Rắn “bò” Vào Thành Ngữ Dân Gian - VNU

TG: PGS.TS Phạm Văn Tình - NGUỒN: Bản tin số 262-263 – VNU Media
Rắn “bò” vào thành ngữ dân gian
Người tuổi Tị được cho là “cầm tinh” con rắn. Rắn là loài vật có ích về nhiều mặt: ăn chuột bọ bảo vệ mùa màng, thịt ngon bổ, nọc độc làm thuốc... Rất nhiều loài rắn đang nằm trong danh mục “sách đỏ” cần bảo vệ. Tuy nhiên, trong cuộc sống, rắn lại là con vật đáng sợ hơn là đáng yêu. Điều này thể hiện rất rõ trong các thành ngữ tiếng Việt có liên quan tới “rắn”: miệng hùm nọc rắn, ác như rắn hổ mang, cõng rắn cắn gà nhà, đánh rắn phải đánh giữa khúc, rắn đổ nọc cho lươn, khẩu phật tâm xà,...

>>>> Bản tin số 262-263 (pdf) >>>> Rắn “bò” vào thành ngữ dân gian (pdf) LEN LÉT NHƯ RẮN MÙNG NĂM Theo dân gian ta, ngày 5 tháng năm âm lịch, còn gọi là Tết Đoan Ngọ, là ngày “diệt sâu bọ”. Người ta làm bánh trái, đồ xôi, nấu chè, bày hoa quả cúng tế để tẩy trừ “sâu bọ” có hại cho cây cối, mùa màng và đời sống nói chung. Bây giờ, cứ đến ngày mồng 5 tháng năm âm lịch, từ sáng sớm, chúng ta đã nghe tiếng rao mời mua hoa quả, rượu nếp cái… vang lên khắp ngõ xóm, phố phường. Các cụ thường giục con cháu dậy, phải “tịnh tâm”, chưa ăn sáng vội mà phải ăn chút rượu cái với vài thứ quả (mận, vải, đào,…) để “giết giun sán, sâu bọ”. Không rõ là Tết “diệt sâu bọ” ở xứ ta và ngày giỗ Khuất Nguyên (vào ngày Đoan Ngọ) ở bên Trung Quốc liên quan tới nhau không, riêng ở Việt Nam ta thì theo tục truyền rằng, ngày xưa, người Việt cổ, vào ngày 5 tháng năm thường đi tìm rắn để giết vì rắn rết dù là loài bò sát nhưng vẫn bị coi là sâu bọ tai ác. Khi vụ chiêm đến, thời tiết sang hè ấm áp, rắn rết thường bò khỏi hang để kiếm mồi. Vì vậy mà bị người ta phát hiện, tìm diệt, cứ là loài bò sát là bị dân tình đuổi giết. Và thật oái oăm, anh chàng thằn lằn vốn hiền lành chịu khó, chẳng làm hại ai cũng chịu cảnh oan uổng đó: Đảo chân ai chẳng dám chầy Thằn lằn len lét ẩn ngày mùng năm (Thiên Nam ngữ lục) Dân gian còn cho rằng, riêng trong ngày mùng 5 tháng năm, tất cả các con rắn đều nép mình ở trong hang không dám ngóc đầu lên (len lét) vì sợ bị giết chết. Ngày này, người ta nói rắn rất sợ người và trốn đi biệt tăm hết cả. Nhất là đến giờ ngọ, khó mà nhìn thấy một con rắn hay chú thằn lằn nào bén mảng ra cánh đồng hay vào thôn xóm. Bây giờ, thành ngữ len lét như rắn mùng năm chỉ diện mạo, thái độ hay cách thức ứng xử của những ai đó hay sợ sệt (có thể vì một lí do nào đấy): “Cái nhà bác phó cạo tội nghiệp ấy, khi đi làm thì “thiên hô bát xát” một tấc đến giời, về đến nhà, trước mặt vợ len lét như rắn mùng năm” (Kim Lân, Con chó xấu xí). Thường đó là thái độ của những người nhu nhược, sợ những người cấp trên có quyền hành hoặc những người nắm sinh mệnh (kinh tế, chính trị) của mình một cách trực tiếp. Ta hãy xem cảnh đám cường hào làng Đông Xá (trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố) đang hầu quan huyện về “thăm”: “Phó hội, thủ quỹ đối chọi nhau với thư kí, chưởng bạ, mỗi người khoanh tay đứng dựa một cột, dáng điệu len lét như rắn mùng năm”. Có lẽ bây giờ, câu thành ngữ len lét như rắn mùng năm chỉ còn là… thành ngữ. Cũng bởi các loài rắn rết đã ít đi nhiều. Nếu có chú nào xuất hiện thì hoặc bị đánh chết, hoặc bị tóm bán cho các nhà hàng đặc sản. Vậy thì chả cần đến mồng 5 tháng năm, ngày nào trong năm loài bò sát này cũng sẽ “len lét” cả: Tội cho lũ rắn nhà ta Nếu mà tóm được sẽ ra... nhà hàng... CÕNG RẮN CẮN GÀ NHÀ Rắn và gà là hai loài vật bình thường trong cuộc sống. Gà thì chắc hẳn không lạ gì với mọi người. Ở nông thôn thì đi đâu ta cũng thấy gà. Gà trong mỗi gia đình, mỗi xóm làng. Ở quê, cứ vào khoảng giữa đêm về sáng là lũ gà trống đã thi nhau gáy vang cả một vùng: Nửa đêm tỉnh dậy đi ca/ Lắng nghe gà gáy xóm xa vọng về. Còn ở đô thị, gà nuôi tại gia có ít hơn. Nhưng ta vẫn có thể bắt gặp gà khi vào chợ hoặc đôi lần được người ở quê mang lên biếu, làm quà. Gà quả là con vật gần gũi, thân thiết và có ích (nuôi lấy trứng, thịt và lông, lại gáy vui nhà...). Còn rắn thì ta ít gặp hơn. Rắn là loài bò sát chuyên sống chui lủi trong bụi rậm, trong rừng. Chúng luồn lách rất giỏi, kiếm ăn bằng cách tấn công con mồi bằng nọc độc. Rắn có cái đầu bạnh ra với cái lưỡi dài luôn vươn về phía trước khi di chuyển nom rất sợ. Nọc rắn, nhất là loại rắn độc (như hổ mang, rắn lục...), có thể giết chết bất kì con thú nào to lớn hơn nó gấp nhiều lần. Ngay cả con người chúng ta khi bị rắn cắn, nếu không kịp thời cứu chữa cũng rất có thể bị tử vong hoặc để lại di chứng tai hại. Miệng hùm nọc rắn đều đáng sợ như nhau. Chính vì vậy mà rắn được coi là hình ảnh của sự độc ác nham hiểm, là tâm địa của kẻ xấu quen hại người khác. Ai đó mà bị mắng là “đồ rắn độc” thì đó quả là kẻ xấu xa, hiểm độc, chớ có đụng vào! Gà sống chung thành đàn và chúng thường thể hiện một thái độ thân thiện với nhau trong mọi hoạt động bầy đàn: cùng đi kiếm ăn, cùng gọi nhau về chuồng và cũng giúp nhau chống lại kẻ thù xâm hại. Không ít cô gà mái hiền lành, chịu khó sẵn sàng xù lông xù cánh xông vào đánh nhau với lũ diều hâu hay quạ khoang khi chúng sà xuống bắt lũ gà con. Chính vì thế mà gà luôn được chọn làm biểu trưng cho sự tốt bụng, thân ái, đoàn kết. Đây chính là căn cứ hình thành nên ngữ nghĩa của thành ngữ “cõng rắn cắn gà nhà”, nhằm chỉ ai đó có “hành động phản bội dân tộc, phản bội Tổ quốc, cam tâm bán rẻ danh dự, tiếp tay cho bọn giặc, đưa chúng về giết hại đồng bào, đồng loại”. Sử sách còn ghi Trần Ích Tắc (tức Chiêu Quốc Vương, 1254-1329), vốn là dòng dõi nhà Trần (con Trần Thái Tông), không những không cùng vua cha hợp sức chống quân Nguyên mà đã cùng vợ con sang hàng giặc, được Hốt Tất Liệt trọng dụng để hợp sức chống quân ta. Đó quả là hành động “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về giày mả tổ” đáng hổ thẹn. Lịch sử dân tộc ta đã ghi nhận nhiều tấm gương anh hùng, xả thân vì nước. Lịch sử cũng còn ghi lại nhiều kẻ ham công danh phú quý mà cam tâm làm tay sai bán nước, phản bội đồng bào đồng chí. Những kẻ đồng hành cùng “rắn độc”, khom lưng cõng rắn về giết hại “đàn gà” đang sống yên bình kia thật đáng lên án: Cõng rắn về cắn gà nhà                     Nghìn thu tội với sơn hà còn đeo...                                            (Bài ca chiến đấu) VẼ RẮN THÊM CHÂN “Các cậu chỉ bày đặt linh tinh. Cần gì phải cắt thêm hoa giấy trang trí, làm xấu cả mấy lẵng hoa tươi đang đẹp thế kia? Mất thời gian vô ích, có khác nào vẽ rắn thêm chân” (Hoa Học Trò). Chúng ta thường hay nghe nói tới thành ngữ vẽ rắn thêm chân với nghĩa là “vẽ vời, bày đặt thêm những thứ không cần thiết, làm cho sự việc thêm rắc rối, phiền phức”. Trong cuộc sống, đúng là có nhiều người, trong một hoàn cảnh nào đó, cứ thích làm cho thực tế vốn nhẹ nhàng, đơn giản lại trở nên phức tạp và nhiêu khê, gây khó chịu cho người khác. Nhưng tại sao “anh chàng rắn” kia lại được lôi vào để diễn tả ngữ nghĩa của câu thành ngữ này nhỉ? Theo “Điển cố văn học” thì câu thành ngữ trên bắt nguồn từ một sự tích từ xa xưa. Câu chuyện xảy ra cách đây tới hàng trăm năm, ở một ngôi đền cổ bên Trung Quốc (cách nước Việt chúng ta cả ngàn cây số). Số là, ông từ coi đền nơi đây, vào một ngày đẹp, khi hoàn thành một việc trọng, bèn quyết định thưởng cho mấy vị coi đền một be rượu đế. Rượu rất ngon, nhưng chỉ có một be thôi thì ai uống ai đừng? Bàn đi tính lại, một người liền đưa ra sáng kiến là tất cả cùng thi nhau vẽ... rắn. Ai vẽ đạt nhất, xong trước nhất thì được ưu tiên uống cả phần rượu. Ông từ vui vẻ đứng ra làm trọng tài phân xử. Cuộc thi vẽ bắt đầu. Có một anh chàng nọ nhanh nhảu cầm cọ vẽ. Chỉ một nhát mực tàu là anh ta đã “quét” lên giấy hình một chú rắn... loằng ngoằng. Nhìn quanh, anh thấy cả hội vẫn còn đang hí húi, chưa ai xong. Tiện tay, anh ta múa bút vẽ thêm cho chú rắn kia mấy cái chân, như chân tắc kè vậy. “Để cho oai, cho đẹp” - anh nghĩ thế. Sáng kiến này lại trở thành “tối kiến”. Khi anh chàng vẫn còn tiếp tục “sắm’ chân cho rắn thì có người đã vẽ xong. Vừa cầm lấy be rượu “thắng cuộc” từ tay cụ từ giữ đền, người đó vừa cười nhạo: “Thôi đừng vẽ nữa. Thật là rởm đời. Rắn làm gì có chân mà lại nhiều chân đến thế? Chỉ có rượu không còn nữa thôi...”. Vậy nên trong cuộc sống, chúng ta phải biết dừng đúng lúc trong mọi việc. Chớ vì muốn “khác người” mà vẽ vời, thêu dệt những gì không cần thiết. Không chỉ vô tích sự mà lại mang tiếng là người... bất bình thường: Rắn kia chẳng có chân đâu                  Vẽ thêm hỏng việc, đời sau chê cười... RẮN ĐỔ NỌC CHO LƯƠN Chúng ta ai cũng biết, rắn và lươn là hai con vật hoàn toàn khác nhau. Rắn thuộc loài bò sát có vảy, không có chân (hiện tượng thứ sinh) mình tròn, thon dài về phía đuôi. Khi di chuyển, rắn cử động uốn mình và nhờ các xương sườn có đầu tự do (không có xương mỏ ác) tì xuống để đẩy mình đi. Rắn thường sống trên cạn (trừ rắn nước, rắn biển). Chúng hay chui luồn trong các hang đất, bụi cây, tìm chỗ săn mồi… Còn lươn là một loài cá nước ngọt, ăn chìm, thường sống trong hang dưới nước. Da lươn không có vảy như các loài cá khác mà trơn và nhớt (nên lươn rất khó bắt). Lươn cũng có cấu tạo bề ngoài như rắn, nghĩa là hình tròn ống và thon dần về phía đuôi. Nhác qua bên ngoài, ta thấy hình dáng lươn và rắn “hao hao” nhau. Nhưng rắn nom đáng sợ hơn với cái lưỡi luôn lia dài về phía trước, vẻ dữ tợn. Đặc biệt, lươn không có nọc độc như ở một số loài rắn như hổ mang bành, cạp nong, cạp nia,... Nọc độc của rắn chính là tuyến nước bọt biến dạng mà thành. Nọc độc nằm ở ngày dưới da sau mắt. Nó đi qua ống dẫn nọc thông với răng độc (răng móc mọc ở hàm trên). Vì vậy, nọc độc chỉ tiết ra khi rắn cắn. Nọc của rắn, độc đến mức làm chết người như chơi, thậm chí rắn có thể cắn chết cả những con vật to lớn như trâu, bò, ngựa, v.v. Chính vì thế mà hình ảnh con rắn và nọc rắn đã trở thành biểu tượng cho sự nguy hiểm và độc ác chẳng kém gì hùm beo, hổ báo. Người ta thường nói: hang hùm miệng rắn hoặc miệng hùm nọc rắn: Thân ta ta phải lo âu                        Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này                                            (Truyện Kiều) Trong khi đó, lươn được coi là một con vật hiền lành, cần mẫn và biết chịu đựng: “Thân lươn bao quản lấm đầu           Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.”                                        (Truyện Kiều) Mặc dù cho hai con vật này khác nhau như vậy, nhưng có lẽ do ngoại hình của chúng na ná giống nhau, cho nên thành ngữ “rắn đổ nọc cho lươn” mới xuất hiện. Thực tế, lươn vẫn là lươn, rắn vẫn là rắn, vàng thau không thể lẫn lộn. Nhưng dân gian đã mượn hình ảnh này để lên án kẻ gây ác lại đổ vấy tội cho người hiền lành vô tội (theo lối dựa vào hình thức bên ngoài để “lập lờ đánh lận con đen”). Ví dụ: Nó cứ lươn lẹo, cố tình lẩn tránh trách nhiệm cho người khác. Rõ rành rành mà lại giở trò rắn đổ nọc cho lươn mới lạ chứ… Giở trò đổ nọc cho lươn                                            Mưu ma chước độc còn hơn mãng xà…

Từ khóa » Phần Biết Lươn Và Rắn độc