Quy Định Sử Dụng Flycam Ở Việt Nam Mới Nhất

Máy bay không người lái hay còn được gọi là Flycam, Drone là những thiết bị quay chụp trên không được nhiều người ưa thích và biết đến. Nhằm phục vụ nhiều mục đích như giải trí, học tập, làm việc và sáng tạo mà Flycam ngày càng trở nên phổ biến ở mọi quốc gia. Đối với bất kỳ ai khi điều khiển chúng đều cần hiểu rõ về luật và các quy định sử dụng máy bay không người lái. Bằng cách tuân thủ các hướng dẫn do chính phủ ban hành như việc đăng ký Flycam trước khi bay, nắm vững các khu vực bị hạn chế, bị cấm bay sẽ giúp các chuyến bay trở nên an toàn hơn.

Cung cấp các thiết bị bay không người lái DJI chính hãng, DJI Việt Nam đảm bảo hiểu rõ các quy định và tuân thủ đúng các chính sách dành cho Flycam, giúp khách hàng yên tâm mua và sử dụng Flycam một cách an toàn nhất.

  1. Xin cấp phép trước khi sử dụng Flycam
    1. 1. Cơ quan được phép cấp phép, từ chối hoặc đình chỉ bay
    2. 2. Hồ sơ, thủ tục cấp phép
      1. 2.1 Theo Điều 9 Nghị định 36/2008/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp phép sử dụng Flycam tại Việt Nam gồm có:
      2. 2.2 Thời gian hoàn thiện thủ tục đăng ký Flycam
      3. 3. Nội dung giấy phép bay Flycam
      4. 4. Thời gian phản hồi đơn đề nghị cấp phép bay
      5. 5. Trách nhiệm của đơn vị tổ chức hoạt động bay Flycam
      6. 6. Các hành vi bị nghiêm cấm không được phép bay
      7. 7. Xử phạt đối với hành vi vi phạm hoạt động bay
  2. Các khu vực bị hạn chế và cấm bay tại Việt Nam
    1. 1. Khu vực Flycam bị hạn chế bay
    2. 2. Khu vực Flycam bị cấm bay
  3. Kết luận

Xin cấp phép trước khi sử dụng Flycam

Với mục đích hạn chế tối đa nguy cơ gây mất an toàn cho các hoạt động quân sự và dân dụng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội nên bắt buộc trước khi sử dụng Flycam, các cá nhân hay tổ chức đều cần làm thủ tục đăng ký bay đối với các thiết bị máy bay không người lái. Việc đăng ký cũng giúp người dùng có thể dễ dàng xác định được vị trí thiết bị bay của mình nếu chẳng may bị thất lạc hoặc ngược lại sẽ phải chịu trách nhiệm nếu điều khiển thiết bị bay vi phạm các chính sách được quy định đối với Flycam.

Quy trình xin cấp phép bay đối với các thiết bị tàu bay không người lái cụ thể như sau:

1. Cơ quan được phép cấp phép, từ chối hoặc đình chỉ bay

Theo Điều 8 Nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 quy định Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu được cấp phép hoặc từ chối cấp phép đối với những thiết bị máy bay không người lái, các loại khí cầu không có người điều khiển hoặc các loại khí cầu, các mô hình bay có người điều khiển nhưng không cất cánh, hạ cánh tại các sân bay được phép hoạt động.

2. Hồ sơ, thủ tục cấp phép

2.1 Theo Điều 9 Nghị định 36/2008/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp phép sử dụng Flycam tại Việt Nam gồm có:

  • Đơn xin cấp phép bay Flycam (Nghị định 79/2011/NĐ- CP) (Điền theo form bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh).
  • Các tài liệu kỹ thuật về máy bay không người lái bao gồm: Ảnh chụp, thông số kỹ thuật, thông tin tính năng của Flycam.
  • Giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép thiết bị bay thực hiện cất cánh, hạ cánh tại các khu vực được phép bao gồm cả trên mặt đất và mặt nước.
  • Các giấy tờ, tài liệu chính thống khác có liên quan đến thiết bị bay.

2.2 Thời gian hoàn thiện thủ tục đăng ký Flycam

Trước ngày tổ chức thực hiện các chuyến bay ít nhất 7 ngày, cá nhân hay tổ chức cần nộp đơn xin cấp phép tới Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu. Hoặc đối với đơn xin sửa lại phép bay cũng cần gửi tới Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu trước ngày bay ít nhất 7 ngày.

3. Nội dung giấy phép bay Flycam

Nội dung giấy phép bay tàu bay không người lái bao gồm:

  • Thông tin cá nhân, tổ chức đăng ký có: Tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ.
  • Thông tin về flycam gồm: Ảnh chụp, thông số kỹ thuật và các tính năng của máy bay.
  • Thông tin khu vực được tổ chức hoạt động bay, hướng bay, vệt bay.
  • Thời hạn, thời gian được tổ chức bay và mục đích bay.
  • Các quy định về thông báo hiệp đồng bay, cơ quan được chỉ định để quản lý, giám sát hoặc điều hành bay.
  • Các nội dung quy định về an ninh, quốc phòng khác.

4. Thời gian phản hồi đơn đề nghị cấp phép bay

Theo Điều 10 Nghị định 36/2008/NĐ-CP, sau tối đa 5 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn đề nghị cấp phép bay từ các cá nhân, tổ chức, Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu sẽ thực hiện cấp phép cho người đăng ký. Đối với đơn xin sửa đổi phép bay, thời hạn xử lý đơn là 3 ngày để Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu cấp phép bay.

5. Trách nhiệm của đơn vị tổ chức hoạt động bay Flycam

Theo Điều 13 của Nghị định 79/2011/NĐ-CP, các đơn vị tổ chức bay Flycam cần tuân thủ:

  • Đăng ký xin cấp phép bay Flycam trước khi bay
  • Thông báo lịch bay dự kiến trước ngày bay
  • Hiểu rõ các quy định, nội dung khi tổ chức bay
  • Tuân thủ các quy tắc, quy định, điều kiện trong phép bay
  • Thực hiện nghiêm quyết định đình chỉ bay và báo cáo đầy đủ, chính xác kết quả bay về cơ quan giám sát, điều hành bay.
  • Bồi thường thiệt hại khi xảy ra các vấn đề mất an toàn về người và của.

6. Các hành vi bị nghiêm cấm không được phép bay

Theo Khoản 1 Điều 14 của Nghị định 36/2008/NĐ-CP quy định về các hành vi bị nghiêm cấm không được phép tổ chức bay như sau:

  • Tổ chức bay khi chưa có giấy phép bay
  • Bay ngoài phạm vi giới hạn cho phép của thiết bị. Vi phạm quy định về quản lý lãnh thổ và biên giới quốc gia.
  • Chở theo các chất phóng xạ, chất gây cháy nổ trên thiết bị bay.
  • Thả các đồ vật hay các chất nguy hiểm từ trên không xuống mặt đất khi Flycam đang bay.
  • Gắn thêm các thiết bị nhằm mục đích quay chụp trên không khi không được cho phép.
  • Thực hiện các hành vi treo cờ, phát loa tuyên truyền không đúng với quy định cấp phép bay.
  • Không thực hiện nghiêm các lệnh, hiệu lệnh từ cơ quan giám sát, điều hành bay.

7. Xử phạt đối với hành vi vi phạm hoạt động bay

Theo Điều 16 Nghị định 36/2008/NĐ-CP, khi các cá nhân hay tổ chức vi phạm các quy định về luật bay, tùy vào sai phạm mà có hình thức xử phạt tương ứng như phạt hành chính, thu hồi giấy phép bay đã cấp, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với lĩnh vực hàng không dân dụng, theo khoản 5 Điều 19 Nghị định 147/2013/ NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

  • Phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trường hợp cá nhân thực hiện chuyến bay không đúng với phép bay và mục đích bay như đã khai báo.
  • Phạt từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp cá nhân tổ chức hoạt động bay mà không có giấy phép bay.

Các khu vực bị hạn chế và cấm bay tại Việt Nam

Theo quyết định số 18/2020/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/06/2020, các khu vực hạn chế bay và cấm bay đối với các thiết bị bay không người lái đã được thiết lập. Vì vậy, người chơi Flycam cần nắm rõ các khu vực này để có kế hoạch bay an toàn.

1. Khu vực Flycam bị hạn chế bay

  • Vùng trời có độ cao trên 120m so với địa hình (không gồm các khu vực bị cấm bay).
  • Khu vực đông dân cư, đông người.
  • Khu vực biên giới giáp với Trung Quốc cách đường biên 25.000m ở mọi độ cao. Khu vực biên giới giáp với Lào, Campuchia cách đường biên 10.000m ở mọi độ cao.
  • Khu vực giáp với vùng bị cấm bay tại cảng hàng không, sân bay có máy bay hàng không dân dụng hoạt động, máy bay quân sự mở rộng ra phía ngoài (rộng 3.000m; dài 5.000m) tính từ ranh giới khu vực cấm bay tại cảng hàng không, sân bay tại độ cao thấp hơn 120m so với địa hình.
  • Trong một số trường hợp, các thiết bị bay không người lái có thể được phép bay trong các khu vực hạn chế nếu đáp ứng các yêu cầu của tổ chức cấp phép bay.

2. Khu vực Flycam bị cấm bay

  • Khu vực bao gồm các công trình quốc phòng hoặc các quân khu đặc biệt do trực tiếp Bộ Quốc phòng chỉ đạo, quản lý và bảo vệ. (Flycam được phép bay cách ranh giới khu vực cấm này ít nhất 500m theo chiều ngang ở mọi độ cao)
  • Khu vực là trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan, ban, ngành Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Trung Ương các cấp tỉnh, cấp thành phố trực thuộc Trung Ương, các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự quán, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam. (Flycam được phép bay cách ranh giới khu vực cấm này ít nhất 200m theo chiều ngang ở mọi độ cao)
  • Khu vực quốc phòng, an ninh. (Flycam được phép bay cách ranh giới khu vực cấm này ít nhất 500m theo chiều ngang ở mọi độ cao)
  • Khu vực cảng hàng không, sân bay có máy bay hàng không dân dụng, quân sự đang hoạt động (chi tiết tại quyết định 18/2020/QĐ-TTg).
  • Các khu vực nằm trong giới hạn hoạt động của đường hàng không, các vệt bay, hành lang bay đã được cấp phép trong vùng trời Việt Nam, phạm vi giới hạn của đường hàng không đã được Cục Hàng không Việt Nam công bố trên Tập thông báo tin tức hàng không của Việt Nam “AIP Việt Nam”.

Kết luận

Tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định và luật áp dụng với máy bay không người lái không chỉ giúp người chơi đảm bảo an toàn cho chính bản thân, bảo vệ máy bay tối ưu và những người xung quanh mà còn góp phần giữ an toàn trật tự xã hội, bảo vệ an ninh quân sự quốc gia.

Từ khóa » Bằng Lái Flycam