Quy định Về Đảng Cộng Sản Việt Nam Tại Điều 4 Hiến Pháp Năm 2013

Quy định về Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013

- Trên phương diện lập hiến, vai trò của Đảng Cộng sản đã được đề cập từ Hiến pháp Việt Nam năm 1980. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vị trí, quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, với đất nước, dân tộc. Bài viết này phân tích những điểm mới đó của Điều 4 Hiến pháp năm 2013, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, nêu ra những yêu cầu và giải pháp thực hiện những quy định này ở Việt Nam hiện nay.

1. Những điểm mới của Điều 4 Hiến pháp năm 2013

Điều 4 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ghi như sau:

“1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Về mặt chính trị, những nội dung bổ sung trong Điều 4 Hiến pháp năm 2013 là để thể chế hóa những nhận thức mới về vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)(1). Về mặt xã hội, những bổ sung này là “để làm rõ hơn bản chất, vai trò và trách nhiệm của Ðảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”(2).

Cụ thể, đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các điểm sau:

Một là, tiếp tục khẳng định sứ mệnh lịch sử và vị thế lãnh đạo nhà nước và xã hội trong thời kỳ quá độ lên CNXH của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tế là Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng đã lãnh đạo Nhân dân Việt Nam giành được độc lập dân tộc, tiến hành công cuộc Đổi mới, và hiện nay là lực lượng duy nhất có khả năng tiếp tục lãnh đạo Nhân dân Việt Nam xây dựng CNXH.

Hai là, để nhận diện rõ, đầy đủ và công khai hơn bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà còn là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Thông qua sự bổ sung đó, khẳng định sự thừa nhận của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đặt Đảng ở vị thế phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân.

Ba là, để nhấn mạnh Đảng phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, phải phục vụ Nhân dân, phải chịu sự giám sát của Nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình, nếu như những quyết định đó ảnh hưởng đến lợi ích Quốc gia, Dân tộc, Nhân dân. Đồng thời, cũng để Nhân dân có thể giám sát được tổ chức và hoạt động của Đảng, có thể quy trách nhiệm rõ ràng cho Đảng, Hiến pháp năm 2013 xác định không chỉ tổ chức Đảng mà cả “...đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Trong các vấn đề nêu trên, điểm mới đặc biệt quan trọng là quy định về trách nhiệm của Đảng trong mối liên hệ với Nhân dân. Đây là lần đầu tiên vấn đề trách nhiệm của Đảng được quy định ở tầm hiến pháp, hơn thế không quy định một cách chung chung “Đảng chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình” mà nêu rõ “Đảng chịu trách nhiệm về các quyết định của mình”. Cách quy định này cho phép cụ thể hóa trách nhiệm cho từng quyết định của từng tổ chức Đảng, khắc phục tình trạng “đùn đẩy” trách nhiệm trong thực tiễn(3).

2. Nguyên tắc “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” trong Hiến pháp năm 2013

Nguyên tắc này được ghi nhận ngay từ Điều 4 Hiến pháp năm 1980, sau đó là Hiến pháp 1992. Hiến pháp năm 2013 kế thừa quy định của hai Hiến pháp trước đó, đồng thời nêu rõ, không chỉ các tổ chức của Đảng (như Hiến pháp 1980, 1992) mà cả các đảng viên cũng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nguyên tắc này có cơ sở lý luận và thực tiễn sau:

Một là, xuất phát từ bản chất, mục đích của Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam được xây dựng và phát triển không có mục đích gì khác ngoài mục đích “vì Nhân dân”.

Trong thực tiễn 90 năm chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định bản chất vì nhân dân. Song song với việc đó, từ khi trở thành Đảng cầm quyền, Đảng luôn điều chỉnh để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng là phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Mặc dù Điều lệ Đảng lần thứ I, II, III, IV, V chưa quy định cụ thể việc Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, song chính những hoạt động thực tiễn của Đảng đã minh chứng thấy rõ Đảng luôn thực hiện trong thực tế quy định này. Cụ thể, tại Đại hội III (1960), Đảng đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng:“... có những cấp ủy đảng bao biện làm thay, can thiệp vụn vặt vào công việc của cơ quan nhà nước. Có những cấp ủy và cán bộ, đảng viên coi thường chính quyền nhà nước, không nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết của cơ quan chính quyền cấp trên”(4). Điều lệ Đảng thông qua tại Đại hội III quy định: “Đối với đảng viên vi phạm pháp luật của Nhà nước cần phải truy tố trước tòa án thì tổ chức đảng có thẩm quyền sẽ thi hành kỷ luật đảng và tội trạng của họ sẽ do các cơ quan hành chính hoặc tư pháp xét xử về mặt chính quyền”(5). Đại hội lần thứ IV (1976) của Đảng đã quy định: “Đảng viên và tổ chức đảng phải là người gương mẫu nhất trong việc chấp hành mọi quyết định của Nhà nước”(6) và “bắt buộc các tổ chức đảng và đảng viên tôn trọng quyền hạn, trách nhiệm và các chế độ của cơ quan nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và các quyết định của Nhà nước, coi đó là kỷ luật của Đảng”(7).

Từ Đại hội VII (1991) đến Đại hội IX (2001) trong Điều lệ Đảng thời kỳ này dù chưa khẳng định “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” là một nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhưng trong nhiều văn kiện khác, Đảng luôn nhất quán quan điểm Đảng lãnh đạo xã hội thông qua Nhà nước, các tổ chức đảng và đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Ví dụ, tại Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội lần thứ VII (1991) thông qua đã khẳng định: “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”(8). Trong văn kiện Đại hội lần thứ VII, Đảng đã nêu rõ: “mọi cán bộ là đảng viên trong cơ quan nhà nước phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện sự sáng tạo nghị quyết của Đảng, gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước”. Đại hội lần thứ VIII của Đảng cũng khẳng định: “Đảng lãnh đạo phát huy mạnh mẽ vai trò và hiệu lực của Nhà nước chứ không làm thay Nhà nước. Đảng và mọi đảng viên đều hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình”(9).

Đến Đại hội X (2006), nhận thức về vấn đề Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật có bước phát triển mới, rõ ràng hơn và đã được đưa thành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng trong Điều lệ Đảng.

Từ thực tiễn xây dựng Ðảng trong những năm đổi mới, Đảng rút ra bài học kinh nghiệm: “Phải xây dựng hệ thống các quy chế về sự lãnh đạo của Ðảng ở các ngành, các cấp. Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị”(10). Đặc biệt, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội X thông qua, lần đầu tiên xác định: “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là một trong các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng”(11).

Quan điểm nêu trên là phù hợp cả về lý luận và thực tiễn. Khi trở thành đảng cầm quyền, Đảng là lực lượng lãnh đạo xã hội, bằng việc đề ra đường lối, chủ trương; thông qua Nhà nước, qua hệ thống đảng viên của Đảng được phân công thực hiện các công việc cụ thể trong hệ thống chính trị. Nhà nước thông qua chức năng quản lý của mình, thông qua hiến pháp và pháp luật để thể chế hóa, và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, đảm bảo đưa các đường lối, chủ trương đó trở thành hiện thực. Do đó, nguyên tắc “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” là cơ sở để xác định tổ chức đảng và đảng viên của Đảng phải luôn thực hiện đúng Hiến pháp và pháp luật, và thực hiện đúng Hiến pháp, pháp luật cũng chính là đã thực hiện sự lãnh đạo của Đảng.

Hai là, xuất phát từ vị trí, vai trò của Nhà nước và yêu cầu đổi mới xây dựng Nhà nước pháp quyền của Việt Nam

Nhà nước có vị trí không thể thay thế trong việc tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, đưa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trở thành hiện thực trong đời sống xã hội.

Các Hiến pháp 1946 và 1959 chưa quy định nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là do thực tiễn cách mạng lúc đó chưa cho phép như vậy. Cần thấy rằng cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và giải phóng đất nước đã có những lúc đặt vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thậm chí đã có lúc Đảng phải rút vào hoạt động bí mật để giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng. Chỉ đến khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội thì các điều kiện cho việc quy định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp mới hoàn toàn chín muồi. Kết quả là kể từ Hiến pháp năm 1980, vị trí, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản đã được khẳng định trong Điều 4 của các Hiến pháp, đồng thời với nguyên tắc “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001 đã xác định mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền là nhà nước thượng tôn pháp luật, do đó đòi hỏi mọi chủ thể trong xã hội, bao gồm cả đảng cầm quyền, đều phải chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Đảng là tổ chức cao nhất, là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật và tổ chức để nhân dân thực hiện. Đảng định ra các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Hiến pháp và pháp luật, luật tổ chức các cơ quan nhà nước. Vì vậy, khi đã có Hiến pháp và pháp luật thì Đảng chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp và pháp luật bình đẳng như mọi chủ thể chính trị, xã hội khác.

Ba là, xuất phát từ yêu cầu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thật sự xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Việc nguyên tắc “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” được ghi trong Hiến pháp còn nhằm bảo đảm cho Đảng giữ vững bản chất, mục tiêu, lý tưởng của mình, phòng, chống mọi nguy cơ thoái hóa, biến chất có thể xảy ra trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam.

Từ một góc độ rộng hơn, nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật xuất phát từ yêu cầu không ngừng đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Việc thực hiện nguyên tắc Đảng này sẽ vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đảng, vừa đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với Đảng, đồng thời sẽ giúp cho Đảng xây dựng về tổ chức, chính trị, tư tưởng và đạo đức ngày càng trong sạch, vững mạnh, để các tổ chức đảng và đảng viên soi chiếu vào trong từng hoạt động cụ thể để từ đó khắc phục các hiện tượng lệch lạc, tiêu cực trong hoạt động lãnh đạo của các tổ chức đảng, như: bao biện, làm thay, tùy tiện, chủ quan, giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng hoàn thành được nhiệm vụ của mình trước dân tộc, đảm bảo được uy tín của Đảng đối với nhân dân.

Nội dung cơ bản của nguyên tắc “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” được hiểu như sau:

Một là, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội là vấn đề của Hiến pháp, không thể tùy tiện thay đổi hay phủ nhận

Trong nhà nước pháp quyền thì việc thượng tôn pháp luật là yêu cầu tất yếu, mọi tổ chức và công dân đều phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, dù Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước song Đảng cũng không đứng trên hay đứng ngoài pháp luật, mà chính Hiến pháp và pháp luật đã quy định rõ vị trí, vai trò cầm quyền của Đảng. Hiến pháp và pháp luật cũng đồng thời bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, bảo đảm các hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên đúng với chủ trương, quy định của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Hai là, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được thể chế hóa thành Hiến pháp và pháp luật thông qua trình tự lập hiến, lập pháp, qua đó thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội

Là đảng cầm quyền, Đảng đề ra cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách, chủ trương lớn của đất nước. Nhà nước với chức năng quản lý của mình, sẽ xây dựng pháp luật để thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, các đường lối, chủ trương của Đảng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội được thực hiện.

Trong thực tế sau các kỳ Đại hội Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng sẽ được Quốc hội, Chính phủ triển khai bằng việc cụ thể hóa thành các quy định, các chế định cụ thể trong Hiến pháp và trong hệ thống văn bản pháp luật, và đảm bảo triển khai thực hiện các văn bản đó trong xã hội.

Ba là, tổ chức, sinh hoạt của Đảng phù hợp với các thiết chế do Hiến pháp và pháp luật quy định

Điều lệ Đảng ghi rõ: “Tổ chức Đảng được thành lập tương ứng với hệ thống hành chính nhà nước”. Quy định này vừa giúp đảm bảo yêu cầu lãnh đạo của Đảng, vừa đáp ứng yêu cầu thực thi Hiến pháp và pháp luật, không làm cản trở hoạt động của Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Thêm vào đó, quy định này làm cho bộ máy cơ quan đảng và cơ quan nhà nước bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về tổ chức và hoạt động.

Bốn là, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với các chế định của Hiến pháp và pháp luật

Đảng thực hiện sự lãnh đạo xã hội qua chủ trương, đường lối được luật hóa. Đảng xây dựng các quy định cụ thể để đề ra các nội dung, phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa Ðảng với Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, song các quy định này không được trái với Hiến pháp và pháp luật.

Đảng lãnh đạo xã hội thông qua công tác cán bộ, thông qua các tổ chức của Đảng, Đảng lựa chọn, phân công đảng viên tham gia vào các vị trí lãnh đạo của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhằm định hướng cho tổ chức đó hoạt động theo đúng mục đích mà Đảng đã đề ra.

3. Những yêu cầu đặt ra với việc thực hiện quy định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về vai trò lãnh đạo của Đảng

Liên quan đến Điều 4 Hiến pháp năm 2013, có hai yêu cầu hoàn thiện pháp luật đặt ra(12):

Một là, cần tạo lập hành lang pháp lý cho hoạt động lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội. Để thực hiện được hành lang pháp lý này rõ hơn nên chăng cần cân nhắc đến xây dựng một luật về sự lãnh đạo của Đảng để đảm bảo tính chính đáng và hợp pháp của Đảng cầm quyền, khắc phục nguy cơ Đảng đứng trên pháp luật, lạm dụng quyền lực và không bị kiểm soát, dẫn đến khả năng xâm hại quyền lực nhân dân từ phía Đảng cầm quyền.

Hai là, cần tạo lập hành lang pháp lý để Nhân dân giám sát hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng chính là về việc hoàn thiện và thực hiện pháp luật về dân chủ và các quyền tự do của công dân. Điều này cần được thực hiện thông qua việc xây dựng, ban hành và thực hiện một số luật mới quan trọng như: Luật về hội, Luật tiếp cận thông tin, Luật về giám sát của nhân dân; Luật về phản biện xã hội(13), đồng thời hoàn thiện một số luật hiện hành như Luật Bầu cử, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo...

Thứ hai, cần tiếp tục đổi mới mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước

Để đổi mới mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, cần đặt trọng tâm vào những vấn đề sau(14):

- Nhận thức rõ thực chất mối quan hệ Đảng và Nhà nước trên hai phương diện: (1) Về nội dung, đó là mối quan hệ vừa bình đẳng trong tư cách hai thực thể thực thi quyền lực nhân dân, vừa chi phối và phối hợp giữa hai thực thể lãnh đạo và điều hành, quản lý; (2) Về tổ chức, đó là hợp thể của ba mô hình quan hệ chủ đạo gồm: mô hình quan hệ Đảng - Cơ quan đại diện và quyền lực Nhà nước cao nhất; mô hình quan hệ Đảng - Cơ quan quản lý hành pháp - hành chính cao nhất; mô hình quan hệ Đảng - Cơ quan tư pháp.

- Phân định mạch lạc thẩm quyền lãnh đạo của Đảng và thẩm quyền quản lý của Nhà nước trên các phương diện: Quyền thực hiện chức năng chính trị của Đảng và quyền thực hiện chức năng lập pháp của nhà nước; Quyền lãnh đạo và quyền quản lý; Quyền ra quyết sách chiến lược và quyền ra quyết sách chiến thuật; Quyền tuyển chọn, đào tạo, bố trí cán bộ trong các cơ quan nhà nước. Riêng trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, nguyên lý của chế độ pháp quyền đòi hỏi xét xử là quyền độc lập của nhà nước, vì vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tư pháp chỉ thể hiện trên phương diện tổ chức, cán bộ chứ không phải bằng việc ra chỉ thị, mệnh lệnh hay can thiệp vào hoạt động xét xử.

- Đổi mới cơ bản, toàn diện phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước, trong đó khâu mấu chốt là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội và Chính phủ.

Thứ ba, cần đảm bảo thực thi quyền làm chủ của Nhân dân

Hiện tại, cơ chế Nhân dân ủy quyền cho Nhà nước ở Việt Nam đã rõ, song cơ chế Nhân dân ủy quyền cho Đảng cầm quyền còn thiếu cụ thể. Yêu cầu đặt ra là phải tạo được cơ chế cho phép Nhân dân ủy quyền cho Đảng qua bầu cử, nhưng vẫn giữ được sự ổn định của thể chế chính trị nhất nguyên. Việc “nhất thể hóa” các chức danh lãnh đạo đảng và chính quyền ở một số địa phương trong thời gian qua có thể là một gợi ý tốt và cần được phân tích, đánh giá để áp dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, có thể xây dựng cơ chế để nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh của Đảng trước thềm các kỳ đại hội của Đảng.

Thứ tư, cần đẩy mạnh chống quan liêu, tham nhũng

Tình trạng quan liêu, tham nhũng đã, đang làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để khắc phục, Đảng phải tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn, khắc phục cho được tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, đi đôi với nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, đặc biệt là đảng viên có chức quyền. Đảng cần thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong nội bộ và với người dân, đồng thời xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Thứ năm, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên, giám sát việc đảng viên thực hiện nghiêm các quy định của Đảng(15). Qua kiểm tra, giám sát nếu phát hiện phải xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

Việc kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Hiến pháp và pháp luật sẽ giúp cho Đảng nhận thấy rõ những quy định đã lỗi, những lỗ hổng trong xây dựng và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để Đảng có cơ sở tổng kết, đánh giá lại, và tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng. Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách trên cơ sở nâng cao chất lượng, tổ chức tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả việc tổ chức thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng. Củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng - Nhà nước - Nhân dân đảm bảo thực hiện được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị

Đăng bởi: T.N.V (K8)

__________________

(1) Đào Trí Úc - Vũ Công Giao: “Khái quát những điểm mới của Hiến pháp năm 2013”, trong sách Bình luận khoa học Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2014.

(2) Xem Báo cáo thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ngày 5-1-2013 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tr.4.

(3) Xem Lê Minh Thông: “Chế định về chế độ chính trị trong Hiến pháp năm 2013”, trong sách Bình luận khoa học Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, sđd. Xem Nguyễn Thị Việt Hương: “Thực hiện quy định về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp năm 2013”, trong sách Bình luận khoa học Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, sđd.

(4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.713, 813.

(6), (7) ĐCSVN: Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng (tại Đại hội IV), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.100, 100.

(8) ĐCSVN: Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.21.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.149-150.

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.278.

(11) ĐCSVN: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.5.

(12), (13), (14) Xem Nguyễn Thị Việt Hương, tài liệu đã dẫn.

(15) Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Quy định số 109-QĐ/TW ngày 3-1-2018 về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 về giám sát Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; Quy định số 109-QĐ/TW ngày 3-1-2018 về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Tags bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tin khác

Một phương thức hoạt động chống phá nguy hiểm

Một phương thức hoạt động chống phá nguy hiểm(04/12/2020)

Là một phương thức hoạt động chống phá nguy hiểm nhưng “bất bạo động” lại thường được ngụy trang dưới danh nghĩa phản kháng “ôn hòa”, “dân sự”. Do đó, việc nhận diện đúng bản chất phương thức này có ý nghĩa rất quan trọng

Những kẻ “ký sinh” trên nỗi đau đồng bào

Những kẻ “ký sinh” trên nỗi đau đồng bào(04/12/2020)

Những ngày qua, lợi dụng tình hình mưa lũ kéo dài, các thế lực thù địch ráo riết đưa ra những luận điệu xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, bôi nhọ uy tín của các cấp chính quyền.

Không thể phủ nhận được mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Cuba

Không thể phủ nhận được mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Cuba(02/12/2020)

Thời gian qua, các thế lực thù địch bên ngoài, cả một số người trẻ tuổi trong nước thông qua mạng xã hội tìm cách phủ nhận mối quan hệ giữa hai đất nước anh em Việt Nam-Cuba.

Về một số nội dung, phương thức, hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch

Về một số nội dung, phương thức, hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch(02/12/2020)

Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”

Đảng luôn lắng nghe dân để có “văn bia muôn đời sau”

Đảng luôn lắng nghe dân để có “văn bia muôn đời sau”(30/11/2020)

Việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được tiến hành thời gian qua là nhằm tập hợp, phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của người dân trong tham gia hoạch định đường lối, chủ trương

Nhận diện, ngăn chặn hành vi của "nhà báo hai mặt"

Nhận diện, ngăn chặn hành vi của "nhà báo hai mặt"(30/11/2020)

Thời gian qua, tình trạng một số người lợi dụng danh nghĩa nhà báo để làm điều sai trái, cố tình phát ngôn bừa bãi đi ngược quan điểm, đường lối của Ðảng, chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước, thậm chí lôi kéo, kích động hành vi chống phá

Có phải chỉ thực hành kinh tế thị trường, tam quyền phân lập, xã hội dân sự thì nước ta mới phát triển theo dòng thời đại ?

Có phải chỉ thực hành kinh tế thị trường, tam quyền phân lập, xã hội dân sự thì nước ta mới phát triển theo dòng thời đại ?(30/11/2020)

Đường lối đổi mới phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đưa nước ta vào dòng chảy của thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Những giá trị chung của nhân loại và Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Những giá trị chung của nhân loại và Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng(30/11/2020)

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng có quan điểm cho rằng: "Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng vẫn như cũ, vẫn bảo thủ, thiếu sự đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận những giá trị chung của nhân loại".

Trách nhiệm của cán bộ, công chức khi sử dụng mạng xã hội

Trách nhiệm của cán bộ, công chức khi sử dụng mạng xã hội(30/11/2020)

Thời gian qua, tình trạng một số cán bộ, công chức đưa ra phát ngôn thiếu chuẩn mực, lan truyền thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm,... trên mạng xã hội

Ngăn chặn âm mưu chính trị hóa lực lượng vũ trang

Ngăn chặn âm mưu chính trị hóa lực lượng vũ trang(30/11/2020)

Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang là âm mưu hết sức thâm độc và nguy hiểm của các thế lực thù địch trong chiến lược diễn biến hòa bình chống phá Việt Nam. Cần phải được nhân diện để chủ động có biện pháp phòng ngừa.

Từ khóa » đảng Cộng Sản Việt Nam Là Gì Trong Khuôn Khổ Hiến Pháp Và Pháp Luật