Quyền ưu Tiên Là Gì? Ngày ưu Tiên Và Quyền ưu Tiên Trong Sở Hữu Trí ...

Mục lục bài viết

  • 1 1. Quyền ưu tiên là gì?
  • 2 2. Ngày ưu tiên và Quyền ưu tiên:
    • 2.1 2.1. Nguyên tắc ưu tiên:
    • 2.2 2.2. Ngày ưu tiên là gì?
  • 3 3. Ngày ưu tiên và Quyền ưu tiên trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam:

1. Quyền ưu tiên là gì?

Công dân của một nước thành viên, khi nộp đơn xin cấp văn bằng bảo hộ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa ở một nước thành viên (đơn thứ nhất), sẽ tiếp tục có quyền nộp đơn xin cấp văn bằng bảo hộ đối với các đối tượng đó tại các nước thành viên khác (đơn sau) trong thời hạn do Công ước quy định.

Thời hạn đó là một năm đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, 6 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa. Đơn nộp sau phải làm theo đúng quy định của nước sở tại hoặc theo điều ước quốc tế đã được ký kết giữa các nước. Ngày nộp đơn sau được xem như nộp vào ngày của đơn thứ nhất.

Quyền ưu tiên tiếng anh là: “Priority”.

2. Ngày ưu tiên và Quyền ưu tiên:

2.1. Nguyên tắc ưu tiên:

Nguyên tắc quyền ưu tiên được ghi nhận tại Điều 4 Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và tại Điều 91 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

“Điều 4. A đến I – sáng chế, mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bằng tác giả sáng chế: Quyền ưu tiên; G – patent: Tách đơn

A – (1) Bất kỳ người nào đã nộp đơn hợp lệ xin cấp patent hoặc xin đăng ký mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu hàng hóa tại một trong các nước thành viên của Liên minh, hoặc người thừa kế hợp pháp của người đó, trong quá trình nộp đơn ở các nước khác sẽ được hưởng quyền ưu tiên trong thời hạn ấn định dưới đây.

(2) Mọi đơn tương đương với đơn quốc gia hợp lệ theo luật quốc gia của bất kỳ nước thành viên của Liên minh hoặc theo các hiệp ước song phương hoặc đa phương ký kết giữa các nước thành viên của Liên minh đều được coi là đơn phát sinh quyền ưu tiên.

(3) Đơn quốc gia hợp lệ là bất cứ đơn nào đủ để xác nhận ngày đơn đó được nộp tại quốc gia liên quan, bất kể số phận của đơn đó sau này sẽ ra sao.

B – Do đó, việc nộp đơn sau đó tại bất kỳ nước thành viên nào khác trước khi kết thúc thời hạn nói trên đều không bị coi là vô hiệu bởi bất kỳ hành động nào được thực hiện trong khoảng thời gian đó, chẳng hạn bởi một đơn khác, bởi việc công bố hoặc khai thác sáng chế, bởi việc đưa ra thị trường các sản phẩm dập khuôn kiểu dáng, hoặc việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, và những hành động đó không phát sinh bất kỳ quyền nào cho người thứ ba hoặc bất kỳ quyền sở hữu cá nhân nào. Mọi quyền mà bên thứ ba đạt được trước ngày nộp đơn đầu tiên – đơn là cơ sở cho quyền ưu tiên – vẫn được duy trì theo luật quốc gia của mỗi nước thành viên của Liên minh.

C – (1) Thời hạn nói trên là 12 tháng đối với sáng chế và mẫu hữu ích, 6 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa.

(2) Thời hạn nói trên bắt đầu từ ngày nộp đơn đầu tiên; ngày nộp đơn đầu tiên không tính trong thời hạn.

(3) Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày lễ chính thức hoặc ngày Cơ quan sở hữu công nghiệp không nhận đơn tại nước có yêu cầu bảo hộ, thời hạn sẽ được kéo dài tới ngày làm việc đầu tiên tiếp theo đó.

(4) Đơn nộp sau hiểu theo nghĩa ở khoản (2) trên đây đề cập đến cùng một đối tượng như trong đơn đầu tiên nộp tại chính nước thành viên đó của Liên minh sẽ được coi là đơn đầu tiên, và ngày nộp đơn đó sẽ là thời điểm mốc để tính thời hạn ưu tiên, nếu tại thời điểm nộp đơn sau, đơn nộp trước nói trên đã được rút bỏ, không được xem xét tiếp hoặc bị từ chối nhưng chưa đưa ra xét nghiệm công chúng và không để lại bất kỳ quyền nào chưa giải quyết, và nếu chưa phải là cơ sở để xin hưởng quyền ưu tiên. Lúc đó, đơn nộp trước sẽ không được dùng làm cơ sở để xin hưởng quyền ưu tiên nữa.

D – (1) Bất kỳ ai muốn hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn nộp trước sẽ phải khai rõ ngày nộp và nước nhận đơn đó. Mỗi nước phải ấn định ngày muộn nhất phải khai các dữ liệu đó.

(2) Các dữ kiện nói trên phải được công bố trong các tài liệu của cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là trong patent và các bản mô tả liên quan.

(3) Các nước thành viên của Liên minh có thể yêu cầu bất kỳ người khai nào nói trên phải nộp bản sao (bản mô tả, bản vẽ v.v…) của đơn nộp trước. Bản sao – được cơ quan có thẩm quyền đã nhận đơn đó xác nhận – không đòi hỏi bất kỳ sự xác nhận nào khác, và trong mọi trường hợp đều có thể nộp miễn phí tại bất kỳ thời điểm nào trong vòng 3 tháng kể từ ngày nộp đơn nộp sau. Các nước thành viên có thể yêu cầu bản sao phải được nộp kèm theo giấy xác nhận ngày nộp đơn đó do chính cơ quan có thẩm quyền nói trên cấp, và kèm theo bản dịch.

(4) Không được đưa ra bất kỳ yêu cầu nào khác tại thời điểm nộp đơn về hình thức đối với bản khai về quyền ưu tiên. Mỗi nước thành viên của Liên minh phải ấn định hậu quả của việc không thỏa mãn các yêu cầu về hình thức quy định trong Điều này, nhưng hậu quả đó trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được vượt quá mức mất quyền ưu tiên.

(5) Sau đó, có thể yêu cầu nộp thêm bằng chứng. Bất kỳ người nào xin hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn nộp trước đều phải chỉ ra số đơn đó; số đơn này phải được công bố như quy định tại khoản (2) trên đây.

E – (1) Nếu một đơn kiểu dáng công nghiệp nộp tại một nước với yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở một đơn mẫu hữu ích, thời hạn quyền ưu tiên sẽ là thời hạn ấn định cho kiểu dáng công nghiệp.

(2) Ngoài ra, có thể cho phép nộp một đơn mẫu hữu ích tại một nước với yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở một đơn sáng chế, và ngược lại.

F – Không một nước thành viên nào của Liên minh được từ chối quyền ưu tiên hoặc từ chối một đơn sáng chế vì lý do người nộp đơn yêu cầu hưởng quyền ưu tiên phức hợp, thậm chí cả khi các quyền ưu tiên bắt nguồn từ nhiều nước khác nhau, hoặc vì lý do đơn có yêu cầu hưởng một hoặc nhiều quyền ưu tiên có chứa một hoặc nhiều yếu tố không nằm trong đơn hoặc các đơn là cơ sở yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, với điều kiện là, trong cả hai trường hợp đó đơn phải thỏa mãn tính thống nhất của sáng chế theo quy định của luật quốc gia.

Với những yếu tố không nằm trong đơn hoặc các đơn là cơ sở yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, việc nộp đơn sau làm phát sinh quyền ưu tiên theo những điều kiện thông thường.

G – (1) Nếu kết quả xét nghiệm khẳng định rằng đơn sáng chế bao gồm nhiều sáng chế, người nộp đơn có thể tách đơn thành một số lượng nhất định các đơn riêng và giữ ngày nộp đơn ban đầu làm ngày nộp đơn của mỗi đơn đó và giữ nguyên quyền ưu tiên, nếu có.

(2) Người nộp đơn cũng có thể tự mình chủ động tách đơn sáng chế và giữ ngày nộp đơn ban đầu làm ngày nộp đơn của mỗi đơn mới tách và giữ nguyên quyền ưu tiên, nếu có. Mỗi nước thành viên của Liên minh có quyền xác định các điều kiện cho phép tách đơn như vậy.

H – Quyền ưu tiên không thể bị từ chối với lý do là một số yếu tố của sáng chế có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên không xuất hiện trong số các yêu cầu bảo hộ của đơn nộp ở nước xuất xứ, với điều kiện là toàn bộ các tài liệu của đơn đó bộc lộ rõ các yếu tố như vậy.

I – (1) Đơn xin cấp bằng tác giả sáng chế nộp tại nước mà người nộp đơn có quyền tự lựa chọn giữa đơn xin cấp patent và đơn xin cấp bằng tác giả sáng chế sẽ phát sinh quyền ưu tiên như quy định trong Điều này, với những điều kiện và hậu quả giống như đơn xin cấp patent.

(2) Tại nước mà người nộp đơn có quyền tự lựa chọn giữa việc xin cấp patent và việc xin cấp bằng tác giả sáng chế, người nộp đơn xin cấp bằng tác giả sáng chế sẽ được hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn xin cấp patent, đơn mẫu hữu ích hoặc đơn xin cấp bằng tác giả sáng chế, theo những quy định của Điều này liên quan đến đơn xin cấp patent.

Điều 4bis. Patent: Sự độc lập của các patent cấp cho cùng một sáng chế  tại các nước khác nhau

(1) Các patent do công dân của các nước thành viên của Liên minh xin cấp tại các nước thành viên khác nhau của Liên minh sẽ độc lập với những patent cấp cho cùng một sáng chế ở những nước khác bất kể nước đó có hay không là thành viên của Liên minh.

(2) Quy định ở khoản (1) trên đây phải hiểu theo nghĩa không bị hạn chế, cụ thể với nghĩa là patent cấp cho đơn nộp trong thời hạn ưu tiên sẽ độc lập cả về phương diện lý do dẫn đến huỷ bỏ hoặc đình chỉ hiệu lực, cả về phương diện xác định thời hạn hiệu lực thông thường.

(3) Quy định của Điều này áp dụng cho tất cả những patent đang tồn tại tại thời điểm Điều này bắt đầu có hiệu lực.

(4) Tương tự như vậy, Điều này cũng áp dụng cho cả những patent tồn tại trước hoặc sau thời điểm gia nhập Công ước của những nước thành viên mới.

(5) Các patent được cấp ở các nước thành viên khác nhau của Liên minh trên cơ sở hưởng quyền ưu tiên có thời hạn hiệu lực bằng thời hạn hiệu lực như thể các patent đó được cấp mà không hưởng quyền ưu tiên.

Điều 4ter. Patent: Nêu tên nhà sáng chế trong patent

Tác giả sáng chế có quyền được nêu tên với danh nghĩa là tác giả sáng chế trong patent.

Điều 4quater. Patent: Khả năng được cấp patent trong trường hợp pháp luật hạn chế việc bán

Không thể từ chối cấp patent và không thể huỷ bỏ hiệu lực của patent với lý do luật quốc gia cấm hoặc hạn chế việc bán sản phẩm được cấp patent hoặc sản phẩm thu được bằng phương pháp được cấp patent.

Điều 91. Nguyên tắc ưu tiên

1. Người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ cùng một đối tượng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên hoặc có thoả thuận áp dụng quy định như vậy với Việt Nam;

b) Người nộp đơn là công dân Việt Nam, công dân của nước khác quy định tại điểm a khoản này cư trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước khác quy định tại điểm a khoản này;

c) Trong đơn có nêu rõ yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;

d) Đơn được nộp trong thời hạn ấn định tại điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Trong một đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu, người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở nhiều đơn khác nhau được nộp sớm hơn với điều kiện phải chỉ ra nội dung tương ứng giữa các đơn nộp sớm hơn ứng với nội dung trong đơn.

3. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên có ngày ưu tiên là ngày nộp đơn của đơn đầu tiên.”

2.2. Ngày ưu tiên là gì?

Khoản 3 Điều 91 Luật Sở hữu trí tuệ hợp nhất năm 2019 quy định như sau: “Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên có ngày ưu tiên là ngày nộp đơn của đơn đầu tiên”.

Theo đó, ngày ưu tiên ( tiếng anh là Priority date) trong đăng ký nhãn hiệu sẽ là ngày nộp đơn của đơn đăng ký nhãn hiệu đầu tiên.

3. Ngày ưu tiên và Quyền ưu tiên trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam:

Theo luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, ngày ưu tiên là ngày nộp đơn hợp lệ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hoặc là ngày nộp đơn hợp lệ tại một quốc gia khác là thành viên của Công ước Paris trong khoảng thời gian theo quy định. Ngày nộp đơn hợp lệ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam là ngày mà Cục Sở hữu trí tuệ công nhận người nộp đơn đã đáp ứng được các điều kiện về hình thức của đơn. Ngày nộp đơn hợp lệ có thể là ngày nộp đơn đầu tiên (nếu đơn không phải sửa chữa, bổ sung gì), hoặc là ngày sửa chữa bổ sung đơn lần cuối cùng tại Cục Sở hữu trí tuệ (nếu đơn chưa chính xác phải sửa chữa, bổ sung thêm các giấy tờ, tài liệu,…) Ngày nộp đơn hợp lệ tại một quốc gia khác là thành viên của Công ước Paris là ngày nộp đơn trước khi nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam nhưng không quá 06 tháng đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu và không quá 12 tháng đối với đơn đăng ký sáng chế. Ngày ưu tiên là cơ sở quan trọng để xác định tính mới của đối tượng Sở hữu công nghiệp và xác định chủ thể nộp đơn sớm nhất.

Quyền ưu tiên trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam xuất phát từ quy định về “nguyên tắc ưu tiên” trong Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Có thể hiểu là khi một người nộp đơn đăng ký ở nhiều quốc gia là thành viên của Công ước Paris, thì người này có quyền yêu cầu các quốc gia khác công nhận ngày nộp đơn là ngày nộp đơn đầu tiên tại quốc gia đầu tiên. Quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quy định tại Điều 91 của Luật Sở hữu trí tuệ được áp dụng như sau: Người nộp đơn là công dân, hoặc cư trú, hoặc có cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại quốc gia Thành viên của Công ước Paris; Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại quốc gia Thành viên của Công ước Paris và đơn đó có yêu cầu xin hưởng quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu tương ứng; Đơn đăng ký được nộp trong thời hạn 06 tháng đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu, 12 tháng đối với đơn đăng ký sáng chế kể từ ngày nộp đơn đầu tiên; Nộp bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của Cơ quan nhận đơn đầu tiên; Nộp đủ lệ phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

Quyền ưu tiên đêm lại nhiều lợi ích, có vai trò quan trọng trong thủ tục cấp Văn băng bảo hộ và bảo vệ những giá trị về mặt kinh tế cho nhãn hiệu. Một số lợi ích mà chủ sở hữu được hưởng khi nhãn hiệu được áp dụng các nguyên tắc ưu tiên như sau: Là căn cứ cao nhất để cấp Văn bằng bảo hộ khi có các đơn đăng ký khác mang nhãn hiệu trùng hoặc gây nhầm lẫn đối với sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự; Tạo điều kiện cho sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu của người nộp đơn được đăng ký bảo hộ ở các quốc gia khác, tạo điều kiện cho chủ sở hữu mở rộng thị trường kinh doanh; Là căn cứ để giải quyết những tranh chấp hay những vi phạm liên quan đến việc đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

– Công ước Paris năm 1883 về Bảo hộ sở hữu công nghiệp;

– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019.

Từ khóa » Sự ưu Tiên Tiếng Anh Là Gì