Quy Trình Lựa Chọn Nhà Thầu Theo Quy định Mới 2022 - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Quy trình lựa chọn nhà thầu 2024
  • Nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Đấu thầu về bản chất là quá trình lựa chọn nhà thầu để kí kết và thực hiện hợp đồng. Hiện nay hoạt động đấu thầu diễn ra ngày càng nhiều nên trong bài viết lần này chúng tôi sẽ đưa đến cho quý bạn đọc những nội dung cơ bản về quy trình lựa chọn nhà thầu.

Quy trình lựa chọn nhà thầu 2024

Quy trình lựa chọn nhà thầu sẽ được thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Nghiên cứu, khảo sát thị trường

Nghiên cứu, khảo sát thị trường có thể bao gồm các nội dung:

+ Thống kê kinh nghiệm đấu thầu từ các dự án trước hoặc các dự án liên quan.

+ Theo dõi chỉ số giá được cơ quan có thẩm quyền công bố.

+ Điều tra thị trường nhà cung cấp tiềm năng.

+ Tổng hợp thông tin và cập nhật giá cả tại thời điểm xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Bước 2: Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Bước 3: Trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Chủ đầu tư đối với dự án, bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên có trách nhiệm trình kế hoạch chọn nhà thầu lên người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Đối với gòi thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án, nếu xác định được chủ đầu tư thì đơn vị thuộc chủ đầu tư có trách nhiệm trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên người đứng đầu chủ đầu tư để xem xét, phê duyệt.

Trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư thì đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên người đứng đầu đơn vị mình để xem xét, phê duyệt.

Bước 4: Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Cơ quan, tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu có thể là đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu hoặc đơn vị chức năng trực thuộc người có thẩm quyền, trực thuộc chủ đầu tư hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án nếu chưa phê duyệt dự án.

Trường hợp thuê tư vấn đấu thầu thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì việc lựa chọn tư vấn phải tuân thủ quy định pháp luật.

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải được thẩm định trước khi phê duyệt.

Đơn vị thẩm định tiến hành kiểm tra, đánh giá các nội dung sau:

+ Tuân thủ nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

+ Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

+ Nội dung và giá trị các phần công việc nêu trong văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nội dung từng gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Bước 5: Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm: phần công việc đã và đang thực hiện; phần công việc chưa thực hiện nhưng không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu; phần công việc chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Bước 6: Đăng tải kế hoạch chọn nhà thầu

Bên mời thầu có trách nhiệm tự đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Như vậy quy trình lựa chọn nhà thầu sẽ được thực hiện theo các bước cơ bản như đã nêu ở trên.

Nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cụ thể như sau:

Thứ nhất: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm.

Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước.

Thứ hai: Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu.

Việc ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu này giúp quá trình lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu sau này được diễn ra dễ dàng hơn, khi đăng tải lên trên báo đấu thầu hoặc hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Thứ ba: Phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu:

Phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và quy mô gói thầu hợp lý.

Phần tổng hợp giá trị của các phần công việc quy định trên không được vượt tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt. Đây là nguyên tắc rất quan trọng trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, thực thi, điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu… vì các kế hoạch khi lập ra là để phục vụ cho nhà nước, cho lợi ích chung của cộng đồng xã hội phải khả thi và hiệu quả kinh tế.

Đồng thời, còn đòi hỏi việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải đặt lợi ích chung lên trước hết, hạn chế tư duy cục bộ địa phương hay lợi ích nhóm, mà cần có sự chia sẻ lợi ích cũng như hợp tác với nhau trong quá trình lập và thực hiện kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Để thực hiện nguyên tắc này nói riêng và các nguyên tắc khác nói chung, chủ đầu tư, bên mời thầu phải bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước.

Ngoài ra, khi thực hiện các nguyên tắc để đảm bảo tính khách quan, khoa học thì sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có liên quan vào hoạt động đấu thầu là đòi hỏi bức thiết cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Nội dung bài viết trên là những bước cơ bản của quy trình lựa chọn nhà thầu và những nguyên tắc khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu mà quý độc giả có thể tham khảo.

Từ khóa » Trình Tự Các Bước Lựa Chọn Nhà Thầu