo thỏa thuận trong hợp đồng x thời hạn vay x 0,83%/tháng x thời gian chậm trả.

(Công thức này áp dụng cho trường hợp cho vay có lãi, theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Ví dụ: A cho B vay số tiền là 300 triệu đồng, không tính lãi. Thời hạn hợp đồng vay là 12 tháng, từ 01/01/2018 đến 31/12/2018. Đến thời điểm tháng 31/03/2019, anh B mới thanh toán nợ gốc cho anh B. Trường hợp này, anh B đã chậm thực hiện việc trả nợ so với thời hạn là 03 tháng. Vậy B sẽ phải trả cho A ngoài khoản tiền gốc là 300 triệu đồng; đồng thời phải trả thêm một khoản tiền lãi chậm trả được tính như sau:

Tiền lãi chậm trả = 300.000.000 đ x 0,83%/tháng x 03 tháng = 7.470.000 đồng.

Vậy, do đây là khoản vay không có lãi nên khi đến hạn mà anh B không trả được nợ, hơn nữa còn trả chậm 03 tháng so với thời hạn vay, và A, B không thỏa thuận được lãi suất chậm trả nên căn cứ theo khoản 4 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015, B phải trả: 300.000.000 đồng (tiền nợ gốc) và 7.470.000 đồng tiền lãi phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

  • Cách tính lãi suất quá hạn:

Về lãi suất quá hạn, còn được hiểu là lãi suất tính trên nợ gốc quá hạn, sẽ được xác định theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, lãi suất quá hạn (tức lãi suất tính trên nợ gốc quá hạn chưa trả) sẽ được xác định theo sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ vay tiền. Tuy nhiên, trường hợp các bên không có sự thỏa thuận thì lãi suất quá hạn được tính bằng 150% (tương đương 1,5) lãi suất vay theo hợp đồng vay.

Trên cơ sở này, tiền lãi quá hạn (tiền lãi tính trên nợ gốc quá hạn chưa trả) = nợ gốc quá hạn chưa trả x lãi suất vay theo hợp đồng vay x 1,5 x thời gian chậm trả (thời gian quá hạn).

Ví dụ: Anh C cho anh D vay 100.000.000 đồng với lãi suất 1,5%/tháng. Thời hạn hợp đồng vay là 15 tháng, từ 01/04/2017 đến 01/07/2017. Đã quá hạn 4 tháng, D mới thanh toán gốc và lãi cho C. Vậy giả sử C, và D không thỏa thuận về lãi suất chậm trả, hay lãi quá hạn cụ thể, thì căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 D phải có trách nhiệm trả cho C các khoản tiền:

– Nợ gốc: 100.000.000 đồng (100 triệu đồng)

– Lãi trên nợ gốc trong thời hạn hợp đồng vay: = 100.000.000 đồng x 15 tháng x 1,5%/tháng = 22.500.000 đồng.

– Lãi chậm trả = 100.000.000 đồng x 1,5% x 15 x 0,83% x 4 = 747.000 đồng.

– Lãi trên nợ gốc quá hạn (lãi quá hạn) = 100.000.000 đ x 1,5% x 4= 6.000.000 đồng.

Như vậy, dù là “lãi chậm trả” hay “lãi quá hạn” thì đây cũng là những khoản tiền lãi được phát sinh khi đến thời hạn trả nợ mà bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ khoản tiền vay, được hiểu như là một sự bù đắp cho thiệt hại xảy ra với bên cho vay khi bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ theo đúng thỏa thuận. Tuy nhiên, tùy thuộc vào khoản vay này là khoản vay có lấy lãi hay khoản vay không có lãi mà người vay nợ có thể ngoài việc trả khoản tiền gốc thì có thể phải trả lãi chậm trả (áp dụng trong trường hợp vay không có lãi) hoặc phải trả cả lãi chậm trả và lãi quá hạn (áp dụng đối với khoản vay có lãi).

Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.

Công ty Luật Nhân Hòa

Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Hotline: 0915. 27.05.27

Trân trọng!

Từ khóa » Bài Thơ Lấy Chồng Em Lãi Quá