QUY ĐỊNH VỀ ỦY QUYỀN TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015

QUY ĐỊNH VỀ ỦY QUYỀN TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015

Bạn muốn mua nhà nhưng vì một lý do khách quan nào đấy bạn không thể tự mình thực hiện các công việc, thủ tục liên quan đến việc mua nhà. Trong trường hợp này, pháp luật cho phép bạn có quyền trao đổi quyền của mình cho một người khác để thay mình thực hiện việc mua nhà bằng cơ chế ủy quyền. Vậy thì hiện nay pháp luật dân sự quy định như thế nào về ủy quyền. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ giúp quý khách hàng hiểu rõ về vấn đề này qua bài viết dưới đây.

I. Cơ sở pháp lý

Bộ Luật Dân sự 2015

II. Nội dung

1. Thế nào là ủy quyền?

Đai diện theo ủy quyền là một chế định quan trọng và phổ biến trong các quan hệ dân sự. Khoản 1 Điều 138, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”

Như vậy, ủy quyền là việc cá nhân, pháp nhân cho phép cá nhân, pháp nhân khác thực hiện quyền của mình có được một cách hợp pháp để quyết định, thực hiện hành động pháp lý nào đó liên quan đến quyền lợi của các bên hoặc lợi ích của người đã ủy quyền trong phạm vi ủy quyền.

Ủy quyền là căn cứ làm phát sinh quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện, đồng thời nó cũng là cơ sở để người ủy quyền tiếp nhận các kết quả pháp lý do hoạt động ủy quyền mang lại.

2. Hình thức ủy quyền

Hình thức ủy quyền do các bên thỏa thuận (văn bản, lời nói hoặc hành vi), trừ trường hợp pháp luật quy định về việc ủy quyền phải lập thành văn bản. Để hoạt động ủy quyền đảm bảo đúng quy định pháp luật, thể hiện đầy đủ nội dung ủy quyền, thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên, đồng thời làm căn cứ để giải quyết tranh chấp phát sinh thì ủy quyền nên được xác lập bằng văn bản: giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền.

3. Chủ thể trong quan hệ pháp luật đại diện theo ủy quyền

Chủ thể được phép tham gia với tư cách là người nhận ủy quyền chỉ có thể là cá nhân, con người cụ thể. Đây là điểm đặc biệt vì trong đời sống pháp luật có rất nhiều chủ thể khác nhau. Đó có thể là một cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình hoặc pháp nhân, tổ chức, nhưng người đại diện cho tất cả những chủ thể này phải là một con người có đầy đủ năng lực hành vi, năng lực pháp luật.

Người đại diện theo ủy quyền có các loại:

– Đại diện theo ủy quyền của cá nhân

– Đại diện theo ủy quyền của pháp nhân

– Đại diện theo ủy quyền của hộ gia đình, tổ hợp tác: có một điểm lưu ý là người đại diện theo ủy quyền chỉ có thể là người trong chính hộ gia đình hoặc tổ hợp tác đó.

Người được ủy quyền phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 138 Bộ Luật Dân sự 2015.

4. Các trường hợp không được ủy quyền theo quy định pháp luật hiện hành trong quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình.

Thứ nhất, đăng ký kết hôn. Theo quy định về thủ tục đăng ký kết hôn tại Quyết định 3814/QĐ-BTP thì khi đăng ký kết hôn, hai bên nam và nữ bắt buộc phải có mặt.

Thứ hai, ly hôn. Đối với yêu cầu xin ly hôn đương sự có thể nhờ luật sư hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình để làm một số thủ tục khi nộp đơn ly hôn. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì: Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.

Thứ ba, đăng ký nhận cha, mẹ, con. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt (khoản 1 điều 25 Luật Hộ tịch 2014).

Thứ tư, công chứng di chúc của bản thân. Theo quy định tại Điều 56 Luật công chứng 2014 thì: Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc và không được ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.

Thứ năm, không được ủy quyền cho người có quyền, lợi ích đối lập với người ủy quyền tại cùng vụ việc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: Nếu người được ủy quyền cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người ủy quyền mà quyền, lợi ích hợp pháp của người được ủy quyền đối lập với quyền, lợi ích của người ủy quyền.

Thứ sáu, không được ủy quyền cho người đang được ủy quyền bởi một đương sự khác trong cùng vụ việc có quyền, lợi ích đối lập với người sẽ ủy quyền theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015: Nếu người được ủy quyền đang là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một người khác (người đã ủy quyền) mà quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền, lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc (người sắp ủy quyền).

5. Chấm dứt hoạt động đại diện theo ủy quyền

Hoạt động ủy quyền không tồn tại mãi mãi, nó chấm dứt khi xảy ra những sự kiện pháp lý nhất định. Hoạt động ủy quyền chấm dứt khi:

- Thời hạn ủy quyền đã hết hoặc công việc được ủy quyền đã được hoàn thành.

- Người ủy quyền hủy bỏ việc ủy quyền hoặc người được ủy quyền từ chối việc nhận ủy quyền. Trường hợp này quan hệ ủy quyền chấm dứt theo ý chí của các chủ thể khi xuất hiện điều kiện để các bên hủy bỏ ủy quyền hoặc từ chối việc nhận ủy quyền.

- Người ủy quyền hoặc người nhận ủy quyền chết (cá nhân), không còn tồn tại (pháp nhân); bị tòa án hạn chế năng lực hành vi dân sự; bị tòa án tuyên bố mất tích, tuyên bố chết. Khi hoạt động ủy quyền chấm dứt, mọi hậu quả pháp lý phát sinh do người được ủy quyền xác lập, thực hiện đều không có giá trị pháp lý đối với người đã ủy quyền.

6. Hưởng thù lao khi thực hiện công việc ủy quyền

Khoản 2, Điều 566 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về quyền của bên được ủy quyền: “Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.”

Khoản 3, Điều 567 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.”

Như vậy nếu bên được ủy quyền sẽ hưởng thù lao từ bên ủy quyền sau khi kết thúc công việc ủy quyền nếu như hai bên có thỏa thuận trước.

Trên đây là bài viết của chúng tôi về Quy định về ủy quyền trong Bộ Luật Dân sự 2015. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hận hạnh đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.

(Đường Linh)

---------------------------------------------------------

Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn

---------------------------------------------

Xem thêm bài viết có liên quan:

Phân biệt giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền

Tư vấn quy định của pháp luật về đại diện

Giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi

Tư vấn về trường hợp người thứ ba thực hiện giao kết hợp đồng với người không có thẩm quyền đại diện cho pháp nhân

Từ khóa » Các Loại Hình ủy Quyền