Ra Tài Liệu Biển Đông, Mỹ Tung đòn Pháp Lý Với Trung Quốc
Có thể bạn quan tâm
Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/1 công bố tài liệu nghiên cứu cho biết Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền phi pháp hoặc một số hình thức "thẩm quyền riêng" đối với hầu hết Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc "ngừng các hoạt động trái pháp luật và cưỡng chế trên Biển Đông".
"Báo cáo số 150 về các ranh giới biển" là tài liệu 47 trang, đóng vai trò như bản cập nhật của một nghiên cứu tiến hành năm 2014, trong đó bác bỏ cái gọi là "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Báo cáo thể hiện quan điểm nhất quán của Washington từ trước đến nay về vấn đề Biển Đông: Mỹ không can thiệp vào tranh chấp chủ quyền ở khu vực, chỉ phản bác các yêu sách trên biển mà họ cho là không phù hợp với luật quốc tế. Điểm mới ở báo cáo lần này là cách phía Mỹ dẫn dắt đến kết luận của mình", thạc sĩ Phạm Ngọc Minh Trang, giảng viên về luật biển tại Khoa Quan hệ Quốc tế - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, nói với VnExpress.
Dựa phần lớn vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), nghiên cứu này phản bác 4 phương diện trong các "tuyên bố hàng hải" của Trung Quốc trên vùng biển gồm: Tuyên bố chủ quyền trên thực thể biển, đường cơ sở, các vùng biển (nội thủy, lãnh hải, vùng cận lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa), cùng khái niệm "quyền lịch sử".
Theo bà Trang, đây là báo cáo đầu tiên của Mỹ cung cấp các bằng chứng rõ ràng về địa lý lẫn địa chất học đối với những thực thể trên Biển Đông. Trong báo cáo, Mỹ đã đưa ra các bản đồ minh họa và số liệu chi tiết, khoa học về tỷ lệ biển và đất của những khu vực trong bốn nhóm đảo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
"Ngôn ngữ báo cáo được thể hiện rất mạch lạc, chính xác và súc tích. Do đó, báo cáo không chỉ dễ đọc và chia sẻ trong cộng đồng học giả, mà còn có thể lan tỏa rộng hơn đến những ai quan tâm. Đây là cách Mỹ tung đòn phản bác vào các lập luận pháp lý của Trung Quốc về Biển Đông", bà nhấn mạnh.
Giới chức Trung Quốc nhiều lần biện hộ rằng một số hành động của nước này ở Biển Đông nằm ngoài khuôn khổ UNCLOS, nhưng thuộc phạm vi điều chỉnh của những "luật lệ khác" trong hệ thống luật pháp quốc tế.
Tài liệu nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định cách lập luận của Trung Quốc vô giá trị, theo bà Trang, bởi trên thực tế không có bất cứ điều khoản luật quốc tế nào khác ủng hộ quan điểm và cách hành xử của Trung Quốc.
Bà lưu ý Toà Trọng tài Thường trực đã bác bỏ cơ sở pháp lý trong tuyên bố của Trung Quốc về "quyền lịch sử" ở Biển Đông. Nghiên cứu mới của Mỹ cho rằng Trung Quốc không công bố thêm cách giải thích mới nào về "quyền lịch sử", và do đó Mỹ giữ nguyên lập trường rằng tuyên bố về quyền lịch sử là trái với UNCLOS.
Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP HCM và nhà nghiên cứu về Biển Đông, cho biết tài liệu của Mỹ đã tập trung liệt kê và phân tích, phản bác những lập luận không chính xác mà phía Trung Quốc đưa ra liên quan đến Biển Đông. Phía Mỹ chủ yếu nhắm vào những lý lẽ mà Hội Luật quốc tế Trung Quốc đưa ra trong một bài báo hơn 100 trang chống lại phán quyết Biển Đông của Toà Trọng tài Thường trực năm 2016, được công bố trên tạp chí chuyên ngành bằng tiếng Anh.
Ông lưu ý do Trung Quốc từ chối chấp thuận phán quyết Biển Đông, lập luận của tổ chức này thực chất phản ánh quan điểm chính thức của Bắc Kinh về phán quyết, do đó Mỹ đã nhắm trúng cả hai đối tượng cần phản bác.
Theo chuyên gia này, Trung Quốc trong năm qua liên tục có các hoạt động xâm phạm vùng biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia. Bắc Kinh thậm chí còn ngang ngược gửi thư công khai yêu cầu Indonesia dừng thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, với luận điệu khu vực đó thuộc "đường 9 đoạn", bất chấp thực tế phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài Thường trực đã bác bỏ yêu sách.
Nghiên cứu được Mỹ công bố vào thời điểm một số người ở Washington cũng như trong giới nghiên cứu quốc tế gần đây lo lắng rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể tìm một chính sách ngoại giao thỏa hiệp hơn với Trung Quốc. Điều đó đòi hỏi Mỹ phải có một động thái chính sách ngay trước kỳ họp sắp tới của ngoại trưởng các nước ASEAN.
Ông nhận định báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ giúp cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN, tự tin hơn khi lên tiếng đối với các hoạt động sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Nghiên cứu thể hiện thông điệp của chính quyền Biden đối với Trung Quốc cũng như toàn bộ thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á, rằng chính quyền Mỹ dù có thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ thì chính sách của Mỹ với vấn đề Biển Đông sẽ không thay đổi", ông Việt đánh giá. "Mỹ sẽ không dễ dàng chấp nhận Trung Quốc muốn thay đổi trật tự trên biển theo cách Bắc Kinh muốn".
Nghiên cứu bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" được Mỹ công bố không chỉ nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia Việt Nam mà cả cộng đồng học giả quốc tế.
Theo chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam của Singapore, báo cáo là động thái mới nhất cho thấy Mỹ đã dịch chuyển dần từ cách tiếp cận chủ yếu bằng góc độ quân sự dưới thời chính quyền Donald Trump sang chủ trương sử dụng vũ khí "chính trị và pháp lý" nhằm đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông dưới thời Biden.
Ông cũng chỉ ra rằng việc công bố nghiên cứu vào thời điểm các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) không đạt được đột phá có thể là cách để Mỹ định hình và tác động tới tiến trình này.
"Các quốc gia châu Á sẽ rất quan tâm tới nghiên cứu trên. Nội dung và dữ liệu trong nghiên cứu sẽ rất hữu ích trong việc củng cố lập trường của các thành viên ASEAN trong đàm phán với Trung Quốc", Koh nhận định.
Bình luận về động thái này của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 14/1 cho biết liên quan đến các tranh chấp tại Biển Đông, Việt Nam nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán và rõ ràng rằng "luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS".
"Việt Nam một lần nữa đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đóng góp tích cực và thực chất nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tính toàn vẹn của UNCLOS và trật tự dựa trên luật lệ", bà Hằng nhấn mạnh.
Thanh Danh
- Việt Nam lên tiếng về tài liệu Mỹ bác 'đường 9 đoạn' ở Biển Đông
- Mỹ ra tài liệu bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
- Ra dự luật trừng phạt, Mỹ tăng áp lực Biển Đông với Trung Quốc
- Luật hàng hải Trung Quốc 'ngang ngược và sai trái'
- Giá trị của phán quyết Biển Đông sau 5 năm
Từ khóa » Công Bố Biển đông
-
Biển Đông: Mỹ Cập Nhật Bản “cáo Trạng” Về Yêu Sách Chủ Quyền Của ...
-
Báo Cáo Mới Nhất Của Mỹ Về Biển Đông Có Gì Mới? - Tuổi Trẻ Online
-
Mỹ Công Bố Tài Liệu Bác Bỏ Yêu Sách Phi Pháp Của Trung Quốc ở ...
-
Tranh Chấp Chủ Quyền Biển Đông – Wikipedia Tiếng Việt
-
[PDF] Bản Tóm Tắt Các điểm Chính
-
Mỹ Giải Thích Lý Do Công Bố Báo Cáo Mới Nhất Về Biển Đông
-
Mỹ Ra Tài Liệu Bác Yêu Sách Của Trung Quốc ở Biển Đông - VnExpress
-
Nghiên Cứu Của Bộ Ngoại Giao Mỹ Bác Yêu Sách Của TQ ở Biển Đông
-
Mỹ Công Bố Tài Liệu Bác Yêu Sách Trung Quốc ở Biển Đông - NLD
-
Biển Đông | VOA Tiếng Việt
-
Bộ Ngoại Giao Mỹ Công Bố Nghiên Cứu Bác Yêu Sách Phi Pháp Của ...
-
Mỹ Ra Tài Liệu 47 Trang Bác Bỏ Yêu Sách Của Trung Quốc ở Biển Đông
-
Biển Đông: Mỹ ủng Hộ Philippines Phản đối Trung Quốc - BBC
-
Việt Nam Ghi Nhận Mỹ Ra Báo Cáo Bác Yêu Sách Của Trung Quốc ở ...