Quy định Về điều Kiện Tốt Nghiệp, Thực Tập Và Khoá ... - Qldt@.vn

 

Về điều kiện tốt nghiệp, thực tập và khoá luận tốt nghiệp đối với hệ đào tạo đại học chính quy theo hệ thống tín chỉ

tại trường Đại học Ngoại thương

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1660/QĐ-ĐHNT-QLĐT ngày 1 tháng 12 năm 2011)

Điều 1. Quy định chung về tốt nghiệp

Tốt nghiệp là một học phần gồm 9 tín chỉ mà sinh viên phải hoàn thành để được xét cấp bằng tốt nghiệp. Học phần tốt nghiệp được thực hiện theo một trong hai hình thức:

- Làm khóa luận tốt nghiệp  đối với các sinh viên có điểm trung bình chung tích lũy đạt từ 7,0 trở lên (theo thang điểm 10)  hoặc cao hơn theo quyết định cụ thể từng năm của Hiệu trưởng; hoặc

- Thực tập tốt nghiệp với khối lượng kiến thức là 6 tín chỉ và học thêm một học phần theo qui định với khối lượng kiến thức là 3 tín chỉ đối với những sinh viên không đủ điều kiện hoặc đủ điều kiện nhưng không muốn làm khoá luận.

Điều 2. Điều kiện đi thực tập tốt nghiệp (TTTN) hoặc được xét viết khoá luận tốt nghiệp (KLTN)

  1. Tại thời điểm công bố danh sách chính thức đi TTTN hoặc viết KLTN:  

- Sinh viên không bị kỷ luật từ mức đình chỉ học tập trở lên, không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Đã tham gia đầy đủ số học phần quy định cho khoá học, không còn học phần nào bị điểm F, không còn học cải thiện; Không vi phạm nghĩa vụ nộp học phí.

- Đối với sinh viên được xét viết KLTN phải có điểm trung bình chung tích luỹ (TBCTL) đạt mức theo quy định tại Điều 1 và thoả mãn các điều kiện nêu tại Mục 1, điều 4.

- Hàng năm có hai đợt xét điều kiện đi TTTN hoặc viết KLTN ở hai học kỳ khác nhau. Sinh viên không được xét viết KLTN từ học kỳ thứ 9 trở đi kể từ ngày nhập học (trừ sinh viên khoá 47 được xét viết đến học kỳ thứ 9). Các trường hợp có lý do đặc biệt sẽ do Hiệu trưởng quyết định.

  1. Sinh viên các khóa trước hoặc khoá sau, khi có đủ các điều kiện đi TTTN  hoặc viết KLTN (riêng đối với sinh viên khoá sau) phải làm đơn xin đi TTTN hoặc viết KLTN. Đơn phải gửi về Phòng Quản lý Đào tạo chậm nhất trong tuần đầu tiên của học kỳ TTTN hoặc viết KLTN.

Điều 3. Thực tập tốt nghiệp (TTTN)

- Sinh viên thực tập tốt nghiệp trong thời gian là 10 (mười) tuần dưới sự hướng dẫn của một giảng viên.

- Thời gian nộp Thu hoạch thực tập tốt nghiệp (THTTTN): 01 tuần sau khi hết thời gian TTTN.

- Nội dung THTTTN do các Khoa chuyên ngành quy định cụ thể  theo từng chuyên ngành đào tạo.

- Giảng viên hướng dẫn thực tập phải đã công tác tại trường ít nhất từ 1 năm trở lên.

- Hình thức THTTTN: theo qui định tại Phụ lục 1.

Điều 4.  Khóa luận tốt nghiệp (KLTN)

  1. Quy định chung:

- Khoá luận tốt nghiệp là một học phần gồm 9 tín chỉ do sinh viên có đủ điều kiện viết dưới sự hướng dẫn của một giảng viên.

- Khoá luận tốt nghiệp được viết bằng tiếng Việt hoặc thứ tiếng của chuyên ngành ngoại ngữ và tuân thủ các qui định tại Phụ lục 1.

- Sinh viên các chuyên ngành không phải ngoại ngữ có nguyện vọng viết KLTN bằng ngoại ngữ, ngoài các điều kiện nêu tại điều 2, còn phải thỏa mãn các điều kiện sau:

                + Đạt điểm trung bình chung ngoại ngữ sẽ viết KLTN từ 8,00 trở lên;

                + Được khoa chuyên ngành đồng ý cho viết KLTN bằng ngoại ngữ;

+ Phải nộp thêm một khoản chi phí hỗ trợ hướng dẫn. Mức nộp do Hiệu trưởng quy định hàng năm.

- Sinh viên đủ tiêu chuẩn viết KLTN có thể không viết KLTN. Nếu không viết KLTN thì sinh viên phải đăng ký thực tập tốt nghiệp với Phòng Quản lý đào tạo và học thêm một học phần 3 tín chỉ theo quy định.

  1. Đăng ký đề tài và viết KLTN

- Danh sách sinh viên dự kiến viết KLTN của mỗi khoá học được Phòng Quản lý đào tạo công bố trước khi kết thúc học kỳ thứ 7 của khoá học ít nhất 01 tháng. Danh sách dự kiến viết KLTN gồm các sinh viên có điểm TBCTL của 6 học kỳ đầu đạt từ 7,0 trở lên với số lượng tín chỉ tích luỹ từ 105 tín chỉ trở lên.

- Các Khoa chuyên ngành công bố danh mục đề tài hoặc định hướng đề tài KLTN: chậm nhất 01 tuần  sau khi công bố danh sách sinh viên dự kiến viết KLTN.

- Thời gian đăng ký, duyệt và nhận đề tài KLTN:  trong vòng 3 tuần sau khi công bố danh mục hoặc định hướng đề tài KLTN.

- Thời gian công bố danh sách chính thức sinh viên viết KLTN: tuần đầu tiên của học kỳ 8.

- Thời gian viết KLTN: 13 (mười ba) tuần.

- Thời gian nộp KLTN: 01 (một) tuần sau khi hết thời gian viết KLTN.

-  Nội dung KLTN do giảng viên hướng dẫn quy định trên cơ sở tham khảo Phụ lục số 2.

  1. Duyệt đề tài KLTN

- Đề tài KLTN do Khoa/Bộ môn gợi ý hoặc do sinh viên đề xuất sao cho nội dung nghiên cứu không trùng lặp với các đề tài của 01 năm trước đó.

- Đề tài KLTN phải phù hợp với chuyên ngành đào tạo, phải ngắn gọn, rõ ràng, có giá trị khoa học và thực tiễn.

- Đề tài KLTN phải được giảng viên hướng dẫn và Khoa thông qua. Giảng viên hướng dẫn có thể gợi ý để sinh viên chọn những đề tài mới, có tính thực tiễn và thời sự.

  1. Phân công giảng viên hướng dẫn

- Các Khoa chuyên ngành chịu trách nhiệm phân công giảng viên hướng dẫn (người hướng dẫn khoa học) sinh viên viết KLTN.

- Giảng viên hướng dẫn sinh viên viết KLTN gồm những giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài khoa có học vị từ thạc sỹ trở lên, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn gắn với chuyên ngành đào tạo. Trong trường hợp cần thiết, trưởng khoa có thể cho phép giảng viên là cử nhân đã giảng toàn môn học được ít nhất 02 năm, hướng dẫn.

Điều 5. Quy trình hướng dẫn sinh viên viết KLTN hoặc THTTTN

Trưởng khoa chuyên ngành chịu trách nhiệm về quy trình hướng dẫn sinh viên và yêu cầu giảng viên thực hiện theo các bước sau đây:

  1. Hướng dẫn sinh viên lựa chọn và đăng ký đề tài nghiên cứu
  2. Duyệt bản đề cương sơ bộ và đề cương chi tiết.
  3. Hướng dẫn sinh viên thu thập số liệu, tài liệu tham khảo, tình hình và xử lý số liệu tình hình phục vụ cho việc viết KLTN hoặc THTTTN.
  4. Sinh viên viết bản thảo KLTN hoặc THTTTN.
  5. Giảng viên hướng dẫn sửa bản thảo.
  6. Sinh viên hoàn thiện KLTN hoặc THTTTN.

Điều 6. Chấm thu hoạch thực tập và khóa luận tốt nghiệp

  1. Điều kiện chấm KLTN và THTTTN

- Tại thời điểm chấm KLTN, sinh viên không bị kỷ luật từ mức đình chỉ học tập trở lên, không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Nộp KLTN hoặc THTTTN đúng thời hạn qui định.

- Hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ học phí đối với Nhà trường.

- Có nhận xét của giảng viên hướng dẫn về tinh thần, thái độ của sinh viên, chất lượng của KLTN (đối với sinh viên viết KLTN).

- Được giảng viên hướng dẫn đồng ý cho nộp THTTTN (đối với sinh viên đi TTTN).

  1. Chấm KLTN

- KLTN tốt nghiệp được chấm bởi 2 giảng viên đang giảng dạy tại Khoa hoặc ngoài Khoa chuyên ngành. Danh sách giảng viên chấm KLTN do Hiệu trưởng ký phê duyệt trên cơ sở đề nghị của các Khoa chuyên ngành. Giảng viên hướng dẫn không chấm KLTN do mình hướng dẫn. Trưởng khoa chuyên ngành chịu trách nhiệm bảo mật danh sách giảng viên chấm KLTN.

- Giảng viên chấm KLTN cho điểm độc lập trên phiếu chấm KLTN (theo mẫu) theo thang điểm 10 (mười) và phải đọc ý kiến nhận xét của giảng viên hướng dẫn KLTN. Người chấm có thể cho điểm lẻ  đến 1 chữ số sau dấu phảy. Phiếu chấm KLTN được chuyển đến Ban thư ký chấm KLTN (do Hiệu trưởng quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của các Khoa chuyên ngành) để tổng hợp. Điểm của KLTN là điểm trung bình cộng các điểm của hai người chấm, làm tròn đến 01 (một) chữ số sau dấu phẩy.

- Trường hợp điểm của 2 người chấm có sự chênh lệch trên 2 điểm thì Trưởng Khoa chuyên ngành sẽ chỉ định người thứ 3 có học vị từ tiến sỹ trở lên chấm và điểm của KLTN sẽ là điểm trung bình cộng của 3 điểm nói trên.

  1. Chấm thu hoạch thực tập tốt nghiệp

- Mỗi thu hoạch thực tập được chấm 02 bởi giảng viên hướng dẫn thực tập và một giảng viên khác do khoa phân công có lĩnh vực chuyên môn phù hợp.

- Từng giảng viên chấm có thể cho điểm lẻ đến 1 chữ số sau dấu phảy. Điểm THTTTN là điểm trung bình cộng của hai người chấm, làm tròn đến 1 chữ số sau dấu phảy.

- Trường hợp điểm của hai giảng viên chấm chênh nhau trên 2 điểm, sẽ được xử lý tương tự như chấm KLTN.

  1. Thẩm định và công bố kết quả

- Điểm của KLTN hoặc THTTTN được công bố chậm nhất là 3 tuần kể từ ngày nộp.

- Hiệu trưởng có thể ra quyết định chấm thẩm định ngẫu nhiên một số KLTN hoặc THTTTN.

- Sinh viên có khoá luận tốt nghiệp hoặc thu hoạch thực tập tốt nghiệp bị điểm F,  sẽ phải thực tập lại cùng đợt tốt nghiệp tiếp theo. Sinh viên không được học cải thiện đối với học phần tốt nghiệp bị điểm D.

  1. Xử lý vi phạm trong quá trình viết, chấm THTTTN và KLTN

- Sinh viên nộp chậm KLTN hoặc THTTTN so với thời hạn qui định trong vòng 7 ngày sẽ bị trừ 10% điểm. Nếu nộp chậm quá 7 ngày, sinh viên sẽ phải đi thực tập tốt nghiệp cùng đợt tốt nghiệp tiếp theo. Các trường hợp đặc biệt do trưởng khoa chuyên ngành quyết định.

- Sinh viên sao chép KLTN hoặc THTTTN sẽ bị nhận điểm 0 (không) và sẽ bị đình chỉ học tập một năm và phải làm đơn xin đi TTTN sau thời hạn trên. Nếu vi phạm lần 2 sẽ bị buộc thôi học.

Điều 7. Nôp khoá luận tốt nghiệp về thư viện

Cuối đợt chấm KLTN, các khoa chuyên ngành tập hợp các KLTN đạt từ 9,0 điểm trở lên đã đóng bìa cứng cùng với file mềm và chuyển về Thư viện trường để làm tài liệu tham khảo.

Điều 8.  Điều kiện xét tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp

  1. Những sinh viên có đủ các điều kiện sau thì được xét và công nhận tốt nghiệp:

- Cho đến thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập.

- Tích lũy đủ số tín chỉ quy định cho chương trình đào tạo.

- Điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học đạt từ 2,00 trở lên.

- Có các chứng chỉ giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất.

  1. Sau mỗi học kỳ, Hội đồng xét tốt nghiệp căn cứ các điều kiện công nhận tốt nghiệp quy định tại khoản 1 của Điều này để lập danh sách những sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp.
  2. Căn cứ đề nghị của Hội đồng xét tốt nghiệp, Hiệu trưởng ký quyết định công nhận tốt nghiệp cho những sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp. Hàng năm có 2 đợt xét tốt nghiệp cho các khoá đào tạo theo tín chỉ vào tháng 1 và tháng 7.

Điều 8. Điều khoản thi hành

Các Khoa, Bộ môn và các đơn vị có liên quan trong Trường thực hiện nghiêm túc quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vấn đề mới, Trưởng Khoa và các đơn vị có liên quan kịp thời phản ánh về Trường (qua Phòng Quản lý đào tạo) để sửa chữa, bổ sung cho phù hợp.

                                                                                         

HIỆU TRƯỞNG

 

 

     GS, TS Hoàng Văn Châu

PHỤ LỤC 1: HÌNH THỨC VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO THTTTN VÀ KLTN

  1. Hình thức của THTTTN và KLTN:

- THTTTN và KLTN phải được trình bày rõ ràng, sạch đẹp theo bố cục sau:

+ Bìa chính (Hình thức trình bày như phụ lục 3),

+ Bìa phụ là giấy thường (Hình thức trình bày như phụ lục 3),

+ Mục lục: lấy đến mục 03 chữ số (ghi rõ số thứ tự trang),

+ Danh mục các chữ viết tắt, danh mục các bảng biểu (nếu có),

+ Lời mở đầu,

+ Phần nội dung,

+ Kết luận,

+ Danh mục tài liệu tham khảo,

+ Phụ lục (nếu có),

+ Trang “Nhận xét của đơn vị thực tập” (Đối với THTTTN)

- THTTTN và KLTN được trình bày trên khổ giấy A4 (210 x 297mm, in một mặt bằng mực đen). THTTTN có số lượng từ 30 đến 40  trang, KLTN có số lượng từ 60 đến 80 trang (kể từ lời mở đầu đến hết phần kết luận).

- Số thứ tự của trang đặt ở chính giữa, phía trên đầu trang giấy và bắt đầu đánh từ lời mở đầu đến hết phần tài liệu tham khảo và phụ lục.

- Dùng font chữ  Unicode “Times New Roman”, cỡ chữ  13, cách dòng 1,5 lines.

- Lề trên 2,5 cm, lề dưới 2,4 cm; lề phải là 2cm; lề trái là 3,5cm.

- Các tiểu mục của KLTN, THTTTN được trình bày và đánh số thành nhóm chữ số, nhiều nhất gồm bốn chữ số với số thứ nhất chỉ số chương (ví dụ: 3.1.2.1. chỉ tiểu mục 1, nhóm tiểu mục 2, mục 1, chương 3). Các chương mục được ghi theo cách dưới đây:

Chương 1: ...

            1.1. ...

            1.1.1. ...

            1.1.2. ...

            ...

- Viết tắt:  Không lạm dụng việc viết tắt trong đề tài. Chỉ viết tắt những từ, cụm từ hoặc thuật ngữ được sử dụng nhiều lần trong đề tài. Không viết tắt những cụm từ dài, những mệnh đề; không viết tắt những cụm từ ít xuất hiện trong đề tài. Nếu luận văn có nhiều chữ viết tắt thì phải có bảng danh mục các chữ viết tắt (xếp theo thứ tự ABC) ở phần đầu của công trình.

  1. Cách sắp xếp danh mục tài liệu tham khảo

- Tài liệu xếp theo thứ tự ABC họ tên tác giả theo thông lệ của từng nước:

Tác giả là người Việt Nam: xếp thứ tự ABC theo tên nhưng vẫn giữ nguyên thứ tự thông thường của tên người Việt Nam, không đảo tên lên trước họ.

Tác giả là người nước ngoài: xếp thứ tự ABC theo họ.

Tài liệu không có tên tác giả thì xếp theo thứ tự ABC từ đầu của tên cơ quan ban hành.

Riêng đối với các tài liệu tham khảo thu thập từ các trang Web, phải đầy đủ các thông tin về tài liệu như: địa chỉ trang Web, ngày tháng truy cập, tên bài, địa chỉ đường link... Danh sách các trang web được đưa xuống phần cuối của danh mục tài liệu tham khảo.

- Thông tin về  mỗi tài  liệu tham khảo phải được sắp xếp theo thứ tự sau: Tên tác giả hoặc cơ quan ban hành, Năm xuất bản, Tên tài liệu tham khảo (in nghiêng), Nhà xuất bản/Tên tạp chí, Nơi xuất bản (nếu có), Số tạp chí (nếu là tạp chí), Từ trang ....-trang...(nếu là tạp chí).

Ví dụ:  - Đối với tài liệu tham khảo là Sách: Trịnh Thị Thu Hương, 2011, Giáo trình Vận tải và bảo hiểm trong ngoại thương, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

- Đối với tài liệu tham khảo là bài báo trên tạp chí: Nguyễn Văn A, 2011, Bàn về chính sách cạnh tranh, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số.....tháng..../2011, tr.55-60.

- Nếu một tác giả có nhiều tài liệu cùng xuất bản trong một năm thì sẽ đặt thứ tự A, B, C

ví dụ:  1. Trịnh Thị Thu Hương, 2011 A, Giáo trình Vận tải và bảo hiểm....

  1. Trịnh Thị Thu Hương, 2011 B, ..............
  2. Cách trích dẫn tài liệu tham khảo

 - Việc trích dẫn các tài liệu để làm luận cứ, luận chứng cho đề tài đòi hỏi phải chính xác, ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ của tài liệu. Nghiêm cấm việc sao chép.

 - Cách trích dẫn tài liệu tham khảo được thực hiện theo hình thức ghi tên tác giả và năm xuất bản ngay sau nội dung đã tham khảo.

Ví dụ: “Vận tải đường biển là việc chuyên chở hàng hoá hay hành khách trong nước hoặc giữa nước này với nước khác bằng đường biển” (Trịnh Thị Thu Hương, 2011, tr.34).

Lưu ý:  Cách trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo dựa trên hệ thống trích nguồn của ĐH Harvard. Sinh viên có thể tham khảo chi tiết tại địa chỉ http://libweb.anglia.ac.uk/referencing/harvard.htm

  1. Bảng biểu, đồ thị, hình, sơ đồ...

- Bảng biểu, hình, đồ thị, sơ đồ... phải đánh số theo từng loại và bao gồm luôn cả thứ tự của chương.

Ví dụ: Hình 1.1, Hình 1.2, ....(Trong đó số 1 đầu tiên là số thứ tự của chương 1, số 1, 2,...tiếp theo là số thứ tự hình trong chương đó).

            Bảng 1.1., Bảng 1.2,...(Trong đó số 1 đầu tiên là số thứ tự của chương 1, số 1, 2,...tiếp theo là số thứ tự bảng trong chương đó).

- Bảng biểu, hình, đồ thị…phải có tên, đơn vị tính, nguồn (tên, đơn vị tính ở phía trên, nguồn ở phía dưới bảng biểu, hình, đồ thị...).

- Số phải được phân cách hàng nghìn bằng dấu chấm và phân cách dấu thập phân bằng dấu phẩy.

Ví dụ: 1.025.845,26

- Không để bảng, biểu, đồ thị…bị cắt thành hai trang.

  1. Số lượng bản nộp

- KLTN: Sinh viên trực tiếp nộp 03 (ba) quyển KLTN có bìa màu đỏ về Văn phòng Khoa chuyên ngành trong thời hạn qui định, gồm:

+ 1 quyển đóng bìa cứng chữ màu vàng (ở gáy có in tên sinh viên, tên đề tài, năm viết).

Ví dụ:        NGUYỄN VĂN A             XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU HÀNG NÔNG SẢN VIỆT NAM                2011 

+ và 2 quyển có bìa mềm, bên ngoài có bìa nilon trong cùng với file mềm (Toàn bộ nội dung khoá luận từ trang bìa đến phần phụ lục phải được tích hợp trong 1 file, không đặt mật khẩu. Tên file được đặt theo mẫu: họ tên sinh viên_lớp_khoá_tên chuyên ngành).

- THTTTN: Sinh viên trực tiếp nộp 02 (hai) bản THTTTN (bìa mềm mầu xanh da trời, có bìa nilon trong) về Văn phòng Khoa trong thời hạn qui định.

 

Phụ lục 2: NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP (KLTN)

Nội dung của KLTN, ngoài phần mở đầu và phần kết luận, được kết cấu tối thiểu là 3 chương, tối đa là 5 chương. Nếu kết cấu thành 3 chương thì nội dung của KLTN nên là:

Chương 1: Viết về phần lý luận, những vấn đề cơ bản có tính học thuật mà đề tài cần giải quyết như: Khái niệm, định nghĩa, các quan điểm, trường phái, nội dung, các nhân tố ảnh hưởng tới lĩnh vực thuộc đề tài nghiên cứu. ..

Chương 2: Viết về thực trạng, kiểm chứng, đánh giá và phân tích tình hình thực tiễn vấn đề mà khóa luận nghiên cứu.  Thực chất, chương 2 là phần dùng lý luận ở chương 1 để soi sáng, đánh giá thực tiễn; đồng thời dùng thực ti ễn để kiểm chứng lý luận nhằm kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn để làm rõ tình hình thực tế chỉ ra những tồn tại, hạn chế của thực tiễn cũng như nguyên nhân cần phải sửa đổi, bổ sung, thay thế. Trong đó sinh viên phải thu thập tư liệu, số liệu từ những nguồn tin cậy để phân tích, đánh giá một cách thuyết phục.

Chương 3: Viết về giải pháp, kiến nghị, đề xuất để khắc phục những hạn chế hoặc cải thiện thực tiễn mà nội dung ở chương thứ hai đã chỉ ra, đồng thời khóa luận cũng có thể đưa ra những xu hướng phát triển của vấn đề nghiên cứu, những ý kiến hay quan điểm để hoàn thiện lý luận liên quan đến đề tài. Các giải pháp và đề xuất phải rõ ràng, có cơ sở khoa học (cả lý luận và, thực tiễn), làm rõ tác dụng và tính khả thi của từng giải pháp.

 

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG

KHOA …………………..

---------***--------

(Font Times New Roman, size 17)

 

 

 

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP

Hoặc (THU HOẠCH THỰC TẬP TỐT NGHIỆP)

 (Font Times New Roman, size 24, in đậm, canh giữa)

 

Chuyên ngành:

(Font Times New Roman, size 18, in đậm, cạnh giữa))

 

 

 

TÊN ĐỀ TÀI SINH VIÊN THỰC HIỆN

(Font Times New Roman, size 18, in đậm, canh giữa)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                 Họ và tên sinh viên: Nguyễn Văn A

                                                                 Mã sinh viên: ....................

                                                                 Lớp: ...............

                                                                 Khóa: ................

                                                                 Người hướng dẫn khoa học: Phạm Văn B

                                                                       (Font Times New Roman, size 14, in đậm)

 

Hà Nội, tháng ......năm.....

(Font Times New Roman, size 14, in đậm, canh giữa)

 

PHỤ LỤC 3: TRANG BÌA KLTN, THTTTN HOẶC BÁO CÁO THỰC TẬP

 

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG

KHOA KINH TẾ VÀ KINH DOANH QUỐC TẾ

---------***--------

 

 

 

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP

 

Chuyên ngành: Kinh tế đối ngoại

 

 

 

 

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU

HÀNG NÔNG SẢN VIỆT NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Họ và tên sinh viên: Nguyễn Văn A

Mã sinh viên: 08XXXXXXXX

Lớp: Anh 1 - Khối 1 KT

Khóa: 47

Người hướng dẫn khoa học: Phạm Văn B

 

 

Hà Nội, tháng 6 năm 2012

 

 

Ví dụ trang bìa: 

Từ khóa » điều Kiện Xét Tốt Nghiệp Ftu