Ra Mắt Kỷ Yếu Sự Kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đi Tìm ...

Đây là những kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm chuẩn bị cho hội thảo với chủ đề "Sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước. Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại", nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021) và Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hội thảo dự kiến tổ chức vào tháng 6/2021, tuy nhiên do tình hình dịch COVID-19, không diễn ra như dự kiến ban đầu.

Cuốn Kỷ yếu với gần 1.000 trang, tập hợp 110 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học, lão thành cách mạng

Cuốn Kỷ yếu Sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước là công trình đồ sộ với 110 bài viết, dày gần 1.000 trang đã tái hiện một cách chân thực và đầy đủ hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, cũng như ý nghĩa của sự kiện đó đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Kỷ yếu bao gồm 4 phần nội dung:

Phần I: “Từ Thành phố này Người đã ra đi”

Tập trung vào các vấn đề: Bối cảnh lịch sử trong nước và thế giới thời điểm Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước; Những nguyên nhân Nguyễn Tất Thành lựa chọn Sài Gòn là điểm khởi đầu trên hành trình tìm đường cứu nước của mình; Dấu ấn của thương cảng Sài Gòn và vị trí cầu tàu nơi con tàu Amiral Latouche Tréville đưa Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước...

Theo đó, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là giai đoạn có nhiều biến động của lịch sử thế giới và Việt Nam. Trên thế giới, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn độc quyền (chủ nghĩa đế quốc) và ra sức đàn áp, bóc lột nhân dân lao động trong nước, đẩy mạnh xâm lược, áp bức nhân dân các nước thuộc địa. Ở Việt Nam, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp nổ ra mạnh mẽ nhưng đều lần lượt thất bại. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, lại chứng kiến những bất công, lầm than, cơ cực mà người dân phải gánh chịu, Nguyễn Tất Thành thấu hiểu nỗi khổ của cảnh nước mất nhà tan. Từ trong huyết quản truyền thống yêu nước của dân tộc, truyền thống quê hương và gia đình đã từng bước thôi thúc Nguyễn Tất Thành đi ra nước ngoài, đến với các nước phương Tây để tìm đường cứu nước. Quá trình chuẩn bị cho dự định đó đã đưa Nguyễn tất Thành đến với cảng Sài Gòn. Có thể thấy, Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh là nơi Nguyễn Tất Thành dừng chân không lâu, nhưng đây lại là nơi có vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến quyết định xuất ngoại tìm đường cứu nước của Người. Ngày 5/6/1911, với tên gọi Văn Ba, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời cảng Sài Gòn, tạm biệt Tổ quốc để khởi đầu hành trình 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước.

Phần II: Hành trình tìm đường cứu nước

Vượt qua ba đại dương, bốn châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ, trải qua những năm tháng lao động kiếm sống, hòa mình vào cuộc sống của những người dân lao động, Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh nhận thấy: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột” và Người hiểu được thực chất những gì ẩn giấu đằng sau khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của Pháp. Bên cạnh những thay đổi về nhận thức, Nguyễn Tất Thành đã tiếp thu những tinh hoa, văn hóa của Phương Đông và phương Tây để làm giàu có thêm vốn tri thức của bản thân. Tất cả những hoạt động đó đã góp phần quan trọng đưa Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc từng bước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, chân lý của thời đại.

Để thể hiện nội dung trên, Phần II của Kỷ yếu được các nhà khoa học tập trung vào các vấn đề như: Các công việc Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc đã làm trong 30 năm tìm đường cứu nước (1911-1941); Việc học và sử dụng ngoại ngữ của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc; Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh với việc sử dụng báo chí là phương tiện đấu tranh cách mạng; Những tác phẩm lớn của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc trong 30 năm hoạt động ở nước ngoài (1911-1941); Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc với các tổ chức chính trị trên thế giới trong hành trình tìm đường cứu nước (1911-1941).

Phần III: “Người đi tìm hình của nước”

Sau 10 năm tìm hiểu thế giới, hòa mình vào cuộc sống lao động và chiến đấu của giai cấp vô sản, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, hướng niềm tin vào Quốc tế Cộng sản và quyết định đưa cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đã đấu tranh, bảo vệ và vận dụng sáng tạo đường lối của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, sáng lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam; Người tổ chức và lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trở thành vị Tổng chỉ huy tài ba và là ngọn cờ kêu gọi, tập hợp sức mạnh toàn dân, lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đưa nước Việt Nam bước vào thời kỳ mới, đi lên chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở đó, Phần III của Kỷ yếu tập trung vào các nội dung chính: Những nhận thức của Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh về thế giới và kẻ thù của dân tộc (1911-1945); Thời kỳ khảo sát, nghiên cứu các học thuyết trên thế giới và đến với chủ nghĩa Lênin của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc (1911-1920); Thời kỳ hoạt động với tư cách là một chiến sĩ cộng sản và chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (1920-1930); Thời kỳ Nguyễn Ái Quốc vượt qua những khó khăn, thử thách và sự kiên định về tư tưởng, quan điểm của Người về cách mạng giải phóng dân tộc (1931-1940); Thời kỳ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1941-1969).

Phần IV: Hồ Chí Minh sống mãi

Đã 110 năm trôi qua kể từ ngày thành phố Sài Gòn-Gia Định trước đây, nay là TP.HCM tiễn chân người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ngày 5.6.1911 bắt đầu hành trình đi tìm chân lý cho dân tộc đến khi trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam năm 1941 và sau này trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người chưa một lần được quay trở lại nơi đây. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bàn tay lên ngực trái với câu nói xúc động nghẹn ngào thể hiện tình cảm với đồng bào Nam Bộ luôn còn mãi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Đất nước được thống nhất, nhân dân Sài Gòn vinh dự và tự hào khi Thành phố được mang tên Bác kính yêu - Thành phố Hồ Chí Minh. Tư tưởng, tấm gương đạo đức cao đẹp cùng những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và quốc tế là di sản quý báu của toàn Đảng, toàn dân ta, là niềm tự hào, nguồn cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam. Chính vì vậy, công tác giữ gìn, phát huy giá trị những di tích và địa điểm di tích, các công trình tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP. Hồ Chí Minh cũng như trong cả nước và trên thế giới có vai trò vô cùng quan trọng.

Phát biểu khai mạc tại buổi họp báo ra mắt Kỷ yếu, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP. Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận, cho biết trong những năm qua, đã có nhiều công trình khoa học, hội thảo, đề tài đi sâu nghiên cứu về sự kiện này cũng như cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với những ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng của sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước, cũng như giá trị của cuộc hành trình đó và những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn. "Thành phố Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh là nơi dừng chân trong khoảng thời gian không dài, song lại là nơi có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đúng như nhận định của nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu: "Nếu Sài Gòn không phải là chỗ gợi ý thì cũng là nơi định đoạt dứt khoát thái độ của Bác", để Người quyết định phải sang Pháp và các nước phương Tây, chứ không phải hướng về phương Đông như một số nhà yêu nước tiền bối. Trong mọi giai đoạn cách mạng, vùng đất này luôn xứng đáng với vị trí lịch sử quan trọng của mình", ông Thuận nhấn mạnh.

TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh bày tỏ, Ban Tổ chức rất vui mừng và vinh dự khi nhận được 128 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học từ nhiều cơ quan, đơn vị và cơ sở đào tạo trong cả nước. Mỗi tham luận là một kết quả nghiên cứu công phu, nghiêm túc, là tâm huyết của các tác giả, thể hiện một cách cụ thể và sâu sắc niềm kính yêu vô hạn đối với Bác. Tuy nhiên, để tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong dịp kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ kính yêu ra đi tìm đường cứu nước (1911-2021), Ban Tổ chức đã thống nhất chọn ra 110 bài tham luận để đăng trong Kỷ yếu. Những tham luận với các góc độ nghiên cứu, phân tích khác nhau, song đều góp phần khẳng định: Đã 110 năm trôi qua kể từ ngày Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước, nhưng ý nghĩa to lớn của sự kiện ấy vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt, những di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại đã, đang và sẽ mãi là ngọn đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, từng bước xây dựng đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai với các cường quốc năm châu” đúng như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Với sự đầu tư công phu, tập hợp trí tuệ và tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà khoa học…, có thể khẳng định, cuốn Kỷ yếu góp phần giúp độc giả có thêm những hiểu biết toàn diện, sâu sắc trong quá trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua đó, tiếp tục khẳng định ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của sự kiện ngày 5/6/1911 và hành trình đi tìm đường cứu nước của Người; góp phần lan tỏa sâu rộng hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến các thế hệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước cũng như bạn bè quốc tế.

Từ khóa » Nguyễn Tất Thành Ra đi Tìm đường Cứu Nước Trong Bối Cảnh đất Nước Như Thế Nào