Quy định Về Nguyên Tắc Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội, HĐND Các Cấp

1. Nguyên tắc phổ thông

Nguyên tắc phổ thông: Cuộc bầu cử phải có phạm vi đông đảo nhất người dân tham gia và nhà nước có trách nhiệm bảo đảm điều đó.

Nguyên tắc bầu cử phổ thông, hay còn có tên gọi khác là nguyên tắc “phổ thông đầu phiếu” là nguyên tắc bầu cử phổ biến nhất trên thế giới. Nội dung của nguyên tắc này là các cuộc bầu cử phải có một phạm vi đông đảo nhất người dân tham gia và nhà nước chính cử. Nhà nước phải bảo đảm điều này trên cả hai phương diện. Ở phương diện pháp lý, trước tiên, nhà nước phải ban hành luật sao cho có phạm vi đông đảo nhất người được đi bỏ phiếu, tức là điều kiện pháp lý để được hưởng và thực hiện quyền bầu cử phải là tối thiêu. Xác định điều kiện như thế nào là tối thiểu phụ thuộc vào điều kiện lịch sử, văn hóa của từng quốc gia. Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định hai điều kiện là tư cách công dân Việt Nam và đủ 18 tuổi trở lên. Các đặc điểm cá nhân khác như giới tính, tôn giáo, tình trạng tài sản, tình trạng hôn nhân, dân tộc, tiếng nói, màu da... đều không phải là các điều kiện được hưởng hoặc thực hiện quyền bầu cử.

Khía cạnh thứ hai của phương diện pháp lý là tính phổ thông trong quyền được ứng cử của người dân. Ở khía cạnh này tính phổ thông không được thể hiện rộng rãi như đối với quyền bầu cử. Một cuộc bầu cử sẽ không thể tiến hành được nếu số lượng ứng cử viên quá đông bởi lẽ khi đó việc lựa chọn sẽ không tập trung và kết quả rất có thể là không bầu được đủ số đại biểu cần thiết. Chính vì vậy việc hạn chế về mặt pháp lý khả năng trở thành ứng cử viên là điều cần thiết và tất cả các quốc gia đều quy định những hạn chế này. Tuy vậy, nguyên tắc phổ thông yêu cầu rằng những hạn chế đó phải hợp lý và công bằng, có nghĩa là không được nhằm loại trừ cơ hội được ứng cử của bất kì cá nhân nào. Hiến pháp Việt Nam quy định để có quyền ứng cử, người dân cần đáp ứng hai điều kiện là có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và đủ 21 tuổi trở lên (Điều 27 Hiến pháp năm 2013 và Điều 27 Hiến pháp năm 2013). Tất nhiên, để thực hiện được quyền này một cách thực chất, người dân còn phải đáp ứng một số điều kiện khác.

Bên cạnh phương diện pháp lý, nguyên tắc bầu cử phổ thông còn đòi hỏi về phương diện thực tế nhà nước phải tạo mọi điều kiện vật chất cần thiết để người dân có thể đi thực hiện quyền bầu cử hoặc ứng cử của mình theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa là trên thực tế không có ai' không được thực hiện hoặc không thực hiện được quyền bầu cử hay ứng cử của mình vì những lý do kỹ thuật, ví dụ trường hợp đến sát ngày bầu cử phải đi công tác vắng. Đối với trường hợp này, pháp luật bầu cử hiện hành quy định cử tri có quyền xin xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã noi mình có tên trong danh sách cử tri để đăng kí bầu cử tại nơi mình sẽ có mặt trong ngày bàu cử (Điều 34 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015).

Nguyên tắc bầu cử phổ thông là sự bảo đảm trực tiếp cho tính dân chủ và tính chính thống của một cuộc bầu cử. Thông thường, càng nhiều người dân tự nguyện tham gia bầu cử càng thể hiện sự quan tâm lớn của người dân trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, thể hiện nhà nước thực sự là của nhân dân. Cơ hội tham gia ứng cử công bằng với tất cả mọi người cũng góp phần tạo niềm tin của người dân vào sự lựa chọn của mình, từ đó gia tăng tính chính thống của bộ máy do người dân bầu chọn.

2. Nguyên tắc bình đẳng

Nguyên tắc bình đẳng: Sự bình đẳng giữa các cử tri và sự bình đẳng giữa các ứng cử viên trong một cuộc bầu cử.

Nguyên tắc bầu cử bình đẳng theo pháp luật Việt Nam có hai nội dung: sự bình đẳng giữa các cử tri và sự bình đẳng giữa các ứng cử viên. Khi đi bầu cử, mỗi cử tri có một lá phiếu và giá trị của mỗi lá phiếu là như nhau đối với việc xác định kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử. Cụ thể, cử tri A và cử tri B đi bầu tại đơn vị bầu cử X thì phiếu của A và của B đều có giá trị như nhau, bằng 1 và cũng giống như tất cả các phiếu cử tri khác trong đơn vị bầu cử X. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giá trị lá phiếu của các cử tri ở các đơn vị bầu cử hay các tỉnh khác nhau là bằng nhau. Ví dụ trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (2016), tỉnh Yên Bái có 560.104 cử tri được bầu 6 đại biểu theo 2 đơn vị bầu cử, tức là khoảng 93.350 phiếu cử tri tương ứng với 1 ghế đại biểu1; ở thành phố Hồ Chí Minh có 5.275.399 cử tri được bầu 30 đại biểu theo 10 đơn vị bầu cử, tức là khoảng 175.846 phiếu cử tri mới tương ứng với 1 ghế đại biểu. Như vậy cũng có thể nói dường như giá trị 1 lá phiếu của cử tri ở Yên Bái cao hơn so với lá phiếu của cử tri thành phố Hồ Chí Minh.

Nội dung thứ hai của nguyên tắc bình đẳng là sự bình đẳng giữa các ứng cử viên. Sự bình đẳng này thể hiện ở chỗ khi đã được giới thiệu trong danh sách ứng cử viên thì các ứng cử viên dù thuộc thành phần nào cũng đều được cư xử như nhau, có quyền và nghĩa vụ như nhau. Trong danh sách ứng cử viên công bố tới cử tri, thứ tự tên của các ứng cử viên được xếp theo bảng chữ cái chứ không theo chức vụ hay thành phần hay tiêu chí nào khác. Thậm chí, pháp luật Việt Nam còn loại trừ khả năng ứng cử viên tận dụng lợi thế riêng về vật chất hoặc chức vụ để tạo lợi thế cho mình trước các ứng cử viên khác. Điều 62 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định công tác tuyên truyền, vận động bầu cử là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và được bảo đảm bằng kinh phí nhà nước. Như vậy, ứng viên dù có tiềm lực tài chính dồi dào cũng không được bỏ tiền vận động bầu cử cho mình. Mọi hoạt động sử dụng chức vụ, quyền hạn hoặc hứa tặng cho, ủng hộ tiền, tài sản đế vận động bầu cử đều bị cấm (Khoản 2,4 Điều 68 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015). Có thể nói, quy định chặt chẽ để bảo đảm sự bình đẳng giữa các ứng cử viên trong vận động bầu cử là một nét đặc sắc của nguyên tắc bình đẳng trong chế độ bầu cử của Việt Nam.

Với hai nội dung trên đây, nguyên tắc bình đẳng là nhân tố quan trọng nhất bảo đảm sự công bằng trong mỗi cuộc bầu cử. Ngay cả việc quy định vận động tranh cử do ngân sách nhà nước đài thọ tuy có thể gây ra một số bất cập, ví dụ nguồn lực ngân sách hạn chế làm cho ứng cử viên không có cơ hội tiếp xúc nhiều với cử tri, cũng có thể đem lại được sự công bằng nhất định giữa các ứng cử viên.

3. Nguyên tắc trực tiếp

Nguyên tắc trực tiếp: Cử tri chọn ai thì bỏ phiếu thẳng cho người đỏ; đây là sự trực tiếp về mặt ý chí.

Nguyên tắc bầu cử trực tiếp có nghĩa là cử tri đồng ý bầu chọn ứng cử viên nào thì bỏ phiếu thẳng cho người đó và sự lựa chọn của cử tri được tính trực tiếp vào kết quả bầu chọn đối với ứng cử viên. Đối lập với nguyên tắc bầu cử trực tiếp là nguyên tắc bầu cử gián tiếp, được áp dụng để bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, theo đó về mặt pháp lý cử tri không đi bầu Tổng thống mà là bầu các Đại cử tri ở các bang để rồi các Đại cử tri mới là người đi bầu chọn Tổng thống.

Về mặt lý luận, nội dung cốt lõi của nguyên tắc này là sự trực tiếp về nội dung, tức là ý chí lựa chọn, của cử tri chứ không phải hình thức truyền tải sự lựa chọn. Nguyên tắc bầu cử trực tiếp không yêu cầu một hình thức bỏ phiếu cụ thể nào. Việc bầu cử hoàn toàn có thể tiến hành dưới hình thức bỏ phiếu phi truyền thống như qua thư tín hay điện tử nếu các hình thức này bảo đảm thể hiện được chính xác ý chí lựa chọn của cử tri.

Triết lý của nguyên tắc bầu cử trực tiếp tưomg đối đơn giản. Khi quyền lực được giao trực tiếp từ người dân thì người được giao quyền lực cũng phải được người dân lựa chọn trực tiếp. Nếu thực hiện sự lựa chọn qua trung gian thì người trung gian có thể sẽ không thể hiện đúng ý chí của người dân. Vì vậy, nguyên tắc bầu cử trực tiếp là nhân tố quan trọng bảo đảm tính dân chủ của cuộc bầu cử, tức là người dân thực sự làm chủ quá trình lựa chọn người nắm giữ quyền lực.

Trong pháp luật hiện hành của Việt Nam, nguyên tắc bầu cử trực tiếp được quy định cụ thể tại Điều 69 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Theo quy định, mỗi cử tri sẽ được phát trước một thẻ cử tri. Đến ngày bầu cử, cử tri phải tự mình đến địa điểm bỏ phiếu, xuất trình thẻ cử tri. Sau đó, cử tri được phát một phiếu bầu cử tương ứng với mỗi cơ quan được bầu. Cử tri phải tự mình viết vào phiếu bầu cử của mình và trực tiếp bỏ phiếu bầu vào hòm phiếu. Chỉ trong trường hợp không thể tự viết được thì cử tri mới có thể nhờ người khác bỏ phiếu; song đích thân cử tri phải bỏ lá phiếu vào hòm phiếu. Neu không tự mình bỏ phiếu được thì mới được nhờ người khác bỏ hộ phiếu vào hòm phiếu. Quy định tại khoản 4 Điều 69 cũng yêu cầu rằng trong trường hợp cử tri không tự mình đến nơi bỏ phiếu được mà có lý do chính đáng, ví dụ ốm đau, già yếu, khuyết tật, đang bị tạm giam, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, thì Tổ bầu cử phải mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu tới tận nơi để cử tri trực tiếp bỏ phiếu.

Như vậy, nguyên tắc bầu cử trực tiếp như quy định trong pháp luật hiện hành của Việt Nam không chỉ chú trọng tới sự trực tiếp về ý chí mà còn hết sức chú trọng tới sự trực tiếp về hình thức. Cử tri không những phải trực tiếp tới địa điểm bầu cử, viết vào phiếu bầu, mà còn phải trực tiếp bỏ lá phiếu vào hòm phiếu. Quy định như vậy có lẽ là hợp lý với trình độ phát triển hiện tại của Việt Nam, khi chưa có điều kiện triển khai các hình thức bỏ phiếu linh hoạt khác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cơ chế có phần máy móc này đã gián tiếp hạn chế việc thực hiện quyền bầu cử của người dân trong trường họp đang ở nước ngoài vào ngày bầu cử.

4. Nguyên tắc bỏ phiếu kín

Nguyên tắc bỏ phiếu kín: Không ai được biết nội dung phiếu bầu của cử tri.

Nguyên tắc bỏ phiếu kín có nội dung là: cuộc bầu cử, đặc biệt là công đoạn viết phiếu và bỏ phiếu, phải được tổ chức sao cho không một ai được biết nội dung của lá phiếu cũng như sự lựa chọn của cử tri ngoài chính bản thân cử tri. Nguyên tắc này đòi hỏi trước tiên bầu cử phải được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu chứ không phải bằng giơ tay biểu quyết. Sau đó, từ công đoạn chuẩn bị phiếu bầu cử, phát phiếu bầu cử đến công đoạn cử tri viết phiếu và bỏ phiếu đều phải bảo đảm bí mật. Ngay cả việc thực hiện nguyên tắc bầu cử trực tiếp cũng phần nào giúp bảo đảm nguyên tắc bỏ phiếu kín, bởi vì chỉ khi cử tri bỏ phiếu trực tiếp thì mới bảo đảm chỉ một mình cử tri biết về sự lựa chọn của mình. Để cụ thể hóa nguyên tắc bỏ phiếu kín, pháp luật hiện hành cũng quy định khi cử tri viết phiếu bầu thì không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử, tức là những người phụ trách bầu cử ở địa phương; nếu có người viết hộ thì người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri (Khoản 3, 5 Điều 69 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015).

Việc thực hiện nguyên tắc bỏ phiếu kín là nhằm bảo đảm tính khách quan của cuộc bầu cử. Bầu chọn người nắm giữ quyền lực nhà nước là một vấn đề tế nhị. Người được bầu chọn để nắm quyền có thể sẽ có tác động không nhỏ tới đời sống của cử tri. Vì vậy, giữ bí mật phiếu bầu là nhân tố bảo đảm cử tri có thể tiến hành lựa chọn ứng cử viên một cách tự do mà không e ngại bất cứ hậu quả bất lợi nào đối với mình, từ đó bảo đảm tính khách quan của cuộc bầu cử.

Phòng HCTH tổng hợp

Từ khóa » Việc Bầu Cử đại Biểu Quốc Hội Và đại Biểu Hội đồng Nhân Dân được Tiến Hành Theo Nguyên Tắc