Quy định Về Bằng Lái Xe Quốc Tế Hiện Nay - Luật Sư X

Nhu cầu giao lưu kinh tế và văn hóa hiện nay ngày càng phát triển. Việc đi lại giữa các nước với nhau cũng trở nên phổ biến và thuận tiện hơn. Mặt khác, việc quản lý phương tiện lưu thông thông qua giấy phép lái xe do các quốc gia khác nhau quy định đã gây ra sự cản trở cho những người nước ngoài muốn tự mình điều khiển xe khi đến quốc gia khác. Tuy nhiên, quy định của pháp luật Việt Nam về bằng lái xe quốc tế có sự khác biệt so với thế giới. Vậy điều kiện để được cấp bằng lái xe quốc tế là gì? Thủ tục để đăng ký bằng lái xe quốc tế như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Luật sư X nhé!

Căn cứ pháp lý

Thông tư 29/2015/TT-BGTVT

Thế nào là bằng lái xe quốc tế?

Bằng lái xe quốc tế hay còn được gọi là Giấy phép lái xe quốc tế. Định nghĩa về bằng lái xe quốc tế được quy định cụ thể tại Điều 3 Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT.

Theo đó, Giấy phép lái xe quốc tế là giấy phép lái xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước (bao gồm cả khu vực hành chính) tham gia Công ước Viên cấp theo một mẫu thống nhất. Hiện nay, số nước tham gia công ước Vienna đã lên tới 85 quốc gia. Đồng nghĩa với đó; công dân Việt Nam được cấp giấy phép lái xe quốc tế sẽ được lái xe ở các nước tham gia công ước Vienna mà không phải học; thi lấy bằng lái xe của nước sở tại. Ví dụ như Thái Lan, Peru, Venezuela, Ukraine,…

Giấy phép lái xe quốc tế có tên tiếng Anh là International Driving Permit, gọi tắt là IDP. Gồm những nội dung sau:

  • Là một quyển sổ có kích thước A6 (148 mm x 105 mm)
  • Có ký hiệu bảo mật, bìa màu xám; những trang giấy bên trong màu trắng theo mẫu quy định của pháp luật.
  • IDP do Việt Nam cấp không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam.

Như vậy, người có IDP do Việt Nam cấp khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ quốc gia tham gia Công ước Vienna phải mang theo IDP và giấy phép lái xe quốc gia; tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của nước sở tại.

Điều kiện để được cấp giấy phép lái xe quốc tế

Ở Việt Nam, pháp luật quy định chỉ có những người đã được cấp giấy phép lái xe trong nước mới có thể được cấp giấy phép lái xe quốc tế. Theo Điều 6 Thông tư 29/2015/TT-BGTVT quy định thì người Việt Nam; người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam; có giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp bằng vật liệu PET; còn giá trị sử dụng là đối tượng được cấp giấy phép lái xe quốc tế.

Như vậy; điều kiện để có thể được cấp giấy phép lái xe quốc tế và sử dụng phương tiện ở nước ngoài đó là người có nhu cầu phải tham gia kỳ thi sát hạch; và được cấp giấy phép lái xe trong nước từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra; Khoản 4 Điều 8 Thông tư 29/2015/TT-BGTVT còn quy định về việc không cấp IDP đối với các trường hợp sau đây:

  • Giấy phép lái xe quốc gia bị tẩy xóa, hư hỏng không còn đủ các thông tin cần thiết hoặc có sự khác biệt về nhận dạng;
  • Giấy phép lái xe quốc gia không do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.

Trình tự, Thủ tục cấp bằng lái xe quốc tế

Trình tự, thủ tục cấp bằng lái xe quốc tế được quy định tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT như sau:

Bước 1

Chuẩn bị hồ sơ

Để tiến hành thủ tục cấp bằng lái quốc tế tại Việt Nam người có nhu cầu cần phải chuẩn bị những giấy tờ tài liệu sau đây:

  • Đơn đề nghị cấp IDP (theo mẫu)
  • Bản chính giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp còn giá trị để kiểm tra, đối chiếu.
  • Bản chính hộ chiếu, thẻ thường trú (đối với người nước ngoài) còn giá trị để kiểm tra, đối chiếu.

Bước 2

Nộp hồ sơ xin cấp bằng lái xe quốc tế

Theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 8 Thông tư 29/2015/TT-BGTVT; cá nhân nộp đơn đề nghị cấp IDP theo quy định trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải để thực hiện kiểm tra tính chính xác và hợp pháp của việc cấp IDP. Trường hợp đơn đề nghị không đúng theo quy định; sẽ được hướng dẫn thực hiện ngay khi tiếp nhận.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục cấp bằng lái xe quốc tế là Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý việc cấp IDP thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Còn Sở Giao thông vận tải thực hiện việc cấp, quản lý IDP tại địa phương của mỗi Sở Giao thông vận tải.

Thủ tục đăng kí cấp bằng lái xe quốc tế trực tuyến qua mạng internet

Bước 1

Đăng ký hồ sơ

Bạn truy cập vào địa chỉ trang web https://dichvucong.gplx.gov.vn/faces/registration/home.xhtml

Sau đó,lựa chọn loại thủ tục hành chính là Dịch vụ công cấp GPLX quốc tế (mức độ 4); cơ quan giải quyết là Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhấn Đăng ký trực tuyến.

Bước 2

Nhập thông tin theo đúng biểu mẫu đăng ký trực tuyến

Trong màn hình đăng ký thông tin chi tiết, nhập Số GPLX (bằng vật liệu PET) muốn cấp GPLXQT của mình và nơi cấp GPLX. Cần nhập chính xác Số giấy phép lái xe (12 số). Nếu Số GPLX hợp lệ và có trong cơ sở dữ liệu của hệ thống, thông tin chi tiết tương ứng với số GPLX sẽ được tự động hiển thị, các thông tin này không được phép sửa lại.

Nếu Số GPLX hợp lệ, tiếp tục nhập các thông tin còn lại.

Lưu ý:

  • Mục Ảnh chân dung: Ảnh chân dung tải lên cần tuân thủ tiêu chuẩn ảnh chân dung ICAO (Đầu nghiêng không quá 5 độ; Mắt nhìn thẳng; Vẻ mặt bình thường; Kích thước ảnh tối thiểu 600×800 pixel; Có phông nền xanh hoặc trắng
  • Mục chữ ký: nhấn vào nút Tạo chữ ký; sau đó dùng chuột ký vào màn hình lấy mẫu chữ ký; nhấn Đồng ý để lưu chữ ký vừa tạo hoặc Xóa để ký lại.
  • Về thành phần hồ sơ: lựa chọn upload file lên hệ thống phải đúng định dạng (chấp nhận file: doc, docx, pdf, png, jpg, jpeg); và dung lượng file nhỏ hơn 1MB (Chuẩn bị file ảnh gồm: ảnh chụp mặt trước GPLX; ảnh chụp hộ chiếu (trang có ảnh và nơi sinh).

Bước 3

Đăng ký chuyển phát và thanh toán

Người dùng đăng ký thông tin chuyển phát để nhận Giấy phép lái xe sau khi được cấp. Sau khi nhập đầy đủ và hợp lệ thông tin về hồ sơ cấp bằng lái xe quốc tế; hệ thống sẽ hiển thị màn hình nhập thông tin chuyển phát.

Sau khi người dùng đăng ký thông tin chuyển phát; màn hình sẽ hiển thị danh sách các loại chi phí. Bạn sẽ thanh toán trực tuyến các loại phí đó.

Bước 4

Cán bộ nghiệp vụ sẽ thực hiện kiểm tra các hồ sơ đã hoàn tất đăng ký và thanh toán ở trên và xác nhận hoặc từ chối. Kết quả xử lý sẽ được thông báo gửi về hòm thư điện tử cho người đăng ký.

Câu hỏi thường gặp

Vì sao nên có bằng lái xe quốc tế?

-Người Việt Nam ra nước ngoài nếu có bằng lái xe quốc tế sẽ được điều khiển phương tiện mà không phải làm thủ tục xin cấp bằng lái xe của nước sở tại.-Người sử dụng bằng lái xe quốc tế có thể lái xe qua nhiều nước (áp dụng đối với Châu Âu).-Đối với các nước tham gia Công ước Vienna đang sử dụng xe tay lái nghịch; người có giấy phép lái xe quốc tế của nước đã tham gia Công ước được phép điều khiển xe tay lái nghịch mà không cần phải làm thêm thủ tục gì khác.-Trong một số trường hợp, giấy phép lái xe quốc tế có thể còn được chấp nhận như một thẻ căn cước thay cho hộ chiếu. (Ví dụ: sử dụng GPLX quốc tế để thuê phòng khách sạn, làm một số thủ tục khác…)

Người nước ngoài có được phép thi bằng lái xe tại Việt Nam không?

Người nước ngoài đang cư trú hoặc đang làm việc, học tập ở Việt Nam từ ba tháng trở lên (được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền) có thể dự học và thi xin cấp giấy phép lái xe. ( Căn cứ Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT và khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008)

Thời gian thực hiện thủ tục cấp bằng lái xe quốc tế là bao lâu?

Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp IDP, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải thực hiện việc cấp IDP cho cá nhân; trường hợp không cấp IDP thì phải trả lời và nêu rõ lý do.

Cơ quan nào có thẩm quyền cấp bằng lái xe quốc tế?

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục cấp bằng lái xe quốc tế là Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. (căn cứ điểm a Khoản 2 Điều 8 Thông tư 29/2015/TT-BGTVT)

Thông tin liên hệ Luật Sư X

Trên đây là tư vấn về Quy định về bằng lái xe quốc tế hiện nay.

Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102

5/5 - (2 bình chọn)

Từ khóa » Tổng Cục đường Bộ Giấy Phép Lái Xe Quốc Tế