Ra Đi Lạnh Lùng

English | Vietnamese

宣化老和尚 The Venerable Master Hsuan Hua

Ra Đi Trong Mê Mờ

Pháp thoại của Hòa Thượng Tuyên Hóa tại cuộc hội thảo về Sanh Tử được tổ chức tại Vạn Phật Thánh Thành vào tháng Mười Một năm 1976.

Tỳ kheo ni Hằng Hiền dịch sang Anh ngữ.

Những gì chúng ta cố gắng làm ở chùa Kim Sơn là truyền bá pháp môn vô thượng thậm thâm vi diệu pháp của Phật Giáo cho toàn thế giới và nhân loại, khiến cho nhân loại ly khổ đắc lạc, thoát vòng sanh tử (liễu sanh thoát tử). Vì vậy Phật Giáo ở Kim Sơn Thánh Tự hoàn toàn không phải là Phật Giáo của một quốc gia nhất định. Phật Giáo mà chùa Kim Sơn truyền bá là cùng tận hư không và Pháp Giới, và là của toàn nhân loại. “Nhân Loại” trong đó bao gồm cả hai thành phần Thiện và Ác của loài người. Thiện là sanh lực của thế gian trong khi Ác là khuynh hướng chết của thế gian. Nếu quý vị muốn được trường sanh và không bao giờ già cả, thì quý vị hãy tận lực làm các việc lành. Nếu quý vị muốn chết mau hơn một chút thì làm các việc ác, và quý vị sẽ qua đời sớm hơn. Cho nên có câu nói làm thiện là một cách để sống trong khi làm ác là một cách để chết. Vì thế chúng ta nên cố hết sức mình để làm mọi việc thiện và tránh các điều ác. Như câu nói sau:

Tránh xa mọi việc ác,

Luôn làm các việc lành.

Lập công, Lập đức, và

Lập ngôn.

Thế nào là lập Đức? Là thiết lập nên mọi thứ trên thế gian để đem lợi ích cho chúng sanh. Lập Công là nỗ lực hết sức bản thân mình trong việc làm để giúp ích cho chúng sanh. Lập Ngôn là nghiên cứu học hỏi và giữ gìn những lời hay với mục đích giáo hóa chúng sanh. Đó là để lập Công, lập Đức và lập Ngôn. Đây là phía thiện của sự vật và là phía của sự sống. Tuy nhiên nếu tất cả những gì chúng ta làm đều tạo nghiệp chướng và gây nhiều lỗi lầm lớn thì đó là đi vào con đường chết vậy. Vì thế, câu hỏi về sinh tử tùy thuộc vào chuyện chúng ta làm điều thiện hay ác.

Hãy lấy ví dụ của một người làm quá nhiều điều ác. Người đời sẽ nói về anh ta như thế này: “Hắn ta quá tồi bại.” và anh ta phải gánh chịu nghiệp báo. Thí dụ nếu quý vị giết người, người ta sẽ giết lại mình. Nếu quý vị trộm cắp của người khác, thì họ sẽ trộm cắp lại quý vị, cứ như thế bao gồm các việc nói dối, tà dâm hay dùng các chất say hay các thứ khác: Khi đến thời điểm thì quý vị phải tự mình gánh lấy quả báo. Nếu không có luật nhân quả, vay trả, thì người ta có thể tha hồ tùy ý mà làm ác. Tại sao như thế? Là vì sẽ không có báo ứng. Nhưng vì có báo ứng nên khi chúng ta làm việc gì, chúng ta phải tối ư cẩn trọng tránh làm chuyện xấu. Thêm nữa, đây chính là một phương pháp để thoát sanh tử. Nếu quý vị trồng nhân lành thì quý vị được quả lành. Nếu trồng nhân ác thì sẽ gặp quả ác. Cho nên có câu nói “Nhân quả không bao giờ sai trật dù nhỏ như một cọng tóc”. Vì sự liên hệ mật thiết của nhân và quả, khi chúng ta làm việc thì nên:

Gặp điều thiện thì làm

Không phải thiện thì tránh.

Nếu là Đạo thì tiến,

Nếu không phải Đạo thì lùi.

Bằng cách này ta có thể gặt được quả tốt đẹp trong tương lai. Nếu không làm như vậy thì trong tương lai kết quả mà quý vị gặt hái được thật rất khó mà chịu đựng nổi.

Vậy thì, có phải là có một vị thần linh cai quản về nhân quả và khiến quý vị phải chịu báo ứng không? Hoàn toàn không. Có phải Đức Phật bắt quý vị chịu báo ứng không? Không có chuyện ấy. Hay là có phải vì người khác ép quý vị phải chịu nghiệp báo? Lại càng không phải vậy. Vậy làm sao có? Do chính quý vị tạo nên. Chính quý vị muốn đi theo con đường ác, và phải nhận lãnh ác báo. Nếu quý vị đi theo con đường thiện thì sẽ được quả báo lành. Cho nên có câu:

Thiện ác hai đường

Tự mình tu

Tự mình tạo nghiệp .

Dựa trên sự kiện là có nhân và quả, Bồ Tát cẩn trọng khi tạo nhân nhưng không lo sợ khi gặt quả. Trong khi đang tu học ở nhân địa, Bồ tát rất thận trọng không tạo lỗi lầm về nhân quả. Họ cương quyết chấp nhận và gánh lấy quả báo từ những lỗi lầm đã tạo ra trong quá khứ, và các Ngài không hề tìm cách để tránh các báo ứng. Ngược lại, chúng sanh thì sợ quả báo nhưng không sợ trồng nhân. Họ muốn làm gì thì làm, thả mình theo các quan hệ tình dục bất chính, không theo quy củ và chìm đắm trong dục lạc cho dù biết rõ là sai. Chúng sanh đeo đuổi chạy theo cảm xúc và không biết thận trọng. Rồi thì khi đến lúc phải gánh lấy nghiệp báo, khi các chuyện phiền não đến, họ cảm thấy không thể chịu đựng được, nhưng lúc đó đã quá trễ. Cho nên chúng sanh thì sợ quả báo nhưng không sợ trồng nhân. Họ không cẩn thận lúc ban đầu, thế nhưng khi gặt hái quả đắng thì cảm thấy khó mà chịu đựng nổi. Vì thế chúng sanh và Bồ tát thì trái ngược với nhau.

Chư Phật thì giống như chúng sanh, có nghĩa là giữa chúng sanh và Bồ tát lại càng ít có sự khác biệt hơn nữa. Họ khác nhau chỗ nào? Ở chỗ Bồ tát là chúng sanh có trí huệ trong khi chúng sanh là Bồ tát mê muội. Nếu chúng sanh chuyển hoá sự mê muội thành trí huệ thì họ sẽ là Bồ tát. Là chúng sanh có trí huệ, Bồ tát rất cẩn thận từng ly từng tý. Những người không có trí huệ thì vội vàng và bất cẩn. Họ không dựa vào lý lẽ nên làm các việc sai lầm. Giờ đây chúng ta muốn tu Đạo là để học trí huệ và chấm dứt sanh tử, chặn ngừng bánh xe của luân hồi sanh tử. "Bánh xe sanh tử" là gì? Đó là con đường của chư thiên, của loài người, A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Trở thành Thiên nhơn không phải là tối thượng. Khi đến lúc thì các vị thiên nhơn cũng phải đi đầu thai. Vào lúc ấy, nếu các căn lành của họ chín mùi thì họ sẽ có được quả báo tốt; nhưng nếu các căn ác đã đến lúc chín thì họ sẽ phải chịu các quả báo xấu. Ở trên các cõi trời, ngoài chư thiên ra còn có một loài gọi là A-tu-la, các vị này cũng có phước đức trên cõi trời nhưng không có quyền lực. Khi đến lúc họ đọa xuống đi đầu thai, thì cũng rất là tội nghiệp. Loài người chúng ta giống như là những hạt bụi li ti, lúc bay lên trên các cõi trời, lúc ở dưới trần gian, khi lên khi xuống, chúng ta là:

Bỗng nhiên làm Thiên nhơn, bỗng nhiên làm A-tu-la,

Bỗng nhiên làm người, bỗng nhiên làm ngạ quỷ,

Bỗng nhiên đọa địa ngục, bỗng nhiên làm súc sanh,

đều là rất nguy hiểm. Trên là nói về ba đường thiện.

Những người tham dự cuộc hội thảo về sanh tử chú ý lắng nghe Hòa Thượng thảo luận về sanh tử. Ở phía trước là Tỳ-kheo-ni Hằng Ẩn thông dịch, Sư cô là một trong các đồng trưởng ban của ban phiên dịch Hội Phiên Dịch Kinh Sách Phật Giáo.

Còn ba đường ác thì bắt đầu với súc sanh. Thí dụ, hãy nhìn những con chó. Chúng làm sao trở thành chó? Đó là vì trong quá khứ, tất cả những gì họ làm tương tự như những con chó làm. Cho dù họ là người nhưng họ hành xử y như chó và vì vậy trong kiếp này họ trở thành chó. Còn nữa, có một số người cảm thấy không hứng thú làm người, nhưng rất thú vị khi làm một con chó của một người giàu có, được người giàu này vuốt ve, dẫn đi với sợ dây buộc. Họ cho là làm chó tốt hơn là làm người và họ muốn trở thành chó. Còn mèo thì thích những gì mèo làm. Bò muốn sống như là bò, heo thèm được sống như heo, ngựa thì muốn xử sự như loài ngựa. Mỗi loài súc sanh trở thành các loại chúng sanh đó vì họ muốn hành xử giống như loài vật ấy. Cho nên có câu nói:

Ra khỏi bụng ngựa,

Chui vào dạ lừa,

Trước điện Diêm Vương,

Đến rồi lại đi.

Nhiều lần lui tới điện Diêm vương.

Vừa rời khỏi điện Ngọc Hòang,

Lại rơi vào chảo dầu sôi của Diêm vương.

Thật khổ thay khi làm súc sanh.

Làm ngạ quỷ lại càng khổ hơn nữa. Ngạ quỷ lúc nào cũng kiếm đồ để ăn nhưng lại không hề tìm được gì cả. Bụng chúng rất to trong khi cổ họng lại nhỏ như cây kim, do đó chúng không thể nuốt xuống được cái gì. Do quả báo của ác nghiệp của loài ngạ quỷ, cho dù thức ăn có ngon thế nào đi nữa, một khi vào trong miệng của ngạ quỷ thì đều biến thành than nóng, đốt cháy cả miệng họ, giống như chiên miếng thịt heo muối hay chiên thịt heo bằm (hamburger). Nghiệp chướng của loài ngạ quỷ quá nặng khiến ngay trên thân thể chúng mà miệng chúng có thể trở thành miếng thịt heo nướng hay thịt bò bằm. Còn về địa ngục thì có đến 18 địa ngục chính và 500 địa ngục nhỏ và còn nhiều trăm ngàn địa ngục nữa. Không ai biết đuợc là có bao nhiêu. Mỗi một người tạo nghiệp thì có riêng một địa ngục cho mình. Diêm vương hoàn toàn không có chuẩn bị trước các điạ ngục đó đâu, nó hình thành do từ cái nghiệp lực của bản thân họ. Chính quý vị làm ra loại ác nghiệp đó thì chính quý vị đến nơi đó để chịu các loại quả báo như vậy.

Tôi thấy có nhiều người đang có vọng tưởng trong tâm: “Pháp sư nói là có hàng triệu triệu câu chuyện vậy tại sao Thầy không kể câu chuyện nào cả?”. Vì quý vị có cái vọng tưởng đó nên tôi sẽ kể cho quý vị một câu chuyện có thật. Đây cũng là một câu chuyện đời xưa, không phải của thời đại ngày nay của chúng ta. Chuyện xảy ra đời nhà Đường ở Trung Hoa. Lúc đó có một nhân vật tên Đạo Kiền (1) đang làm thị giả cho vị phương trượng của một tu viện. Bình thường anh ta dụng công tu hành tinh tấn. Tuy nhiên Hoà thượng trụ trì tu hành đến mức có thể đến đi tự tại theo ý muốn. Với sự tự tại có thể đến và đi tùy ý, và quán xét thế giới này quá là ô trược, Ngài muốn ra đi rời xa thế giới dơ bẩn này và đến tịnh độ. Đó là vì thế giới của chúng ta dơ bẩn như nhà vệ sinh và con người tại đây hôi thối như loài sâu bọ trong nhà vệ sinh. Nếu có ai không tắm rửa vài ngày, mùi hôi từ trong cơ thể họ nặng không thể chịu được, thế nhưng qúy vị cứ đòi xem nó như là một báu vật. Nào là không để cho nó lạnh, không cho nó đói, không để nó bị khát, không để nó không có dịp nghỉ ngơi; Quý vị giúp cho nó như thế nhưng nó vẫn là vật hôi thối. Vì Hòa Thượng trụ trì biết là trong cái túi da hôi thúi là nước tiểu và phân, máu mủ, mọi thứ đều bất tịnh, cho nên Hòa Thượng đó không muốn tiếp tục sống trong cái nhà vệ sinh này. À, khi tôi nói “nhà vệ sinh”, tôi không muốn nói thế giới của chúng ta là nhà vệ sinh, mà cái thân thể chúng ta nó dơ bẩn như nhà vệ sinh vậy. Hòa thượng đó không muốn ở trong cái nhà vệ sinh chút nào cả, muốn ra đi nhưng thị giả của Ngài không có mặt tại chùa. Ý định ban đầu của ngài Phương Trượng là muốn đưa người thị giả của mình lên làm trụ trì. Thị giả của Ngài còn rất trẻ, khoảng độ 17 tuổi, thế mà anh ta đã đi khỏi ra ngoài tu viện. Nếu như Hòa thượng trụ trì giao chức phương trượng lại cho người thị giả trong khi anh ấy đi vắng, thì sẽ không có ai chịu tôn trọng anh ta. Vị thầy trụ trì đã không chờ đợi mà lại viên tịch, ra đi rời khỏi cái nhà vệ sinh này.

Sau khi Hòa Thượng trụ trì rời khỏi cái nhà vệ sinh này, chúng nhân trong tu viện tổ chức một cuộc bầu cử và chọn một vị thâm niên nhất trong chùa lên thế, vị này về đạo hạnh chỉ đứng thứ nhì sau thầy trụ trì mà thôi. Sau khi vị đó trở thành phương trượng thì anh thị giả mới trở về. Anh ta cũng hơi tinh nghịch vì anh nói với vị thầy trụ trì mới như vầy: “Thưa Đại Sư, lão Hòa Thượng khi xưa có ba công án. Công án thứ nhất là 'Ra đi trong ánh hào quang', thứ nhì là 'Ra đi trong khoảng một cây nhang', và thứ ba là 'Ra đi lạnh lùng'. Cuối cùng ý nghĩa của ba công án đó là gì, xin Đại sư chỉ giáo." Vị trưởng bối đó bảo: "Hãy thắp một cây nhang". Anh thị giả thắp nhang. Vị trưởng bối ngồi đó, và khi cây nhang cháy tàn chỉ còn độ một phân thì ngài qua đời. Ngài viên tịch ngay tại chỗ mình đang ngồi. Sau khi Ngài viên tịch, người thị giả Đạo Kiền hô to, "Hòa Thượng, hãy trở về! Hòa Thượng, hãy trở về! Hòa Thượng, hãy trở về!" nhưng vị Hòa thượng phương trượng đã không về. Lúc đó mọi người rất tức giận với người thị giả, họ nói: "Chú thị giả vô dụng, khi Hòa Thượng trụ trì cũ qua đời, chú không hề đau lòng, rồi khi Hòa Thượng trụ trì mới vừa mới ngồi xuống, chú cũng ép ngài từ trần". Anh thị giả đáp, "Tôi đâu có ép Ngài mất, Ngài chỉ đổi từ sống sang chết. Ngài chết cũng đáng: có thể ra đi nhưng không có thể trở lại thì cũng chưa xem là có công phu." Lúc ấy mọi người mới hỏi "Thế à, vậy chú có thể đi và rồi trở về được không?". "Cố nhiên", anh ấy đáp. Để thử anh ta liền ngay lúc đó, mọi người bảo "Vậy hãy làm cho chúng tôi xem!". Rồi thì anh ta thắp một cây nhang mới, và khi cây nhang tàn còn độ một phân thì anh ta qua đời. Sau khi anh ta mất, mọi người rất lo ngại, họ nói với nhau, "Không xong rồi, bây giờ chú ta cũng chết rồi!", và họ hô to, "Đạo Kiền ơi, hãy trở về! Đạo Kiền ơi, hãy trở về!". Mọi người hô to ba lần, và anh ta hồi sinh sống lại ngay lúc đó.

Quý vị thấy đó, có thể chết và có thể sống khi mình muốn đó chính là ý nghĩa của sự tự do tùy ý đến và đi; và đó chỉ là chuyện nhỏ thôi. Khi mọi người thấy anh ta có khả năng như thế, họ bầu anh ta lên làm phương trượng. Về sau Pháp sư Đạo Kiền giáo hóa rất nhiều người. Lý do là không mấy ai biết đến vị pháp sư này vì ông ta không có đi vòng quanh tự giới thiệu hay quảng cáo hay là làm cho mình nổi tiếng. Đó là vì người phật tử:

Có cũng như là không có

Và luôn khiêm nhường.

Họ có làm như là không có... những kẻ thật sự có đạo hạnh luôn chính mình xử sự rất là khiêm tốn. Họ không hề có chút kiêu căng hay phách lối. Cho nên đó là lý do tại sao cho dù có nhiều người cũng giống như vậy đối với pháp môn sanh tử nhưng lại ít có người biết đến.

Tôi mong rằng những người ở Tây phương có thể nghiên cứu kỹ càng về câu hỏi của sanh và tử, và càng có nhiều các vị Bồ tát phi phàm xuất chúng hiện thân hơn là ở Đông phương. Các vị Bồ tát đã đến rồi. Các vị Bồ tát đang đến đây. Quý vị thấy không, từ các hướng Bắc Nam, Đông và Tây, chư Đại Bồ Tát đang đến: Các Ngài đến để giúp truyền bá Phật pháp. Tôi vừa kể câu chuyện nhỏ này cho quý vị nghe, cho những người ao ước được nghe chuyện, để quý vị được mãn nguyện. Còn về việc quý vị có thể làm mãn nguyện của tôi hay không thì tôi sẽ không để tâm đến.

Bây giờ hình như có người lại có vọng tưởng, "Làm sao mà họ có thể tự do đến và đi tùy ý như vậy, có thể sống và chết tùy theo lựa chọn của mình? Có gì đằng sau việc ấy?". À, để tôi hỏi trước đã, có phải là có người có ý nghĩ ấy hay là tôi đã nhìn lầm? (Một số người thú nhận là có cái vọng tưởng như thế). Vậy thì tôi đã không nhìn lầm, phải không? Bây giờ tôi sẽ trả lời cho vọng tưởng quý vị. Đó là vì họ đã diệt trừ dục vọng. Họ đã đoạn dục khử ái. Họ không có một chút ý nghĩ nào về dâm dục, cho nên họ được tự do về sanh tử. Bất kỳ ai có thể cắt bỏ dâm dục, ngay cả ý niệm về nó, thì có thể đạt được sự tự do về sanh và tử. Với "vô lậu" quý vị có thể trở về nguồn, quay về với tự tánh. Nếu quý vị có thể làm được như vậy, thì quý vị sẽ tự tại với sống và chết. Có người đang nghĩ "Tôi làm không được". Vậy thì quý vị không thể tự tại với sanh tử.

Ghi chú:

(1) Đạo Kiền 道虔

.

Từ khóa » đi Lạnh Lùng