Quy định Việc Tiếp Nhận, Phân Loại, Xử Lý đơn Khiếu Nại, đơn Kiến ...

Ngày 29/4/2022, Bộ Công an ban hành Thông tư số 19/2022/TT-BCA quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân.

Theo đó, Thông tư này được áp dụng với các đối tượng là: Các cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an (sau đây gọi chung là Công an đơn vị, địa phương); Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, học viên, công nhân Công an, lao động hợp đồng (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ Công an); Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh.

Việc tiếpnhận, phân loại và xử lý ban đầu được thực hiện như sau:

Đối với tiếp nhận đơn: Đơn được tiếp nhận để phân loại và xử lý từ các nguồn: Đơn được gửi qua dịch vụ bưu chính; hộp thư góp ý của cơ quan, đơn vị trong Công an nhân dân; Đơn do cá nhân, đại diện cơ quan, tổ chức đến cơ quan Công an để khiếu nại, kiến nghị, phản ánh trực tiếp; Đơn do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển đến theo quy định của pháp luật.

Phân loại đơn căn cứ vào tiêu đề (nội dung trình bày trong đơn; mục đích, yêu cầu của người viết đơn) và căn cứ vào thẩm quyền giải quyết, cán bộ xử lý đơn báo cáo, đề xuất thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp mình xem xét, xử lý đơn theo đúng quy định của pháp luật.

Xử lý ban đầu gồm: Đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh đáp ứng yêu cầu hoặc không đủ điều kiện xử lý.

- Đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh nộp cho cơ quan Công an phải đáp ứng các yêu cầu tại Điều 7 sau đây:

+ Hình thức đơn: Được viết bằng tiếng Việt; ghi rõ về ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên và địa chỉ của người viết đơn; có chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn. Trường hợp đơn viết bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch được công chứng;

+ Nội dung đơn: Đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh có ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; nội dung, lý do khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; yêu cầu của người khiếu nại, kiến nghị, phản ánh;

+ Có thêm các tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh (nếu có).

- Đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh sẽ không đủ điều kiện xử lý khi:

+ Đơn không đáp ứng các yêu cầu như trên;

+ Đơn được gửi cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong đó có cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền giải quyết mà cơ quan, đơn vị tiếp nhận đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết;

+ Đơn trùng nội dung đã chuyển đơn/đã được hướng dẫn;

+ Đơn có nội dung chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo; có lời lẽ thô tục, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị;

+ Đơn rách bị nát, chữ viết bị tẩy xóa, không rõ, không thể đọc được.

Đây là quy định mới bởi trước đây điều kiện xử lý ban đầu khi tiếp nhận đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh nộp cho cơ quan Công an chưa được quy định tại Thông tư 68/2013/TT-BCA đang áp dụng.

Ngoài ra, trong Thông tư còn quy định rõ đối với việc xử lý đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết và không thuộc thẩm quyền giải quyết trong Công an nhân dân.

Thông tư số 19/2022/TT-BCA có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2022.

Mai Duyên

Từ khóa » đơn Phản ánh Kiến Nghị