Quyền Trẻ Em Là Gì? Vi Phạm Quyền Trẻ Em Bị Phạt Thế Nào?

Quyền trẻ em là gì? Vi phạm quyền trẻ em bị phạt thế nào? “Trẻ em hôm nay – Thế giới ngày mai” là một trong những câu hát quen thuộc với biết bao thế hệ của dân tộc Việt Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với trẻ em – lực lượng xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai. Xuất phát từ những nhận thức về tầm quan trọng của trẻ em trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nêu trên, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định việc bảo vệ trẻ em phải được thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, thông qua bài viết này, Luật Minh Gia góp phần đem đến cho quý khách hàng cách nhìn về quyền trẻ em dưới góc độ pháp lý như sau:

Mục lục bài viết

  • 1. Trẻ em là gì?
  • 2. Quyền trẻ em là gì?
  • 3. Các hành vi xâm phạm quyền trẻ em thường gặp
  • 4. Xử lý hành vi vi phạm quyền trẻ em

1. Trẻ em là gì?

Để tìm hiểu về trẻ em và các quyền trẻ em thì trước tiên chúng ta cần phải xác định những đối tượng nào được coi là trẻ em. Dưới góc nhìn xã hội, trẻ em thường được hiểu theo nghĩa rộng là những người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”.

Như vậy, theo quy định nêu trên, pháp luật xác định những người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không phải là trẻ em.

2. Quyền trẻ em là gì?

Hiện nay, không có quy định cụ thể về khái niệm “Quyền” trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong khoa học pháp lý thường hiểu “Quyền” là tập hợp những điều mà pháp luật công nhận và đảm bảo thực hiện đối với cá nhân, tổ chức trong việc được hưởng, được làm, được yêu cầu mà không cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được ngăn cản, hạn chế. “Quyền” của mỗi cá nhân, tổ chức có thể là quyền tự nhiên hoặc quyền được pháp luật quy định.

Xuất phát từ cách hiểu chung về “Quyền” nêu trên, ta có thể hiểu “Quyền trẻ em” là tập hợp những điều mà pháp luật công nhận và bảo đảm thực hiện các quyền đó đối với trẻ em, buộc các chủ thể khác phải tôn trọng và không cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được ngăn cản, hạn chế.

Trong đó có thể kể đến quyền tự nhiên, quyền cơ bản mà trẻ em có được từ khi sinh ra đó chính là: Quyền sống (Điều 12 Luật Trẻ em năm 2016). Ngoài ra, có thể kể đến một số quyền điển hình mà pháp luật quy định để bảo vệ trẻ em như sau:

- Quyền được chăm sóc nuôi dưỡng (Điều 15 Luật Trẻ em năm 2016);

- Quyền giữ bí mật đời sống riêng tư (Điều 21 Luật Trẻ em năm 2016);

- Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục (Điều 25 Luật Trẻ em năm 2016);

- Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc (Điều 27 Luật Trẻ em năm 2016);

Ngoài các quyền nêu trên, trẻ em còn có các bổn phận ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo và những người khác trong xã hội. Các bổn phận này chủ yếu được điều chỉnh thông qua giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ trong đời sống hàng ngày tại gia đình và tại trường học.

3. Các hành vi xâm phạm quyền trẻ em thường gặp

Trong xã hội hiện đại ngày nay, tình trạng xâm phạm quyền trẻ em những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt có thể kể đến tình trạng bạo hành trẻ em, xâm phạm đời sống riêng tư của trẻ em và hơn hết đó chính là tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Thứ nhất, đối với hành vi bạo hành trẻ em hiện nay thường xuất hiện với hình thức đánh đập về thể xác hoặc hành hạ về mặt tinh thần như chửi bới, mắng nhiếc, xúc phạm trẻ.

Thứ hai, đối với hành vi xâm phạm đời sống riêng tư của trẻ có thể kể đến tình trạng xâm phạm tin nhắn, thư tín, điện tín của trẻ hoặc đưa những thông tin bí mật về đời sống riêng tư của trẻ lên mạng xã hội,…

Thứ ba, hành xi xâm hại tình dục đối với trẻ em – đây là một trong những hành vi tương đối phổ biến trong xã hội trong những năm gần đây. Hành vi này được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau như hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô trẻ em.

Những hành vi đó đã gây ra những hậu quả như ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về mặt thể chất và tâm sinh lý của trẻ; thậm chí có những hành vi đã tước đoạt mạng sống của trẻ một các thương tâm.

Vì vậy, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của các hành vi xâm phạm quyền trẻ em mà hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Xử lý hành vi vi phạm quyền trẻ em

Hiện nay, các chế tài xử lý người có hành vi xâm phạm quyền trẻ em không được quy định trong một văn bản thống nhất. Do đó, thông qua bài viết này Luật Minh Gia cung cấp một số chế tài xử lý các hành vi xâm phạm quyền trẻ em điển hình như sau:

Đối với hành vi sử dụng bạo lực với trẻ em có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

“Điều 52. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

…”

Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác, Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 140, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

“Điều 140. Tội hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

…”

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

c) Đối với người dưới 16 tuổi,…;

…”

Đối với hành vi xâm phạm thư tín, điện thoại, điện tín của trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

“Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;

đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

đ) Làm nạn nhân tự sát.

…”

Đối với hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 142, Điều 144, Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

“Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;

b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

…”

“Điều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

…”

“Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

…”

Từ khóa » Những Hành Vi Xâm Phạm Quyền Trẻ Em