Quy Trình Kỹ Thuật Canh Tác Cây Mắc Ca - Trung Tâm Khuyến Nông

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy trình áp dụng cho tất cả các vùng trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

 

2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

 

II.  ĐẶC ĐIỂM VÀ YÊU CẦU VỀ ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH:

1. Đặc đểm thực vật học:Mắc ca thuộc họ thực vật proteacaea, chi Macadamia, gồm nhiều loài, nhưng nổi bật là 2 loài: Macadamia tetraphylla và Macadamia intergrifolia. Là loài cây thân gỗ cao từ 2-12m, lá dài 6-30cm, rộng 2-13cm, bìa lá có răng cưa nhọn, hoa mọc thành chùm dài 5-13cm, mỗi hoa đơn màu trắng vàng hoặc hồng, kích thước 10-15mm, có 4 cánh hoa. Sau khi trồng khoảng 4-5 năm bắt đầu cho quả. Quả hình trái đào, khi chín vỏ quả chuyển từ xanh sang nâu, vỏ khô tự nứt bên trong chứa 1 hạt. Hạt là một nang gỗ cứng hình cầu với 1 đỉnh nhọn, đường kính hạt khoảng 2-3cm, trọng lượng tươi khoảng 8-9g, bên trong chứa nhân màu trắng sữa rất giàu dinh dưỡng chiếm gần 1/3 trọng lượng hạt.

2. Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh:

Nhiệt độ:Thích hợp từ 12-32oC, nhiệt độ tối ưu cho sinh trưởng là 20-25oC. Nhiệt độ tốt nhất cho sự phân hóa mầm hoa là 18o-21oC về đêm, nhiệt độ về đêm thấp hơn 12oC và cao hơn 21oC đều không thể hình thành mầm hoa.

Lượng mưa:Yêu cầu lượng mưa >1.200mm/năm, phân bố đều trong năm.

Gió: Mắc ca là cây cao, tán to dày nhưng rễ cọc không ăn sâu nên nguy cơ đổ, ngã khi có gió lốc, bão lớn. Ở những vùng thường xuyên có gió lớn, nên chọn các dòng chịu gió tốt như OC, 344, 333, 660, 508…

Yêu cầu về đất: Thích hợp trên nhiều loại đất nhưng tầng đất phải dày trên 70cm, thoát nước tốt, giàu hữu cơ, đất không quá sét. pH thích hợp từ 5-5.5, cây mắc ca chịu được đất xấu, đất thịt nhẹ đến trung bình, ẩm đều quanh năm là tốt nhất, không thích hợp với đất kiềm, đất phèn mặn, đất đá vôi, đất đá ong hóa hoặc thoái hóa nghiêm trọng, đất ngập úng…

III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC:

1. Các giống OC, H2, 508 rất phù hợp với điều kiện sinh thái Tây Nguyên, giống OC phù hợp nhất, những giống này có năng suất cao, hạt lớn, ít sâu bệnh, tán cây cân đối vững chắc, có thể trồng xen với các loại cây trồng khác.

* Phương pháp nhân giống: 3 phương pháp là trồng từ hạt (thực sinh). Cắt cành giâm hom. Trồng cây ghép mầm ngọn trên gốc thực sinh. Qua thực tế cho thấy cây ghép cho năng suất cao hơn hẳn cây thực sinh.

a. Kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp ghép trên gốc ghép ươm từ hạt.

- Kỹ thuật gieo ươm và tạo cây gốc ghép: Hạt chọn làm cây gốc ghép phải lấy từ những cây mẹ tốt, trọng lượng hạt trung bình được (khoảng 6g/hạt). Loại bỏ những hạt đen, hạt có sâu đục lỗ, có vết nứt và những hạt nổi.

Xử lý hạt bằng cách ngâm hạt trong nước lạnh từ 48-72 giờ, khi thấy có một số hạt nứt ra là được, mỗi ngày rửa chua 2 lần vào buổi trưa và tối (mỗi lần rửa 2 lần nước). Sau khi ngâm xong, rửa sạch, vớt ra để ráo nước và xử lý hạt qua thuốc nấm, sau đó gieo vào luống.

- Gieo hạt: Luống gieo hạt nên được xây thành xung quanh cao khoảng 25-30cm. Bên trong luống phủ lớp cát sạch, dày khoảng 20cm. Gieo bằng cách rải đều hạt trên bề mặt luống, hoặc gieo thành hàng, sao cho hạt cách hạt 2cm. Phủ lên hạt một lớp cát, có độ dày khoảng 1-2cm. Mỗi mét vuông luống gieo khoảng 5-7kg hạt. Sau khi gieo xong rải thêm thuốc chống kiến trên mặt luống.

- Chăm sóc: Tưới nước giữ ẩm mỗi ngày 1 lần, dùng lưới sắt phủ trên mặt luống nhằm ngăn chặn sóc và chuột phá hoại. Thường xuyên kiểm tra kiến trong luống gieo.

Ở điều kiện 30-350C, sau khi gieo 3-4 tuần hạt bắt đầu nảy mầm. Thời gian để lô hạt nảy mầm hết có thể kéo dài 3-4 tháng.

- Trồng và chăm sóc gốc ghép: Khi cây con có 2 lá thật, bứng cây cắm vào bầu có kích thước 17x27cm màu đen, có 8-10 lỗ thoát nước. Giá thể trồng cây gồm có 75% đất mặt + 20% phân chuồng hoai + 5% vỏ trấu hun. Tưới nước giữ ẩm đều đặn, nhổ cỏ, phun phân bón lá cho cây khi thấy cần thiết. Định kỳ phân loại cây con, kết hợp tỉa cành, phá váng khoảng 2-3 tháng 1 lần. Để giảm ánh nắng trực xạ mặt trên của vườn ươm nên che một lớp lưới màu đen.

- Tiêu chuẩn cây con gốc ghép: Cây con sau khi cắm vào bầu 8-10 tháng có thể ghép được, tuổi cây gốc ghép từ 8-12 tháng là thích hợp nhất. Khi đó đường kính từ 0,7-1cm; cao cây: 40-50cm; có 6-8 tầng lá.

b. Kỹ thuật ghép và chăm sóc cây ghép trong vườn ươm

- Chuẩn bị chồi ghép: Chồi ghép có thể là chồi ngọn hoặc là đoạn cành của cây giống tốt. Trước khi cắt chồi về để ghép thì cần phải tiến hành khoanh vỏ ở những cành cần lấy chồi trước 4-6 tuần. Sau khi cắt chồi dùng dao cắt bỏ hết cuống lá và tốt nhất nên ghép ngay. Nếu phải mang chồi đi xa thì bảo quản lạnh trong thùng xốp, thời gian bảo quản không nên quá 2 ngày.

- Tiêu chuẩn chồi ghép: Chồi có màu trắng tro, các nách lá bắt đầu bật mầm, đường kính chồi ghép từ 0,5-0,7cm, chiều dài chồi ghép từ 7-10cm, có từ 2-3 mầm tốt, chồi không có biểu hiện sâu bệnh.

- Phương pháp ghép: Có thể áp dụng phương pháp ghép áp và ghép nêm nối ngọn.

+ Phương pháp ghép nêm nối ngọn và quấn kín chồi ghép bằng dây nylon mềm.

Dùng dao hoặc kéo cắt cành cắt bỏ phần trên ngọn của cây gốc ghép, chừa đoạn gốc cách mặt bầu 20-25cm, chọn vị trí cắt ngọn gốc ghép tại vị trí ngay sát bên dưới vòng lá.

Dùng dao ghép chẻ dọc giữa thân gốc ghép một đoạn 2-2,5cm, chồi ghép được cắt vát hai phía thành hình nêm có độ dài bằng độ dài vết cắt dọc trên gốc ghép 2-2,5cm. Yêu cầu vết vát của chồi ghép phải phẳng, láng và cân đối 2 bên.

Đưa chồi ghép đã vát vào vết cắt trên gốc ghép sao cho hai bên vỏ của chồi và gốc ghép tiếp xúc tốt với nhau. Trường hợp nếu đường kính chồi ghép và gốc ghép không bằng nhau thì để một bên vỏ của chồi ghép và gốc ghép liền khớp với nhau. Dùng dây PE tự hủy quấn chặt từ dưới lên và bịt kín chồi ghép.

+ Phương pháp ghép áp và quấn kín chồi ghép bằng dây nylon mềm

Dùng dao hoặc kéo cát cành cắt bỏ phần trên ngọn của cây gốc ghép, chừa đoạn gốc cách mặt bầu 20-25cm, chọn vị trí cắt ngọn gốc ghép tại vị trí ngay sát bên dưới vòng lá .

Dùng dao ghép vát phần thân gốc ghép một đoạn 2-2,5cm. Chồi ghép được cắt vát một bên có độ dài bằng độ dài vết vát trên gốc ghép (2-2,5cm). Yêu cầu vết vát của chồi ghép phải phẳng, láng và cân đối.

Áp mặt vát của chồi ghép và gốc ghép vào nhau sao cho hai bên vỏ của chồi và gốc ghép tiếp xúc tốt. Nếu đường kính chồi ghép và gốc ghép không bằng nhau thì để một bên vỏ của chồi ghép và gốc ghép liền khớp với nhau. Dùng dây PE tự hủy quấn chặt từ dưới lên và bịt kín chồi ghép.

- Thời vụ ghép: Tháng 1-2 để có cây trồng vào tháng 6-7, không ghép vào lúc đang mưa, nước thấm vào vết ghép làm cho cây ghép dễ bị chết.

- Chăm sóc cây ghép: Sau khi ghép cần tưới nước đầy đủ, thường xuyên bẻ chồi vượt mọc từ nách lá của gốc ghép, phun thuốc sâu bệnh định kỳ. Sau 4-6 tuần chồi ghép bung chồi mới và sau 2-3 tháng nữa thì có thể đưa cây đi trồng. Nếu chồi ghép phát triển mạnh dây chưa kịp tự hủy thì dùng dao rạch đứt dây ghép. Trường hợp chồi ghép lên rất nhiều mầm, cần tỉa chồi ngay trong vườn ươm chỉ giữ lại 1 chồi khoẻ nhất, định kỳ 1-1,5 tháng phun phân bón lá cho cây.

- Tiêu chuẩn cây mắc ca ghép đạt chất lượng: Chiều cao phần ngọn tính từ vết ghép > 25cm; chiều cao cây ghép tính từ mặt bầu đất > 45cm, cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh, có từ 3 tầng lá trở lên.

2. Thời vụ trồng: Tại Lâm Đồng thời vụ trồng thích hợp từ 15/5 đến 15/8.

3. Đất trồng: Vùng đất thoát nước tốt, hố đào kích thước 50x50x50cm đào hố rộng 80x80x80cm càng tốt, đào lên để đất mặt riêng.

4. Trồng và chăm sóc: Mật độ, khoảng cách tùy theo điều kiện đất, phương thức trồng (thuần hay xen) và đặc điểm từng giống có thể trồng với mật độ, khoảng cách sau: 833 cây/ha: khoảng cách 3 x 4m (sau 10 năm tiến hành tỉa thưa thành 4 x 6m); 400 cây/ha: khoảng cách 5 x 5m; 313 cây/ha: khoảng cách 4 x 8m; 286 cây/ha: khoảng cách 5 x 7m; 250 cây/ha: khoảng cách 5 x 8m (phù hợp với dòng OC); 250 cây/ha: khoảng cách 5 x 8m; 220 cây/ha: khoảng cách 5 x 9m; 200 cây/ha: khoảng cách 5 x 10m.

- Cách trồng:

Trước khi trồng 20 ngày trộn đều lớp đất mặt với 15 kg phân chuồng hoai, 0,5 kg phân lân nung chảy rồi lấp đất xuống hố.

Khi trồng phải trộn đất và phân trong hố một lần nữa, sau đó cuốc một hố nhỏ sâu 25-30cm, rộng 15-20cm ở chính giữa hố đã được lấp trước đó. Dùng dao sạch rạch dọc túi bầu, bóc túi nhẹ nhàng, kiểm tra bộ rễ, nếu rễ trụ bị cong, xoắn đuôi rễ thì phải cắt tỉa đoạn rễ cong dưới đáy bầu, trồng nhẹ nhàng tránh làm vỡ bầu đất. Lấp đất, tưới nước và tủ cỏ khô giữ ẩm cho gốc.

Chú ý: Trồng bằng mặt hố, không nên trồng âm làm cây dễ bị úng. Trồng xong cắm 1 cọc chéo 60o so với mặt đất và buộc cố định dây.

Trồng dặm kịp thời những cây bị chết, cây yếu, trồng dặm vào đầu mùa mưa. Khi trồng dặm chỉ cần móc đất và trồng lại trên hố cũ. Cây giống trồng dặm cũng phải chọn cây tốt đủ tiêu chuẩn.

- Làm cỏ, tưới nước, các kỹ thuật chăm sóc khác:

+ Làm cỏ theo băng hoặc theo gốc, 3-5 lần trong năm tùy theo vùng và thực bì; vun gốc cho cây 1-2 lần/năm. Giai đoạn đầu của thời kỳ kiến thiết cơ bản (1-5 năm đầu sau trồng mới) có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày trong vườn mắc ca, góp phần tăng thu nhập và đồng thời chăm sóc tốt cho vườn cây.

+ Cắt tỉa cành: Biện pháp kỹ thuật cắt tỉa cành giúp cây phát triển cân đối, tán đều, đậu quả nhiều, ít bị gãy cành và hạn chế sâu bệnh.

+ Đối với cây thực sinh: 8 tháng sau khi trồng tiến hành bấm ngọn thân chính cách mặt đất 60-80cm để cây phát sinh cành cấp 1. Sau khi cây phát sinh cành cấp 1 để lại 3 chồi ở 3 hướng khác nhau trên thân cây nhằm tạo cho cây có bộ tán cân đối. Tiến hành bấm ngọn trên cành cấp 1 ở vị trí cách thân chính 70-80cm để cây phát sinh cành cấp 2, tùy theo khả năng phát triển của tán trên từng cây mà có thể bấm ngọn lần 3 với cách tương tự như trên.

+ Đối với cây ghép và cây giâm hom: Thường phân cành thấp hơn so với cây thực sinh, trường hợp cây ghép phân cành cao trên 1m so với mặt đất thì cũng nên cắt ngọn, thao tác cũng giống như cây thực sinh, đồng thời loại bỏ tất cả chồi vượt dưới vết ghép.

Khi cây vào thời kỳ kinh doanh cắt tỉa những cành sát mặt đất dưới 60cm, những cành bị sâu bệnh hại, những cành lệch tán, những cành mọc chồng chéo, đan xen nhau. Nếu tán cây không quá dày, không nên cắt tỉa những cành nhỏ bên trong tán vì đây là những cành cho quả.

Tùy thuộc từng cây mà cắt tỉa. Với những giống có ưu thế sinh trưởng ngọn, tán hẹp thì cần bấm ngọn để xúc tiến phân cành, sau đó chọn những cành khỏe, tỉa những cành yếu, tỉa những cành có góc phân cành hẹp. Với những giống không có ưu thế sinh trưởng ngọn thì không cần cắt ngọn của cành chính, chỉ cần cắt những cành sinh trưởng kém, góc nhỏ, tạo thế lệch tán.

+ Tưới nước: Cây mắc ca chịu hạn tốt, song để đảm bảo tỷ lệ đậu trái và hạn chế rụng trái non cần tưới nước chống hạn vào mùa khô hoặc thời kỳ khô hạn kéo dài. Lượng tưới khoảng 30l/gốc/lần tưới.

5. Phân bón và cách bón:

Phân chuồng hoai được bón định kỳ 2-3 năm một lần với lượng 20-30 kg/gốc. Nếu không có phân chuồng có thể bổ sung các nguồn phân hữu cơ khác.

Phân chuồng và các loại phân hữu cơ bón theo rãnh vào đầu hay giữa mùa mưa, rãnh đào một phía dọc theo thành bồn, rộng 15-20cm, sâu 20-25cm, đưa phân xuống rãnh, lấp đất. Các năm sau rãnh đào về phía khác.

Bón phân vô cơ:

Lần bón

Ngày sau trồng

Lượng phân (gr/gốc)

Urê

NPK 20:20:15

1

20

10

15

2

40

10

15

3

60

10

15

4

80

10

15

* Thời kỳ kiến thiết cơ bản:

Tuổi cây

Nguyên chất (Kg)

Ghi chú

N

P2O5

K2O

Năm 1

20

20

15

Chia làm 2 lần bón

Năm 2

60

60

45

Chia làm 4 lần bón

Năm 3

100

100

75

Chia làm 4 lần bón

* Thời kỳ kinh doanh: Từ năm thứ 4 trở đi cây đã cho trái, từ năm thứ 8 năng suất ổn định, do đó lượng phân bón cũng tăng theo năng suất.

Tuổi cây

Nguyên chất   (Kg)

Ghi chú

N

P2O5

K2O

Năm thứ 4 - năm thứ 8

200

200

150

Chia làm 4 lần bón

Năm thứ 8 trở đi

400

400

300

Chia làm 4 lần bón

IV. SÂU, BỆNH HẠI VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ:

1. Sâu hại và biện pháp phòng trừ: Sâu hại gồm: mọt đục cành, rệp sáp.

- Các biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ, cắt bỏ cành bị hại và tiêu hủy. Tưới nước thích hợp để rửa trôi rệp sáp.

Biện pháp hóa học: Trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng năm 2012 chưa có loại thuốc nào đăng ký phòng trừ sâu hại trên cây mắc ca. Khi sâu hại mới phát sinh gây hại và có xu hướng phát triển có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc gốc Abamectin, Methidathion, Carbosulfan. Trước khi sử dụng đại trà, cần phun thử trên diện tích hẹp để đánh giá hiệu lực của thuốc và ảnh hưởng của thuốc đối với cây trồng.

2. Bệnh hại và biện pháp phòng trừ:

- Ít thấy bệnh trên cây mắc ca, chủ yếu có thán thư làm thối hoa, nám quả.

- Các biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ, cắt bỏ cành, lá, hoa quả bị nhiệm bệnh và tiêu hủy.

Biện pháp hóa học: Trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng năm 2012 chưa có loại thuốc nào đăng ký phòng trừ bệnh hại trên cây mắc ca. Khi bệnh hại xuất hiện và có xu hướng lây lan trên diện rộng; có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc gốc Tebuconazole+Trifloxystrobin; Iprodione hoặc Mancozeb + Metalaxyl – M. Trước khi sử dụng đại trà, cần phun thử trên diện tích hẹp để đánh giá hiệu lực thuốc và ảnh hưởng của thuốc đối với cây trồng.

V. THU HOẠCH, PHÂN LOẠI VÀ XỬ LÝ BẢO QUẢN SAU THU HOẠCH:

Quả mắc ca khi chín sẽ tự rụng, khi vào mùa thu hoạch nên dọn vệ sinh vườn cây, cào sạch cỏ rác để thuận lợi cho việc thu lượm. Cách thu hoạch chủ yếu là lượm quả chín rụng, lúc này đa số vỏ quả đã nứt sẵn, có thể tách lấy hạt ngay tại vườn. Có thể thu hoạch quả còn trên cây nhưng phải đảm bảo hạt đã đạt độ già. Quả mới rụng có hàm lượng nước cao tới 30%, phải nhanh chóng tách quả và hong khô hạt trong bóng râm đến khi hàm lượng nước còn khoảng 10%.

Thu hàng ngày để tránh tổn thất do chuột, sóc; Ẩm độ hạt 10% có thể bảo quản đến 3 tháng, sấy khô hạt đến ẩm độ 1,5% có thể bảo quản trong nhiều năm.

Từ khóa » Tiêu Chuẩn Cây Giống Macca