Quy định Về Công đoàn, đoàn Phí Và Kinh Phí Công đoàn - Luat 3s

Quy định về Công đoàn, đoàn phí và kinh phí công đoàn

Chắc hẳn ai cũng biết công đoàn cơ sở được xem là tổ chức gần gũi nhất, tham gia đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng hiểu rõ về tổ chức này, vì vậy thông qua bài viết sau đây Luật 3S sẽ gửi đến quý bạn đọc những thông tin cần thiết nhất mà pháp luật hiện nay quy định về công đoàn, kinh phí cũng như đoàn phí công đoàn.

1.Công đoàn là gì?

Theo quy định Điều 1 Luật công đoàn 2012: “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”

2.Thủ tục thành lập công đoàn cơ sở

Điều kiện thành lập công đoàn:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Quyết định 174/QĐ-TLĐ 2020 ban hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam: “Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, được thành lập ở một hoặc một số đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp, khi có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.”

Trình tự và thủ tục thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở:

Thực hiện theo Điều 14 của Quyết định 174/QĐ-TLĐ và Hướng dẫn 03/HD-TLĐ như sau:

Bước 1, thành lập Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở:

– Nơi chưa có công đoàn cơ sở người lao động là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên công đoàn được vận động người lao động khác gia nhập công đoàn, liên kết thành lập công đoàn cơ sở thông qua hình thức tổ chức ban vận động.

– Trong quá trình ban vận động tiến hành vận động người lao động gia nhập công đoàn, liên kết thành lập công đoàn cơ sở các thành viên ban vận động cử trưởng ban vận động và liên hệ công đoàn cấp trên gần nhất để được hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ.

-Khi có 05 người trở lên (gồm người lao động đang là đoàn viên công đoàn và người lao động có đơn gia nhập công đoàn) tự nguyện liên kết thành lập công đoàn cơ sở trưởng ban vận động liên hệ công đoàn cấp trên để được giúp đỡ công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở.

Bước 2, Tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở:

Thành phần tham dự đại hội gồm:

-Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.

-Người lao động đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động đã là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.

-Đại diện công đoàn cấp trên, người sử dụng lao động và các thành phần khác (nếu có) cùng dự, chứng kiến đại hội thành lập công đoàn cơ sở.

Việc tổ chức điều hành đại hội thành lập công đoàn cơ sở do ban vận động thực hiện; có thể mời thêm đoàn viên, người lao động ngoài ban vận động, có kinh nghiệm, uy tín tham gia điều hành hoặc làm thư ký đại hội.

Nội dung đại hội thành lập công đoàn cơ sở gồm:

-Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

-Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và công tác chuẩn bị tổ chức thành lập công đoàn cơ sở.

-Công bố danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn.

-Tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở.

-Đại diện công đoàn cấp trên phát biểu (nếu có).

-Người sử dụng lao động phát biểu (nếu có).

-Bầu cử ban chấp hành công đoàn cơ sở.

-Bầu cử chủ tịch công đoàn cơ sở.

-Thông qua kế hoạch hoạt động của công đoàn cơ sở.

Việc bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn cơ sở thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín, theo Mục 8 của Hướng dẫn này. Phiếu bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn phải có chữ ký của trưởng ban vận động thành lập công đoàn cơ sở ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

Những nơi do điều kiện sản xuất, kinh doanh, không thể triệu tập toàn thể người lao động có đơn xin gia nhập công đoàn dự đại hội thành lập công đoàn cơ sở thì ban vận động tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự và phát phiếu bầu cử ban chấp hành, chủ tịch công đoàn cơ sở cho đoàn viên tại các phòng, ban, tổ, đội, phân xưởng, nhóm công việc; đồng thời thực hiện công tác kiểm phiếu theo quy định và công bố kết quả bầu cử để toàn thể đoàn viên được biết.

Kết thúc đại hội thành lập công đoàn cơ sở, ban vận động bàn giao toàn bộ hồ sơ đại hội cho ban chấp hành hoặc đồng chí chủ tịch mới được bầu, gồm cả danh sách ban vận động để lưu hồ sơ, tài liệu thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.

Ban vận động chấm dứt nhiệm vụ sau khi tổ chức thành công đại hội thành lập công đoàn cơ sở

Bước 3, Đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và kết quả bầu cử

Bước 4, chờ xét duyệt của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc thành lập công đoàn cơ sở.

3.Mức đóng kinh phí công đoàn

Đối tượng đóng kinh phí công đoàn:

Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở

Mức đóng kinh phí công đoàn:

Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

Phân phối nguồn thu tài chính công đoàn cơ sở:

Năm 2021, công đoàn cơ sở được sử dụng 71% tổng số thu kinh phí công đoàn. Còn công đoàn cơ sở cấp trên được sử dụng 29% tổng số thu kinh phí công đoàn.

Lưu ý: Đới với doanh nghiệp không phát sinh lao động sẽ không có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn.

4.Mức đóng đoàn phí công đoàn

Điều 23 Quyết định 1980/QĐ-TLĐ quy định như sau:

“Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối); Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hưởng tiền lương không theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định; Liên hiệp hợp tác xã; Các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam; Đoàn viên công đoàn công tác ở nước ngoài: mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước

Đối với Đoàn viên ở các nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở doanh nghiệp khó xác định tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không thuộc đối tượng đóng BHXH: đóng đoàn phí theo mức ấn định nhưng mức đóng thấp nhất bằng 1 % mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.

Đối với Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí.”

Như vậy, đối với đoàn phí công đoàn chỉ những người lao động tham gia công đoàn mới phải đóng.

Phân phối nguồn thu tài chính công đoàn cơ sở: Năm 2021, công đoàn cơ sở được sử dụng 60% tổng số thu đoàn phí

5.Thời hạn nộp và nơi nộp

Doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn nếu có mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động đến Liên đoàn lao động quận/huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

6.Mức phạt khi không thực hiện

Hiện nay, đối với hành vi vi phạm liên quan đến đóng kinh phí công đoàn được quy định tại Điều 37 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP như sau:

“1. Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng kinh phí công đoàn;

b) Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;

c) Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.

2.Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.

3.Biện pháp khắc phục hậu quả

Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”

Trên đây là ý kiến tư vấn sơ bộ của Luật 3S dựa trên quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm tư vấn. Để được tư vấn chi tiết, giải quyết cho từng trường hợp cụ thể, quý khách hàng vui lòng gọi hotline: 0363.38.34.38 hoặc gửi email: info.luat3s@gmail.com để được Luật sư tư vấn chi tiết.

Từ khóa » Các Khoản Chi Kinh Phí Công đoàn