Quyền Bí Mật đời Tư Trong Bộ Luật Dân Sự

1.Đặt vấn đề

Trong thời đại công nghệ số hóa phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc chúng ta đưa các thông tin cá nhân của mình lên mạng để sử dụng vào những mục đích khác nhau như mạng xã hội, giao dịch trực tuyến,… đã dần trở nên quen thuộc. Việc làm này một mặt giúp thuận tiện hơn trong việc sử dụng các dịch vụ xã hội, tuy nhiên mặt trái của nó là tồn tại những nguy cơ bị người khác đánh cắp thông tin để thực hiện những hành vi trái pháp luật như giả mạo bạn bè, người thân để lừa đảo, làm giả thẻ ngân hàng,….

Bên cạnh đó, không khó để chúng ta tìm kiếm được trên mạng thông tin cá nhân, những bí mật gia đình, đời sống tình cảm của diễn viên, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng. Thậm chí, ngay trong tin tức đầu tiên của buổi sáng chúng ta có thể biết được vào tối hôm qua những người này làm gì, đi đâu, ở với ai,…. Chưa bàn tới việc những thông tin này khi đăng tải có được sự cho phép của người trong cuộc hay không, tuy nhiên có thể nhìn thấy rằng việc công khai những thông tin đó có thể dẫn đến tổn hại về tinh thần, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân người trong cuộc. Ví dụ: cầu thủ Công Phượng bị điều tra tuổi thật, ca sĩ Hồ Ngọc Hà bị soi mói đời tư,…

Chính vì thế, việc biết được những thông tin cá nhân của mình có được pháp luật bảo vệ hay không? Phạm vi thông tin cá nhân được bảo vệ như thế nào? Mức độ bảo vệ ra sao?… là điều hết sức quan trọng là cần thiết. Đây chính là những quy định của “quyền bí mật đời tư” – một trong những quyền nhân thân cơ bản của cá nhân được pháp luật dân sự ghi nhận.

Điều 12 Tuyên bố Quốc tế về nhân quyền được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948 đã ghi nhận rằng Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tuỳ tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy” . Đây là khuôn mẫu chung cần được đạt đến của mọi quốc gia và mọi dân tộc. Tuy nhiên, trong pháp luật Việt Nam hiện tại,“quyền bí mật đời tư” mặc dù đã được quy định tuy nhiên chưa hoàn toàn rõ ràng và hoàn thiện.

Chính vì vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đi vào phân tích làm rõ nội dung khái niệm “bí mật đời tư” theo quy định của BLDS (BLDS), đồng thời xác định rõ phạm vi của “quyền bí mật đời tư”.2.Bí mật đời tư và quyền bí mật đời tư

Quyền bí mật đời tư là quyền nhân thân bất khả xâm phạm của cá nhân. Về cơ bản có thể hiểu rằng quyền bí mật đời tư của cá nhân là quyền được bảo vệ về bí mật đời tư, nói cách khác không ai được quyền xâm phạm đến bí mật đời tư của cá nhân khi chưa được phép. Như vậy, có thể thấy rằng “quyền bí mật đời tư” được xây dựng trên khái niệm “bí mật đời tư”. Muốn xác định được phạm vi của “quyền bí mật đời tư” đòi hỏi chúng ta phải xác định khái niệm về “bí mật đời tư” là gì.

Theo dòng lịch sử, quy định về “quyền bi mật đời tư” đã được đề cập tới ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Theo đó, Hiến pháp 1946 có quy định: “Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật”. Điều này đã cho thấy rằng, từ khi mới thành lập, Nhà nước ta đã quan tâm và bảo vệ cho quyền riêng tư của công dân.

Trải qua các thời kỳ phát triển khác nhau, các bản Hiến pháp của nước ta vẫn giữ quy định về việc bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân với phạm vi bảo vệ ngày càng mở rộng hơn. Tuy nhiên, có thể thấy rằng các bản Hiến pháp này chỉ quy định việc bảo vệ bí mật đời tư của công dân đối với thư tín, điện thoại, điện tín mà thôi, tức là phạm vi quyền bí mật đời tư còn tương đối hẹp.

Đến Hiến pháp 2013, quyền bí mật đời tư của cá nhân đã được tiếp cận theo cách khác, theo đó: “(1). Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn và (2.)  Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”. Hiến pháp 2013 đã mở rộng hơn rất nhiều đối với quyền bí mật đời tư, theo đó không chỉ bao gồm thư tín, điện thoại, điện tín mà tất cả các vấn đề về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình đều được pháp luật bảo vệ.

Như vậy, có thể thấy rằng, Hiến pháp – văn bản pháp luật có giá trị cao nhất đã ghi nhận và bảo vệ cho quyền bí mật đời tư của công dân. Tuy nhiên, với tính chất của một văn bản nguồn, Hiến pháp chưa đề cập rõ đến khái niệm quyền bí mật đời tư cũng như là các biện pháp cụ thể để bảo vệ bí mật đời tư mà sẽ do các quy định pháp luật chuyên ngành quy định, mà cụ thể ở đây đó là các quy định của pháp luật dân sự.

Liên hệ trong hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam, có thể thấy quyền bí mật đời tư được đề cập tương đối ít ỏi, chỉ tồn tại trong một vài quy định, cụ thể:

–       Điều 25 Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989quy địnhvề trách nhiệm của thầy thuốc “… phải giữ bí mật về những điều có liên quan đến bệnh tật hoặc đời tư mà mình được biết về người bệnh”.

–       Khoản 2 Điều 46 Luật giao dịch điện tử 2005 quy định Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

–       Theo quy định tại Điều 31 BLDS 1995 và 2005 thì “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. Mặc dù luật không quy định rõ đây có thuộc quyền bí mật đời tư hay không nhưng chúng ta thấy rằng hình ảnh của cá nhân thuộc quyền sở hữu của chính cá nhân đó và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó, vì vậy đây cũng chính là quyền riêng tư của con người.

–       BLDS 1995 chỉ quy định về quyền bí mật đời tư một cách tương đối ngắn gọn tại Điều 34, theo đó:

  • §Quyền đối với bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
  • §Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc thân nhân của người đó đồng ý, nếu người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
  • §Không ai được tự tiện bóc mở, thu giữ, tiêu huỷ thư tín, điện tín, nghe trộm điện thoại hoặc có hành vi khác nhằm ngăn chặn, cản trở đường liên lạc của người khác. Chỉ trong những trường hợp được pháp luật quy định và phải có lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân.

–         BLDS 2005 về cơ bản giữ nguyên quy định của BLDS 1995 về quyền bí mật đời tư, tuy nhiên có bổ sung vào phạm vi quyền bí mật đời tư đối với các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân”.

Như vậy, BLDS 1995 và BLDS 2005 lần đầu tiên đã đề cập đến thuật ngữ “Quyền bí mật đời tư”, tuy nhiên trong cả hai Bộ luật vẫn chưa nêu rõ khái niệm chính xác về quyền bí mật đời tư là gì cũng như phạm vi của nó như thế nào.

–         Dự thảo sửa đổi BLDS 2005 đã có sự thay đổi tương đối lớn trong cách tiếp cận quyền bí mật đời tư. Theo quy định tại Điều 41 Dự thảo thì công dân có quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, cụ thể:

  • §Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, bảo đảm an toàn.
  • §Việc thu thập, sử dụng, công khai thông tin, tư liệu liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
  • §Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật định.

Có thể thấy, Dự thảo sửa đổi BLDS đã không tiếp tục sử dụng thuật ngữ: “Quyền bí mật đời tư” mà sử dụng thuật ngữ “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân”. Sự thay đổi này là để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, dự thảo vẫn chưa đưa ra được khái niệm thống nhất về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân.

Như vậy, mặc dù đã có nhiều thay đổi, bổ sung trong quá trình hoàn thiện quy định pháp luật về quyền bí mật đời tư của cá nhân, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể, chi tiết như thế nào là “bí mật đời tư” hay “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” là gì? Do đó, chúng ta cũng không biết được rằng liệu việc thay đổi thuật ngữ trong dự thảo sửa đổi có làm thay đổi nội hàm của quyền bí mật đời tư hay không? Chính vì thế, cần thiết chúng ta phải nghiên cứu, tìm hiểu khái niệm của các thuật ngữ “bí mật đời tư”“đời sống riêng tư, bí mật cá nhân”.

Hiện nay, khái niệm về “bí mật đời tư” đã được nhiều nhà nghiên cứu trong nước đưa ra với những lập luận, căn cứ khác nhau. Cụ thể:

–         Có quan điểm cho rằng: “Bí mật đời tư có thể được hiểu là những gì gắn với nhân thân con người, là quyền cơ bản. Đó có thể là những thông tin về hình ảnh, cuộc sống gia đình, tên gọi, con cái, các mối quan hệ… gắn liền với một cá nhân mà người này không muốn cho người khác biết. Những bí mật đời tư này chỉ có bản thân người đó biết hoặc những người thân thích, người có mối liên hệ với người đó biết và họ chưa từng công bố ra ngoài cho bất kỳ ai. “Bí mật đời tư” có thể hiểu là “chuyện trong nhà” của cá nhân nào đó. Ví dụ: con ngoài giá thú, di chúc, hình ảnh cá nhân, tình trạng sức khỏe, bệnh tật, các loại thư tín, điện thoại, điện tín…”.

–         Có quan điểm khác cho rằng: “…bí mật đời tư của cá nhân được hiểu trên hai phương diện: Một là, bí mật về đời sống tình cảm, tinh thần: Bí mật về đời sống tình cảm của cá nhân thể hiện tính chất đặc biệt riêng tư của cá nhân đó. Điều luật cấm công khai cho mọi người biết các mối quan hệ thực tại hoặc mang tính chất hình tượng mà cá nhân đó vốn có. Hai là, bí mật về đời sống nghề nghiệp, vật chất của cá nhân thể hiện là những bí mật về hoạt động nghề nghiệp; tình trạng vật chất gắn liền với hoạt động đó”.

–         Theo quan điểm khác thì: “Bí mật đời tư là những thông tin, tư liệu (gọi chung là thông tin) về tinh thần, vật chất, quan hệ xã hội hoặc những thông tin khác liên quan đến cá nhân trong quá khứ cũng như trong hiện tại, được pháp luật bảo vệ và những thông tin đó được bảo mật bằng những biện pháp mà pháp luật thừa nhận”.

Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù các học giả có cách tiếp cận khác nhau đối với khái niệm “bí mật đời tư”, tuy nhiên, nhìn chung lại hầu hết các tác giả đều đồng ý rằng bí mật đời tư là những thông tin liên quan và gắn liền với chính chủ thể đó, đó là những nội dung mang tính chất thầm kín của cá nhân và họ muốn giữ bí mật cho riêng họ, không muốn công khai cho người khác biết. Đó có thể là các thông tin liên quan đến các yếu tố như tinh thần, vật chất, các quan hệ xã hội.

Quan điểm của tác giả đồng ý với cách nhìn nhận khái niệm về “bí mật đời tư” như ở trên. Bởi lẽ, để hiểu được khái niệm “bí mật đời tư” là gì chúng ta chỉ cần đi vào hai khái niệm là “bí mật” và “đời tư”. Theo đó, “bí mật” là những thông tin được giữ kín, không được tiết lộ ra ngoài. Còn “đời tư” ở đây là một từ Hán – Việt, trong đó “đời” ở đây là đời sống, cuộc sống hằng này, còn “tư” nghĩa là riêng, thuộc về một cá nhân nhất định.

Như vậy, có nghĩa là yếu tố đầu tiên để cầu thành “bí mật đầu tư” chính là tính bí mật, tức là việc thông tin được giữ kín, không tiết lộ ra bên ngoài.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng tính “bí mật” trong khái niệm “bí mật đời tư” chỉ mang tính tương đối. Điều này có nghĩa là, cùng một nội dung vụ việc có tính chất như nhau, đối với người này có thể là bí mật, nhưng đối với người khác thì đây chỉ là một thông tin bình thường, có thể công bố rộng rãi. Chẳng hạn: cùng là mối quan hệ tình cảm nhưng đối với A thì đây là bí mật đời tư vì A không muốn ai biết mình đã có người yêu. Ngược lại, đối với B thì đây không phải là bí mật đời tư vì B luôn muốn công bố cho mọi người biết tình trạng quan hệ của mình như thế nào.

Hay nói cách khác, bất cứ cá nhân nào, nhất là người của công chúng như văn nghệ sĩ mà xuất hiện ở nơi công cộng (như cách hiểu nói trên) và có lời nói, hành động hoặc không hành động gắn liền với việc làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt một sự việc, sự kiện nào đó thì những gì liên quan đến họ không còn là bí mật đời tư nữa. Ví dụ: Nghệ sĩ C nói về một vấn đề riêng tư tại nhà riêng và lưu giữ tại nhà đó thì người khác muốn sử dụng để đăng báo phải xin phép nghệ sĩ đó. Thế nhưng nếu những thông tin đó, nghệ sĩ ấy công khai tại quảng trường, nhà hát thì không còn là bí mật đời tư nữa và nếu người khác thu thập, công bố mà không có ý kiến của người đó thì không xem là xâm phạm bí mật đời tư.

Tuy nhiên, chúng ta không thể hiểu theo hướng nếu thông tin được công khai một cách hợp pháp thì không được coi là “bí mật đời tư”. Chẳng hạn trường hợp một phiên tòa xét xử dân sự công khai như vụ án ly hôn…, thì những thông tin trong diễn biến phiên tòa có liên quan đến đời sống riêng tư của cá nhân thì có được coi là “bí mật đời tư” hay không?

Đối với vấn đề này, hiện đang có hai quan điểm trái chiều:

–         Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc sử dụng thông tin này không bị coi là xâm phạm bí mật đời tư, hay nói cách khác những thông tin mà Tòa án đã nêu trong khi xét xử không phải là bí mật đời tư nữa. Bởi lẽ theo nguyên tắc của BLTTDS thì phiên tòa phải được xét xử công khai, trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên thì dù không xét xử công khai nhưng Tòa án vẫn phải tuyên bố công khai. Do đó, những thông tin này đã mang tính “công khai”, tức là không thể còn là “bí mật” được nữa.

–         Quan điểm thứ hai cho rằng, cần phân biệt sự công khai thông tin tại Toà án giữa một vụ án dân sự với một vụ án hình sự. Trong vụ án hình sự, những thông tin đó liên quan đến người phạm tội, họ đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và chịu hình phạt do Nhà nước qui định nên những thông tin này có thể được công khai để nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Đối với những thông tin trong vụ án ly hôn nói riêng và vụ án dân sự nói chung, đó là thông tin liên quan đến bản thân đương sự, không ảnh hưởng gì đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hay lợi ích của người khác nên các đương sự có quyền không công khai những thông tin này. Trường hợp này cần phải hiểu là công khai thông tin tại Toà án không đồng nghĩa với việc mất tính bảo mật của thông tin đó. Ví dụ: anh A xin ly hôn với vợ là chị B, tại phiên toà, anh thừa nhận rằng quan hệ sinh lý giữa hai vợ chồng không hoà hợp (anh bị mắc bệnh…) nên Toà án đã đồng ý cho ly hôn. Sau đó, những lời trình bày của anh A tại phiên toà được công khai, dư luận đàm tiếu…- trường hợp này cũng cần xác định rằng mặc dù thông tin đó được công khai tại phiên toà nhưng vẫn được coi là bí mật đời tư.

Quan điểm của tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, tức là trong vụ án dân sự thì việc Tòa án xét xử công khai không làm mất đi quyền của cá nhân đối với “bí mật đời tư”. Bởi lẽ, mục đích của việc xét xử công khai là để mọi người hiểu được tại sao Tòa án lại phán xét như vậy, đánh giá sự phán xét của Tòa án có hợp tình, hợp lý hay không, chứ không phải với mục đich công khai thông tin đời sống của các bên. Mặt khác, trong trường hợp này, việc người tham dự phiên xét xử biết được nội dung thông tin nằm ngoài ý muốn của người trong cuộc, do đó, không làm mất đi quyền của cá nhân đối với những thông tin “riêng tư” này.

Như vậy, theo tác giả yếu tố quan trọng nhất để xác định “bí mật đời tư” đó là việc cá nhân có mong muốn giữ bí mật đối với những thông tin này hay không?

Kết hợp những khái niệm trên chúng ta có thể nhìn nhận “bí mật đời tư” thực chất là những thông tin liên quan đến cuộc sống của một cá nhân nhất định mà cá nhân đó thấy rằng cần thiết và mong muốn giữ bí mật.

Mặt khác, đối với khái niệm về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân, có quan điểm cho rằng:“đời sống riêng tư là khái niệm rộng, bao gồm những suy nghĩ, những hành động có thể bí mật hoặc không bí mật và có thể bộc lộ cho người khác biết và người khác có thể có nghĩa vụ phải tôn trọng. Còn quyền bí mật cá nhân là khái niệm hẹp hơn, bao gồm những nội dung mà chủ thể đó không cho ai biết và luôn muốn giữ bí mật, pháp luật phải bảo đảm bảo vệ quyền đó của họ”.

Trong những năm 1890, Tòa án tối cao Hoa Kỳ cho rằng, khái niệm về sự riêng tư là “quyền được ở một mình”. Thẩm phán Brandeis cho rằng, quyền riêng tư là quyền tự do dân chủ được mong đợi nhất, nó sẽ được ghi nhận trong Hiến pháp. Mặc dù tính pháp lý của quyền riêng tư chỉ được thừa nhận từ năm 1948, nhưng khái niệm quyền riêng tư và những quan điểm xoay quanh nó đã ra đời trước đó rất lâu. Năm 1890, hai tác giả là Samuel D. Warren và Louis D. Brandeis đã chính thức đề cập đến khái niệm này trong bài viết “The Right to Privacy” (quyền riêng tư) đã xác định quyền riêng tư là “quyền được cho phép một mình” (The Right to be let alone). Phần đầu bài viết tác giả đã giải thích nguyên nhân bài viết ra đời vì “tình hình chính trị, kinh tế và xã hội thay đổi nên cần phải công nhận những quyền mới cho phù hợp” và “mục đích của bài viết là đưa ra đề nghị pháp luật nên thừa nhận nguyên tắc có thể được bảo vệ sự riêng tư của cá nhân”. Warren và Brandeis cũng cho rằng, quyền riêng tư nên bảo vệ cả doanh nghiệp, tư nhân và cá nhân. Theo đó, quyền riêng tư của cá nhân là làm thế nào để bảo vệ “những suy nghĩ, tình cảm và cảm xúc thể hiện thông qua các phương tiện như văn bản và hình thức nghệ thuật”. Bài viết này theo học giả pháp lý Roscoe Pound “không thua kém một chương pháp luật của chúng tác giả”.

Robert Ellis Smith, biên tập viên của Tạp chí Bảo mật, xác định quyền riêng tư là “những mong muốn của mỗi người chúng ta cho không gian vật lý mà chúng ta có thể hoàn toàn không bị gián đoạn, xâm nhập, bối rối, hoặc chịu trách nhiệm và kiểm soát được thời gian và cách thức tiết lộ thông tin của cá nhân thông tin về bản thân”. Tom Gerety lại cho rằng, quyền riêng tư như là “quyền tự chủ hay kiểm soát các giá trị nhân thân và bản sắc cá nhân” và khẳng định rằng, một định nghĩa hẹp cho sự riêng tư là tốt hơn cho một định nghĩa rộng.

Hội đồng Calcutt ở Vương quốc Anh cho rằng: “không nơi nào chúng ta có thể tìm thấy một định nghĩa hoàn toàn thỏa đáng về quyền riêng tư”. Nhưng Hội đồng này đã hài lòng với định nghĩa sau: Quyền riêng tư là các quyền của cá nhân được bảo vệ để chống lại sự xâm nhập vào đời sống cá nhân hay công việc của mình (hoặc những người trong gia đình) bằng các phương tiện vật lý trực tiếp hoặc bằng cách công bố thông tin.

Theo quan điểm của một số học giả khác, “quyền riêng tư” được hiểu là “sự kỳ vọng rằng những thông tin cá nhân được đề cập tại một nơi riêng tư sẽ không được tiết lộ cho bất kỳ bên thứ ba nào biết; khi việc tiết lộ đó có thể gây ra sự xấu hổ, đau khổ cho người có thông tin bị tiết lộ”, và “thông tin được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả dữ kiện, hình ảnh (ví dụ hình ảnh, băng hình) và ý kiến gièm pha”.

Năm 1970, Alan Westin xuất bản cuốn “Tự do và riêng tư” (Freedom and Privacy). Theo Westin, “quyền riêng tư như là một quyền giới hạn của các cá nhân, nhóm, tổ chức để xác định cho mình khi nào, làm thế nào và ở mức độ nào đối với thông tin của họ được truyền đạt cho người khác”.

Theo các quan điểm trên, có thể thấy rằng nếu chỉ xét riêng “bí mật đời tư” và “đời sống riêng tư” hay “quyền riêng tư” thì các khái niệm này là không đồng nhất với nhau. “Đời sống riêng tư” cũng gắn liền với cá nhân, tuy nhiên không phải tất cả các vấn đề thuộc về đời sống riêng tư đều được coi là bí mật, mặc dù pháp luật vẫn bảo vệ các quyền này. Trong khi đó, đã được gọi là “bí mật đời tư” thì đương nhiên thông tin đó phải là thông tin mà cá nhân không muốn tiết lộ ra bên ngoài. Như vậy, nếu hiểu theo cách này, chúng ta có thể thấy nội hàm của khái niệm “bí mật đời tư” và “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” là khác nhau. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của một số tác giả khác[69].

Tuy nhiên, quan điểm của tác giả thì nên nhìn nhận theo hướng đồng nhất nội hàm của “bí mật đời tư” và “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân”. Bởi lẽ:

–          Thứ nhất, xét cho cùng thì các khái niệm này đều để chỉ những thông tin liên quan đến đời sống của cá nhân mà cá nhân đó có quyền không công bố công khai và người khác phải tôn trọng điều này.

–          Thứ hai, việc xác định khi nào thông tin cá nhân trở thành bí mật chỉ mang tính tương đối, tức là phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người trong cuộc.

–          Thứ ba, hiện giờ trong quy định của pháp luật chúng ta chưa có một hướng dẫn giải thích cụ thể về những khái niệm này. Do đó, việc cố gắng hiểu hai khái niệm này theo hướng có nội hàm khác nhau chỉ làm tăng sự chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định pháp luật mà thôi.

Như vậy, khẳng định lại một lần nữa, theo quan điểm của tác giả thì dù có dùng thuật ngữ “bí mật đời tư” hay “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” thì nội hàm của chúng vẫn đồng nhất là những thông tin liên quan đến cuộc sống của một cá nhân nhất định mà cá nhân đó thấy rằng cần thiết và mong muốn giữ bí mật. Hay nói cách khác, “quyền bí mật đời tư” và “quyền được bảo đảm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” là giống nhau với bản chất đều là bảo vệ đối với những thông tin liên quan đến cuộc sống riêng của cá nhân.

Vấn đề đặt ra ở đây, có phải mọi thông tin thuộc về đời sống của mình mà cá nhân muốn giữ bí mật sẽ trở thành “bí mật đời tư” và được pháp luật bảo vệ hay không? Đối với vấn đề này hiện đang có nhiều luồng quan điểm:

–           Có quan điểm cho rằng, những thông tin muốn được coi là “bí mật đời tư” phải là những thông tin hợp pháp. Bởi lẽ, đối với những thông tin trái pháp luật hay đạo đức xã hội thì pháp luật sẽ không bảo vệ, và như vậy sẽ không được coi là “bí mật đời tư” được.

–           Có quan điểm khác lại cho rằng, không nên quá cứng nhắc mà nên có sự linh hoạt để áp dụng vào từng trường hợp cụ thể. Ví dụ như trường hợp con đánh bố mẹ, hay bố mẹ hành hạ con, thì dù có là vấn đề riêng tư, cá nhân, chúng ta cũng không thể không can thiệp và lên tiếng, vì đó là hành vi bất hợp pháp. Nhưng trong một ví dụ khác, như với một đứa trẻ dưới 14 tuổi mà bị hiếp dâm, việc lên án đối tượng hiếp dâm là đương nhiên, nhưng trong trường hợp Tòa án thụ lý, cho rằng nạn nhân đã đồng ý với việc quan hệ tình dục thì cần phải xác định được rằng, đây là do nhận thức của một đứa trẻ chưa đến tuổi vị thành niên chưa thể nhận thức hết được hành vi sai trái mới dẫn đến vi phạm. Vì vậy, trong trường hợp này cần phải bảo vệ lợi ích cho nạn nhân, vì nó có thể còn liên quan đến lợi ích của họ sau này nữa. Đó là lý do vì sao chúng ta cần có sự linh hoạt trong việc áp dụng các văn bản pháp luật.

Tác giả đồng ý với quan điểm cần linh động trọng việc xác định thông tin nào được cho là “bí mật đời tư”. Có nghĩa là về nguyên tắc thì không phải mọi thông tin về đời sống riêng tư mà cá nhân không muốn công khai sẽ trở thành “bí mật đời tư” mà muốn được pháp luật bảo vệ thì những thông tin này phải hợp pháp. Tuy nhiên, để xác định “tính hợp pháp” này phải căn cứ vào từng trường hợp, hoàn cảnh sự việc cụ thể, mà ưu tiên hàng đầu đặt ra là bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân người trong cuộc.

Một vấn đề khác đặt ra ở đây đó là, “quyền bí mật đời tư” của cá nhân có giống nhau hay không? Chúng ta xem xét vấn đề này thông qua hai vấn đề.

  • Thứ nhất, có sự khác biệt giữa “quyền bí mật đời tư” của những người nổi tiếng so với phần còn lại hay không? Đối với vấn đề này hiện cũng đang tồn tại nhiều luồng quan điểm:

–       Có quan điểm cho rằng, đối với người nổi tiếng, người của công chúng thì “quyền bí mật đời tư” của họ sẽ bị hạn chế hơn. Bởi lẽ, họ đã là người của công chúng thì phải chấp nhận việc đời tư của họ được mọi người quan tâm, thậm chí là soi xét và được đưa tới công chúng thông qua các hình thức khác nhau, trong đó có báo chí.

–       Quan điểm khác cho rằng, “quyền bí mật đời tư” phải là bình đẳng giữa các cá nhân. Bởi lẽ, dù họ có nổi tiếng hay không nổi tiếng đi chăng nữa thì việc được bảo đảm an toàn về bí mật đời tư là quyền bất khả xâm phạm của họ. Điều này xuất phát từ quy định của Hiến pháp về quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân.

Đối với vấn đề này, tác giả cho rằng quan điểm thứ hai, tức là “quyền bí mật đời tư” là bình đẳng đối với mọi cá nhân. Bởi lẽ, trong pháp luật không có quy định nào cho rằng người của công chúng sẽ không có hoặc bị hạn chế về “quyền bí mật đời tư”. Do đó, nếu cho rằng có sự khác biệt ở đây thì rõ ràng đã vi Hiến và không thể chấp nhận

  • Thứ hai, trẻ em có “quyền bí mật đời tư” hay không? Đối với vấn đề này, Việt Nam đã gia nhập Công ước về quyền trẻ em vào năm 1990, do đó, việc bảo đảm “quyền bí mật đời tư” theo quy định của Công ước là rất cần thiết. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, trong pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về “quyền bí mật đời tư” của trẻ em, mà chỉ có những quy định nằm rải rác trong các văn bản pháp luật.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, việc xâm phạm bí mật đời tư của một cá nhân bất kỳ đã có thể gây ra những thiệt hai, hậu quả nghiêm trọng đối với họ thì đối với trẻ em, những chủ thể chưa được phát triển đầy đủ về mặt thể chất lẫn tinh thần thì những tác động do sự xâm phạm này gây ra còn có thể nặng nề, để lại nhiều dư chấn hơn nữa. Do đó, tác giả cho rằng cần thiết phải có một quy định riêng về “quyền bí mật đời tư” của trẻ em quy định, với tư cách là một quyền của một nhóm dễ bị tổ thương, thiếu năng lực bảo vệ trước những hành vi xâm phạm.

Nghiên cứu so sánh với pháp luật một số quốc gia trên thế giới, có thể thấy rằng “quyền bí mật đời tư” được hầu hết các nước thừa nhận với tên gọi và phạm vi khác nhau. Cụ thể:

–       BLDS Pháp ghi nhận mọi người đều có quyền được tôn trọng đời tư của mình và quyền riêng tư này được pháp luật bảo vệ bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, giống như BLDS Việt Nam, BLDS Pháp không có quy định hướng dẫn cụ thể về khái niệm cũng như phạm vi những quyền riêng tư này như thế nào. Ngày 13 tháng 4 năm 1988, Tòa án tối cao Pháp đã có phán quyết giải thích về phạm vi của quyền riêng tư, theo đó thì đời sống riêng tư của một người bao gồm: đời sống tình cảm, bạn bè, gia đình, sinh hoạt hằng ngày, quan điểm chính trị, công việc làm ăn hay tư tưởng tôn giáo và tình trạng sức khỏe. Hiểu một cách chung nhất quyền riêng tư cho phép mọi người không phân biệt giai cấp, độ tuổi hay tài chính chống lại hành vi xâm phạm mà không được sự cho phép của họ. Như vậy, có thể thấy rằng theo BLDS Pháp thì quyền riêng tư của mọi cá nhân là như nhau. Đồng thời phạm vi bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân là rất rộng, bao gồm các thông tin được đưa ra cả tại nơi công cộng lẫn nơi riêng tư của cá nhân. Tuy nhiên, nếu như cá nhân chủ động công bố những thông tin đó thì sẽ không được coi là bí mật đời tư nữa.

–       Hiến pháp Nhật tại Điều 13 ghi nhận rằng công dân có quyền sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc và được tôn trọng với tư cách là một công dân. Đây là quy định làm nền tảng cho những quy định của pháp luật chuyên ngành về quyền bí mật đời tư như: công dân không được phép xây nhà có thể nhìn vào nhà của người khác, nghiêm cấm nhìn ngó nơi cư ngụ của người khác hay đọc thư cá nhân của người khác. Năm 2003, Nhật ban hành Luật về bảo vệ những thông tin cá nhân, trong đó quy định những thông tin về cá nhân sẽ được bảo vệ nếu thỏa mãn: (i) liên quan đến đời sống của cá nhân và (ii) có thể dùng để xác định, phân biệt một công dân.

Tòa án Nhật Bản đã giải thích quyền về bí mật đời tư của cá nhân sẽ bao gồm: (i) quyền không bị công bố thông tin cá nhân nếu không có lý do chính đáng và (ii) quyền quyết định đối với thông tin cá nhân. Đồng thời, theo Tòa án Nhật Bản thì để xác định có sự vi phạm về quyền bí mật đời tư hay không phải đảm bảo các yêu cầu sau:

  • §Có liên quan đến đời sống riêng tư của cá nhân.
  • §Cá nhân đó có mong muốn giữ bí mật.
  • §Không phải là thông tin, hiểu biết công cộng.
  • §Gây ảnh hưởng nặng nề đối với cá nhân nếu bị xâm phạm.

Như vậy, nhìn chung có thể thấy rằng pháp luật các quốc gia trên thế giới cũng nhìn nhận “quyền bí mật đời tư” dưới góc độ bảo vệ cho những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của cá nhân mà người đó có mong muốn được giữ bí mật. Trong trường hợp người đó chủ động công bố thông tin thì sẽ không được coi là bí mật đời tư và sẽ không được pháp luật bảo vệ nếu như những thông tin này được người khác sử dụng.

Nguyễn Thị Hoài Trâm – Huỳnh Quang Thuận

Related

Từ khóa » đời Tư Là Gì