Quy Mô Dân Số Của Tỉnh Vĩnh Phúc Tăng 3 Bậc Trong 10 Năm Qua

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link Quy mô dân số của tỉnh Vĩnh Phúc tăng 3 bậc trong 10 năm qua ảnh 1Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Nguồn: vinhphuc.gov.vn)

Sau 10 năm, kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số của tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng 3 bậc (năm 2019, đứng thứ 40/63 tỉnh, thành phố), tăng thêm 151.368 người.

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong Báo cáo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Tổng số dân của tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày 1/4/2019 là 1.151.154 người, bao gồm 573.621 người nam (chiếm 49,83%) và 577.533 người nữ (chiếm 50,17%). Với kết quả này, Vĩnh Phúc là tỉnh có dân số đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,41%/năm, cao hơn so với cả nước (cả nước là 1,14%/năm).

[Tạo sức bật xây dựng nông thôn mới bền vững ở Vĩnh Phúc]

Dân số Vĩnh Phúc tăng nhanh tập trung ở thành phố Vĩnh Yên (24.834 người), sau đó đến huyện Bình Xuyên - một địa bàn đang phát triển công nghiệp sôi động (22.767 người). Các huyện như Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Đảo, dân số tăng chậm hơn so với các huyện, thành phố trong tỉnh có kinh tế-xã hội phát triển.

Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cũng cho thấy Vĩnh Phúc là tỉnh có mật độ dân số cao so với các nước, hiện xếp thứ 10/63 tỉnh/thành. Năm 2019, mật độ dân số là 932 người/km2, đã tăng 120 người/km2 so với năm 2009; trong khi mật độ dân số cả nước là 290 người/km2 và chỉ tăng 31 người/km2 so với năm 2009.

Đáng chú ý mặc dù Vĩnh Phúc là tỉnh có tốc độ chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, từ nông nghiệp sang công nghiệp-dịch vụ, song theo kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số cho thấy Vĩnh Phúc có 294.994 người sống ở khu vực thành thị, đạt 25,63% và dân số khu vực nông thôn là 856.160 người, chiếm 74,37%. Từ năm 2009 đến nay, tỷ trọng dân số thành thị tăng 3,18 điểm phần trăm. Trong khi đó, trên phạm vi toàn quốc, khu vực thành thị tăng 4,8 điểm. Như vậy, tốc độ đô thị hóa trong 10 năm qua ở tỉnh chậm hơn so với cả nước.

Báo cáo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận sự phát triển của tỉnh trong công tác giáo dục-đào tạo. Theo kết quả điều tra, toàn tỉnh có 97,1% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học; trong đó, tỷ lệ đang đi học phổ thông là 96,7%; đứng thứ 3/63 tỉnh/thành phố, chỉ thấp hơn Hà Nội và Hải Phòng. Như vậy, chỉ còn 2,9% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông (6 đến 18 tuổi) hiện không đến trường (hệ phổ thông và đào tạo). Dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện không đi học của Vĩnh Phúc thấp hơn toàn quốc là 5,4 điểm phần trăm.

Sau 10 năm, tỷ lệ dân số trên 15 tuổi biết chữ của tỉnh đã tăng lên và có sự cân bằng hơn giữa dân số theo giới tính và khu vực sinh sống, đều đạt trên 98%.

Kết quả tổng điều tra năm 2019 cho thấy, Vĩnh Phúc 100% các hộ dân cư đều có nhà ở trong khi toàn quốc vẫn có trên 4.800 hộ không có nhà ở. Tỷ lệ hộ dân cư của tỉnh đang sống trong các ngôi nhà kiên cố và bán kiên cố đạt 98,9%, đứng thứ 14/63 tỉnh/thành phố; ở khu vực thành thị đạt 99,7%; cao hơn 1,1 điểm so với khu vực nông thôn (98,6%).

Tỷ lệ tương ứng của cả nước đạt 93,1%, 98,2% và 90,3%. Như vậy, tỷ lệ hộ dân cư có nhà ở kiên cố và bán kiên cố của tỉnh cao hơn so với bình quân chung toàn quốc là 5,8 điểm.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 của tỉnh là 29,1 m2/người, cao hơn bình quân toàn quốc (23,5 m2/người) và đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Ninh (29,9 m2/người). Cư dân thành thị có diện tích nhà ở bình quân đầu người cao hơn cư dân nông thôn, tương ứng là 34,5 m2/người (cao thứ 6/63) và 27,3 m2/người (đứng thứ 5/63 tỉnh/thành phố của cả nước).

Là tỉnh có diện tích nhà ở bình quân đầu người cao thứ 2 cả nước, nhưng trên địa bàn toàn tỉnh vẫn có 901 hộ có nhà ở với diện tích bình quân đầu người dưới 6 m2; = 0,29% tổng số hộ của tỉnh.

Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tỉnh Vĩnh Phúc là một hợp phần trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 diễn ra trên toàn quốc.

Đây là cuộc tổng điều tra đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn, đặc biệt là thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn với hình thức phiếu điều tra điện tử trên thiết bị di động (CAPI) và phiếu trực tuyến (Webform); đồng thời, thực hiện việc quản lý, kiểm tra và giám sát qua Trang Hệ thống điều hành tác nghiệp (Web điều hành).

Thực hiện cuộc Tổng điều tra, tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập Ban chỉ đạo, Văn phòng Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện và Ban chỉ đạo cấp xã; tổ chức gần 90 lớp tập huấn, quản lý, lập bảng kê và nghiệp vụ điều tra. Cùng với đó, Vĩnh Phúc phân chia địa bàn, lập bảng kê hộ, bảng kê nhân khẩu với 1.379 thôn/tổ dân phố; huy động 1.794 điều tra viên. Từ ngày 1/4, tỉnh đồng loạt tổ chức lễ ra quân tại tất cả các xã, phường, thị trấn.

(Vietnam+)

Từ khóa » Dân Số Của Tỉnh Vĩnh Phúc Là Bao Nhiêu