Quy định Về Thời Gian Nghỉ Giữa Giờ Khi Làm Việc Vào Ban đêm

Từ năm 2021, một số quy định mới về thời gian nghỉ giữa giờ khi làm việc vào ban đêm. Đây là nội dung đáng chú ý liên quan đến quyền lợi của người lao động quy định tại Bộ luật lao động số: 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua vừa qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Bài viết sau đây, các Luật sư chuyên sâu về lĩnh vực lao động – việc làm của Công ty Luật Dương Gia xin chia sẻ các quy định của pháp luật về thời gian nghỉ giữa giờ khi làm việc vào ban đêm nhằm giúp các doanh nghiệp, người lao động nắm bắt, tìm hiểu pháp luật lao động để bảo đảm quyền lợi tối đa cho mình.

Mục lục bài viết

  • 1 1. Cơ sở pháp lý của việc quy định về thời gian nghỉ giữa giờ khi làm việc vào ban đêm
  • 2 2. Tiền lương làm việc vào ban đêm
  • 3 3. Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương

1. Cơ sở pháp lý của việc quy định về thời gian nghỉ giữa giờ khi làm việc vào ban đêm

Theo quy định tại Bộ luật lao động năm 2019 có ghi nhận như sau:

‘Điều 95. Trả lương

3. Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).

Điều 106. Giờ làm việc ban đêm

Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.

Điều 109. Nghỉ trong giờ làm việc

1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.’

Để tồn tại, con người phải lao động. Tuy nhiên, lao động như thế nào và trong khoảng thời gian bao lâu để bảo đảm được sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân lại là yêu cầu của quá trình lao động. Về sinh học, lao động với nội dung và hình thức nào thì cũng là sự tiêu hao trí não, thần kinh, cơ bắp, cơ quan cảm giác… do vậy phải có giới hạn.

Nói cách khác, lao động đến mức nhất định nào đó thì cảm giác mệt mỏi sinh lí xuất hiện làm giảm năng suất, hiệu quả lao động thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn tại của con người. Như vậy, thời giờ làm việc là có giới hạn và yêu cầu được nghỉ ngơi là nhu cầu sinh lí tự nhiên. Từ đó đòi hỏi phải có sự bố trí thời giờ lao động và nghỉ ngơi hợp lí đảm bảo nhu cầu tự nhiên của con người và hiệu quả lao động.

Theo đó, người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật lao động năm 2019 từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

Theo quy định của pháp luật về lao động hiện hành thì người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.

Thời giờ làm việc của người chưa thành niên là thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần.

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành. Các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.

2. Tiền lương làm việc vào ban đêm

Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật lao động năm 2019 có ghi nhận tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:

“1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.”

Theo Điều 56, Điều 57 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động quy định về tiền lương làm việc vào ban đêm:

– Người lao động được trả lương làm thêm giờ theo Khoản 1 Điều 97 của Bộ luật Lao động được quy định như sau: Người lao động hưởng lương theo thời gian được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động quy định theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động; Người lao động hưởng lương theo sản phẩm được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm, công việc ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm, công việc theo định mức lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động.

– Tiền lương làm thêm giờ theo Khoản 1 Điều này được tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động hưởng lương theo ngày.

– Người lao động làm việc vào ban đêm theo Khoản 2 Điều 97 của Bộ luật Lao động, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

– Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm theo Khoản 3 Điều 97 của Bộ luật Lao động thì ngoài việc trả lương theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày lễ, tết.

– Người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần quy định tại Điều 110 của Bộ luật Lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết. Người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại Khoản 3 Điều 115 của Bộ luật Lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần.

– Tiền lương trả cho người lao động khi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này được tính tương ứng với hình thức trả lương quy định tại Điều 22 Nghị định này.

Như vậy, người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường. Nếu người lao động làm thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày lễ, tết.

Quy-dinh-ve-thoi-gio-nghi-giua-gio-khi-lam-viec-vao-ban-dem2.jpg

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

3. Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương

Tóm tắt câu hỏi:

Kính chào luật sư, công ty tôi chuyên sản xuất thực phẩm đông lạnh nên đòi hỏi lượng sản phẩm ra hàng ngày lớn. Công ty có sử dụng lao động vào ban đêm, tôi cũng thường xuyên có làm việc vào ban đêm. Tuy nhiên, tôi có được biết là nếu làm việc đêm thì chúng tôi được nghỉ giữa giờ được tính vào thời giờ làm việc, nhưng công ty lại không cho chúng tôi nghỉ. Vậy công ty làm đúng hay sai?

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật lao động năm 2019 (Hiệu lực: 01/01/2021)

– Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động (Hiệu lực: 01/02/2021)

2. Nội dung tư vấn:

Theo quy định của Bộ luật lao động 2019 thì:

“Điều 106. Giờ làm việc ban đêm

Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.

Điều 109. Nghỉ trong giờ làm việc

1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.’

Như vậy theo quy định này, trường hợp bạn tham gia làm việc ban đêm từ 22h đến 6h hôm sau thì bạn sẽ được nghỉ giữa giờ 45 phút và được tính vào thời giờ làm việc. Việc công ty không cho bạn nghỉ là sai quy định pháp luật, trong sự việc này bạn hoàn toàn có thể khiếu nại với ban giám đốc, ban lãnh đạo công ty hoặc ban chấp hành công đoàn công ty về sự vi phạm này.

Từ khóa » Ca đêm Từ Mấy Giờ