Răng Người - Cấu Tạo, Phân Loại, Chức Năng Và Các Bệnh Lý
Có thể bạn quan tâm
Răng là một trong những cơ quan đặc biệt quan trọng của cơ thể, không chỉ đảm nhận chức năng ăn nhai cung cấp chất dinh dưỡng cho toàn bộ hoạt động của cơ thể, mà còn quyết định lớn đến nhan sắc và diện mạo. Tuy nhiên, dù biết được vai trò của bộ phận này, nhưng rất ít người hiểu rõ về răng. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn tất cả những thông tin liên quan đến “bộ nhá”.
1. Cấu trúc răng người
1.1. Thân răng
Thân răng là phần nhú ra khỏi lợi, về cấu tạo bộ phận này gồm có:
- Men răng: Men răng là lớp ngoài cùng của răng, được cấu tạo từ các hợp chất như: muối vô cơ, muối cacbonat, MgCO3, clorua, fluorua, sunfat natri, kali, lysin arginin, axit amin histidin. Đây là lớp cứng nhất của răng đóng vai trò bảo vệ lớp ngà và tủy bên trong, có khả năng cản tia X, nhưng lại giòn và dễ bị tổn thương, vỡ mẻ khi bị va đập mạnh hoặc vi khuẩn gây hại tấn công. Ở trạng thái bình thường, lớp men có màu trong, mờ nhưng khi quan sát bằng mắt lại thấy răng có màu trắng hơi ngả vàng. Đó là vì lớp men mỏng, có thể nhìn thấy lớp ngà màu vàng bên trong. Theo thời gian, dưới sự tác động của thức ăn hoặc các chất kích thích khác, màu men có thể chuyển sang màu trắng xanh, xám, vàng, nâu, đen….
- Ngà răng: Ngà là phần chiếm khối lượng lớn nhất trong cấu trúc răng, được bao bọc hoàn toàn bởi lớp men bên ngoài và đảm nhận chức năng bảo vệ tủy. Lớp ngà có cấu tạo chủ yếu là chất keo collagen, ngoài ra còn có cacbonat canxi, fluor, magie, photphat 3 canxi apatit 32H2O….Lớp ngà tự nhiên có màu vàng nhạt, độ đàn hồi cao, tính xốp và thấm, không giòn và dễ vỡ như lớp men bên ngoài.
- Buồng tủy: Tủy là lớp trong cùng nhất, có cấu trúc mềm, chứa nhiều dây thần kinh cảm giác và mạch máu nuôi dưỡng răng. Vì thế, tủy được bao bọc bởi lớp men và ngà.
1.2. Cổ răng
Đây là phần nằm dưới thân răng, thường được bao bọc bởi một lớp nướu mềm ở bên ngoài. Về cấu tạo, cổ răng bao gồm:
- Men răng: Lớp men bao bọc bên ngoài có nhiệm vụ bảo vệ ngà và tủy răng. Tỉ lệ lớp men ở phần này bắt đầu giảm, do phần cổ không đóng vai trò cắn xé, nghiền nát thức ăn trực tiếp.
- Ngà răng: Đảm nhận chức năng bảo vệ tủy.
- Tủy răng: Tại phần cổ răng, buồng tủy sẽ bắt đầu phân nhánh thành các ống tủy. Số lượng ống tủy không giống nhau, thông thường răng cửa và răng nanh có 1 ống tủy, răng hàm có từ 2 – 3 ống tủy.
1.3. Chân răng
Chân răng cắm sâu vào xương hàm, được bao bọc kín bởi lớp nướu nên chỉ có thể quan sát được phần chân sau khi nhổ răng. Số lượng chân của mỗi răng không giống nhau tùy thuộc vào loại răng, răng cửa và răng nanh có 1 chân, răng tiền hàm và răng hàm có 2 – 3 chân.
Về cấu tạo bao gồm các phần sau:
- Lớp men răng mỏng bao bọc bên ngoài.
- Ngà răng bảo vệ ống tủy.
- Ống tủy có chứa các dây thần kinh và mạch máu.
2. Phân loại các nhóm răng, vị trí và cách đọc
2.1. Răng cửa
Nhóm răng cửa bao gồm 8 chiếc, 4 chiếc ở hàm dưới và 4 chiếc ở hàm trên. Hai chiếc răng cửa chính nằm tại giữa cung hàm được gọi là răng số 1. Hai chiếc bên cạnh là răng cửa phụ, còn được gọi là răng số 2.
Răng cửa có hình dạng như chiếc xẻng, chỉ có 1 chân răng và răng cửa hàm trên sẽ có kích thước lớn hơn hàm dưới.
Về chức năng, răng số 1 đảm nhận chức năng cắn xé thức ăn chính; còn răng số 2 hỗ trợ cho răng số 1.
2.2. Răng nanh
Nhóm răng nanh hay còn gọi răng số 3 có tổng cộng 4 chiếc, nằm cạnh răng số 2 chia đều cho hai bên trái phải và hai hàm trên dưới. Chúng có 1 chân và phần chân dài nhất, phần mũi răng nhọn để đảm nhận chức năng xé thức ăn.
2.3. Răng hàm nhỏ
Nhóm này còn có những tên gọi khác như răng tiền hàm, răng cối nhỏ, răng số 4 và số 5. Mỗi người đều có 8 răng hàm nhỏ, nằm cạnh răng số 3, chia đều cho hai bên và hai hàm.
Bắt đầu từ nhóm này, răng sẽ có mặt nhai với phần đỉnh góc cạnh và sắc để đảm nhận chức năng hỗ trợ nhai và cắn xe thức ăn. Ngoài ra, răng số 4 và số 5 ở hàm trên có 2 chân, còn hàm dưới chỉ có 1 chân.
2.4. Răng hàm lớn
Nhóm này có tất cả 12 chiếc răng, chia đều cho các cung hàm. Trong đó:
- Răng số 6 hay còn gọi răng cấm: nằm cạnh răng số 5, có kích thước lớn, đảm nhận chức năng ăn nhai chính.
- Răng số 7: nằm cạnh và hỗ trợ răng số 6 nhai, nghiền nát thức ăn.
- Răng số 8: nằm trong cùng cung hàm, chiếc răng này không có chức năng ăn nhai và một số người có thể không mọc răng số 8.
Đối với nhóm này, răng hàm trên sẽ có 3 chân, còn răng hàm dưới có 2 chân.
3. Quá trình phát triển của răng
3.1. Răng sữa
Răng sữa bắt đầu mọc khi trẻ được 6 tháng tuổi, quá trình cụ thể như sau:
- 6 tháng tuổi: Bắt đầu mọc 2 răng cửa hàm trên và hàm dưới.
- 9 tháng tuổi: Mọc đủ 4 răng cửa hàm trên và hàm dưới.
- 1 tuổi: Bắt đầu mọc răng cối đầu tiên ở hàm dưới. Khi trẻ được khoảng 14 tháng tuổi sẽ mọc răng cối hàm trên; 16 tháng tuổi mọc răng nanh hàm trên; vài tháng sau sẽ mọc răng nanh hàm dưới.
- 2 tuổi: Lúc này sẽ mọc răng cối thứ 2 của hàm trên và hàm dưới. Khi trẻ được 2,5 tuổi toàn bộ răng sữa sẽ mọc đầy đủ.
3.2. Răng vĩnh viễn
Trẻ bắt đầu mọc răng vĩnh viễn khi được 6 tuổi, giai đoạn này thường diễn ra như sau:
- 6 tuổi: Răng sữa hàm dưới bắt đầu lung lay và rụng đi, sau đó răng vĩnh viễn sẽ mọc đúng tại vị trí đó. Thay răng theo thứ tự 2 răng cửa giữa, rồi đến hai bên, hàm dưới thay xong sẽ đến hàm trên.
- 9 – 10 tuổi: Răng nanh, răng cối ở vị trí số 4, số 5 hàm dưới bị rụng và mọc răng thay thế.
- 11 tuổi: Răng nanh, răng cối ở vị trí số 4, số 5 hàm trên bị rụng và mọc răng thay thế.
- 12 tuổi: Trên cung hàm không còn răng sữa, răng số 6 và số 7 bắt đầu mọc.
- 13 tuổi: Trẻ đã mọc đủ 28 răng vĩnh viễn.
3.3. Răng khôn
Răng khôn thường mọc trong độ tuổi từ 17 – 25 tuổi. Tuy nhiên trong một số trường hợp chúng có thể mọc sớm hoặc muộn hơn, thậm chí một số người không mọc. Khi mọc đủ 4 răng khôn, người trưởng thành sẽ có 32 chiếc răng.
4. Các chức năng chính của răng
4.1. Chức năng ăn nhai
Đây là chức năng chính mà hàm răng đảm nhận. Cụ thể:
- Răng cửa: Cắn và cắt nhỏ thức ăn.
- Răng nanh: Xé thức ăn.
- Răng hàm: Nghiền nát đồ ăn.
Chức năng này sẽ được thực hiện tốt nhất với những người có khớp cắn chuẩn. Đối với người bị khớp cắn ngược, khớp cắn hở, sai lệch khớp cắn thì sẽ không đảm nhận tốt chức năng ăn nhai. Từ đó gây ảnh hưởng đến việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, đồng thời khiến hệ tiêu hóa phải hoạt động nhiều hơn.
4.2. Chức năng thẩm mỹ
Dân gian có câu “hàm răng mái tóc là vóc con người”. Vì vậy, hàm răng đóng vai trò quan trọng đối với nhan sắc và dung mạo. Những ai sở hữu hàm răng đều đẹp sẽ tự tin hơn khi gặp gỡ, giao tiếp với người khác. Ngược lại, những người răng mọc lệch lạc, hô, vẩu, … thường sẽ cảm thấy mặc cảm và tự ti hơn.
4.3. Chức năng phát âm
Các chuyên gia nha khoa cho biết việc răng mọc không đều hoặc răng bị thiếu sẽ khiến cho việc phát âm gặp nhiều khó khăn, vì khi phát âm cần có sự kết hợp của cả răng và lưỡi. Đây chính là lý do trẻ em đang trong quá trình mọc hoặc thay răng nói ngọng, khó phát âm chính xác.
5. Các bệnh lý về răng miệng
5.1. Sâu răng
Sâu răng là bệnh lý do vi khuẩn gây hại tấn công men răng, khiến lớp men bị tổn thương và có thể gây ảnh hưởng đến ngà và lớp tủy bên trong. Bệnh gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày và có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác nếu không được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh:
- Do vi khuẩn streptococcus mutans, actinomyces, lactobacillus….
- Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ.
- Ăn nhiều đồ ngọt.
- Men răng yếu hoặc bị vỡ mẻ.
- Tụt nướu, khô miệng.
Triệu chứng:
- Đau nhức răng, đau nhiều khi ăn uống, thậm chí có thể bị đau tự phát khi bị sâu lỗ to làm tổn thương đến tủy.
- Ê buốt răng, đặc biệt khi ăn đồ cay nóng hoặc đồ lạnh.
- Lớp men bao bọc bên ngoài xuất hiện các đốm trắng, đen, nâu và có những lỗ nhỏ li ti hoặc lỗ sâu to nhìn rõ bằng mắt thường.
5.2. Chảy máu chân răng
Chảy máu chân răng là một trong những bệnh lý thường gặp nhất, có biểu hiện cụ thể là chảy máu ở phần lợi bám quanh chân răng. Tình trạng chảy máu thường diễn ra khi đánh răng, ăn uống hoặc có thể chảy máu tự phát nếu bệnh bước vào giai đoạn nặng.
Nguyên nhân gây bệnh:
- Vệ sinh răng nướu không sạch sẽ.
- Viêm lợi, viêm nha chu, áp xe răng,
- Sâu răng.
- Hút thuốc lá thường xuyên.
- Cơ thể thiếu hụt một số chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin C, vitamin K, canxi….
- Thay đổi nội tiết tố ở nữ giới trong giai đoạn dậy thì, mang thai hoặc mãn kinh.
- Dùng thuốc loãng máu hoặc mắc bệnh ung thư máu.
- Mắc các bệnh lý về gan, sốt xuất huyết, tiểu đường….
5.3. Ê buốt răng
Ê buốt răng là tình trạng bị đau nhức, buốt nhói khi ăn uống hoặc tiếp xúc với các tác nhân kích thích. Nếu răng bị tổn thương thì tình trạng ê buốt có thể xảy ra thường xuyên khi không có bất kỳ yếu tố nào kích thích.
Nguyên nhân gây bệnh:
- Vệ sinh không đúng cách làm mòn men răng.
- Do bị tụt nướu, răng sâu hoặc vỡ mẻ.
- Tiêu thụ các thực phẩm có chứa nhiều axit.
- Sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa như tẩy trắng, niềng răng….
- Do những thói quen xấu như nghiến răng khi ngủ, ăn nhiều đồ cứng….
5.4. Viêm nướu
Viêm nướu (viêm lợi) là tình trạng nướu bị viêm nhiễm do vi khuẩn, virus, nấm gây hại tấn công. Đây là bệnh lý thường gặp, không gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể khỏi hoàn toàn nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nếu chủ quan không chữa trị.
Nguyên nhân gây viêm nướu:
- Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ hoặc không đúng cách.
- Thói quen ăn uống không lành mạnh: ăn nhiều đồ ngọt, đồ cay nóng, đồ lạnh, uống rượu bia, nước có gas….
- Mọc răng khôn.
- Do mắc bệnh tiểu đường.
- Do tác dụng phụ của một số loại thuốc tây y.
Triệu chứng viêm nướu:
- Nướu chuyển sang màu đỏ hồng hoặc đỏ sẫm, sưng mềm.
- Dễ bị chảy máu chân răng.
- Sưng lợi, cảm giác đau nhiều khi ăn nhai.
- Hơi thở có mùi hôi.
- Có thể bị nhiệt miệng.
5.5. Viêm nha chu
Viêm nha chu là bệnh do viêm lợi không được điều trị, hoặc có điều trị nhưng không khỏi hoàn toàn. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe nếu bị viêm nhiễm nặng dẫn đến nhiễm trùng.
Triệu chứng viêm nha chu:
- Nướu có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, sưng đau và dễ chảy máu.
- Chân răng có cảm giác dài hơn bình thường do bị tụt lợi.
- Xuất hiện túi mủ quanh chân răng.
- Đau nhức răng, đau nhiều khi ăn uống hoặc bị kích thích.
- Chảy máu chân răng, có nhiều cao răng.
- Răng lung lay, dễ gãy rụng.
- Bị hôi miệng.
5.6. Đau quai hàm (viêm khớp thái dương hàm)
Viêm khớp thái dương hàm là bệnh lý rối loạn khớp hàm và các cơ mặt xung quanh, dẫn đến tình trạng đau nhức hàm, khó mở miệng làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng thường gặp nhất ở nữ giới trong giai đoạn dậy thì và mãn kinh.
Nguyên nhân gây bệnh:
- Mắc các bệnh lý về xương khớp như: thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, nhiễm khuẩn khớp….
- Bị va đập hoặc chấn thương mạnh.
- Do răng khôn mọc lệch.
- Do thực hiện một số thủ thuật nha khoa.
- Thói quen nghiến răng khi ngủ, há miệng quá rộng đột ngột….
Triệu chứng bệnh:
- Đau nhẹ ở hai một hoặc hai bên mặt. Khi bệnh nặng hơn thì cơn đau xuất hiện liên tục và dữ dội, đặc biệt là khi ăn nhai.
- Khó mở miệng và cử động cơ hàm.
- Đau đầu, đau tai, nhức thái dương, nổi hạch thái dương, mỏi cổ….
6. Các vấn đề răng miệng
6.1. Cao răng
Cao răng là lớp mảng bám bao quanh chân răng, có màu trắng đục hoặc nâu vàng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vệ sinh răng miệng không sạch sẽ, khiến các vụn thức ăn còn sót lại bị vôi hóa bởi vi khuẩn, muối canxi carbonat và calcium phosphate.
Lớp mảng bám này không phải là bệnh lý, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Nhưng nếu chúng bám lâu ngày, thì có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như viêm nướu, viêm nha chu….
6.2. Gãy, mẻ răng
Ăn đồ cứng, bị chấn thương, va đập mạnh, nghiến răng khi ngủ… là những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng gãy, mẻ răng. Tình trạng sứt mẻ nếu nhẹ thì không gây ảnh hưởng nhiều, nhưng nếu bị nặng thì có thể gây đau nhức, ê buốt, mất thẩm mỹ…. Đồng thời, lúc này vi khuẩn có thể tấn công vào vị trí bị gãy mẻ và dẫn đến sâu răng.
6.3. Mất răng
Mất răng gây khó khăn trong việc ăn uống, mất thẩm mỹ và có thể khiến vi khuẩn tấn công vào ổ chân răng, gây viêm nướu hoặc nhiễm trùng. Tình trạng này có thể xảy ra do chấn thương, mắc các bệnh lý như áp xe quanh cuống răng, tụt lợi, do tuổi tác…. Vấn đề này nếu không sớm được khắc phục có thể dẫn đến tình trạng tiêu xương hàm, gây ảnh hưởng đến cấu trúc hàm và toàn bộ gương mặt.
6.4. Đau răng
Đau nhức răng là vấn đề mà rất nhiều người gặp phải, gây ra nhiều khó chịu và bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. Tùy theo nguyên nhân gây đau răng mà mức độ đau nhức ở mỗi người sẽ khác nhau.
Nguyên nhân:
- Bệnh viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng, viêm tủy, áp xe răng.
- Mọc răng khôn.
- Niềng răng.
- Rối loạn khớp thái dương hàm.
- Mắc các bệnh lý như viêm xoang, phổi, tim mạch.
- Dây thần kinh bị tổn thương.
- Thói quen nghiến răng khi ngủ, ăn đồ cứng trong thời gian dài.
- Do va đập, chấn thương.
Triệu chứng:
- Răng bị đau và ê buốt khi ăn đồ quá nóng, quá lạnh, đồ ngọt, cay hoặc chua.
- Đau nhói đột ngột hoặc đau liên tục, đau khi có áp lực tác động lên vùng răng.
- Sưng quanh răng hoặc sưng hàm.
- Sốt hoặc đau đầu.
- Chân răng và nướu hình thành các túi mủ có mùi hôi khó chịu
6.5. Răng vẩu (hô)
Đây là tình trạng do xương hàm trên, răng hoặc cả hai yếu tố này nhô ra phía trước dẫn đến sai lệch khớp cắn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ăn nhai và thẩm mỹ. Nguyên nhân:
- Cấu trúc hàm trên phát triển quá mức so với hàm dưới.
- Răng mọc lệch theo hướng chìa ra bên ngoài.
- Răng có kích thước quá to, cung hàm không đủ chỗ nên chúng mọc lên chen chúc hoặc chìa ra phía trước.
- Do thói quen mút ngón tay, ngậm ti giả trong thời gian dài hoặc trong khi thay răng.
6.6. Răng móm
Răng móm (khớp cắn ngược) là tình trạng hàm trên nằm ở bên trong hàm dưới, răng hàm dưới chìa ra khiến gương mặt dài hơn và có hình lưỡi cày. Đây là một trong những nhược điểm khiến khuôn mặt trở nên mất cân đối, ảnh hưởng đến nhan sắc.
Nguyên nhân gây ra vấn đề này là do kích thước xương hàm dưới phát triển quá mức, do răng mọc chìa ra bên ngoài hoặc do cả hai yếu tố trên kết hợp với nhau.
6.7. Răng thưa
Đây là tình trạng hai răng mọc cách xa nhau, tạo nên khoảng hở giữa các răng. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng nhiều đến nhan sắc, mà còn khiến răng yếu và dễ bị các vi khuẩn gây hại tấn công hơn.
Nguyên nhân gây răng thưa:
- Thiếu răng bẩm sinh.
- Răng sữa mọc lệch, sai vị trí.
- Răng mọc ngược hoặc mọc ngầm dưới lợi.
- Do thói quen dùng tăm xỉa răng lâu ngày.
6.8. Răng khểnh
Răng khểnh thực chất là tình trạng răng nanh số 3 của hàm trên mọc ra khỏi cung hàm, nhưng trường hợp mọc lệch này lại có thể tăng thêm nét duyên dáng cho người sở hữu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp răng mọc lệch quá nhiều, chen chúc với những chiếc răng khác… cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhan sắc.
7. Bệnh về răng ở các đối tượng
7.1. Trẻ em
Trẻ em là đối tượng thường gặp rất nhiều vấn đề về răng nướu, vì trẻ vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày. Do đó, các bé thường mắc phải các bệnh lý sau:
- Sâu răng: Nếu trẻ bị sâu răng sữa, thì cha mẹ không phải lo lắng quá nhiều vì sẽ còn mọc răng vĩnh viễn thay thế. Nhưng nếu sâu răng vĩnh viễn, thì cần phải đến nha khoa để được thăm khám và hỗ trợ điều trị.
- Viêm nướu, viêm nha chu: Hai bệnh lý này cần phải tiến hành cạo vôi răng, lấy mủ nếu có, kết hợp với đánh răng và súc miệng sạch sẽ hàng ngày.
- Viêm tủy: Bệnh lý này cần phải tiến hành điều trị tủy, sau đó hàn trám để bảo vệ tủy.
7.2. Bà bầu, cho con bú
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú có nhiều thay đổi về nội tiết tố bên trong cơ thể, điều này cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như:
- Viêm lợi, viêm nha chu: Tiến hành lấy cao răng và chú ý vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.
- Chảy máu chân răng: Để ngăn ngừa và cải thiện tình trạng này, bà bầu cần bổ sung nhiều vitamin C và canxi trong chế độ ăn uống
- Ê buốt răng: Đối với vấn đề này, chị em cần tăng cường bổ sung canxi trong chế độ ăn uống hàng ngày và nên súc miệng sau khi nôn nghén.
- Sâu răng: Bà bầu có thể áp dụng các mẹo dân gian để giảm đau, hoặc tiến hành hàn trám sau khi bước sang tháng thứ 4 của thai kỳ.
7.3. Người trưởng thành
Người trưởng thành có thể mắc rất nhiều bệnh lý gồm:
- Ê buốt răng.
- Viêm lợi, viêm nha chu.
- Sâu răng.
- Viêm tủy.
- Chảy máu chân răng.
- Đau quai hàm
Trong đó, phương pháp điều trị đối với bệnh đau quai hàm bao gồm: phẫu thuật chỉnh hình, nhổ răng, sử dụng thuốc giảm đau hoặc áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng bệnh. Đối với những bệnh lý còn lại, thì áp dụng cách điều trị như đối tượng trẻ em và bà bầu.
7.4. Người già
Người cao tuổi cơ thể bắt đầu có những dấu hiệu lão hóa, nên có thể gặp nhiều vấn đề như:
- Viêm nướu, viêm nha chu.
- Viêm khớp thái dương hàm.
- Sâu răng.
- Ê buốt răng.
8. Các phương pháp làm đẹp răng
8.1. Tẩy trắng răng
Đây là thủ thuật nha khoa thường được áp dụng để khắc phục tình trạng răng bị ố màu, xỉn màu, nhiễm màu ở mức độ nhẹ. Sau khi tiến hành tẩy trắng răng, hàm răng sẽ trở nên trắng sáng hơn. Tuy nhiên sau khi tẩy trắng một số người sẽ cảm thấy bị ê buốt và trở nên nhạy cảm hơn, tình trạng này sẽ được cải thiện sau vài ngày.
Một số biện pháp được áp dụng phổ biến thời gian gần đây:
- Tẩy trắng tại nha khoa.
- Làm trắng răng tự nhiên
- Dùng miếng dán trắng răng.
- Dùng thuốc tẩy trắng răng.
- Dùng kem đánh răng có chứa thành phần làm trắng răng.
Mỗi phương pháp trên đều có những ưu nhược điểm và thời gian duy trì khác nhau. Do đó, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện, để tránh gây tổn hại đến men răng.
8.2. Niềng răng
Đây là thủ thuật nha khoa thường được áp dụng để chỉnh hình răng, bằng cách áp dụng các khí cụ chỉnh nha để dịch chuyển răng, mang lại hàm răng cân đối và điều đặn, khắc phục những nhược điểm về diện mạo trước đó. Hiện nay, có rất nhiều khí cụ chỉnh nha như: mắc cài kim loại, mắc cài bằng sứ, mắc cài tự động, khay niềng trong suốt.
Những trường hợp thường áp dụng thủ thuật nha khoa này gồm:
- Niềng không đều: Cách này chỉ đơn giản là dùng khí cụ chỉnh nha để dịch chuyển răng về đúng cung hàm.
- Niềng răng móm: Trong trường hợp bị móm nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật chỉnh hàm dưới trước khi niềng.
- Niềng răng hô: Nếu trình trạng hô vẩu nặng, bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật hàm trên trước khi niềng.
8.3. Bọc răng sứ
Phương pháp phục hình bọc răng sứ thường được áp dụng trong những trường hợp bị sứt mẻ nặng hoặc sâu lỗ to, vẫn còn chân nhưng không thể phục hình bằng cách hàn trám. Mão sứ sẽ chịu trách nhiệm bao bọc răng thật ở bên trong, tránh cho các tác nhân kích thích và vi khuẩn.
8.4. Trồng răng giả
Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp răng bị rụng hoặc bị vỡ mẻ, mắc các bệnh lý không thể áp dụng những cách phục hình khác. Hiện nay có 3 phương pháp được áp dụng phổ biến gồm:
- Hàm giả tháo lắp.
- Cầu răng sứ.
- Cấy ghép Implant.
Mỗi cách đều có những ưu và nhược điểm riêng, trong đó cấy ghép Implant có tuổi thọ cao nhất và mức chi phí phải bỏ ra cũng nhiều nhất.
9. Các phương pháp chăm sóc răng đúng cách
- Đánh răng đúng cách 2 – 3 lần/ngày bằng các sản phẩm có chứa hàm lượng fluor phù hợp với độ tuổi. Tốt nhất nên sử dụng kem đánh răng có nguồn gốc từ các thảo dược tự nhiên.
- Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, cha mẹ nên dùng khăn mềm sạch để vệ sinh răng nướu cho bé. Đồng thời bắt đầu tập cho bé thói quen chải răng.
- Dùng chỉ nha khoa thay thế tăm để loại bỏ hoàn toàn các vụn thức ăn trong khoang miệng.
- Hạn chế ăn đồ ngọt, đồ cay nóng, đồ lạnh, nước uống có gas….
- Tăng cường bổ sung các loại rau xanh, hoa quả, thực phẩm giàu vitamin C, canxi…
- Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ không nên cho bé mút ngón tay hoặc ngậm ti giả trong thời gian dài.
- Khám nha khoa định kỳ 2 lần/năm để sớm phát hiện ra các bệnh lý nếu có và sớm khắc phục kịp thời, ngăn không cho bệnh phát triển nặng.
10. Các địa chỉ chăm sóc răng
10.1. Bệnh viện răng hàm mặt
Các bệnh viện chuyên khoa về răng hàm mặt sở hữu các trang thiết bị hiện đại, cùng với đội ngũ y bác sĩ trình độ cao có khả năng thăm khám chuyên sâu các bệnh lý phức tạp. Nhờ đó việc thăm khám và điều trị bệnh nếu có sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, vì các đơn vị này có độ uy tín cao nên lượng bệnh nhân tìm đến rất đông. Điều này có thể khiến người bệnh phải chờ đợi trong thời gian dài để được thăm khám, gây bất tiện cho những người bệnh ở xa bệnh viện.
10.2. Phòng khám nha khoa
Số lượng các phòng khám nha khoa hiện mọc lên ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng gia tăng. Những cơ sở này có ưu điểm nổi bật như: thủ tục đăng ký đơn giản, khám chữa nhanh chóng, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt….
Tuy nhiên, các phòng khám này lại có nhược điểm là cơ sở vật chất còn hạn chế, đội ngũ bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề các phẫu thuật phức tạp còn ít…. Việc này khiến cho những ca bệnh nặng phải chuyển sang bệnh viện để được điều trị, gây tốn kém thời gian và chi phí.
10.3. Tại nhà
Hiện nay có rất nhiều dụng cụ chăm sóc răng miệng tại nhà có chi phí rẻ và mang lại hiệu tốt như: kem đánh răng, nước súc miệng, bàn chải điện, máy tăm nước, miếng dán trắng răng…. Do đó, răng nướu được chăm sóc và bảo vệ tối đa.
Tuy nhiên, do thiếu những kiến thức về nha khoa nên trong một số trường hợp vẫn không kịp thời phát hiện ra các bệnh lý như sâu răng, đến khi cảm thấy đau nhức thì bệnh đã phát triển đến giai đoạn nặng, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tốn kém nhiều chi phí hơn.
Như vậy, bài viết trên Dược Liệu Ngọc Châu đã chia sẻ đến bạn tất cả những thông tin liên quan đến răng, hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp ích được cho bạn trong việc chăm sóc răng miệng, để có được hàm răng khỏe mạnh và trắng sáng như mong muốn.
Từ khóa » Cấu Trúc Bộ Răng Người
-
Cấu Trúc Răng Của Con Người Là Như Thế Nào?
-
Bộ Răng Cấu Trúc Như Thế Nào Và đóng Vai Trò Gì?
-
Cấu Trúc Răng, Hàm - Khám Phá 3 Chức Năng Chính Của Răng
-
Con Người Có Bao Nhiêu Cái Răng? Cấu Tạo & Chức Năng Của Răng ...
-
CẤU TẠO VÀ CHỨC NĂNG CỦA RĂNG TRÊN KHUNG HÀM
-
Cấu Tạo Hàm Răng Người Như Thế Nào? [CHUYÊN GIA PHÂN TÍCH]
-
Răng Là Gì? Cấu Tạo, Phân Loại Và Những Thông Tin Quan Trọng ...
-
Con Người Có Cấu Tạo Răng Thế Nào? - Nha Khoa Thanh Tâm
-
Răng Người – Wikipedia Tiếng Việt
-
Răng Người Có Bao Nhiêu Loại Và Bao Nhiêu Chiếc? - Vinmec
-
Cách đếm Và đọc Tên Các Loại Răng - Vinmec
-
Răng Hàm Là Gì? Những Thắc Mắc Thường Gặp Khi Trồng Răng Hàm
-
Cấu Tạo Của Răng Như Thế Nào?