Quy Hoạch Bãi Giữa Sông Hồng: Cần Gắn Với Quy Hoạch Chung Của ...

Sau khi đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng được TP Hà Nội phê duyệt, các quận, huyện nằm trong phạm vi quy hoạch đang tích cực cụ thể hóa bằng những kế hoạch, đề án phục vụ cộng đồng.

Trong đó, đề xuất cải tạo khu vực bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của quận Hoàn Kiếm đang thu hút sự đồng tình ủng hộ của người dân cũng như nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia.

Mong mỏi của người dân

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho hay, hiện nay, tại khu vực trung tâm rất thiếu không gian công cộng, nhất là các không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao, triển lãm nghệ thuật của người dân. Với lợi thế về giao thông đường sông, cảnh quan mặt nước và cây xanh, khu vực bãi giữa, bãi bồi sông Hồng là điều kiện tốt để phát triển các không gian nhằm phục vụ nhu cầu cộng đồng.

Phát triển bãi giữa sông Hồng thành nơi vui chơi giải trí cho người dân. Ảnh: Hải Linh

Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân, với diện tích khoảng 23ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân một phần (khoảng 1ha) thuộc địa phận quận Long Biên.

Thời gian qua, cùng với việc khảo sát để tiếp tục mở rộng các dự án làm sạch sông Hồng trên địa bàn, UBND quận Hoàn Kiếm đang hướng tới mục tiêu phát triển bãi giữa, bãi ven sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Thủ đô. Trong đó, khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách.

Cùng với đó, quận sẽ tôn tạo không gian xanh, cảnh quan, mặt nước, giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường.

Về giải pháp kết nối khu vực bãi giữa, bãi bồi với khu vực trung tâm để người dân có thể tiếp cận dễ dàng, ông Phạm Tuấn Long cho biết, quận Hoàn Kiếm đã triển khai GPMB và mở đường phố Chương Dương Độ; trong năm nay sẽ triển khai khởi công dự án mở đường hầm qua đê kết nối phố Trần Nguyên Hãn với khu vực này. Trong thời gian tới, quận tiếp tục nghiên cứu đối với các tuyến phố ngang nhằm tăng khả năng kết nối giao thông giữa khu vực trong đê và ngoài đê.

Thông tin về việc nghiên cứu, cải tạo bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch của quận Hoàn Kiếm đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của người dân khu vực ven sông cũng như người dân Thủ đô.

Ông Phạm Năng Cương, tổ dân phố 14, phường Chương Dương chia sẻ, hiện quận Hoàn Kiếm và TP Hà Nội đã đầu tư mở rộng đường Chương Dương Độ từ 10m lên đến gần 30m và kéo dài ra đến tận bờ sông Hồng, giúp kết nối, phát triển du lịch đường thủy sông Hồng rất thuận lợi.

Do đó, người dân ngoài đê kiến nghị quận và TP tiếp tục cho kè khu vực bờ sông Hồng đoạn qua các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và làm đường dạo để tạo cảnh quan; đồng thời chống được tình trạng lấn chiếm bờ vở sông Hồng phức tạp hiện nay.

Sau khi làm được đường dạo, người dân cũng mong mỏi cơ quan chức năng tiếp tục đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch phục vụ cộng đồng.

“Đã từ 20 năm nay, sông Hồng hầu như không có nước dâng, chỉ có báo động lũ cấp độ 1. Trong khi đó, phần lớn diện tích đất bãi hiện chỉ để người dân tứ xứ đến trồng rau màu rất lãng phí.

Do vậy mơ ước của người dân các phường ngoài đê nói riêng cũng như của người Hà Nội nói chung là kè bờ sông Hồng và cải tạo bãi giữa để tạo cảnh quan và làm khu vui chơi giải trí, nâng cao chất lượng cuộc sống là hoàn toàn chính đáng” - ông Phạm Năng Cương bày tỏ.

Định hướng đúng, nhưng tránh tình trạng “cát cứ”

Phân tích về lợi thế có được từ định hướng phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Thủ đô, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, định hướng nghiên cứu, khai thác và phát huy hiệu quả quỹ đất bãi sông Hồng của quận Hoàn Kiếm là đáng hoan nghênh. Quận đã mạnh dạn, tái khởi động vấn đề khai thác khu vực bãi bồi, bãi giữa sông Hồng mà rất nhiều những nghiên cứu trước đây đã đề cập, nhưng chưa thực hiện được vì phải chờ quy hoạch phân khu, quy hoạch hành lang thoát lũ.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nếu khai thác được quỹ đất bãi làm công viên, cây xanh, khu vui chơi giải trí sẽ thu được nhiều lợi ích. Trước hết là tăng tỷ lệ không gian xanh cho khu vực nội đô lịch sử, ít nhất sẽ có thêm 2m2 không gian xanh/người, đẩy không gian xanh tại khu vực nội đô từ 5,5m2 lên gần 8m2/người, bằng mức nhiều nơi mong muốn.

Thứ hai là nâng chất lượng sống cho người dân vì hiện ở khu vực Chương Dương, Phúc Tân đời sống khá tạm bợ.

Thứ ba là đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao của mọi lứa tuổi của người dân Thủ đô.

Đề xuất của quận Hoàn Kiếm rất hợp lý, thể hiện sự tích cực, năng động nhưng cần sớm có cơ sở pháp lý để tuân thủ nguyên tắc chung của cả vùng và cả nước. Trước mắt, quận Hoàn Kiếm cần nghiên cứu, kế thừa kinh nghiệm của các nghiên cứu, dự án có liên quan trước đây. Bên cạnh đó, quận phải dự báo được nguồn lực, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác. Vấn đề nữa, phải nghiên cứu giao thông kết nối giữa khu vực bãi với hệ thống giao thông trong nội đô. Hiện nay, việc kết nối với khu vực bãi giữa mới chỉ có lối đi xuống từ cầu Long Biên và đi bằng thuyền.

Tuy nhiên, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, việc khai thác, sử dụng đất bãi sông Hồng là vấn đề phức tạp, cần được nghiên cứu kỹ khi các cơ sở pháp lý cho vấn đề này không chỉ là Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng mà còn nhiều quy hoạch khác như Quy hoạch TP Hà Nội 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch ngành cấp quốc gia về thủy lợi, thoát lũ, giao thông đường thủy… chưa được nghiên cứu ban hành.

“Khi quỹ đất hạn hẹp không còn, việc định hướng khai thác đất bãi sông Hồng nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân, tạo cảnh quan mới cho Hà Nội, là con đường duy nhất. Tuy nhiên, để giải quyết những vấn đề cho quận phải đặt trong bối cảnh nghiên cứu chung của nội đô, của Thủ đô và của cả vùng” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm lưu ý.

Cùng quan điểm trên, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, định hướng phát triển khu vực bãi giữa, bãi bồi sông Hồng của quận Hoàn Kiếm mang nhiều ý nghĩa nhưng phải nằm trong kế hoạch chung của TP, đặc biệt là Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang được rà soát, điều chỉnh. Các quy hoạch chung sẽ là cơ sở để khớp nối, gắn kết và phân chức năng cho từng khu vực, tránh tình trạng “cát cứ” từ mỗi địa phương trong khai thác tiềm năng của sông Hồng.

"Phát triển các không gian bãi giữa, bài bồi nhằm phục vụ nhu cầu cộng đồng của quận nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phân khu sông Hồng vừa được TP phê duyệt. Để triển khai đề án này, quận Hoàn Kiếm đang tiếp tục xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và phối hợp với các bộ, ngành T.Ư, ý kiến của cộng đồng góp ý trước khi trình TP và các bộ, ngành phê duyệt." - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long

Tổng hội Xây dựng Việt Nam (Theo Kinh tế đô thị)

Từ khóa » Dự án Mở đường Ven Sông Hồng