Quyết Liệt Giải Ngân Vốn đầu Tư Công

Chú thích ảnh
Đường giao thông trên địa bàn huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thi công xây dựng sắp hoàn thành. ảnh: Lê Huy Hải/ TTXVN.

Kích cầu trong ngắn hạn

Không để tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm gấp rút” trong giải ngân vốn đầu tư công, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Trong 2 năm qua, kinh tế Việt Nam phải gánh chịu hậu quả của đại dịch COVID-19, nhưng giải ngân vốn đầu công đã có sự biến chuyển: Năm 2020 đạt trên 91% so với kế hoạch năm, mức cao nhất giai đoạn 2011 - 2020. Tỷ lệ này tích cực hơn so với năm 2019 (đạt 90,5%), chưa kể quy mô vốn đầu tư công năm 2020 lớn hơn rất nhiều so với năm 2019 (tăng 34,5%). Kết quả giải ngân đã khích lệ tinh thần nỗ lực vượt khó trong dịch bệnh của các bộ, ngành, địa phương nhằm sớm đưa nguồn “vốn mồi” ngân sách đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Chú thích ảnh
Thực tế cho thấy, cùng một cơ chế, chính sách nhưng nơi nào người đứng đầu có quyết tâm chính trị thì có kết quả giải ngân cao và ngược lại.

Trong những tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), ông Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho từng dự án đầu tư công để sớm đưa vào triển khai, góp phần thúc đẩy nền kinh tế.

Thực tế hiện nay, gần một nửa trong số 350.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế (khoảng 113.000 tỷ đồng) là dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Một danh mục dài các dự án đã được xây dựng trong chương trình. Tuy nhiên, điều quan trọng là chuẩn bị dự án và sẵn sàng các điều kiện triển khai.

Theo Bộ Tài chính, trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam giải ngân được trên 44.612 tỷ đồng, đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (5,09%), là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, thể hiện nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong nhiệm vụ giải ngân vốn ngay từ đầu năm.

Bên cạnh vốn đầu tư công trung hạn, ngân sách còn dành nguồn lực lên đến gần 114.000 tỷ đồng bổ sung cho đầu tư công trong hai năm 2022 - 2023. Hiện có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 32,65%, Thái Bình là 31,7%, Lai Châu là 27,3%.

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương, 2022 cũng là năm đầu tiên của tiến trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi công tác chỉ đạo, điều hành ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có đầu tư công, phải rất quyết liệt.

Thực tế cho thấy, cùng một cơ chế, chính sách nhưng nơi nào người đứng đầu có quyết tâm chính trị thì có kết quả giải ngân cao và ngược lại. “Qua kinh nghiệm của năm 2021, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý, không nên xây dựng quá khả năng giải ngân của đơn vị mình. Chắc chắn năm 2022, công tác điều hành đầu tư công của Chính phủ sẽ rất quyết liệt, quy trách nhiệm rất rõ ràng, đặc biệt đối với người đứng đầu”, ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh kiến nghị: Khi đã có kế hoạch phân bổ vốn cho từng dự án, phải giao chỉ tiêu cụ thể cho người đứng đầu và yêu cầu báo cáo tiến độ giải ngân thường xuyên để cấp có thẩm quyền giám sát. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành cũng cần bám sát từng dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Từ khóa » Giải Ngân Vốn đầu Tư Công Năm 2020