Quy định Về Niêm Phong Và Mở Niêm Phong Vật Chứng: Còn Nhiều ...

Theo quy định tại Nghị định 127, khi mở niêm phong vật chứng phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng. Mọi vật chứng sau khi thu thập phải được niêm phong, trừ các trường hợp sau: Vật chứng là động vật, thực vật sống; vật chứng là tài liệu được đưa vào hồ sơ vụ án; vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản; những vật chứng khác mà cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy không cần thiết phải niêm phong.

Tuy nhiên, qua thực tiển áp dụng cho thấy các trường hợp quy định trình tự, thủ tục mở niêm phong còn có một số vướng mắc, bất cập, đó là:

Thứ nhất, Điều 6 Nghị định 127 quy định người tổ chức thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng gồm:

“1. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên.

2. Cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

3. Người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đang thụ lý vụ án trong giai đoạn truy tố, xét xử, thi hành án”.

Theo đó, trong giai đoạn điều tra khi tiến hành mở niêm phong để giám định vật chứng bắt buộc phải có mặt của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, hoặc Điều tra viên; cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nếu không có mặt thì không thể mở niêm phong và không thể giám định vật chứng được. Trong khi đó, nhiều trường hợp chẳng hạn như: Cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra ở các tỉnh khu vực phía Nam vùng sâu, vùng xa trưng cầu giám định vật chứng vụ án, nhiều loại vật chứng chỉ có cơ quan chuyên môn tại Hà Nội mới có thẩm quyền giám định. Thông thường Cơ quan điều tra gửi vật chứng giám định bằng nhiều hình thức như cử cán bộ điều tra trực tiếp mang đi…. Nhưng Điều 6 Nghị định 127 quy định bắt buộc phải có mặt của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, hoặc Điều tra viên để mở niêm phong là rất khó thực hiện bởi vì thông thường Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, hoặc Điều tra viên khi được phân công thụ lý giải quyết vụ án có rất nhiều việc phải giải quyết nên không thể trực tiếp đi để tham gia mở niêm phong để giám định hết được tất cả các vụ án.

Thứ hai, khoản 2 Điều 7 Nghị định 127 quy định người tham gia mở niêm phong vật chứng gồm:

“a) Người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu có);

b) Người bào chữa (nếu xét thấy cần thiết);

c) Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi mở niêm phong vật chứng (trong trường hợp cần thiết);

d) Đại diện cơ quan quản lý vật chứng được niêm phong trong những trường hợp vật chứng được bảo quản tại các cơ quan chuyên môn”.

Khoản 3 Điều 11 Nghị định 127 quy định: “Trường hợp mở niêm phong phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, sau đó phải niêm phong lại thì thành phần thực hiện niêm phong lại bao gồm: Những người tổ chức, người tham gia niêm phong; người, đại diện cơ quan được giao quản lý vật chứng; người chứng kiến (là đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn, đại diện Viện kiểm sát hoặc người bào chữa của bị can, bị cáo) nếu xét thấy cần thiết”.

Như vậy, khi tiến hành mở niêm phong bắt buộc phải có mặt của người liên quan. Theo đó, người liên quan đến vật chứng trong vụ án hình sự khi bị thu giữ thường là người bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Bởi vì, các vật chứng khi thu giữ phục vụ cho công tác điều tra, truy tố và xét xử thường cơ quan điều tra phải cho người bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo tham gia vào việc niêm phong vật chứng và có những vụ án rất nhiều mẫu vật phải thu giữ để giám định, thời gian giám định dài mới có kết quả hoặc có nhiều trường hợp khi giám định ADN thì cơ quan điều tra phải lấy mẫu như lông, tóc và các vi thể của người bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo để giám định và khi lấy mẫu bắt buộc phải niêm phong và phải có những người bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo tham gia niêm phong. Do vậy, khi muốn mở niêm phong để giám định bắt buộc phải có mặt của những người bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo hoặc người thân thích của họ. Trong khi đó, những vật chứng thu giữ như ma túy và nhiều vật chứng khác khi giám định nếu bắt buộc phải có mặt của người liên quan hoặc người thân thích, người bào chữa là rất khó. Bởi vì, các đối tượng phạm tội nhất là tội phạm về ma túy, công tác truy bắt, canh giữ là một vấn đề rất phức tạp nhưng trong trường hợp này phải dẫn giải các đối tượng đi để mở niêm phong lại càng phức tạp hơn hoặc mời người thân thích của họ thường không hợp tác bởi vì nếu tham gia vào việc mở niêm phong để giám định thì tốn kém về mặt thời gian và chi phí đi lại nên họ không hợp tác. Thực tiễn cho thấy các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền giám định thường ở xa, nếu như bắt buộc phải có mặt của những người liên quan đến vật chứng để mở niêm phong thì mới giám định và sau khi mở niêm phong bắt buộc phải có những người bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo để niêm phong lại sẽ gây khó khăn cho công tác dẫn giải, bảo vệ các đối tượng bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Từ những khó khăn, bất cập nêu trên, đề nghị liên ngành tư pháp trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng theo hướng: Đối với vật chứng niêm phong phục vụ cho công tác giám định để giải quyết các vụ án hình sự khi mở niêm phong phục vụ cho công tác giám định không nhất thiết phải có mặt của người bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo hoặc người thân thích của người bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo hoặc người bào chữa mà khi mở niêm phong vật chứng để giám định mà chỉ cần đại diện cơ quan trưng cầu và mời người chứng kiến tham gia là đúng quy định của pháp luật.

Từ khóa » Thành Phần Mở Niêm Phong Vật Chứng