Ra Mắt Sở Giao Dịch Chứng Khoán Việt Nam: Hướng Tới Một Tầm ...

Cần một Sở giao dịch thống nhất

Theo TS. Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), thị trường chứng khoán ra đời với việc chính thức đi vào hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) năm 2000, và sau 5 năm, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) được thành lập.

Từ khi hình thành đến nay, mỗi Sở đều có những nhiệm vụ tương đối độc lập, hỗ trợ và bổ sung cho nhau, tạo ra một thị trường chứng khoán toàn diện và tổng thể, từng bước tiếp cận tới chuẩn mực quốc tế về sản phẩm như chúng ta thấy hiện nay. Điểm đáng ghi nhận là từ khi thành lập đến nay, cả hai Sở đều đạt được các mục tiêu đề ra và đạt được nhiều thành quả rất tích cực, giúp cho thị trường chứng khoán ngày càng phát triển, thể hiện được vai trò kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, qua quá trình phát triển, cùng với sự điều chỉnh cho phù hợp từng giai đoạn, thị trường chứng khoán Việt Nam cần có những giải pháp căn cơ hơn để xử lý những nhu cầu đổi mới mà thực tiễn đề ra, trong đó có vai trò của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, việc hợp nhất, sáp nhập các Sở giao dịch là xu thế quốc tế và theo quy luật khách quan, tự nhiên. Ở nhiều quốc gia, việc hợp nhất các Sở Giao dịch không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, mà còn mang tính đa quốc gia, khu vực. Vì thế, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cần có một Sở giao dịch thống nhất thị trường giao dịch để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và tăng vị thế, từ đó hỗ trợ việc thu hút tốt hơn các dòng vốn quốc tế vào nền kinh tế.

Ra mắt Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam: Hướng tới một tầm cao mới -0
TS. Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX)

Chính vì vậy, việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cũng đã được đặt ra trong “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020” và “Đề án Tái cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến 2025”. Mới đây nhất là Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam là hiện thực hóa chủ trương có trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán mà Chính phủ đã đề ra trước đó.

Hướng tới một tầm cao mới

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam ra đời là cần thiết để thống nhất về tư duy, chiến lược phát triển; về mô hình quản trị; cơ chế quản lý, giám sát; giải pháp phát triển thị trường theo sản phẩm và dịch vụ;… Điều này kỳ vọng sẽ góp phần giúp thị trường chứng khoán phát triển lên một tầm cao mới, tăng trưởng mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu, cũng như tăng cường kết nối tốt hơn với các thị trường khu vực, quốc tế, thúc đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ Nhà nước giao phó, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã đề ra triết lý phát triển, làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình và các công ty con gồm 2 bản sắc, 3 phương châm, và 4 trụ cột.

Theo Quyết định 37/2020/QĐ-TTg, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam được thành lập theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại HNX và HOSE. Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam xác định bản sắc đầu tiên là kế thừa những giá trị cốt lõi và phát triển những thành quả đạt được của 2 Sở con. Thứ hai, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam phải tích hợp những triết lý phát triển của 2 Sở để tạo ra được giá trị phát triển mới, nâng tầm phát triển trong giai đoạn mới chứ không phải đơn thuần chỉ là một phép cộng cơ học.

Ra mắt Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam: Hướng tới một tầm cao mới -0
Mô hình Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu đó, TS. Nguyễn Thành Long cho biết đã đưa ra 3 phương châm hoạt động: đặt khách hàng là trung tâm; lấy công nghệ, sáng tạo đột phá làm trọng tâm; hoạt động dựa trên nền tảng công bằng, công khai và minh bạch.

Khi đặt khách hàng là trung tâm, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cùng với các công ty con sẽ phát triển sản phẩm, dịch vụ, tiện ích phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của nhà đầu tư, trong đó chú trọng các cơ chế, phương thức giao dịch. Thậm chí các sản phẩm cũng cần thiết kế cho phù hợp với từng loại hình của nhà đầu tư. Có nghĩa là, cần thiết xây dựng những mảng thị trường riêng biệt cho từng khối nhà đầu tư, căn cứ vào khả năng chấp nhận rủi ro, vừa hỗ trợ tổ chức phát hành gia tăng cơ hội huy động vốn, vừa giúp nhà đầu tư lựa chọn sản phẩm cho phù hợp mình. Ngoài ra, các tiêu chuẩn, tiêu chí, yêu cầu về quản trị công ty, quản trị rủi ro, công bố thông tin và minh bạch… sẽ được thống nhất và nâng cao tiếp cận các chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường.

Việc lấy công nghệ, sáng tạo đột phá làm trọng tâm cũng là một thách thức rất lớn đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, nhưng cũng là nhu cầu cho sự phát triển một thị trường tài chính hiện đại, nhất là trong bối cảnh công nghệ 4.0, với sự giao thoa, tích hợp giữa các sáng tạo tài chính và sáng tạo công nghệ. Thị trường cần một hạ tầng công nghệ hiện đại, tích hợp toàn diện, có tính mở, thường xuyên cập nhật, theo kịp bước tiến công nghệ và sự phát triển của dịch vụ tài chính.

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con phải hoạt động dựa trên nền tảng công bằng, công khai và minh bạch. Đây vừa là quy định vừa là nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán.

Đồng thời, để hiện thực hóa được 3 phương châm trên, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cũng đã đề ra 4 trụ cột để hoạt động hiệu quả: Cầu bền vững; Cung chất lượng; Định chế trung gian chuyên nghiệp; Thể chế theo quy luật thị trường và hội nhập quốc tế.

Như vậy, định hướng hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con sẽ có nhiều điểm mới, mang tính đột phá hơn, trong đó điểm nhấn là “trọng cung và trọng cầu”, sẽ mang tính thị trường nhiều hơn, bên cạnh các giải pháp khác để hoàn thành nhiệm vụ mà cơ quan quản lý đề ra.

Khẩn trương kiện toàn bộ máy

Theo ông Nguyễn Thành Long, kể từ khi có quyết định thành lập có hiệu lực từ ngày 20/2/2021 đến nay, cùng với việc kiện toàn bộ máy, tổ chức, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã hoàn thiện 7 quy chế nghiệp vụ (Quy chế niêm yết; quy chế đăng ký giao dịch; quy chế thành viên; quy chế công bố thông tin; quy chế công bố thông tin trên chuyên trang điện tử về doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp; quy chế về giao dịch hợp đồng tương lai) và 1 kế hoạch (tái cấu trúc thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp). Như vậy, chỉ trong vòng khoảng 3 tháng, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cơ bản đã hoàn thành các văn bản về hoạt động nghiệp vụ và kỳ vọng sẽ được ban hành sớm ngay trong tháng 12 này.

Đối với hoạt động niêm yết, đăng ký giao dịch, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã dự thảo các quy định nhằm thống nhất các giải pháp kỹ thuật về cơ chế, phương thức giao dịch cho thị trường hiện nay như: lô, biên độ giao dịch,… trên cả hai Sở Giao dịch chứng khoán. Các văn bản này đã được xây dựng và báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt trước khi ban hành. Đối với hoạt động quản lý thành viên, công tác quản lý thành viên sẽ được thống nhất, tiết giảm thủ tục hành chính và các hoạt động kết nối kỹ thuật, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của thành viên.

Vì vậy, dù ngày 11/12/2021, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam mới chính thức tổ chức lễ ra mắt, nhưng trước đó, kể từ khi thành lập đến nay, hàng loạt công việc quan trọng đã được Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tập trung, đẩy mạnh triển khai quyết liệt.

Dự kiến sang năm 2022, hệ thống quy chế này sẽ được chính thức áp dụng và triển khai thực hiện. Đồng thời, năm 2022, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục kiện toàn về tổ chức, bộ máy; đồng thời, sẽ bắt tay vào việc xây dựng các bài toán nghiệp vụ cho hệ thống công nghệ thông tin để đạt được các mục tiêu, phương châm đã đề ra.

“Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện bộ máy tổ chức tinh gọn, đồng thời chuyên nghiệp hóa chức năng vận hành quản lý thị trường, kết hợp việc áp dụng chuẩn mực quốc tế cao nhất để năng cao sự cạnh tranh cho Sở và cho thị trường chứng khoán Việt Nam Nam nói riêng.

Ngoài ra, đối với thị trường, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam coi nhà đầu tư và tổ chức niêm yết là trung tâm của mọi hoạt động quản lý, vận hành, giám sát, để bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho nhà đầu tư”.

- ông Nguyễn Thành Long.

Từ khóa » Sở Giao Dịch Chứng Khoán Việt Nam