RA BỜ SUỐI NGẮM HOA KÈN HỒNG - Điểm Sách, Book Review

RA BỜ SUỐI NGẮM HOA KÈN HỒNG

 Sau “9 tháng 10 ngày” thai nghén tại gia trong mùa dịch Covid-19 (từ tháng 3 đến ngày 15-12-2021), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã sinh ra một đứa con tinh thần “xinh đẹp, bụ bẫm, đáng yêu” chính là tác phẩm mới Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng. Đây chính là cách vượt qua đợt cao điểm đại dịch tại TP.HCM theo “kiểu riêng mình” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: ông viết nên một tác phẩm đầy dễ thương, trong sáng, tươi vui, nhân văn. Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng hứa hẹn sẽ góp phần mang lại tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu người cho bạn đọc thân quý trong bối cảnh thời bình thường mới sau đại dịch Covid-19.

Là tác phẩm trong trẻo, tràn đầy tình yêu thương mát lành, trải ra trước mắt người đọc khu vườn trại rực rỡ cỏ hoa của vùng quê thanh bình, kèm theo đó là những “nhân vật” đáng yêu, làm nên một “thế giới giàu có, rộng lớn và vô cùng hấp dẫn” mà dường như người lớn đã bỏ quên đâu đó từ lâu, truyện dài mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng hẳn sẽ mang đến cho bạn đọc sự thư giãn nhẹ nhàng và ấm áp khi thưởng thức tác phẩm này.

Sau Tôi là Bêtô, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Chúc một ngày tốt lành, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng thì Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng là cuốn sách thứ 5 của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà nhân vật chính là những con vật ngộ nghĩnh, được mô tả sống động dưới ngòi bút tài hoa và giàu tình thương. 

Như nhà văn từng chia sẻ: “Ba chị Ni thường nói tâm hồn con người ta cũng cần vitamin, và sách – nhất là sách viết về động vật – là loại vitamin tuyệt vời nhất. Vì nếu con người ta biết yêu thương một con chó thì hiển nhiên người ta sẽ biết yêu thương con người; xã hội nhờ vậy sẽ bớt đi những chuyện đau lòng” (trích Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng).

Câu chuyện chạy qua 8 phần với 64 chương sách nhỏ đầy ắp lòng thương yêu, tính lương thiện; tình thân bạn bè, lòng dũng cảm và bao dung đánh bạt sự ác độc và những thói xấu. Bạn đọc sẽ được hòa mình vào một thế giới động vật rất dễ thương từ con chuột Chuông Rè “hát hay không bằng hay hát”, chú dế đêm đêm vẫn kéo đàn dưới gốc nhãn, đến con vịt Gì Cũng Biết thích viết văn … Tác phẩm có ba con gà tuổi mới lớn (trong đó có hai con thích nhau), ba bố con nhà chuột, mẹ con nhà cáo, một bác ngựa, một cô bói cá, một cô ngỗng, một cô hải âu… 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: “Điều quan trọng nhất của tình yêu là nó giúp bạn khám phá bản thân mình. Nó giống như một màn hình để bạn chiếu rọi ước mơ của mình lên đó. Nó cũng giúp bạn khám phá những chiều kích mới của cuộc sống.” 

***

Để góp phần lan tỏa tình yêu thương trong thế giới động vật đáng yêu, Nhà xuất bản Trẻ phối hợp với Thảo Cầm Viên Sài Gòn triển khai một chương trình hoạt động nhiều ý nghĩa. 

Tác giả Nguyễn Nhật Ánh và các độc giả tại buổi ký tặng sách.

Cụ thể trong ngày phát hành sách 16/1/2022, hai trăm bạn đọc đầu tiên đến mua vé vào Thảo Cầm Viên  được tặng một huy hiệu có in hình các con vật “tuyệt đỉnh dễ thương” vốn là minh họa của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường trong tác phẩm. Huy hiệu được phát tại quầy bán sách của NXB Trẻ đặt tại Thảo Cầm Viên trong ngày hôm đó. Bên cạnh đó, NXB Trẻ sẽ cùng bạn đọc tặng thực phẩm, chung tay chăm sóc các chú Voọc Chà Vá (là loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm tại Việt Nam) tại Thảo Cầm Viên từ  16/1 cho đến Tết Nguyên Đán Nhâm Dần.

Thông tin các quà tặng kèm theo sách: 

Gồm hai phiên bản:  

– Bản bìa mềm: bìa 4 màu nền hồng trang nhã dịu dàng. Quà tặng đặc biệt kèm theo sách: Tặng kèm 2 quà tặng theo sách gồm bookmark in hai mặt trên giấy bồi cứng định lượng 350gsm và 1 tấm thiệp trái tim in bài thơ trích từ tác phẩm.

– Bản đặc biệt bìa cứng (chỉ in một lần): in màu toàn bộ với bộ tranh minh họa các con vật tuyệt đẹp (gồm 8 tranh lớn và 24 tranh vừa của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường).Quà tặng đặc biệt kèm theo sách: Tặng kèm 3 quà tặng theo sách: bookmark in hai mặt trên giấy bồi cứng định lượng 350gsm; 1 thiệp trái tim in bài thơ trích từ tác phẩm và đặc biệt là một phiên bản sách mini tác phẩm Út Quyên và tôi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lần đầu tiên được in trên khổ nhỏ xinh xắn.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ký tặng sách.

NHÀ VĂN NGUYỄN NHẬT ÁNH TÂM SỰ VỀ TÁC PHẨM “RA BỜ SUỐI NGẮM HOA KÈN HỒNG”:

– Trong thời gian dịch bệnh, cuộc sống trở nên trầm uất, nặng nề, mọi sinh hoạt đều xáo trộn, lại thêm những đau thương, mất mát khiến tất cả chúng ta đều thấy lòng hoang mang, nặng trĩu, bất an. Nhưng cho dù hoàn cảnh nghiệt ngã đến mấy, chúng ta vẫn phải sống tiếp. Người nông dân tiếp tục trồng trọt, người công nhân tiếp tục sản xuất. Nhạc sĩ sáng tác ca khúc, họa sĩ vẽ tranh, nhà văn viết văn… Đó là cách chúng ta vượt qua khó khăn, là cách chúng ta chiến thắng dịch bệnh để cuộc sống luôn tiến về phía trước. Chúng ta đâu có thể ngưng sống, ngưng làm việc để chờ dịch bệnh qua đi. Khi cặm cụi trên những trang văn, tôi chỉ nghĩ giản dị như vậy.

– Xưa nay tôi vẫn viết đều đặn mỗi ngày. Trong mùa dịch, nhịp sáng tác của tôi không bị ảnh hưởng nhiều về mặt thời gian. Nhưng về tinh thần thì đúng là rất khó giữ sự điềm tĩnh. Khi nhà thơ – họa sĩ tài hoa Lê Thánh Thư, một người bạn thân thiết của tôi đột ngột qua đời vì Covid-19, tôi đã bị sốc một thời gian dài. Lúc đó, tôi không thể bình tĩnh để làm bất cứ chuyện gì. Nhưng rồi tôi biết mình không thể để nỗi buồn cầm chân mãi. Nếu tôi không nhúc nhích một ngón tay nào thì không ai có thể giúp tôi nhấc mình lên khỏi nỗi buồn được. Thế là tôi lại ngồi vào bàn. Tôi tin làm việc là cách tốt nhất để chữa lành vết thương trong tâm hồn mình.

– Tôi viết tác phẩm này từ tháng 3. Tôi chọn viết về các con vật để tìm thấy sự bình yên, mặc dù trước đó tôi đã nghĩ đến một cuốn sách khác. Thế giới hồn nhiên, rộn ràng, tươi vui của các con vật ngộ nghĩnh giúp tâm hồn tôi lấy lại thăng bằng. Đối với tôi, đó giống như một liệu pháp tinh thần. Tôi hy vọng bạn đọc khi đọc cuốn sách này cũng sẽ thấy bình yên và ấm áp hơn trong những ngày tháng này.

– Hơn nữa, truyện về các con vật cũng là thể loại phù hợp với trẻ em. Đến mức nhiều người vẫn gọi truyện về đề tài này là “truyện đồng thoại”, mặc dù nghĩa ban đầu của “truyện đồng thoại” là “chuyện kể cho trẻ em” (chứ không chỉ là “chuyện về các con vật”), cũng như “đồng dao” là “câu hát cho trẻ em” vậy.

Nhận định của nhà thơ Ý Nhi về tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh:

“Cái khả năng ‘hô biến’ của nhà văn thật kỳ lạ. Đã bao lần, qua những trang sách của mình, Nguyễn Nhật Ánh đã làm cho những ngõ xóm, những khu chợ, những ngọn đồi, những vòm cây, thậm chí một góc nhỏ trong ngôi nhà… thành một xứ thần tiên. Nguyễn Nhật Ánh là một nhà thơ, một nhà thơ từ trong bản chất, trong tâm thái. Chính tư chất thi sĩ này đã làm nên thành công cho những áng văn xuôi thơ mộng của anh.Nguyễn Nhật Ánh từng nói: “Yếu tố quyết định của một nhà văn viết cho trẻ em nằm ở chỗ tác giả có thể chạm vào tâm hồn của trẻ em hay không”. Tôi nghĩ, khi chạm được vào tâm hồn trẻ em cũng là khi nhà văn đã chạm vào tâm hồn của người lớn. 

Nhận định của KAITLIN REES, nhà thơ, dịch giả người Mỹ (Nhã Thuyên chuyển ngữ):

“Ngôn ngữ của Nguyễn Nhật Ánh đầy khả năng thuyết phục và lôi cuốn, với sự chi chút bền bỉ dành cho những chi tiết liên quan đến thế giới tự nhiên, trong vẻ đẹp được gọi tên chính xác của thế giới ấy. Thế giới hư cấu của Nguyễn Nhật Ánh dường như được sinh và dưỡng bởi mạch đất quê – là những gì thế giới ấy vun trồng và được vun trồng trên đó. 

Dẫu không từng lang bang bước chân thơ trên những mảnh đất này, tôi có cảm giác mình vẫn trải nghiệm những luồng hơi ấm mơ mòng của hoài nhớ. Trang viết của Nguyễn Nhật Ánh mang lại cho ta những ngỡ ngàng ấy – cho bạn, những người có thể đã sống qua những nơi chốn ông viết về, và cho tôi, kẻ biết nhiều hơn từ một sự đọc nghiền ngẫm. 

Sau rất nhiều tháng chìm trong những câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh, tôi biết rằng chuyện trải nghiệm niềm hoài nhớ cho một nơi chốn ta chưa từng ở là có thể và hữu thực.  Và hơn thế, có thể là thiết yếu.”

THƠ trong tác phẩm:

Có gì đâu! Đâu có gì đâu!

Thời gian như nước chảy qua cầu

Bờ cỏ không còn in dấu cũ

Vườn địa đàng kia táo đã sâu.

Có gì không? Không có gì đâu!

Tem chưa đóng dấu đã phai màu

Đường đi không tới đành quay lại

Cuộc sống chưa xong lại bắt đầu.

Có gì chăng? Chẳng có gì đâu!

Chỉ là hai chiếc bóng bên nhau

Chiếc tan chầm chậm khi chiều xuống

Một chiếc chưa tan đã đổi màu.

Có gì tôi? Tôi có gì em?

Chỉ là sợi khói chớm bay lên

Em tôi cay mắt mà tôi khóc

Sỏi đá đôi khi cũng rất mềm.

Có gì em? Em có gì tôi?

Chỉ là bóng nắng chiếu nghiêng thôi

Đến khi nắng tắt thì sương xuống

Chắc tại thu về nên lá rơi!

oOo

Đêm hái lời chim dành tặng ban mai

Đêm xâu cho anh một tiếng thở dài

Đêm trồng tặng em một mùa hoa cúc

Để em nhìn hoa nhớ chiều đã khuất.

Đêm mọc giùm anh sợi tóc thời gian

Đêm chảy giùm em lệ của địa đàng

Dắt díu nhau qua những ngày nương náu

Gọi người ta yêu là người yêu dấu

Đêm ủ giùm em hoa trái ban ngày

Nuôi nấng giùm anh men của cơn say

Lời của đêm đen không hề gian dối

Tự giấu mình đi, đêm làm bóng tối…

Một số trích đoạn từ sách:

“Tắm mình trong suối âm thanh, vẫn là những điệu buồn quen thuộc, nhưng đêm nay Mắt Tròn thấy tâm hồn mình như bay lên. Âm nhạc như một bàn tay vô hình đã nâng đỡ nó, lên cao, lên cao mãi. Cao hơn nỗi buồn, cao hơn những phiền muộn vẫn dày vò nó trong những ngày qua.

Nỗi buồn, ờ thì nó vẫn ở đó, trong trái tim Mắt Tròn, nhưng nó không làm trái tim con gà xây xát nữa. Mắt Tròn ngạc nhiên nhận ra nỗi buồn có thể phát sáng, trở nên đẹp đẽ dưới sự vỗ về của âm nhạc.

Tiếng đàn của chàng nhạc sĩ giang hồ đã sưởi ấm con gà, đã an ủi nó thật nhiều trong đêm hôm đó.

Mắt Tròn neo mình trên cỏ, bất động, lặng thinh, đầy xao xuyến. Nó lắng nghe tiếng đàn, cảm tưởng đang lắng nghe chính bản thân nó, bắt gặp mình đang xúc động. 

Có lẽ bạn cũng thế thôi, khi nỗi buồn trong lòng bạn được âm nhạc chắp cánh, nó sẽ thăng hoa. Thay vì nhấn chìm bạn, nỗi buồn sẽ giúp bạn giàu có hơn về cảm xúc. Nó trở thành một giá trị và bạn chợt nhận ra nó là một phần thanh xuân của bạn.”

oOo

Nhà tâm lý Áo Tím không biết Mắt Tròn là con gà đã ngấp nghé trưởng thành. Từ hôm nó nức nở khen chàng gà choai “Em chưa thấy ai có bộ lông đẹp như vậy”, Mắt Tròn đã thấy cuộc sống hiện ra trong một dáng vẻ khác. Cuộc sống từ lúc đó không chỉ được định nghĩa bằng thóc hay hạt ngô nữa. Nó nhận ra còn có những thứ kỳ diệu hơn và lấp lánh hơn trong thế giới này. Nó trở thành một con gà mơ mộng.

Dĩ nhiên cho tới lúc đó Mắt Tròn vẫn chưa biết đánh vần chữ “yêu”, nhưng những lời du dương của cô bồ câu khiến nó áp cả hai chiếc cánh ngắn lên lồng ngực. Nó nghe ngực mình thật ấm áp. Nó cảm nhận được, ngay lúc này đây, trái tim nhỏ bé của nó đang được sưởi ấm bởi điều gì. Ngọn lửa đó, chắc sẽ không bao giờ tắt? Cô gà mới lớn ngước mắt nhìn lên trời, hồi hộp nghĩ. Có phải nó đang cầu nguyện không nhỉ?

oOo

Ờ, chắc vì Mắt Tròn không còn bé nữa. Bây giờ nó đã là cô gà mới lớn. Gà hay người gì cũng thế, cứ đến ngưỡng tuổi này là lòng đầy xáo trộn. Bao nhiêu cảm xúc mới mẻ ùa tới khiến trái tim bỗng dưng chênh vênh chập chờn nức nở. Chị Ngần mỗi khi gặp anh cu Hiên chắc cũng thế. Chị bảo lúc đó tim chị loạn nhịp.

Thỉnh thoảng Mắt Tròn thiếp đi trong chốc lát. Trong những giấc ngủ ngắn ngủi đó, bao giờ nó cũng nằm mơ thấy Cánh Cam. Chàng gà choai dẫn nó đi tha thẩn ngoài đồng cỏ, chui qua mấy bụi lau trắng, rồi cứ thế đi mãi. Đồng cỏ cứ kéo dài ra, cả buổi chiều cũng kéo dài ra theo từng bước đi của tụi nó. Chỉ đến khi tới được chỗ cây kèn hồng cạnh bờ suối thì cả hai dừng lại, chẳng biết tại sao. Có thể hai đứa đã mỏi chân sau khi băng qua một quãng đồng dài. Cũng có thể hoa kèn hồng đẹp quá. Cái đẹp đã níu chân hai con gà lãng mạn.

oOo

 Mắt Tròn trả lời câu hỏi của cô bồ câu bằng một câu hỏi khác:

– Nếu mình trót thích một ai đó thì mình luôn thấy buồn phải không cô?

Cô bồ câu lẩm bẩm:

– Tuổi biết buồn đây mà.

– Cô nói gì ạ?

– À không. Ý ta muốn nói đó là nỗi buồn vu vơ.

– Vu vơ ạ?

– À không. – Trong vòng ba mươi giây mà cô bồ câu nói “à không” tới những hai lần, có nghĩa là cô đang phải giằng co với các câu chữ trong đầu mình. Cô đang tìm cách diễn đạt thế nào cho một hòn đá cũng có thể hiểu được – Con à, tất cả sinh vật trên đời này chỉ ở một trong hai trạng thái thôi: sống hoặc chết. Sống tức là làm một điều gì đó, ấp ủ một ước mơ nào đó và yêu thích một ai đó. Còn chết là thôi làm một điều gì đó, thôi ấp ủ một ước mơ nào đó và vẫn tiếp tục yêu thích một ai đó.

– Nghĩa là sao ạ?

– Nghĩa là tình cảm là thứ vẫn tiếp tục sống ngay cả khi chúng ta   đã chết đi. Nguyễn Du viết “khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” là vậy.

Cô bồ câu nói sâu xa quá khiến con gà ngẩn ngơ. 

– Con không hiểu, thưa cô. – Mắt Tròn lí nhí, quên cả hỏi Nguyễn Du là ai.

Cô bồ câu đột nhiên lúng túng. Cô chợt nhận ra đây là đề tài phức tạp đến mức cô càng muốn nói một cách dễ hiểu thì càng khiến nó thêm khó hiểu.

oOo

Bạn đã bao giờ thử thăm dò lòng mình chưa? Nếu một ngày nào đó bạn thử nhìn sâu vào đáy tâm tư của mình như Mắt Tròn đang làm lúc này, bạn sẽ nhận ra không phải lúc nào bạn cũng có thể thấy rõ được thứ gì đang cất giấu trong đó.

Đôi khi nhiều loại cảm xúc chi phối bạn cùng một lúc. Chúng đan cài vào nhau như những mắt lưới, và trái tim của bạn bị thít chặt. Như lúc này đây, con gà không biết nó đang có thứ gì nhiều nhất trong lòng mình. Sự xao xuyến? Cảm giác bồi hồi? Sự ngóng trông hình như cũng có dính líu vào. Có cả nỗi hoang mang nữa.

Có lẽ cô bồ câu nói đúng. Mắt Tròn phiền muộn nghĩ.

oOo

Dưới bóng cây muồng vàng, cô bồ câu kín đáo liếc con gà. Cô biết con gà đang yêu, mặc dù có lẽ nó chưa biết thế nào là yêu. Có nên nói về tình yêu với nó không nhỉ? Cô băn khoăn nhủ bụng. Cô nhớ cô từng ở tuổi của con gà trước mặt. Ờ, lúc đó cô là cô bồ câu mới lớn, lòng đong đầy những nỗi buồn không tên. Y như con bé Mắt Tròn bây giờ.

Chỉ có tình yêu mới choán chỗ trong trái tim ta nhiều đến thế, ngay cả khi tình yêu ấy chỉ mới chập chững những bước đầu tiên. – Cô bồ câu tiếp tục tư lự – Tình yêu hẳn nhiên là quà tặng của thượng đế. Sớm muộn gì rồi ai cũng nhận được món quà này. Ta không thể vờ như không quen nó hoặc làm ra vẻ không biết nó. Dù ta cố tình không đề cập đến nó thì nó cũng ở sẵn đó rồi và con bé Mắt Tròn giờ này chắc cũng đã cảm nhận được những gì ta từng nếm trải. 

– Con à. – Cuối cùng, cô bồ câu nói. Cô thận trọng lựa từng từ nên trông cô thật nghiêm trang – Ta nghĩ tâm trạng của con là tâm trạng của kẻ đang yêu.

oOo

Con gà ngước nhìn những cánh hoa muồng vàng đang nghiêng xuống chiếc khăn quàng cổ màu tím ngọc của cô bồ câu, tự nhiên thấy bâng khuâng quá. Nó cảm giác bầu trời đằng sau nhánh cây cũng nghiêng nghiêng. Cả đám mây trên cao cũng nghiêng nghiêng. Cả nó nữa, tâm hồn thơ ngây của nó cũng đang nghiêng xuống nỗi buồn con gái – đã mấy ngày như thế rồi. Tại nó không biết đó thôi.

Tiếng cô bồ câu tiếp tục văng vẳng bên tai Mắt Tròn:

– Nếu tình yêu không chạm đến trái tim con, con đã không đi tìm ta. Đó là dấu hiệu dễ thấy nhất. 

Bất giác Mắt Tròn thấy hồn mình chông chênh. Nó nằm mọp xuống cỏ, cảm thấy đôi chân trở nên yếu ớt, bỡ ngỡ biết mình đã lớn. Như một cô gái nằm khóc tuổi thơ qua, con gà không biết mình nên lau nước mắt để bước tiếp hay nên quay lại.

– Cô ơi, có cách nào quay lại ngày xưa không hở cô? Con không muốn lớn.

– Tất cả chúng ta ai rồi cũng lớn. Chúng ta không thể quay ngược thời gian, con à.

oOo

– Bác ơi.

– Gì hở con?

– Rồi hai bác cháu mình có sẽ gặp lại nhau không? – Thằng cún Su Su sụt sịt hỏi.

– Ta không biết nữa. – Bác chó lúc lắc đôi tai dài, ngập ngừng – Có thể gặp lại, cũng có thể không.

– Không gặp lại bác, con sẽ rất buồn. – Thằng cún nói, nước mắt lại ứa ra óng ánh trên bộ mặt đen tuyền của nó trông như những hạt cườm. 

– Ta cũng rất buồn. Nhưng nếu không gặp lại, chúng ta vẫn có với nhau những kỷ niệm đẹp mà.

Su Su tin lời bác Tai Dài. Nó tin những gì đã có giữa hai bác cháu thật khó mà phai mờ. Nhưng nó cũng lờ mờ nhận ra “kỷ niệm” là một từ rất đẹp nhưng cũng rất xót xa. Vì những gì không còn ở bên ta nữa mới trở thành kỷ niệm.

oOo

Hình như mùa thu sắp sửa về. Ờ, hình như không còn là hình như nữa. Mùa thu về thật.

Ở trên cao, những cụm mây vắt ngang trời lãng đãng. Cây nhãn cuối vườn bắt đầu khép tán, trông gầy yếu hơn lúc đầu hè. Hoa lộc vừng rụng dần theo mùa nắng dịu, cây thu mình lại chờ tiết xuân để ra hoa mới.

Đêm đêm, chú dế Ánh Sao vẫn cô độc kéo đàn. Giữa những tiếng ho khúc khắc phát ra từ gốc nhãn mỗi khi trời chớm sang mùa, tiếng đàn của chàng nhạc sĩ giang hồ nghe ra đã thoáng chút hao gầy.

Lớp học của cô giáo ngỗng vẫn đủ đầy nhưng bọn nhóc cứ thấy buồn tênh. Khu vườn chỉ vắng mỗi bác Tai Dài mà sao mênh mông rộng dài quá thể. Ai cũng biết bác Tai Dài không thể không ra đi, rằng đó là chọn lựa tốt cho tất cả nhưng khoảng trống bác để lại thật không dễ lấp đầy. Vắng bóng bác cần mẫn đi tuần, vắng tiếng quát của bác mỗi khi có ai đó lẻn vào vườn, vắng cả tiếng bác la rầy bọn nhóc, cảnh sắc trong vườn cơ hồ kém tươi hơn. Ngay cả gió cũng đi lại rón rén trên những cành cây và ở dưới đất cỏ ba lá nằm như mơ ngủ.

oOo

Tụi Xám anh Xám em dạo này buôn bán ế ẩm. Cũng như mấy đứa trẻ nhà chị Ngần, bọn cún và nhóc gà nhóc vịt hàng xóm ăn bánh kẹo của hai thằng chuột đến phát ợ, đã bắt đầu thấy ngán. Chưa kể gần đây các thức quà vặt của tụi nó bốc mùi mốc meo, chắc do tích trữ nhiều quá.

Trong khi chưa biết xoay xở thế nào, kịp lúc chàng Cánh Cam đẹp mã tập tành lãng mạn và các cô gà ngấp nghé tuổi mới lớn nhà anh cu Hiên bắt đầu quan tâm đến giới tính, hai con chuột tinh ranh liền nghĩ ra trò buôn tin tức. Suốt ngày hai thằng nhấp nhổm rình rập trước khu vườn trại nhà chị Ngần, chỉ thêm ống nhòm và máy ảnh nữa thôi là y hệt tụi paparazzi nước ngoài.

Hễ nhác thấy chàng gà choai phi lên bờ rào khoe dáng là hai thằng hộc tốc chạy qua vườn anh cu Hiên, hổn hển thông báo cho bọn gà vị thành niên nghèo thóc lúa nhưng giàu mơ mộng kia.

Trả công cho hai thằng chuột láu cá để mua tin, bọn gà ngây thơ đã nghèo càng nghèo hơn. Nhưng chẳng nàng gà nào buồn so đo. Bởi một lẽ đơn giản là tụi nó đang vào độ tuổi sống bằng trái tim chứ không bằng dạ dày, hay nói văn hoa như nhà văn vịt là tụi nó bắt đầu coi trọng tâm hồn hơn vật chất.

Chỉ trong vòng năm ngày kể từ khi khởi nghiệp, hai thằng Xám anh Xám em phấn khởi phát hiện buôn bán tin tức đúng là nghề thời thượng, đặc biệt là dễ kiếm ăn hơn buôn bán bánh kẹo rất nhiều. Đã vậy, vốn liếng chỉ là thời gian và nguyên liệu chỉ là nước bọt. Đại khái là tụi nó không phải tốn kém gì.

oOo

Tối đó Mắt Tròn lại gần mẹ, thủ thỉ:

– Hồi xưa lúc mẹ thích ai đó, mẹ có bị bạn bè xúm vào trêu không hả mẹ?

– Có chứ, con.

– Thế mẹ có mắc cỡ không?

– Tất nhiên là có. Nhưng chỉ chút xíu thôi. Mẹ thấy kiêu hãnh nhiều hơn.

Câu trả lời của cô gà mẹ làm con gà con ngẩn ngơ.

– Kiêu hãnh ư?

– Ờ, kiêu hãnh. Vì mẹ biết mẹ đã lớn. Và mẹ cũng biết cho dù đã lớn, không phải ai cũng tìm được kẻ mình thích và thích lại mình.

Con gà con khép mỏ và lim dim mắt. Đó là động tác quen thuộc của nó mỗi khi có điều gì đó làm nó nghĩ ngợi. Có lẽ mẹ nói đúng. Thật là tự hào khi có ai đó đến với mình, cùng đi bên cạnh mình rồi cùng lớn lên với mình. Chẳng phải chúng ta được sinh ra là để chờ đón những khoảnh khắc như thế này hay sao?

– Mẹ không muốn giấu giếm hạnh phúc của mình. – Tiếng cô gà mẹ tiếp tục thì thầm – Thậm chí mẹ muốn hét lên cho cả thế giới biết về đóa hoa nào vừa nở trong tim mẹ. Càng nhiều người biết đến niềm vui của mình, niềm vui đó sẽ được nhân lên gấp bội, con à.

Mắt Tròn mơ mơ màng màng định trả lời là nó cũng thấy như vậy nhưng giọng nói dịu dàng của mẹ nó ru nó vào giấc ngủ lúc nào không hay. Trong cơn mơ, nó thấy nó và anh chàng Cánh Cam đang tung tăng ngoài đồng cỏ với cả đống bạn bè ríu rít vây quanh. Thế giới chung quanh nó lấp lánh như vừa trang hoàng lại. Hoa kèn hồng rực rỡ. Cỏ mùa thu như một thứ mê hương.

Con gà không còn thấy xấu hổ nữa.

oOo

Con gà con chỉ mới lớn đây thôi. Nó chưa đủ từng trải để hiểu rằng tình yêu nếu không đúng cách đôi khi là một thứ thuốc độc. 

oOo

“Thắng chính mình- đó chính mới là chiến thắng vĩ đại” (bác Ngựa Ô nói với Mõm Nhọn về mẹ nó, con cáo Tia Chớp)

oOo

“Điều quan trọng không phải bác ấy cho tôi cuộc sống mà là cho tôi mục đích sống” (Bà mẹ cáo- Tia Chớp nói về bác Tai Dài)

oOo

Con gà con nghĩ cô bồ câu nói đúng, dẫu vậy nó vẫn thấy lòng đầy xáo trộn. Những ngày vừa qua nó có cảm giác nó đã lớn lên, đã bắt đầu nếm trải những buồn vui nó chưa từng biết trước đây, và thật lòng thì nó rất biết ơn những cảm giác lạ lẫm đó nhưng đồng thời nó cảm thấy bối rối khi không thể làm chính mình được nữa. 

– Con thấy con không giống chính con.

– Con chỉ không giống con của ngày hôm qua thôi. Con đang là con của bây giờ.

Mắt Tròn biết mình không thể chống lại sự thay đổi đó. Ờ, thật là khó khăn khi bắt mình phải ngủ ngon như cũ, phải cười đùa như cũ, phải suy nghĩ như cũ, tóm lại phải vô tư và bình yên như cũ.

Mắt Tròn đưa mắt nhìn quanh. Ở đằng xa kia, chỗ nhà giam, cây lộc vừng đang buông lững lờ những chuỗi hoa màu gạch cua, chốc chốc lại chao đi trong gió hệt như một tấm rèm ai treo trên nhánh lá. Trên bãi cỏ xanh bên dưới, thiên nhiên đã đính rải rác những chùm hoa ích mẫu, những cụm hoa mắc cỡ đan cài với cơ man là hoa xuyến chi và hoa sao nhái dệt nên một tấm thảm chi chít các hoa văn ngũ sắc.

Cánh Cam nói đúng, “trong vườn thiếu gì hoa”. Và Mắt Tròn công nhận tất cả loài hoa trong vườn đều đẹp. 

Nhưng nó cũng thấy một điều khác đáng công nhận không kém: Chỉ có hoa kèn hồng kia bên dòng suối kia ngoài cánh đồng kia mới có thể đánh thức giấc mơ của nó, khiến trái tim nó tưng bừng reo ca như có chim về hót.

oOo

Bạn đã từng chia tay ai chưa? Nỗi thổn thức nào ngấm vào tim bạn trong lúc đó? Những giọt buồn nào tỉ tê rơi vào lòng bạn, thì thầm như những tiếng mưa đêm? “Chia tay” là từ không ai muốn có trong từ điển của mình. Nhưng đó cũng là từ có lúc chúng ta buộc phải dùng tới nó. Có lẽ phải sống tới một tuổi nào đó mới có thể bình thản thốt ra câu “Có gì đâu!”…

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

Đơn vị xuất bản và phát hành: Nhà xuất bản Trẻ

Số trang: 336 trang, khổ sách 13cm x 20cm

Số lượng in lần đầu: Tổng cộng 100.000 bản (gồm 80 ngàn bản bìa mềm và 20 ngàn bản đặc biệt bìa cứng)

Ngày phát hành toàn quốc: 16-1-2022

Nguồn: Phòng truyền thông Nhà xuất bản Trẻ

Post Views: 3.112

Từ khóa » đọc Sách Ra Bờ Suối Ngắm Hoa Kèn Hồng