Quy Trình Khám Hiếm Muộn Và Thụ Tinh Trong ống Nghiệm ở Bệnh ...

Bệnh viện Từ Dũ là một trong những bệnh viện đầu ngành chuyên sản, phụ khoa và hiếm muộn ở khu vực miền Nam. Hằng ngày, bệnh viện tiếp nhận hàng trăm ca khám hiếm muộn. Với số lượng chờ khám quá đông, việc tìm hiểu trước quy trình khám sẽ giúp các cặp vợ chồng đang mong con tiết kiệm được rất nhiều thời gian để chuẩn bị tiền khám và chờ khám.

Xem thêm: Thời gian làm việc và quy trình khám, chữa bệnh, sinh con tại bệnh viện Từ Dũ

Địa chỉ : Khoa Hiếm Muộn – Khu Điều trị theo yêu cầu – Bệnh viện Từ Dũ 284 Cống Quỳnh, P. Phạm Ngũ Lão, Tp.HCM Điện thoại: (08) 54042960(08) 54042960 – (08) 39254856(08) 39254856 Đăng ký khám trực tiếp qua tổng đài: 08.1081

1/ Quy trình khám, tư vấn hiếm muộn

Thời gian làm việc:

– Thứ 2 đến thứ 6: 07g00 – 17g00 – Thứ 7: 07g00 – 16g00

Qui định khám và điều trị bệnh nhân hiếm muộn

Benh vien Tu Du - Quy trinh khám hiếm muộn - Quy trinh cơ bản

Quy trình khám hiếm muộn:

Đầu tiên, tại bàn nhận bệnh, bệnh nhân sẽ điền vào tờ đăng ký và được hỏi các thông tin sau:

– Tên, năm sinh hai vợ chồng – Địa chỉ – Giấy chứng minh nhân dân, đăng ký kết hôn (CMND, ĐKKH), mang theo khi đi khám. – Thời gian vô sinh – Para (tiền căn các lần mang thai trước đây) – Nguyên nhân đi khám …

Sau đó, bệnh nhân đóng tiền và chờ vào phòng khám.

Khi vào phòng khám, bác sĩ hỏi và tư vấn các thắc mắc của bệnh nhân. Sau đó tùy trường hợp sẽ được khám và làm các xét nghiệm cụ thể.

Nếu bệnh nhân đủ tiêu chuẩn chẩn đoán hiếm muộn và đủ điều kiện điều trị, hai vợ chồng sẽ được làm hồ sơ bệnh mới. Khi này, bệnh nhân sẽ được hỏi thêm thông tin và làm các xét nghiệm như:

– Khám phụ khoa, làm Pap’s – Siêu âm – Xét nghiệm máu hai vợ chồng: – HIV, HbsAg, BW – HbeAg, AST, ALT (nếu HbsAg dương tính) – Tinh dịch đồ

Tùy trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm

– Xét nghiệm nội tiết vợ – Chụp HSG (chụp tử cung vòi trứng cản quang)

Các bệnh nhân vô kinh, sảy thai nhiều lần… cũng được khám và làm các xét nghiệm phù hợp.

Xét nghiệm tinh trùng (Tinh dịch đồ)

Điều kiện để làm tinh dịch đồ là người chồng có HIV âm tính và kiêng xuất tinh từ 3-5 ngày. Nếu đủ tiêu chuẩn trên, bệnh nhân được phát lọ đựng, vào phòng lấy bên cạnh phòng Xét nghiệm Nam khoa lấy tinh dịch theo cách sau:

– Nên uống nhiều nước và tiểu sạch trước khi lấy mẫu – Rửa sạch tay và dương vật với nước sạch, không dùng xà bông – Mở nắp lọ để nắp ngửa trên mặt bàn. Không đụng vào phía bên trong lọ và nắp lọ. – Tự lấy (như thủ dâm). Không được dùng bao cao su thông thường, không lấy mẫu bằng cách giao hợp – Sau khi lấy mẫu đem đến phòng xét nghiệm ngay. Nếu lấy mẫu ở nhà, giữ mẫu ấm, đem đến phòng xét nghiệm trong vòng 1 giờ sau khi lấy mẫu.

Chụp HSG (chụp tử cung-vòi trứng cản quang)

Thông thường thực hiện HSG khi hai vợ chồng đã làm đầy đủ các xét nghiệm cơ bản và tinh trùng của người chồng bình thường hoặc yếu nhưng trong giới hạn đủ để bơm tinh trùng.

Chụp HSG được thực hiện khi sạch kinh 2 ngày (thường rơi vào ngày 7 vòng kinh).

Bệnh nhân trước khi chụp được khám âm đạo – cổ tử cung lại và cho toa thuốc kháng sinh, giảm đau. Tuỳ kết quả HSG mà bệnh nhân sẽ được hẹn lần khám kế tiếp

Xét nghiệm nội tiết

Thông thường người vợ sẽ được làm xét nghiệm nội tiết khi:

– Tuổi >= 34-35, kinh đều: Làm xét nghiệm FSH, LH, Estradiol, thường thực hiện vào ngày 2 vòng kinh – Kinh không đều: Làm FSH, LH, Estradiol, Prolactin, Testosterone…

Khám tiền mê, hội chẩn mổ nội soi

Khi bệnh nhân đã làm đầy đủ các xét nghiệm cơ bản và HSG cho kết quả tắc vòi trứng, tùy vào độ tuổi và tiền căn, bác sĩ sẽ tư vấn mổ nội soi. Hoặc có thể mổ nội soi khi siêu âm nhiều lần có u buồng trứng thực thể, polyp lòng tử cung…

Sau khi nghe giải thích và quyết định mổ nội soi, bệnh nhân tái khám đăng ký mổ vào các buổi sáng từ thứ 2 – thứ 6. Vào sáng này, bệnh nhân được khám tiền mê. Chiều cùng ngày, bệnh nhân được hội chẩn và hướng dẫn nhận lịch mổ.

Tùy từng trường hợp, khám và làm các xét nghiệm tiền mê bao gồm:

– Mổ nội soi: Vào buổi sáng, bệnh nhân tới bệnh viện để đo mạch, huyết áp, đo điện tim, hỏi về tiến sử bệnh và khám tổng quát về tim, phổi… – Làm thụ tinh ống nghiệm:Vào buổi sáng ngày được hẹn, bệnh nhân nhịn đói làm một số xét nghiệm bao gồm:

  • Huyết đồ, xét nghiệm về đông máu
  • Đường huyết, chức năng gan, thận, Albumin máu
  • Tổng phân tích nước tiểu
  • Đo điện tim …

Sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được khám tương tự như trên.

2/ Thời gian nhận mẫu và trả kết quả

Tầng 3 – Khu M – 227 Cống Quỳnh, Q1

3/ Hướng dẫn bệnh nhân chọc hút trứng, lấy tinh trùng thụ tinh trong ống nghiệm

Benh vien Tu Du - Quy trinh khám hiếm muộn - Hướng dẫn bệnh nhân lấy tinh trùng

Benh vien Tu Du - Quy trinh khám hiếm muộn - Hướng dẫn bệnh nhân chọc trứng

4/ Qui trình thụ tinh ống nghiệm và các kỹ thuật liên quan

a. Qui trình thụ tinh ống nghiệm – IVF/ICSI

Thụ tinh ống nghiệm (TTON) là chỉ định đối với các cặp vợ chồng sau:

– Vợ ≥ 40 tuổi – Tắc vòi trứng – Tinh trùng ít, yếu, dị dạng (không đủ để bơm tinh trùng vào buồng tử cung) – Không tinh trùng, phải lấy tinh trùng từ mào tinh, tinh hoàn – Bơm tinh trùng nhiều lần thất bại …

Đầu tiên tại phòng khám Hiếm Muộn, hai vợ chồng sẽ làm hồ sơ bệnh mới bao gồm khám và làm các xét nghiệm sau:

– Khám phụ khoa, Pap’s, siêu âm – Xét nghiệm máu cơ bản: GS-Rh, HIV, HbsAg, BW – Tinh dịch đồ – Xét nghiệm nội tiết …

Sau khi tất cả các kết quả trên bình thường, bệnh nhân nộp đăng ký kết hôn, CMND bản sao kèm bản chính để đối chiếu. Nếu giấy tờ hợp lệ, bệnh nhân sẽ có lịch hẹn để bắt đầu đợt điều trị.

Vào buổi sáng đầu chu kỳ kinh (thường vào ngày 2 vòng kinh), người vợ nhịn đói lên lầu 8 (khu vực TTON) làm thêm một số xét nghiệm tiền mê và khám tiền mê (kiểm tra tổng quát về sức khỏe) để chuẩn bị điều trị.

Tùy trường hợp bác sĩ sẽ cho người vợ kích thích buồng trứng theo phác đồ phù hợp. Thời gian điều trị thay đổi tùy từng phác đồ, dao động từ 3 – 7 tuần.

Trong thời gian kích thích buồng trứng, bác sĩ theo dõi trứng bằng cách siêu âm nang noãn và xét nghiệm máu (thường từ 3 – 6 lần), và điều chỉnh thuốc tùy vào đáp ứng của mỗi người.

Khi trứng đạt yêu cầu, tiêm hCG để chuẩn bị chọc hút trứng. 36 – 40h sau tiêm, người vợ nhịn đói vào buổi sáng, đến bệnh viện để chọc hút trứng. Trong quá trình này, bệnh nhân được gây mê nhẹ và gây tê tại chỗ. Sau khi chọc hút trứng, người vợ nằm theo dõi mạch, huyết áp… tại bệnh viện 2 – 3 giờ. Cùng buổi sáng này, người chồng lấy tinh trùng đưa vào phòng lab để chuẩn bị cấy.

Kỹ thuật ICSI

Theo kỹ thuật cổ điển, trứng và tinh trùng được cho gặp nhau, hòa nhập một cách “tự nhiên” để hình thành phôi. Nhưng để tránh những bất thường xảy ra khi thụ tinh tự nhiên (hậu quả là không thể hình thành phôi), chúng tôi thường áp dụng kỹ thuật ICSI – Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng. Đặc biệt đối với những người chồng tinh trùng quá yếu, quá dị dạng, hoặc phải lấy tinh trùng từ mào tinh…, số lượng tinh trùng tốt chọn được rất ít, kỹ thuật ICSI là một hỗ trợ hiệu quả (vì chỉ cần một tinh trùng cho một trứng).

Phôi được theo dõi trong phòng lab. Chuyển phôi vào buồng tử cung được tiến hành 2 hoặc 3 ngày sau chọc hút trứng. Nếu phôi dư, đạt chất lượng sẽ được trữ lại.

Sau khi chuyển phôi, người vợ chỉ nằm nghỉ trên giường khoảng 2 – 4h, về nhà đi lại bình thường.

Tại nhà, người vợ tiếp tục uống và đặt thuốc để hỗ trợ sự làm tổ, phát triển của phôi thai. 2 tuần sau thử máu xác định thai. Nếu có thai sẽ được hẹn siêu âm 3 tuần sau.

Nếu thất bại lần này nhưng còn phôi trữ, người vợ có thể dùng phôi trữ để chuyển vào tử cung cho những lần sau.

b. Qui trình IVM – Trưởng thành trứng trong ống nghiệm

Các bệnh nhân phù hợp để làm IVM là những phụ nữ có buồng trứng đa nang (buồng trứng có nhiều nang thứ cấp – polycystic ovary).

Trong IVM, trứng chưa trưởng thành được lấy ra từ buồng trứng chưa được kích thích, bệnh nhân không cần chích gonadotropins (thuốc kích thích buồng trứng),do đó thực hiện phương pháp này sẽ giảm được chi phí và tránh hội chứng quá kích buồng trứng. Hơn nữa, phương pháp này không cần theo dõi bằng siêu âm, thử nội tiết nhiều lần và thời gian điều trị ngắn hơn so với thụ tinh ống nghiệm bình thường.

Đầu tiên hai vợ chồng khám và làm các xét nghiệm theo qui trình làm thụ tinh ống nghiệm tại phòng khám Hiếm muộn (Xem Qui trình TTON). Buồng trứng người vợ sẽ được đánh giá xem có phù hợp làm IVM hay không.

Nộp đủ các thủ tục pháp lý theo quy định và được hẹn lịch để bắt đầu đợt điều trị.

Vào đầu chu kỳ kinh (thường vào ngày 2 vòng kinh), người vợ lên lầu 8 (khu vực TTON) làm thêm một số xét nghiệm tiền mê và khám tiền mê (kiểm tra tổng quát về sức khỏe), đồng thời siêu âm để đánh giá lại buồng trứng.

Tiêm thuốc hỗ trợ buồng trứng từ khoảng ngày 7- 8 vòng kinh, trong 3 ngày liên tiếp.

Sau đó siêu âm lại 2 buồng trứng, nội mạc tử cung. Tiêm hCG 10.000IU

40h sau khi tiêm tiến hành chọc hút trứng non.

Nuôi trứng non trong lab.

Chồng tới lấy tinh trùng 1 ngày sau chọc hút trứng

Trứng và tinh trùng được cho thụ tinh (thường bằng kỹ thuật ICSI – Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng).

Kiểm tra chất lượng phôi, hỗ trợ phôi thoát màng nếu có chỉ định.

Chuyển phôi vào buồng tử cung vào ngày thứ 3 sau chọc hút trứng.

Sau khi chuyển phôi, người vợ chỉ nằm nghỉ trên giường khoảng 2 – 4h, về nhà đi lại bình thường.

Tại nhà, người vợ tiếp tục uống và đặt thuốc để hỗ trợ sự làm tổ, phát triển của phôi thai. 2 tuần sau thử máu xác định thai. Nếu có thai sẽ được hẹn siêu âm 3 tuần sau.

c. Qui trình Chuyển phôi trữ

Thường chuyển phôi trữ được thực hiện khi chuyển phôi lần trước thất bại. Nếu các xét nghiệm của người vợ quá hạn, bệnh nhân sẽ làm lại các xét nghiệm đó.

Vào đầu chu kỳ kinh (thường ngày 2 vòng kinh), người vợ bắt đầu uống thuốc để chuẩn bị nội mạc tử cung.

Khoảng ngày 6-8 vòng kinh, người vợ trở lại bệnh viện siêu âm. Tùy vào đáp ứng mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉnh liều thuốc và hẹn ngày siêu âm kế tiếp.

Đến khi nội mạc tử cung đạt yêu cầu, người vợ được hẹn ngày để chuyển phôi, thường vào buổi chiều khoảng 13h30.

Phôi trữ được rã đông trong phòng lab để chuyển.

Chuyển phôi xong nằm nghỉ khoảng 2-4h. Về nhà đi lại bình thường, tiếp tục uống thuốc, đặt thuốc (hoặc bơm thuốc) âm đạo để hỗ trợ phôi phát triển.

Hai tuần sau thử máu xác định thai. Nếu có thai sẽ được hẹn siêu âm 3 tuần sau.

d. Qui trình Thụ tinh ống nghiệm – Xin trứng

Người cho trứng đến phòng khám Hiếm Muộn vào ngày 2 vòng kinh để làm các xét nghiệm cơ bản, trong đó có xét nghiệm nội tiết buồng trứng.

Nếu đủ điều kiện cho trứng, người cho trứng và hai vợ chồng sẽ hoàn tất các bước khám và xét nghiệm cần thiết, nộp đủ các giấy tờ hành chánh để được hẹn lịch lên lầu 8 bắt đầu điều trị (tham khảo Qui trình TTON).

Tại lầu 8, hai người xin và cho trứng được làm các xét nghiệm tiền mê và khám tiền mê.

Sau đó được uống thuốc nhằm điều chỉnh cho kinh nguyệt hai người xin – cho gần như trùng nhau.

Khi có kinh, người cho trứng được hẹn ngày tiêm thuốc kích thích buồng trứng, siêu âm theo dõi nang noãn và chọc hút trứng (tham khảo Qui trình TTON). Người xin trứng uống thuốc chuẩn bị nội mạc tử cung để tiếp nhận phôi và mang thai, cũng được siêu âm theo dõi và điều chỉnh thuốc.

Người cho trứng được cho hCG và chọc hút trứng sau đó 36 – 40h.

Vào ngày chọc hút trứng, người chồng tới bệnh viện lấy tinh trùng.

Trứng và tinh trùng được cho thụ tinh (thường bằng kỹ thuật ICSI – Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng). Phôi được theo dõi và chuyển phôi cho vợ 2 – 3 ngày sau chọc hút trứng.

Chuyển phôi xong nằm nghỉ khoảng 2-4h. Về nhà đi lại bình thường, tiếp tục uống thuốc, đặt thuốc (hoặc bơm thuốc) âm đạo để hỗ trợ phôi phát triển.

Hai tuần sau thử máu xác định thai.

e. Trữ tinh trùng

Các đối tượng có nhu cầu trữ tinh trùng bao gồm:

– Trữ tinh trùng tự thân: Người chồng ở xa, không thể tới lấy tinh trùng trong ngày bơm tinh trùng hoặc chọc hút trứng. Trữ tinh trùng trước khi điều trị ung thư, mổ tinh hoàn do bệnh lý…

– Cho tinh trùng.

Cần có xét nghiệm máu HIV âm tính trong vòng 3 tháng trước khi trữ.

Lấy tinh trùng để trữ tại lầu 8 vào các buổi chiều trong tuần từ 13h – 14h (trừ thứ 7, chủ nhật), mang theo: kết quả tinh dịch đồ, xét nghiệm máu, chứng minh nhân dân bản chính và bản sao, biên lai đóng tiền.

f. Phẫu thuật lấy tinh trùng

Phẫu thuật lấy tinh trùng là phương pháp dành cho những cặp vợ chồng làm thụ tinh ống nghiệm mà người chồng không có tinh trùng trong tinh dịch do nguyên nhân tắc nghẽn (tinh hoàn vẫn sinh tinh bình thường nhưng tinh trùng không thể ra bên ngoài).

Phẫu thuật lấy tinh trùng bao gồm nhiều phương pháp. Sau khi bác sĩ Nam khoa khám và sinh thiết tinh hoàn, bệnh nhân sẽ được chọn lựa phương pháp phẫu thuật lấy tinh trùng phù hợp:

– Lấy tinh trùng từ mào tinh bằng vi phẫu thuật (Microsurgical Epididymal Sperm Aspiration-MESA): Đây là phương pháp thu tinh trùng bằng phẫu thuật ở mào tinh. Tỷ lệ thành công trong việc thu được tinh trùng bằng MESA thường từ 90% trở lên

– Lấy tinh trùng từ mào tinh bằng xuyên kim qua da (Percutaneous Epididymal Sperm Aspiration-PESA): Lợi điểm của PESA là ít xâm lấn, có thể thực hiện được nhiều lần, đơn giản hơn và mẫu tinh trùng thu được thường ít lẫn máu và xác tế bào. Do đó, PESA là một trong những phương pháp nên chọn lựa đầu tiên ở những trường hợp không tinh trùng do tắc nghẽn. So với MESA, PESA là một phương pháp ít xâm lấn hơn, có thể được thực hiện với gây tê tại chỗ, với tỷ lệ thành công khoảng 65%.

– Lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng chọc hút (Testicular Sperm Aspiration-TESA): Dùng kim đâm xuyên qua da vào mô tinh hoàn và hút tinh trùng ra. Ở những người sinh tinh bình thường, tỷ lệ thu được tinh trùng trên 80%.

– Lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng phẫu thuật xẻ tinh hoàn (Testicular Sperm Extraction-TESE): Ở những bệnh nhân có rối loạn quá trình sinh tinh, tỷ lệ thu được tinh trùng vào khoảng 50%. Những đối tượng này, nên sử dụng kỹ thuật TESE hơn là TESA do thu được tinh trùng nhiều hơn.

Vào ngày hẹn (thường vào ngày vợ chọc hút trứng), người chồng nhịn đói vào buổi sáng tới bệnh viện. Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân được gây mê nhẹ, gây tê và lấy tinh trùng theo một trong các phương pháp trên.

g. Hỗ trợ phôi thoát màng

Sau khi trứng và tinh trùng thụ tinh với kỹ thuật IVF hoặc ICSI, phôi được chuyển vào buồng tử cung để làm tổ và phát triển thành thai. Bao bên ngoài phôi là màng trong suốt. Trong một số trường hợp, lớp màng này bị cứng chắc bất thường hoặc không mỏng đi trong quá trình phôi phát triển. Điều này làm cho phôi không thể thoát ra ngoài và bám vào nội mạc tử cung để làm tổ. Dựa trên giả thuyết đó, kỹ thuật làm mỏng hoặc làm thủng màng trong suốt bên ngoài phôi đã ra đời, giúp phôi dễ thoát ra ngoài và làm tổ vào tử cung hơn. Nhờ đó giúp cải thiện tỉ lệ thành công khi làm thụ tinh trong ống nghiệm (10-15%).

Phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng tại bệnh viện Từ Dũ là làm mỏng màng phôi bằng tia laser.

Các bệnh nhân được áp dụng kĩ thuật này: 1. Trên 34 tuổi 2. Chuyển phôi trữ lạnh. 3. Thất bại sau khi đã chuyển phôi > 2 lần 4. Màng phôi (màng zona) dày và chắc 5. Các đối tượng cân nhắc thực hiện kĩ thuật này: xét nghiệm nội tiết cơ bản (FSH) cao, vô sinh không rõ nguyên nhân, IVM (TTON trưởng thành trứng non).

Tóm tắt kỹ thuật: • Kích thích buồng trứng. • Chọc hút trứng. • Chuẩn bị tinh trùng. • Dùng hệ thống vi thao tác, tiêm trực tiếp một tinh trùng vào trứng. • Thực hiện hỗ trợ phôi thoát màng và chuyển phôi vào buồng tử cung trong cùng ngày.

CHIA SẺ KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ HIẾM MUÔN Ở BỆNH VIỆN TỪ DŨ

Chi phí xét nghiệm, điều trị hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm tại BV Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương là bao nhiêu?

Một ca thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại hai bệnh viện (BV) lớn là Từ Dũ và Hùng Vương TP.HCM chỉ dao động từ 50 – 60 triệu đồng tùy vào từng bệnh nhân.

Theo ThS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, quy trình điều trị hiếm muộn bằng thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) bao gồm: Làm các xét nghiệm, hoàn chỉnh hồ sơ để được chỉ định TTTON; hẹn lịch làm việc; người vợ tiến hành các xét nghiệm tiền mê, khám và thực hiện kích thích buồng trứng; chọc hút trứng, lấy tinh trùng và cấy trong môi trường nhân tạo để hình thành phôi; chuyển phôi; thử thai sau 2 tuần.

Trong đó, bước tiêm các liều thuốc kích thích trứng và liều thuốc hCG để trưởng thành noãn, làm rụng trứng thì các cặp vợ chồng có thể chọn phương án tự làm tại nhà nếu không có điều kiện đến BV nhiều lần để thực hiện. Chính vì vậy, nhiều người chọn tiêm tại nhà đã mắc phải sai sót đáng tiếc. Đây lại là giai đoạn tốn kém nhất, chiếm phần lớn tổng chi phí điều trị bởi giá thuốc có thể lên đến vài chục triệu đồng.

Theo TS.BS. Vũ Minh Ngọc, Phó Trưởng khoa Hiếm muộn, BV Từ Dũ: Tổng chi phí toàn bộ quy trình TTTON tại BV Từ Dũ dao động khoảng 50-60 triệu đồng. Trong đó, khoản chi phí cho môi trường nuôi cấy, vật tư tiêu hao, kim chọc hút trứng, nuôi cấy phôi, catheter chuyển phôi…là 20 triệu. Chi phí mua thuốc chích cho BN để tạo trứng thì không cố định. Bởi tùy thuộc đáp ứng của BN với thuốc tốt hay không mà BS sẽ dùng liều cao hay thấp. Đối với bệnh nhân trẻ, dự trữ buồng trứng còn dồi dào thì liều thuốc sẽ được hạ thấp, chi phí của người bệnh cũng được giảm xuống. Ngược lại, BN lớn tuổi, dự trữ buồng trứng kém, liều thuốc chắc chắn phải nâng lên để tạo được nhiều trứng, chi phí BN phải trả sẽ cao hơn.

Trong chu kỳ đầu tiên, tùy vào số lượng trứng thu thập được mà người bệnh có thể có nhiều phôi hay ít phôi. Chẳng hạn, một BN trẻ, dự trữ buồng trứng tốt, không có bệnh lý vùng chậu, thường số trứng thu được vào khoảng 12 – 15 trứng. Số phôi có thể có được 10 – 12 phôi từ số trứng nói trên. Trong chu kỳ chuyển phôi đầu tiên thông thường bác sĩ chuyển tối đa là 2 – 3 phôi. Còn lại 7 – 9 phôi sẽ được trữ đông dùng trong những lần chuyển phôi sau. Tại khoa Hiếm muộn, BV. Từ Dũ, một lần chuyển phôi trữ đông chỉ 2 triệu đồng.

Tại BV Hùng Vương, chi phí để thực hiện IVF được chia thành 2 khoản, một khoản đóng cố định cho BV là 15 – 16 triệu. Ngoài khoản này, còn một khoản khác là tiền mua thuốc chích cho BN để tạo trứng. Chi phí này, cao hay thấp phụ thuộc vào việc đáp ứng thuốc của từng người bệnh. Tuy nhiên, theo ước tính của các bác sĩ BV. Hùng Vương, ước đoán khoản tiền thuốc phải tốn kém là vào khoảng 25 – 30 triệu. Như vậy, với tổng chi phí cho một chu kỳ thực hiện IVF là 40 – 45 triệu cho chu kỳ đầu tiên. Trong những chu kỳ chuyển phôi trữ đông sau đó, bệnh nhân lại tốn rất ít tiền, khoảng 5 – 6 triệu cho một chu kỳ chuyển phôi.

TS. Vũ Minh Ngọc cho biết, số lượng và chất lượng trứng, tỉ lệ thành công cao hay thấp còn tùy thuộc rất nhiều vào tuổi của người bệnh. Người ta thấy, IVF ở người dưới 35 tuổi thì tỉ lệ thành công cao hơn người trên 35 tuổi, số trứng được tạo thành nhiều hơn, số phôi tốt để chuyển cũng nhiều hơn. Vì vậy, nếu đã có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm thì các chị em nên thực hiện càng sớm hiệu quả mang lại càng cao.

Bên cạnh đó, chất lượng tinh trùng của người chồng cũng tác động đến tỉ lệ thành công của việc TS. Ngọc cũng khuyến cáo, những người dưới 35 tuổi quan hệ bình thường trong vòng 1 năm, không sử dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào mà không có con thì nên đi khám ngay.

Với những người trên 35 tuổi, 6 tháng nên đi khám. Khi đi khám người bệnh nên đến những bệnh viện công như BV Từ Dũ để được khám và tư vấn với những thông tin chính xác về chi phí chữa trị và phương pháp chữa trị khoa học nhất. Tránh trường hợp lấy thông tin từ các BN khác, hoặc do quá trình trao đổi giữa các BN với nhau thông qua các trang mạng khác. Khi có dấu hiệu của hiếm muộn cần khi khám ngay, bởi chi phí cho một lần khám tổng quát về hiếm muộn bao gồm cả siêu âm chỉ 200 ngàn.

Những kiêng cữ trong quá trình điều trị hiếm muộn, thụ tinh trong ống nghiệm

Theo ThS-BS Đặng Quang Vinh, Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe sinh sản (Khoa Y – ĐH Quốc gia TPHCM), Khoa Hiếm muộn BV Đa khoa Vạn Hạnh: “Để bảo đảm cơ hội thành công ở mức cao nhất, người vợ cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình điều trị đã được BS tư vấn. Tâm lý cũng rất quan trọng, nhiều nghiên cứu đã cho thấy khi căng thẳng, cơ thể sẽ tăng tiết một số chất làm ảnh hưởng đến cơ hội có thai. Đối với người chồng, nên hạn chế tối đa việc hút thuốc lá và uống rượu, bia vì điều này có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của tinh trùng. Việc không xuất tinh trước ngày chọc hút trứng từ 2-7 ngày cũng có thể giúp tinh trùng có được chất lượng tối ưu”.

Càng điều trị hiếm muộn sớm, hiệu quả thành công càng cao

Theo ThS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ: “Ở phụ nữ 20-30 tuổi, tỉ lệ thành công đến 40%-50%, 30-40 tuổi thì còn 30%-40%, trên 40 tuổi chỉ còn hơn 10%. Do đó, nếu phát hiện tình trạng hiếm muộn và có khả năng TTTON thì nên tiến hành sớm”. Tỉ lệ này còn phụ thuộc vào chất lượng và số lượng trứng của người phụ nữ – trứng tốt, nhiều sẽ tạo được nhiều phôi, chất lượng tốt. Thông thường khi TTTON, người ta chỉ đưa vào tử cung 2-3 phôi, còn lại sẽ trữ lạnh và sử dụng tiếp nếu chưa đậu thai.

Có càng nhiều phôi, tỉ lệ thành công sẽ được cộng dồn và các cặp vợ chồng không phải tốn kém thực hiện lại công đoạn kích thích trứng trước đó. Ngoài ra, việc đậu thai còn phụ thuộc vào chất lượng của niêm mạc tử cung; các phụ nữ có bệnh lý về sinh dục, tử cung, đã nạo hút thai nhiều lần, tỉ lệ thành công thấp hơn. Số lượng, chất lượng tinh trùng ở người chồng cũng ảnh hưởng đến khả năng thành công của phương pháp này, tuy nhiên, ở nam giới thì chưa có nghiên cứu nào cho thấy sự ảnh hưởng của tuổi tác như ở phụ nữ. Hiện tỉ lệ thành công tại BV Từ Dũ đạt 40%-45%.”

On September 22, 2015 / Sức khỏe / Leave a comment Tags: bệnh viện Từ Dũ

Từ khóa » Chi Phí Chuyển Phôi Trữ Bệnh Viện Từ Dũ