Quy Trình Khảo Sát đường Cũ
Có thể bạn quan tâm
Khảo sát trên đường hiện hữu bao gồm các công việc sau đây : + Đăng ký. + Khảo sát thuỷ văn. + Khảo sát địa chất công trình.
ĐĂNG KÝ ĐƯỜNG HIỆN HỮU - Mục đích của việc đăng ký trong công tác khảo sát đường ôtô là để cung cấp tài liệu về các loại công trình cầu, đường trên đường hiện hữu phục vụ cho công tác thiết kế khôi phục hay nâng cấp, cải tạo. Đăng ký phải phản ánh đúng thực trạng về tiêu chuẩn hình học và chất lượng các công trình trên đường và công trình phù trợ liên quan. Những công việc tiến hành khi đăng ký đường bao gồm : (a) chuẩn bị. (b) đăng ký đường. (c) đăng ký các công trình.
CHUẨN BỊ
- Trước khi đi đo đạc ở thực địa cần tiến hành những công việc chuẩn bị sau đây: + Nghiên cứu kỹ nhiệm vụ được giao. + Sưu tầm các tài liệu cần thiết như hồ sơ khảo sát thiết kế trước đây của đường, hồ sơ quản lý đường v.v...
- Trên cơ sở những tài liệu sưu tầm được cần đi sâu nghiên cứu những điểm sau đây : + Đoạn nào cần cải tuyến (nắn thẳng hoặc hạ dốc ). + Các đoạn qua vùng dân cư (giữ nguyên đường hiện hữu hoặc đi vòng tránh). + Các đoạn qua vùng có điều kiện không thuận lợi về thuỷ văn và địa chất. + Các điểm giao cắt với đường sắt có thể khắc phục được. + Các điểm giao bằng có thể nâng cấp lên giao lập thể (cả đường sắt và đường ôtô ). + Số lượng, chủng loại,năng lực thoát nước và năng lực chịu tải của các công trình cầu, cống trên đường. + Kích thước,tình trạng và sức chịu tải của nền, mặt đường trên từng đoạn. + Các đoạn nền đường yếu, mặt đường biến dạng: các biện pháp kỹ thuật đã sử lý và kết quả xử lý. + Tình trạng các công trình đặc biệt khác trên đường (tường chắn, hầm v.v...). + Các thông số kỹ thuật của các mỏ vật liệu xây dựng đang hoặc chưa khai thác (vị trí, trữ lượng, số liệu thí nghiêm mẫu, cự ly đến tuyến v.v...) + Các số liệu điều tra kinh tế như lưu lượng xe, thành phần xe của năm hiện tại và các năm quá khứ.
ĐĂNG KÝ ĐƯỜNG
- Đăng ký đường là ghi lại hình dạng đường, do đó cần đóng các cọc đường sườn dọc theo mép mặt đường. Các cọc này chỉ là cọc tạm dùng khi đo đạc và kiểm tra kết quả đo đạc đường nên không cần phải bảo vệ lâu dài. Các cọc đầu, cuối tuyến và cọc mốc cao độ cần lưu giữ cho các bước khảo sát sau sử dụng nên phải là cọc vĩnh cửu. Cọc đường sườn phải đóng thế nào để phản ánh đúng các yêu tố hình học của đường hiện hữu (bình đồ, hình cắt dọc, hình cắt ngang, các công trình thuộc đường và 2 bên đường ).
- Công tác đo đạc tuyến đường (đo góc, đo dài, đo cao, đo hình cắt ngang) của bước đăng ký thực hiện như bước NCKT nói ở Chương 7 ).
ĐĂNG KÝ CÔNG TRÌNH
- Nền đường :Khi đăng ký nền đường cần đo đạc, thu thập các số liệu sau : + Chiều rộng nền đường trên từng đoạn, chiều cao nền đắp, chiều sâu nền đào, tình trạng mái dốc : ổn định hay sụt lở. + Tình trạng ngập lụt và khả năng tôn cao nền đường + Các biện pháp chống lún, sụt nền đắp (thay đất nền đường,hạ mức nước ngầm,làm rãnh thấm,tôn cao đường...). + Các biện pháp chống cát bay lấp đường. + Các biện pháp cải tạo hệ thống thoát nước mặt. + Đo đạc cường độ nền đường bằng phương pháp tấm ép cứng. Cần đặc biệt lưu ý : + Các đoạn đường có khối lượng lớn khi nâng cấp (đoạn có dốc dọc vượt quá tiêu chuẩn cho phép của cấp đuường thiết kế, đoạn có bán kính nhỏ hơn tối thiểu ). + Những đoạn đi qua vùng đất sụt, truượt đang hoạt động và vùng đất nền có sức chịu tải kém. + Những đoạn thoát nước khó khăn ( nền đào dài , nền ngập nước, nền thấp qua địa hình trũng v.v...).
- Mặt đường : đăng ký mặt đường để cung cấp các số liệu sau : + Chiều rộng mặt đường trên từng phân đoạn, chiều dầy và loại các lớp kết cấu của áo đường, tình trạng mặt đường (độ bằng phẳng, rạn nứt, ổ gà ...), mô-đun đàn hồi của mặt đường hiện hữu theo Tiêu chuẩn ngành 22TCN251-98 cùng với trạng thái ẩm (độ ẩm tương đối), trạng thái chặt (độ chặt) của đất nền lúc đo. + Thu thập các thông tin về quá trình duy tu bảo dưỡng, sửa chữa mặt đường và các biện pháp đã áp dụng để xử lý các đoạn mặt đường thường hay bị hư hỏng sớm hơn các đoạn khác.
- Hệ thống thoát nước: Cần chú ý thu thập tài liệu, thông tin về tình hình hoạt động của hệ thống thoát nước (bao gồm toàn bộ hệ thống cầu, cống và các loại rãnh) trên đường hiện nay; chú ý tìm hiểu nguyên nhân các đoạn bị nước lũ tràn đường, các công trình cầu, cống và nền đường các loại (nền đường thông thường, đường tràn, đường thấm v.v..) bị nước lũ phá hoại. Các thông tin này cần kết hợp giữa số liệu thu thập ở Cơ quan quản lý đường và kết quả điều tra thực địa.
- Các công trình khác trên đường: Các công trình khác trên đường như tường chắn, hầm, tường phủ bảo vệ ta-luy nền đường v.v... cần thể hiện đầy đủ về kích thước cũng như về chất lượng. Chú ý đến những chỗ có vết nứt, gãy, lún.
- Các công trình tạm: Đối với các công trình tạm như cọc tiêu, biển báo, cần thống kê đầy đủ số lượng và xác định vị trí lên bình đồ tuyến. Đối với bến phà, đường ngầm... cần mô tả về kết cấu công trình và khả năng phục giao thông trong năm.
- Điều tra giao thông. + Điều tra lưu lượng xe các loại và thành phần đoàn xe ôtô trên từng đoạn chủ yếu dựa vào số liệu thống kê hàng năm của Cơ quan quản lý đường, khi cần có thể tổ chức đếm xe bổ sung ở các vị trí thấy cần thiết. + Thu thập các số liệu về tai nạn giao thông (chủ yếu ở Cơ quan cảnh sát giao thông), tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc phục của các Cơ quan quản lý đường. + Điều tra tình hình hoạt động và công suất của các bến xe liên quan đến đường đăng ký.
- Đăng ký cầu : Với mỗi công trình cầu cần thu thập các số liệu sau : + Vị trí (lý trình, tên dòng chẩy ). + Loại cầu (gỗ, thép, BTCT, đá ). + Tính chất công trình (tạm, bán vĩnh cửu, vĩnh cửu). + Tình trạng tải trọng hiện tại. + Các kích thước chủ yếu của mố, trụ, kết cấu nhịp. + Khổ tĩnh không. + Các tình hình về thuỷ văn, thuỷ lực. + Các công trình phụ trợ như gia cố, nắn dòng chảy (nếu có ). + Năm xây dựng và các lần đại tu (nếu có ).
- Đăng ký cống (các loại ) : Với mỗi cống cần thu thập các số liệu sau : + Loại cống (tròn, hộp, bản chìm, tam giác,... ). + Vật liệu làm cống (gỗ, gạch, bê tông, BTCT, thép,... ). + Các kích thước chủ yếu của thân cống, đầu cống và các bộ phận phụ trợ. + Các tình hình về thuỷ văn, thuỷ lực. + Tình trạng tải trọng hiện tại. + Tình hình nền đường trên cống. + Năm xây dựng (nếu có).
ĐĂNG KÝ MỎ VẬT LIỆU
- Thu thập các thông tin về các mỏ vật liệu xây dựng đang khai thác trong khu vực ảnh hưởng của đường đăng ký về : + Công suất của mỏ và phương pháp khai thác. + Loại VLXD đang khai thác (đất, đá, cấp phối ... ). + Số liệu thí nghiệm đánh giá chất lượng VLXD. + Trữ lượng của mỏ. + Hệ thống và chất lượng đường từ mỏ VL đến tuyến đường XD + Bình đồ khu vực mỏ (cả khu khai thác và khu quản lý). Khi đơn vị khai thác mỏ không có tài liệu này thì cần sơ hoạ khu vực mỏ lên bản đồ tuyến đường đăng ký.
TÀI LIỆU PHẢI NỘP
- Kết thúc công tác đăng ký, đơn vị khảo sát phải nộp các hồ sơ, tài liệu sau: (1) Các tài liệu về đăng ký tuyến. (2) Các tài liệu về đăng ký nền đường hiện hữu. (3) Các tài liệu về đăng ký mặt đường hiện hữu. (4) Các tài liệu về đăng ký về các loại công trình. (5) Các tài liệu về tình hình khai thác đường hiện hữu.
KHẢO SÁT THỦY VĂN TRÊN ĐƯỜNG HIỆN HỮU
- Khảo sát thuỷ văn trên đường hiện hữu chỉ thực hiện một bước, tập trung vào bước khảo sát thiết kế kỹ thuật và chia làm hai trường hợp : + Các đoạn tuyến đi xa đường hiện hữu. + Các đoạn tuyến đi trùng đường hiện hữu hoặc có cải tuyến nhưng không cách xa đường hiện hữu quá 100 - 200 m.
- Các tuyến tránh lớn có chiều dài từ 20 km trở lên và nằm cách xa đường hiện hữu (khoảng từ 0,5 km trở lên), khảo sát thuỷ văn thực hiện bình thường như các Chương 3, Chương 8, Chương 12 theo nhiệm vụ của bước khảo sát (NCTKT, NCKT, TKKT, BVTC).
- Các đoạn tuyến vẫn đi trên đường hiện hữu hoặc đi gần đường hiện hữu (tuyến tránh nhỏ hơn quy định ở điều 19.2), trước khi thực hiện khảo sát hiện trường cần sưu tầm, thu thập và tận dụng các hồ sơ khảo sát thuỷ văn đã thực hiện trong các lần khảo sát thiết kế trước, các hồ sơ tài liệu về quản lý, khai thác công trình, từ đó lập chương trình, kế hoạch đi đo đạc, khảo sát bổ sung ở thực địa.
- Khi khảo sát hiện trường cần chú ý tìm hiểu các nguyên nhân: ngập lụt nước chẩy tràn qua mặt đường; xói lở ta-luy nền đường; các bộ phận của công trình cầu,cống bị hư hỏng do nước lũ gây ra. Kết quả điều tra cần thể hiện đầy đủ trên các hồ sơ tuyến và công trình.
- Các công trình cầu, cống cần nghiên cứu xem xét tính hợp lý của từng công trình về vị trí, khả năng thoát nước, mực nước dâng thượng lưu cầu, cống, tình hình sói lở lòng suối và mố cầu, những ảnh hưởng bất lợi đối với miền thượng lưu và hạ lưu của công trình.
- Căn cứ vào hồ sơ tài liệu cũ thu thập được, vào kết quả điều tra ở Cơ quan quản lý, vào kết quả xem xét hiện trường, đơn vị khảo sát xác định phạm vi khảo sát thuỷ văn về tuyến cho từng đoạn, về công trình cho từng vị trí cụ thể và thực hiện công tác này theo các phần việc liên quan cho tuyến đường, cho công trình thoát nước nhỏ như quy định ở Chương 13.
- Nếu trong thời gian từ khi đưa đường vào khai thác đến khi tiến hành khảo sát nếu có xẩy ra các hiện tượng thuỷ văn đặc biệt và thay đổi địa hình ở tuyến đường và công trình thoát nước nhỏ, thì bắt buộc phải điều tra khảo sát đo đạc, sưu tầm số liệu, tài liệu về các hiện tượng trên để đưa vào hồ sơ khảo sát đường hiện hữu theo đúng yêu cầu của Chương 13.
- Hồ sơ khảo sát thuỷ văn trên đường hiện hữu gồm : + Đối với các đoạn tuyến tránh lớn (như quy định ở điều 19.2) hồ sơ khảo sát thuỷ văn quy định như điều 13.15 Chương 13. + Đối với những đoạn tuyến vẫn đi theo đường hiện hữu (hoặc tuyến tránh đi gần đường hiện hữu ), hồ sơ khảo sát thuỷ văn phân ra như sau : (1) Về tuyến đường bao gồm: - Thuyết minh tình hình khí tượng thuỷ văn và khảo sát thuỷ văn. - Các số liệu,tài liệu điều tra tình hình lũ lụt và sự phá hoại của dòng nước đến nền đường. - Bình đồ, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang các đoạn bị xói lở, các công trình bảo vệ nền đường bị dòng nước phá hoại. - Mặt cắt dọc mặt nước của các mực nước điều tra bổ sung (theo hình cắt dọc của tuyến đường). - Các văn bản làm việc với Chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan. - Các bản vẽ và các số liệu, tài liệu thuỷ văn, địa hình và các tài liệu liên quan khác sưu tầm được. (2) Về công trình thoát nước nhỏ, công trình chỉnh trị uốn nắn dòng nước, công trình bảo vệ v.v..., tận dụng các hồ sơ đã có trước đây để bổ sung thêm các phần điều tra mới; công trình nào không có hồ sơ cũ thì lập hồ sơ mới theo nội dung và số lượng quy định ở điều 13.15 Chương 13. KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT TRÊN ĐƯỜNG HIỆN HỮU
MỤC ĐÍCH NHIỆM VỤ
- Mục đích của khảo sát ĐCCT trên đường hiện hữu là: + Thu thập các tài liệu ĐCCT hiện có lưu trữ tại các cơ quan quản lý, nhất là cơ quản lý đường; + Tiến hành một số công việc khảo sát để cùng với số liệu thu thập phục vụ cho thiết kế mở rộng hoặc nâng cấp.
- Nhiệm vụ của khảo sát ĐCCT là: + Thu thập tài liệu địa chất nền đường, mặt đường, mái dốc; đúng thực trạng về nền mặt đường hiện hữu; + Đánh giá khả năng sử dụng nền đường hiện hữu kết hợp với khả năng cải tuyến, tránh tuyến theo yêu cầu của nhiệm vụ được giao; + Thu thập các tài liệu về hiện trạng của cầu, cống, các công trình phòng hộ để đánh giá khả năng sử dụng lại hoặc phải thiết kế làm mới. + Khảo sát vật liệu xây dựng (VLXD).
- Công tác khảo sát ĐCCT đường hiện hữu tuỳ theo mục đích nâng cấp mở rộng với các tiêu chuẩn như thế nào mà ổn định được khối lượng khảo sát, nhưng nhất thiết phải theo 2 giai đoạn là lập BCKT và thiết kế kỹ thuật.
KHẢO SÁT ĐCCT ĐƯỜNG HIỆN HỮU GIAI ĐOẠN LẬP BCKT
- Tuỳ theo quy mô công trình cũng như yêu cầu nâng cấp tạo đường hiện hữu mà ấn định khối lượng khảo sát cho phù hợp. Nếu việc nâng cấp cải tạo chỉ nhằm đảm bảo đủ bề rộng nền và lề đường hoặc cường lớp mặt đường thì không tiến hành khoan bất kỳ công trình nào, mà chỉ đo cường độ nền đường tiêu chuẩn 1km/1điểm đo. Trong khi đó kết hợp đào hố để phát hiện kết cấu đường cũ với số lượng 2km/1hố đào. Nếu việc nâng cấp cải tạo gồm cả việc xem xét (nâng) cao độ tim đường, mở rộng thêm làn xe, nâng cấp tải trọng cầu cống thì tiến hành khảo sát như với đường làm mới.
KHẢO SÁT ĐCCT ĐƯỜNG HIỆN HỮU GIAI ĐOẠN TKKT
- Nội dung của khảo sát ĐCCT đường hiện hữu giai đoạn thiết kế kỹ thuật cũng tương tự như trong giai đoạn lập BCKT mà ấn định khối lượng khảo sát. Nếu việc nâng cấp cải tạo chỉ nhằm đảm bảo đủ bề rộng và nền và lề đường hoặc tăng cường lớp mặt đường thì cũng không tiến hành khoan mà chỉ đo cường độ mặt đường theo tiêu chuẩn 1km/20điểm đo theo Tiêu chuẩn ngành 22TCN211-93 kết hợp với hố đào kết cấu 1km/2hố đào. Nếu việc nâng cấp, cải tạo gồm việc xem xét (nâng) cao độ tim đường, mở rộng thêm làn xe, nâng cấp tải trọng cầu cống thì tiến hành khảo sát như đối với đường làm mới. Đối với các tuyến tránh cũng áp dụng các nội dung tương tự như đối với đường làm mới./.
Từ khóa » Các Bước Thiết Kế 1 Tuyến đường
-
Các Bước Thiết Kế 1 Tuyến đường - Tư Vấn Kết Cấu, BTCT, Thi Công ...
-
Trình Tự Thiết Kế Một Tuyến đường? [Archive] - CAUDUONGBKDN
-
Hướng Dẫn Các Bước Thiết Kế đường Bằng NOVA - Tài Liệu Text
-
Bài 1.CÁC BƯỚC THỰC HIỆN ĐỒ ÁN MÔN HỌC THIẾT KẾ ...
-
[PDF] Môn Học Thiết Kế đường ô Tô - Trường Đại Học Hồng Đức
-
(DOC) QUY TRINH THIẾT KẾ | Lương Nguyễn Văn
-
(PDF) Chương 1: KHẢO SÁT VÀ XÂY DỰNG TUYẾN ĐƯỜNG ...
-
Các Bước Thiết Kế đường Bằng ADS - Blog Của Thư
-
Các Bước Thiết Kế đồ án đường Trên AdsRoad
-
[PDF] TIÊU CHU TRÍ Độəsi Mění Sila Nakonna Que La - Bộ Giao Thông Vận Tải
-
[PDF] 4. KỸ THUẬT CÔNG TRÌNH
-
[PDF] Chương 5 THIẾT KÊ MẶT CẮT DỌC ĐƯỜNG - TaiLieu.VN
-
VĂN BẢN MỚI - SỞ XÂY DỰNG TỈNH ĐỒNG THÁP