Quy Mô Dân Số Việt Nam Những Phát Hiện Chính - Consosukien

Kết quả Tổng điều tra dân số và Nhà ở năm 2019 (TĐT) do Tổng Cục Thống kê thực hiện cho thấy, dân số Việt Nam đã đạt mốc trên 96 triệu người. Tốc độ tăng dân số giai đoạn 2009-2019 thấp hơn so với giai đoạn 1999-2009 giúp Việt Nam giảm thứ bậc về quy mô dân số trên bản đồ dân số thế giới.

Quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người

Theo kết quả TĐT năm 2019, tính tới 0 giờ ngày 01/4/2019, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người. Trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8%; dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin) và thứ 15 trên thế giới.

Quy mô dân số Việt Nam những phát hiện chính

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Như vậy sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam đã tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999-2009 (1,18%/năm).

Trong tổng số 54 dân tộc tại Việt Nam, dân tộc Kinh chiếm đa số (85,3%) với quy mô 82,1 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm của dân tộc Kinh giai đoạn 2009-2019 là 1,09%/năm thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (1,14%/năm) và thấp hơn tỷ lệ tăng dân số bình quân năm của nhóm dân tộc khác (1,42%).

Trong 53 dân tộc thiểu số, 6 dân tộc có dân số trên 1 triệu người là: Tày, Thái, Mường, Mông, Khmer, Nùng (trong đó dân tộc Tày là dân tộc đông dân nhất với 1,85 triệu người); 11 dân tộc có dân số dưới 5000 người, trong đó Ơ Đu là dân tộc có dân số thấp nhất (428 người).

Mật đô dân số tăng và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á

Kết quả TĐT năm 2019 cho thấy, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Phi-li-pin (363 người/km2) và Xin-ga-po (8.292 người/km2) .

Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng là 1.060 người/km2 và 757 người/km2. Đây là những vùng bao gồm hai địa phương đông dân nhất cả nước, trong đó Hà Nội thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng với mật độ dân số là 2.398 người/km2 và thành phố Hồ Chí Minh thuộc vùng Đông Nam Bộ với mật độ dân số là 4.363 người/km2.

Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng là 132 người/km2 và 107 người/km2. Thành phố Hồ Chí Minh có mật độ dân số cao nhất, cao hơn gần 86 lần so với tỉnh Lai Châu (có mật độ dân số là 51 người/km2), là địa phương có mật độ dân số thấp nhất cả nước.

Quy mô hộ giảm

Cả nước có 26.870.079 hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với cùng thời điểm năm 2009. Bình quân mỗi hộ có 3,6 người/hộ, thấp hơn 0,2 người/hộ so với năm 2009. Trong giai đoạn 2009-2019, tỷ lệ tăng bình quân số hộ dân cư là 1,8%/năm, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 1999-2009 và là giai đoạn có tỷ lệ tăng số hộ dân cư thấp nhất trong vòng 40 năm qua. Quy mô hộ bình quân khu vực nông thôn là 3,6 người/hộ, cao hơn quy mô hộ bình quân khu vực thành thị là 0,2 người/hộ. Trung du và miền núi phía Bắc có số người bình quân một hộ lớn nhất cả nước (3,9 người/ hộ); Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có số người bình quân một hộ thấp nhất cả nước (đều bằng 3,4 người/hộ).

Quy mô hộ bình quân phổ biến trên cả nước là từ 2 đến 4 người/hộ, chiếm 64,5% tổng số hộ. Tỷ lệ hộ chỉ có một người (hộ độc thân) tăng so với năm 2009 (năm 2009: 7,2%, năm 2019: 10,4%), trong đó tỷ lệ hộ độc thân ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (12,3% so với 9,4%). Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là hai vùng có tỷ lệ hộ độc thân cao nhất, tương ứng là 12,4% và 12,3%.

Tỷ lệ hộ có từ 5 người trở lên có xu hướng giảm (2009: 28,9%, năm 2019: 25,1%). Trong đó, Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ hộ từ 5 người trở lên cao nhất cả nước, tương ứng là 32,2% và 29,4%. Đây là hai vùng tập trung nhiều người dân tộc thiểu số, có tập quán sinh sống theo gia đình nhiều thế hệ và có mức sinh cao nên có nhiều hộ đông người.

Tỷ số giới tính tăng và đạt cân bằng ở nhóm 45-49 tuổi

Kết quả TĐT năm 2019 cho thấy, tỷ số giới tính của dân số Việt Nam là 99,1 nam/100 nữ. Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,4 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính của dân số Việt Nam liên tục tăng nhưng luôn ở mức dưới 100 kể từ TĐT năm 1979 đến nay.

Tỷ số giới tính có sự khác biệt theo các nhóm tuổi, tuổi càng cao tỷ số giới tính càng thấp, cao nhất ở nhóm 0-4 tuổi (110,3 nam/100 nữ) và thấp nhất ở nhóm từ 80 tuổi trở lên (48,6 nam/100 nữ). Tỷ số giới tính gần như cân bằng ở nhóm 45-49 tuổi (100,2 nam/100 nữ) và bắt đầu giảm xuống dưới 100 ở nhóm 50-54 tuổi (95,9 nam/100 nữ).

Kết quả TĐT năm 2019 cũng cho thấy có sự khác biệt đáng kể về tỷ số giới tính giữa các vùng. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ số giới tính cao nhất, tương ứng là 100,9 nam/100 nữ và 101,7 nam/100 nữ; trong khi đó, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ số giới tính thấp nhất, 97,8 nam/100 nữ.

Phân bố dân cư không đồng đều giữa các vùng

Theo kết quả TĐT năm 2019, dân số thành thị là 33.122.548 người, chiếm 34,4% tổng dân số cả nước; dân số nông thôn là 63.086.436 người, chiếm 65,6%. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực thành thị giai đoạn 2009-2019 là 2,64%/năm, tăng gấp sáu lần so với tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực nông thôn song vẫn thấp hơn mức tăng 3,4%/năm của giai đoạn 1999-2009. Tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị của Việt Nam đã tăng lên những vẫn đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chỉ cao hơn Ti-mo Lét-xtê (31%), Mi-an-ma (29%) và Cam-pu-chia (23%).

Dân số Việt Nam phân bố không đồng đều giữa các vùng kinh tế - xã hội, trong đó, Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 22,5 triệu người, chiếm 23,4% tổng dân số cả nước; tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 20,2 triệu người đang sinh sống, chiếm 21,0%. Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với 5,8 triệu người, chiếm 6,1% dân số cả nước.

Giai đoạn 2009-2019, Đông Nam Bộ có tỷ lệ tăng dân số bình quân cao nhất cả nước (2,37%/năm), đây là trung tâm kinh tế năng động, thu hút rất nhiều người di cư đến làm ăn, sinh sống và học tập; Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ tăng dân số bình quân thấp nhất (0,05%/năm).

Kết quả TĐT năm 2019 cho thấy, quy mô dân số chủ yếu của các tỉnh trên cả nước là từ 1 đến 2 triệu người (35 tỉnh), tiếp đến là nhóm các tỉnh có quy mô dân số nhỏ, dưới 1 triệu người (21 tỉnh), 7 tỉnh có quy mô dân số trên 2 triệu người. Hai thành phố là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có quy mô dân số lớn nhất cả nước (tương ứng là 8.053.663 người và 8.993.082 người), trong đó chênh lệch về dân số giữa địa phương đông dân nhất cả nước (thành phố Hồ Chí Minh) và địa phương ít dân số nhất cả nước (tỉnh Bắc Kạn) là trên 28 lần.

Việc phân bố dân cư không đồng đều giữa các địa phương chủ yếu là do điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp cận việc làm, giáo dục và dịch vụ y tế của một số địa phương có lợi thế hơn hẳn các địa phương khác nên di cư để lựa chọn nơi sinh sống phù hợp hơn là một trong những lý do làm gia tăng chênh lệch về tăng dân số ở một số địa phương. Tình hình này xảy ra ngay cả trong điều kiện những tỉnh có đông dân nhưng tỷ lệ sinh luôn thấp hơn mức sinh thay thế trong nhiều thập kỷ qua.

Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng

Kết quả TĐT năm 2019 cho thấy tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 68,0% (giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2009), tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên chiếm lần lượt là 24,3% và 7,7%. Như vậy, Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” khi mà cứ một người phụ thuộc thì có hai người trong độ tuổi lao động. Dự báo đến khoảng năm 2040, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”.

Mặc dù thời kỳ cơ cấu dân số vàng tạo ra nhiều thuận lợi, thế mạnh song cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cần phải giải quyết. Ngoài các vấn đề về nâng cao trình độ kỹ năng của người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, kết nối cung cầu thị trường lao động thì việc giảm bớt áp lực về thiếu việc làm, trật tự, an ninh xã hội cần tiếp tục được quan tâm.

Già hóa dân số có xu hướng tăng

Tại Việt Nam, do sự biến đổi về cơ cấu tuổi của dân số theo xu hướng tỷ trọng của trẻ em dưới 15 tuổi giảm và tỷ trọng của dân số từ 60 tuổi trở lên tăng đã làm cho chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhanh chóng trong hai thập kỷ qua: Chỉ số già hóa năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn hai lần so với năm 1999. Chỉ số già hóa có xu hướng tiếp tục tăng lên trong những năm sắp tới.

Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng là hai vùng có chỉ số già hóa cao nhất cả nước (tương ứng là 58,5% và là 57,4%). Tây Nguyên là nơi có chỉ số già hóa thấp nhất so với các vùng còn lại trên cả nước (28,1%).

Già hóa dân số đang trở thành một trong những chủ đề được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm: thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi,..

Kết quả TĐT năm 2019 cũng cho thấy, trong 10 năm qua, tỷ số phụ thuộc chung của nước ta đã tăng 2,4 điểm phần trăm, chủ yếu là do tăng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên.

Như vậy, vấn đề già hóa đang đặt ra thách thức cho Việt Nam khi tốc độ già hóa nhanh trong bối cảnh nước ta vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Vì vậy, cần có những chính sách để đảm bảo thích ứng với già hóa dân số. Trong đó, cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và hệ thống an sinh xã hội, chính sách lao động cho người cao tuổi nhưng vẫn đang tham gia hoạt động kinh tế giúp giải quyết các vấn đề về xã hội, nâng cao mức sống, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ, tăng quy mô sản xuất.

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu tăng 0,7 tuổi so với năm 2009

Kết quả TĐT năm 2019 cho thấy, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 77,5%. Trong đó, dân số đang có vợ/chồng chiếm 69,2%, dân số đã ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,1%; xấp xỉ 70% nam giới từ 15 tuổi trở lên hiện đang có vợ và 68,5% phụ nữ từ 15 tuổi trở lên hiện đang có chồng. Nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới.

Về xu hướng kết hôn có sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, phân bố dân cư, cơ cấu nhóm tuổi, văn hóa, phong tục tập quán dẫn đến chênh lệch về tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa có vợ/chồng giữa các vùng. Đông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển nhất cả nước, tập trung lực lượng lao động di cư thanh niên lớn và cũng là nơi có tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa có vợ/chồng cao nhất (30,2%), cao hơn 1,8 lần so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc (17,0%), vùng có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống với những tập tục văn hóa liên quan đến kết hôn sớm.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế trong 10 năm qua cũng phần nào tác động tới xu hướng kết hôn. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa vợ/chồng năm 2019 giảm 4,3 điểm phần trăm so với năm 2009, tương ứng là 22,5% và 26,8%. Tuy nhiên, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên ly hôn hoặc ly thân tăng nhẹ so với năm 2009, tương ứng là 2,1% và 1,4%.

Kết quả TĐT năm 2019 cho thấy, thanh niên ở khu vực nông thôn có xu hướng kết hôn sớm hơn ở thành thị, thể hiện qua tỷ lệ dân số nhóm 15-19 tuổi đã từng kết hôn ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị 4,1 điểm phần trăm (tương ứng là 6,7% và 2,6%)

Nhìn chung, tỷ lệ ly hôn ở nước ta thấp; tuy nhiên tỷ lệ này đang có xu hướng tăng trong 10 năm qua (năm 2009: 1,0%, năm 2019: 1,8%). Tỷ lệ ly hôn có sự khác biệt theo giới tính và khu vực thành thị, nông thôn: Tỷ lệ ly hôn của nữ giới cao hơn nam giới (2,1% so với 1,4%), khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (2,1% so với 1,6%).

Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 25,2 tuổi, tăng 0,7 tuổi so với năm 2009. Trong đó, tuổi kết hôn trung bình của nam giới cao hơn nữ giới 4,1 tuổi (tương ứng là 27,2 tuổi và 23,1 tuổi). Tuổi kết hôn lần đầu ở thành thị cao hơn nông thôn đối với cả nam giới và nữ giới.

Dân số Đông Nam Bộ kết hôn muộn hơn so với các vùng khác (nam giới kết hôn khi 28,1 tuổi và nữ giới kết hôn khi 24,9 tuổi); Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu sớm nhất (25 tuổi đối với nam và 20,8 tuổi đối với nữ).

Kết quả TĐT năm 2019 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn lần đầu trước 15 tuổi là 0,4% và kết hôn lần đầu trước 18 tuổi là 9,1%. Tỷ lệ kết hôn sớm ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị (cao hơn 8,9 điểm phần trăm đối với nhóm kết hôn trước 18 tuổi và cao hơn 0,4 điểm phần trăm đối với nhóm kết hôn trước 15 tuổi).

Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn lần đầu trước 15 tuổi và trước 18 tuổi cao nhất cả nước. Đây là hai vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có phong tục kết hôn sớm, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí cũng như hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển nhất cả nước và cũng là hai vùng có tỷ lệ kết hôn sớm thấp nhất.

Các tỉnh có tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn lần đầu trước 18 tuổi cao nhất là Điện Biên, Lai Châu, Sơn La (tương ứng là 39,1%; 38,5% và 37,1%); các tỉnh có tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn lần đầu trước 18 tuổi thấp nhất là Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế (tương ứng là 1,9%; 2,2% và 3,5%).

Dân tộc Lô Lô, Mông, Khơ Mú, Xinh Mun, Hrê, Gia Rai, Brâu là các dân tộc thiểu số có tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn sớm cao nhất cả nước. Đây là các dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Tỷ lệ khuyết tật của nữ giới cao hơn nam giới

Kết quả TĐT năm 2019 cho thấy, tỷ lệ người từ 5 tuổi trở lên bị khuyết tật ở Việt Nam là 3,7%. Tỷ lệ khuyết tật của nữ giới cao hơn nam giới, của khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị.

Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là vùng có tỷ lệ người khuyết tật cao nhất cả nước (4,5%); Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ người khuyết tật thấp nhất (đều bằng 2,9%). Tỷ lệ khuyết tật chịu ảnh hưởng mạnh bởi cơ cấu tuổi, nhóm tuổi từ 60 tuổi trở lên có tỷ lệ khuyết tật cao nhất (20,7%), cao hơn nhiều so với tỷ lệ khuyết tật của cả nước (3,7%). Điều này lý giải cho tỷ lệ khuyết tật thấp đã được ghi nhận ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ khi hai vùng này có tỷ trọng dân số già thấp nhất cả nước./.

M.T (Tổng hợp)

Từ khóa » Bùng Nổ Dân Số ở Việt Nam