Quy Tắc Vàng Khi đưa Bé đi Nhà Trẻ - Webtretho

Để bé đi nhà trẻ ngoan khỏe, điều quan trọng là bố mẹ phải chọn đúng thời điểm.Sớm muộn gì thì rồi bạn cũng sẽ phải giải quyết vấn đề: Có nên cho con đi nhà trẻ hay không. Cần phải nói thêm rằng thời buổi bây giờ, không phải lúc nào cũng nhất thiết phải quyết định vấn đề này.Nhiều gia đình có điều kiện không cần cho con đi nhà trẻ. Họ thuê bảo mẫu và người giúp việc chăm sóc con cái ngay tại nhà. Những người ủng hộ quan điểm “giáo dục tại gia” đưa ra những điểm bất lợi trong hệ thống nhà trẻ, chủ yếu là: Trẻ thường xuyên ốm đau, bệnh tật và những tổn thương về tâm lý của trẻ dẫn đến sự xa cách tình cảm đối với bố mẹ.Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng, nhà trẻ là nguyên nhân gây ra những rắc rối liên quan đến hành vi của trẻ: Những từ ngữ tục tĩu, thói gian dối, trộm cắp, những thói ngỗ nghịch, hung hăng… tất cả những thói hư tật xấu mà bé rất có thể bắt chước từ những đứa trẻ khác.Nhưng dù sao đi nữa, những ông bố bà mẹ dẫu có muốn giáo dục con trong 4 bức tường cũng phải thừa nhận một điều: Nhà trẻ chính là trường học giao tiếp đầu tiên mà trẻ cần phải trải qua. Mà khả năng giao tiếp là một trong những điều kiện cơ bản để lớn lên trẻ có thể tự tin khi tiếp xúc, va chạm với mọi người trong xã hội.Nhà trẻ như một hệ thống tổ chức dạy cho những con người nhỏ tuổi hành vi ý chí, khả năng kết nối những mong muốn của trẻ với nguyện vọng của bạn bè cùng trang lứa cũng như những yêu cầu của người lớn. Ở đứa trẻ sẽ hình thành những hành vi theo mong muốn và khả năng tự điều chỉnh.Trái với ý kiến của những người ủng hộ quan điểm giáo dục tại gia, tất cả những phẩm chất nói trên không phải được hình thành bởi cách giáo dục hà khắc như trong trại lính mà là thông qua các hoạt động vui chơi.Các trò chơi đối với các bé tuổi nhà trẻ, mẫu giáo không phải đơn giản là nhu cầu của lứa tuổi, điều mà chúng ta thường nhìn nhận với con mắt bao dung, độ lượng mà đó chính là dạng hoạt động cơ bản để thông qua đó trẻ có thể hình thành nên những phẩm chất cá nhân.Đối với các bệnh thông thường thì quả thật một số bé khi đi nhà trẻ bắt đầu ốm đau: Ví dụ như hiện tượng cảm lạnh thường xảy ra vì cơ thể của bé đang phải dần làm quen để thích nghi với môi trường mới.Bé đi nhà trẻ hay ốm không phải vì các cô nuôi dạy trẻ không biết cách chăm sóc hay không quan tâm tới các con như nhiều người thường nghĩ. Thường thì số lần bị ốm của trẻ sẽ giảm dần cho đến hết một năm, kể từ ngày bé bắt đầu đi nhà trẻ. Lúc đó thời gian thích nghi của bé mới được ổn định.Ưu điểm chính của nhà trẻ là sự giao tiếp và tiếp thu những bài học đầu tiên về xã hội. Sống trong tập thể cùng các bạn cùng lứa tuổi, trẻ sẽ học được cách tiếp xúc với các bạn, biết cách bảo vệ chính kiến của mình cũng như biết lắng nghe người khác. Ở trẻ sẽ định hình không chỉ có nhận thức thế giới xung quanh mà còn có thể nhìn nhận bản thân mình: Những khả năng thực sự của bản thân không chỉ có bố mẹ mà còn được những người khác, nhất là các bạn nhìn nhận và đánh giá sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều.Thời điểm thích hợp nhất cho bé đi nhà trẻ là lúc 3 tuổi. Ở tuổi này bé đã bắt đầu có nhu cầu giao tiếp với các bạn cùng lứa tuổi. Thông thường, trước thời điểm này, bé chưa chú ý đến người khác và chủ yếu thích chơi một mình, chỉ cần giao tiếp với bố mẹ, anh chị và những người thân trong nhà là đủ.Tuy nhiên, theo thời gian, giới hạn liên quan đến thế giới của bé ngày càng mở rộng và ở bé bắt đầu xuất hiện mối quan tâm tới các bạn khác. Dần dà, sẽ tới thời kì bé có những nhu cầu cấp thiết, không tạm bằng lòng với sự kìm hãm phát triển về mặt tâm lý nữa.Điều quan trọng là bố mẹ phải nắm bắt được thời điểm phù hợp đó. Nếu con bạn còn chưa quan tâm, chưa có nhu cầu giao lưu với các bạn cùng tuổi hoặc quá “bám” mẹ thì bé sẽ khó thích ứng với môi trường nhà trẻ. Hiện tượng thường gặp trong những ngày đầu bé đi nhà trẻ là dễ bị xúc động, hay giận dỗi, khóc nhè hay sợ sệt…Tất cả điều đó nói lên sự vội vàng của bố mẹ khi đưa con đến nhà trẻ. Qua quan sát, chúng ta nhận thấy những bé “tự nguyện” đến nhà trẻ sẽ nhanh chóng hòa nhập hơn những bé không có nhu cầu mở rộng phạm vi giao tiếp.Những trẻ thuộc diện con một thường khó thích ứng với môi trường nhà trẻ hơn do quen được chiều chuộng, được mọi người quan tâm, chú ý, quen dựa dẫm, không có thói quen tự lập trong những sinh hoạt tối thiểu, thiếu tự tin, sợ bóng tối, cảm xúc không ổn định, từng bị tổn thương về tâm lý, có tật nói ngọng, nói lắp…Mối liên hệ giữa bé và mẹ càng khăng khít, gắn bó bao nhiêu thì thời gian để bé thích nghi với môi trường nhà trẻ càng kéo dài bấy nhiêu. Đó là hiện tượng hoàn toàn bình thường và hết sức tự nhiên.Hơn nữa, trong chừng mực nào đó, nó còn cho thấy sự phát triển trí tuệ và tinh thần ở mức độ cao, khả năng cảm nhận những cảm xúc mạnh ở trẻ.Trẻ càng lớn thì càng khó thích nghi với điều kiện mới. Thời gian để bé làm quen với môi trường nhà trẻ là từ một tuần đến 10 ngày. Tầm 3 tuổi, bé sẽ làm quen với nhà trẻ trong vòng 2 – 3 tuần. Đối với các lớp mẫu giáo lớn hơn, phải mất thời gian hàng tháng trời trẻ mới có thể thích nghi được.Trong thời kì thích nghi với điều kiện mới, ở trẻ thường xuất hiện những biến đổi về tâm, sinh lý khác nhau: Lo lắng, sợ sệt, bối rối, hoặc ngược lại, hay khó chịu, dễ bị kích động, nhõng nhẽo, thậm chí, nóng nảy, bướng bỉnh.Nhóm trẻ khó thích nghi với môi trường nhà trẻ là những trẻ có bố mẹ quá lo lắng, do dự khi đưa con đến nhà trẻ. Vậy cần phải làm gì để khắc phục tình trạng trên? Trước hết, bạn nên nhớ rằng mọi sự lo lắng của bạn không thể tự nhiên đi qua, mà chỉ ngày càng trầm trọng thêm theo sự lớn lên của con bạn.Và nếu con bạn không phải đối mặt với những vấn đề đó khi con còn ở nhà trẻ thì lớn lên, khi vào lớp một, bé cũng sẽ phải đương đầu với chúng. Lúc bấy giờ, khi phải tiếp xúc với các bạn đã từng đi nhà trẻ, con bạn sẽ gặp phải những khó khăn trong giao tiếp.Tiếp theo, những ông bố bà mẹ thường hay lo lắng con cái phải tuân thủ chặt chẽ một số nguyên tắc được trình bày dưới đây, khi đưa con đi nhà trẻ. Điều này có thể giúp các bạn tránh được những vấn đề nghiêm trọng cũng như những ảnh hưởng xấu tới tâm lý của con.Quy tắc số 1: Phải cân nhắc tới độ tuổi và mức độ gắn bó tình cảm của trẻ.Thường thì các bé trai sẽ quan tâm đến giao lưu với các bạn cùng trang lứa ở độ tuổi 3 tuổi. Còn với các bé gái thì nhu cầu đó đến muộn hơn một chút, chừng 3 tuổi rưỡi.Quy tắc số 2: Trẻ phải đến nhà trẻ một cách tự nguyện. Nhà trẻ không phải là nhà tù hay nơi giam giữ để bố mẹ cố tình nhét con vào vì không còn lối thoát nào khác mà đó là niềm vui sướng được giao lưu, được sáng tạo, được nhận biết thế giới xung quanh. Bố mẹ nên nhìn nhận nhà trẻ từ góc độ đó mới có thể gây sự hứng thú ở trẻ.Quy tắc số 3: Những kí ức tuổi thơ của bạn có thể đánh thức ở con cái mong muốn hoặc ngược lại, gây nên sự e ngại đi nhà trẻ.Trước khi cho con đi nhà trẻ, phải nói chuyện trước với con về chuyện đó. Để tạo cho con thái độ tích cực, cần phải kể cho con nghe, hồi bé, bạn từng đi nhà trẻ như thế nào. Bạn phải cố gắng kể cho hấp dẫn.Lúc đó, con bạn sẽ không còn sợ điều gì không hay đang chờ đón nó ở nhà trẻ nữa, và con bạn sẽ vui vẻ chờ đón ngày đi nhà trẻ đầu tiên trong cuộc sống mới của con.Quy tắc số 4: Giai đoạn chuẩn bị để bé đến nhà trẻ phải tiến hành càng sớm càng tốt. Không nên để bé cảm thấy đột ngột. Ví dụ, vài tuần trước khi cho con đi trẻ nên dẫn con đi chơi qua khu vực nhà trẻ và nếu có thể nên ghé vào sân chơi một lát. Khi đã quen với địa bàn mới rồi trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn.Trong trường hợp nhà trẻ ở gần, rất có thể bé sẽ gặp ở đó vài đứa trẻ quen biết và bé sẽ tiếp xúc với những trẻ đó trong những ngày đầu tiên đi nhà trẻ cho đến khi có những bạn mới. Trường hợp bé không có bạn nào quen, bố mẹ có thể giới thiệu cho con làm quen với một bạn nào đó trong nhóm.Điều đó giúp cho trẻ nhanh chóng làm quen với môi trường tập thể mới. Trước khi cho con đi nhà trẻ nên cho con làm quen với cô giáo và các bạn. Theo ý kiến của các nhà sư phạm, trong một vài ngày đầu, không nên để con ở nhà trẻ cả ngày, ngay cả khi đối với con bạn không có vấn đề gì đặc biệt.Quy tắc số 5: Phải giúp trẻ vượt qua những khó khăn trong việc thích nghi với chế độ sinh hoạt mới. Khi chưa đi nhà trẻ, mỗi bé sinh hoạt theo một chế độ khác nhau: Bé dậy sớm, bé dậy muộn, ăn ngủ vào các thời gian khác nhau.Ở nhà trẻ, các con phải tuân theo một thời gian biểu thống nhất. Vì vậy, ở nhà, nên tập trước cho con sinh hoạt, ăn ngủ theo giờ giấc của nhà trẻ. Điều này bạn có thể tìm hiểu trước ở chỗ cô giáo hay cô phụ trách nhà trẻ.Quy tắc số 6: Nên khuyến khích con ý thức tự tập. Ở nhà trẻ, các cô nuôi dạy trẻ cũng sẽ giúp các con khi ăn uống nhưng tuyệt nhiên không có chuyện dỗ dành kiểu: “Con ăn thìa này giúp mẹ, ăn thìa này nữa cho bố…” hoặc không bao giờ các cô mở phim hoạt hình, mở chương trình quảng cáo trên ti vi để dỗ dành các con ăn cơm.Những trẻ còn bé tất nhiên sẽ được các cô giúp mặc quần áo. Những trẻ lớn hơn một chút đã có thể tự làm được một số việc cho bản thân. Tất nhiên là rèn luyện được cho bé tính tự lập không phải ngày một ngày hai mà phải từ từ và kiên trì. Ngay cả khi ở nhà, bạn cũng phải huấn luyện cho con biết đi tất, đi giày, cài cúc áo, cúc quần…Quy tắc số 7: Dù thương con cũng đừng gây cho con tính ích kỷ. Khi thể hiện tình yêu thương, bạn nên cố gắng đừng để trong đầu con trẻ có ý nghĩ rằng con là trung tâm của vũ trụ.Trẻ cần hiểu được, bố mẹ hay những người ruột thịt tỏ lòng ngưỡng mộ, vui vẻ thực hiện những mong muốn, đôi khi là những đòi hỏi thất thường, nhõng nhẽo của trẻ, không phải vì trách nhiệm mà là vì tình thương yêu đối với trẻ. Bố mẹ thường nhường nhịn con cái nhưng đôi khi cũng phải nhắc nhở con cái biết nhường nhịn người khác.Quy tắc số 8: Hãy cho con bạn cơ hội xả bớt những cảm xúc. Trong vài ngày đầu đi nhà trẻ, con bạn sẽ cảm thấy gò bó. Nếu để cảm xúc đó tồn tại lâu có thể dẫn đến suy nhược thần kinh.Vì vậy, khi ở nhà, trong môi trường quen thuộc, bạn hãy để cho bé “xả hơi” một chút để bé bớt đi cảm giác gò bó. Đừng rầy la chỉ vì bé hét to hoặc chạy nhanh một chút. Cái đó rất cần cho bé trong thời kì này.Nếu thời gian thích nghi của bé có gì đó đột ngột, bất thường hoặc quá kéo dài hơn mức cần thiết, bạn có thể nhờ bác sĩ tâm lý tư vấn thêm.Những đặc điểm khi bé làm quen với môi trường nhà trẻ phụ thuộc nhiều yếu tố như hệ thần kinh, tình trạng sức khỏe, tính cách, không khí gia đình, các điều kiện ở nhà trẻ… Những trẻ có sức khỏe yếu, không chịu được sự ồn ào, không quen ngủ trưa, biếng ăn sẽ gặp khó khăn trong việc thích nghi hơn.Những trẻ là con một, được quá chiều chuộng, chăm bẵm, quá “bám” mẹ, không có thói quen tự lập, thiếu tự tin, hay lo lắng, có cảm giác bất bực… sẽ rất khó khăn khi làm quen với môi trường nhà trẻ. Ở lớp, các bé thuộc diện này luôn có cảm giác khổ sở, bị căng thẳng thần kinh. Tình trạng trên làm giảm khả năng chống đỡ của cơ thể, nên trẻ thường xuyên bị ốm đau hơn. Ở lứa tuổi lớn hơn, những trẻ chậm thích nghi rất có thể bị những cơn co giật thần kinh, nói lắp hay mắc thói quen gặm móng tay.Việc thích nghi nhà trẻ thế nào còn do ảnh hưởng tính khí của trẻ. Những trẻ nhiệt tình, tính tình sôi nổi sẽ dễ dàng và nhanh chóng hòa nhập hơn. Còn những bé có tính thờ ơ, hay đa sầu đa cảm sẽ khó thích nghi hơn.Do chậm hòa nhập nên chúng sẽ không theo kịp nhịp độ cuộc sống ở nhà trẻ: Chúng không thể nhanh chóng mặc quần áo, ăn uống, hay tham gia các trò chơi. Thường các cô phải giục giã, phải chờ đợi hoặc hỗ trợ một vài động tác.Cần lưu ý rằng một số ít trẻ không thể nào làm quen được với nhà trẻ. Khi phụ huynh nói về những bất ổn của bé khi đi nhà trẻ, rằng trẻ quá khổ sở với những điều kiện ở nhà trẻ, rằng bé không chịu rời mẹ, rằng bạn muốn thường xuyên đến thăm con, rằng bé thường xuyên khóc nhè, nhõng nhẽo vào các buổi sáng, thường xuyên ốm đau, lười ăn, ngủ không sâu… sẽ là những tín hiệu đáng lo lắng.Điều quan trọng là phải xác định: Nhà trẻ không có lỗi mà nguyên nhân phụ thuộc vào những vấn đề tâm lý nặng nề ở con bạn hoặc là do những đặc điểm về giao tiếp trong gia đình bạn.

Từ khóa » độ Tuổi Thích Hợp Cho Bé đi Nhà Trẻ Webtretho