Quy định Về Nghỉ Việc Riêng, Nghỉ Không Lương Từ Năm 2021

Ngày 01/01/2021, Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 sẽ chính thức có hiệu lực, kéo theo một số thay đổi liên quan đến quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không lương theo hướng có lợi hơn dành cho người lao động.

Thêm trường hợp nghỉ việc riêng được hưởng nguyên lương

Theo quy định tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong trường hợp sau đây:

- Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

- Cha đẻ, mẹ đẻ chết: nghỉ 03 ngày;

- Cha nuôi, mẹ nuôi chết: nghỉ 03 ngày;

- Cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng chết: nghỉ 03 ngày;

- Cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết: nghỉ 03 ngày;

- Vợ hoặc chồng chết: nghỉ 03 ngày;

- Con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

Khi nghỉ việc riêng, người lao động phải thông báo cho người sử dụng lao động biết.

So với Bộ luật Lao động 2012 đang được áp dụng, BLLĐ năm 2019 đã bổ sung thêm những trường hợp nghỉ việc riêng mà vẫn được hưởng nguyên lương như sau: Con nuôi kết hôn; cha nuôi, mẹ nuôi chết; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết; con nuôi chết.

Description: Quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không lương từ năm 2021

Theo quy định hiện nay, con nuôi hợp pháp có quyền và nghĩa vụ tương đương với con đẻ. Do đó, việc bổ sung các trường hợp này là thực sự cần thiết.

Như vậy từ 01/01/2021, người lao động sẽ có thêm nhiều trường hợp được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương.

Quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không lương từ năm 2021 (Ảnh minh họa)

4 trường hợp người lao động nghỉ không hưởng lương

Trên cơ sở kế thừa tinh thần của Bộ luật lao động 2012, BLLĐ năm 2019 tiếp tục quy định người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày khi:

- Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại chết;

- Anh, chị, em ruột chết;

- Cha hoặc mẹ kết hôn;

- Anh, chị, em ruột kết hôn.

Khi nghỉ việc không lương trong các trường hợp trên, người lao động bắt buộc phải thông báo cho người sử dụng lao động biết về sự kiện này.

Ngoài ra, người lao động cũng có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương. Do đó, người lao động có thể xin nghỉ nhiều hơn số ngày mà luật quy định hoặc xin nghỉ vì những lý do riêng khác nếu người sử dụng lao động đồng ý.

Mặt khác, pháp luật cũng không quy định về tối đa số ngày nghỉ không hưởng lương nên người lao động có thể nghỉ không hưởng lương theo số ngày đã thỏa thuận mà không bị giới hạn, miễn sao được người sử dụng lao động chấp nhận.

Từ chối khi người lao động xin nghỉ, doanh nghiệp có bị phạt?

Trong trường hợp người thân trong gia đình chết hoặc kết hôn mà người lao động đã thông báo thì người sử dụng lao động phải tạo điều kiện cho người lao động nghỉ việc theo quy định.

Nếu người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo đúng quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

Riêng trường hợp người lao động muốn nghỉ không hưởng lương theo thỏa thuận, người sử dụng lao động được quyền đồng ý hoặc từ chối đề nghị xin nghỉ của người lao động mà không bị coi là vi phạm pháp luật.

Từ những phân tích trên, có thể thấy, quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không lương từ năm 2021 có sự thay đổi theo hướng có lợi hơn dành cho người lao động.

Tác giả: Bình Thảo

Nguồn: luatvietnam.vn

Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Châu Thành A (st)

Từ khóa » Xin Nghỉ Ko Lương