Quy định Về Dạy Thêm: Bất Cập Và Hết Hiệu Lực - VnExpress
Có thể bạn quan tâm
Tại phiên trả lời chất vấn ngày 11/11 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, vấn đề dạy thêm, học thêm lại "nóng" lên khi một đại biểu Quốc hội cho rằng, dù bị nghiêm cấm, trong dịch bệnh, hoạt động này vẫn diễn ra.
Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục (Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm TP HCM), khẳng định, từ trước đến nay, hoạt động dạy thêm - học thêm không bị cấm. Ngành giáo dục chỉ cấm dạy thêm trái phép. Hoạt động dạy thêm, học thêm được điều chỉnh theo Thông tư 17, ban hành vào tháng 5/2012.
Thông tư xác định dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học. Theo đó, hai loại hình dạy thêm, học thêm được phép hoạt động gồm dạy thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường.
Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học, sau đây gọi chung là nhà trường) tổ chức. Còn "ngoài nhà trường" là do các cơ sở giáo dục không nằm trong danh sách kể trên tổ chức.
Không cấm nhưng Thông tư 17 quy định các trường hợp không được dạy thêm - học thêm: Học sinh tiểu học và học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học hai buổi mỗi ngày không được học thêm; trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề không tổ chức dạy thêm nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông; giáo viên không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của hiệu trưởng.
Dù vậy, sau Thông tư 17, hoạt động dạy, học thêm vẫn diễn ra lộn xộn, các lớp dạy "chui" tràn lan, hiện tượng giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình, ép học sinh đi học thêm trở nên phổ biến. Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh lý giải, Thông tư 17 không nắm bắt được nhu cầu thực tế, dẫn đến các quy định không phù hợp, không quản lý nổi các biến tướng phát sinh.
Kết quả một nghiên cứu tại 38 trường học do Viện Nghiên cứu Giáo dục thực hiện chỉ ra những nguyên nhân khiến phụ huynh muốn cho con học thêm gồm: con học yếu; con chuẩn bị thi cuối cấp và vào đại học; muốn vào trường chuyên, trường điểm; học thêm để được điểm cao; do chương trình ở trường bị cắt xén.
Về phía giáo viên, họ dạy thêm với mong muốn cải thiện thu nhập khi đồng lương còn thấp. Tuy nhiên, quy định bắt buộc giáo viên phải đến trung tâm được cấp phép trong khi số lượng trung tâm này ít so với nhu cầu thực tế.
"Do đó, nhiều giáo viên vẫn tự tổ chức các lớp dạy thêm ở nhà hoặc ở phòng ốc thuê mướn. Biết là sai, nhưng thực tế nhu cầu lớn nên giáo viên vẫn làm, chẳng may bị kiểm tra, phát hiện thì họ chấp nhận bị kỷ luật", nguyên hiệu trưởng một trường THCS ở TP HCM cho biết.
Quy định về các trường hợp không được dạy - học thêm trong Thông tư cũng lỏng lẻo, thiếu rõ ràng, mạch lạc nên có những giai đoạn, các địa phương lúng túng trong cách hiểu và quản lý. Chẳng hạn, giữa năm 2016, TP HCM đột ngột quyết định cấm dạy thêm trong nhà trường, sau đó phải khôi phục lại hoạt động này khi nhận thấy lệnh cấm được đưa ra quá vội vàng.
Đặc biệt, việc cấp phép cho hoạt động dạy thêm theo Thông tư 17 bị vô hiệu khi Luật Đầu tư sửa đổi năm 2016 bỏ dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Vì vậy, tháng 9/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công bố 8 điều trong Thông tư 17 hết hiệu lực, gồm các quy định về tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường; các yêu cầu với người tổ chức, cơ sở vật chất dạy thêm và những thủ tục, thẩm quyền cấp phép hoạt động này. Thông tư 17 chỉ còn hiệu lực ở quy định về các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm trong trường, thu và quản lý tiền học thêm.
Nhiều địa phương vì vậy thông báo ngừng cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường. Do ảnh hưởng Covid-19, nhu cầu mở trung tâm dạy thêm, học thêm gần như không có suốt hai năm qua, dù hoạt động dạy học ngoài giờ, thậm chí là bằng hình thức online vẫn diễn ra, như đại biểu Quốc hội phản ánh trong phiên chất vấn.
Từ lỗ hổng trên, nhiều địa phương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm để việc quản lý đồng bộ, thống nhất.
Tháng 10/2020, Bộ công bố kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17. Trong thời gian chờ đợi, Thông tư 17 (với 8 điều hết hiệu lực) vẫn là cơ sở để quản lý hoạt động này.
Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện - tức là trở lại quy định tại Luật Đầu tư trước khi sửa đổi vào năm 2016. Tại phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 11/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại điều này và giải thích, đây là điều cần thiết để có thể điều tiết hoạt động dạy, học thêm.
Thạc sĩ Lưu Minh Sang, Giảng viên khoa Luật, trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM) giải thích, sự khác nhau giữa một ngành nghề trong danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện và không trong danh mục này là điều kiện gia nhập thị trường.
Với ngành, nghề nằm trong danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện, chủ thể phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh trước khi tiến hành kinh doanh; duy trì những điều kiện đó trong quá trình hoạt động. Điều kiện kinh doanh là mức vốn tối thiểu, nguồn lực con người, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, quy trình quản trị - điều hành.
Theo ông Sang, việc thiết lập các điều kiện kinh doanh là một trong những công cụ phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước với những ngành, nghề đặc thù hoặc có tính nhạy cảm. Mục tiêu cuối cùng của việc đặt ra điều kiện kinh doanh là để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, lợi ích xã hội hay vấn đề an ninh, an toàn xã hội.
Nếu dạy thêm, học thêm được đưa vào danh mục trên, điều kiện kinh doanh như yêu cầu về người dạy học, yêu cầu cơ sở vật chất, thiết bị, mức thu học phí... sẽ được quản lý chặt chẽ, minh bạch hơn.
Đề xuất của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo bước đầu tạo ra tranh luận trái chiều. Nhiều giáo viên ủng hộ và cho rằng, việc này quản lý dạy thêm chặt chẽ hơn thay vì cấm nửa vời hoặc thả nổi. Nhóm khác lo ngại, quy định này sẽ "thị trường hóa" nghề dạy học - vốn được xem là thiêng liêng, cao quý.
Mạnh Tùng
Từ khóa » điều Kiện Mở Lớp Dạy Thêm Tại Nhà
-
Hướng Dẫn Thủ Tục Mở Lớp Dạy Thêm Tại Nhà - LuatVietnam
-
Mở Lớp Dạy Thêm Có Cần đăng Ký Kinh Doanh Hay Không?
-
Mở Lớp Dạy Thêm Tại Nhà - Luật Học .Vn
-
Quy định Về Mở Lớp Dạy Thêm, Trung Tâm Học Thêm Ngoài Nhà Trường
-
Mở Lớp Dạy Học Tại Nhà Có Cần Phải đăng Ký, Có điều Kiện Không
-
Thủ Tục Mở Lớp Dạy Thêm Tại Nhà
-
Thủ Tục Xin Cấp Phép Mở Lớp Dạy Thêm Tại Nhà - Tư Vấn Luật
-
Những Quy định Mở Lớp Dạy Thêm, Học Thêm Tại Nhà - Tư Vấn Luật
-
Thủ Tục Cấp Phép Dạy Thêm 2021 - Pháp Luật
-
Dạy Thêm Không Xin Phép Có Vi Phạm Pháp Luật Không?
-
'Tôi Bỏ Nghề Vì Liên Quan Mở Lớp Dạy Thêm' - Tuổi Trẻ Online
-
Thủ Tục Mở Trung Tâm Dạy Học Thêm Mới Năm 2021 - Luật Sư X
-
Điều Kiện Mở Cơ Sở Dạy Thêm Học Thêm Ngoài Nhà Trường
-
Xin Giấy Phép Mở Lớp Dạy Thêm - Luật Thái An