Rào Cản Thương Mại Là Gì? Các Hình Thức Phổ Biến Và Tác động

Mục Lục

  • Rào cản thương mại là gì?
  • Các hình thức rào cản thương mại là gì?
    • Thuế quan (Tariffs)
    • Hàng rào phi thuế quan (Non-tariff barriers)
    • Hạn ngạch (Quota)
  • Ảnh hưởng của rào cản thương mại là gì?
  • Có thể vượt rào cản thương mại hay không?

Rào cản thương mại là gì?

Đó là những hạn chế nhất định đối với những hoạt động giao thương ở phạm vi quốc tế do các nước áp đặt. Vậy cụ thể rào cản thương mại hoạt động như thế nào?

Nhìn chung, các rào cản thương mại được thiết lập dựa trên nguyên tắc là áp đặt thêm một số loại phí hoặc giới hạn cho các sản phẩm xuất khẩu và nhập khẩu. Điều này được xem là một cách để các nước bảo vệ các ngành công nghiệp sản xuất trong nước.

Bởi vì những chi phí bổ sung hoặc các lệnh hạn chế được ban hành như thế này có thể làm cho giá sản phẩm nhập khẩu cao hơn. Từ đó có thể giúp những hàng hóa, dịch vụ trong nước có mức giá mang tính cạnh tranh hơn.

Về lý thuyết, việc tham gia vào WTO – Tổ chức Thương mại Thế giới của các nước bao gồm cả Việt Nam đã mở ra nhiều cánh cửa phát triển khi luật thương mại tự do được ban hành và rào cản kể trên được dỡ bỏ (trừ những rào cản liên quan đến an ninh quốc gia và sức khỏe).

Tuy nhiên trên thực tế, do nhiều nguyên nhân và đặc biệt là mức tăng trưởng kinh tế không đồng đều nên các quốc gia đều có những nỗ lực trong việc duy trì rào cản thương mại để bảo hộ nền công nghiệp sản xuất nội địa của mình.

“Rào cản thương mại là các biện pháp pháp lý được áp dụng chủ yếu để bảo vệ nền kinh tế của một quốc gia.”

Các hình thức rào cản thương mại là gì?

Trong khái niệm về rào cản thương mại là gì cũng có nhắc đến những dạng rào cản phổ biến có ở các quốc gia. Cụ thể là thuế quan, hàng rào phi thuế quan và hạn ngạch.

Thuế quan (Tariffs)

Thuế quan là một loại thuế do các nước đặt ra cho các hàng hóa di chuyển qua cửa khẩu quốc gia, kể cả hàng nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Bên cạnh trở thành một nguồn thu của đất nước, thuế quan cũng đóng vai trò điều tiết giao dịch thương mại xuất nhập khẩu, bảo hộ ngành sản xuất trong nước.

Điều này có nghĩa là giảm áp lực cạnh tranh từ nước ngoài và giảm thâm hụt thương mại nội địa. Đồng thời, thuế quan cũng có thể được sử dụng để điều chỉnh một số hàng hóa bán phá giá, trợ cấp xuất khẩu hoặc thao túng tiền tệ bất hợp pháp.

Thuế quan có thể là một đơn vị cố định, tức là số tiền không đổi tính trên một hàng hóa nhập khẩu hoặc tỷ lệ phần trăm của giá cả. Trong một số trường hợp, thuế quan cũng có thể là một đơn vị biến thiên khi số lượng thay đổi theo giá cả.

Do đó, thuế quan được xem là một bộ phận cấu thành của giá cả hàng hóa xuất/nhập khẩu và điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến khối lượng hàng hóa xuất/nhập khẩu và cả sức mua của thị trường.

Hàng rào phi thuế quan (Non-tariff barriers)

Hàng rào phi thuế quan hoặc còn được gọi là các biện pháp phi thuế quan là những rào cản mang tính hạn chế giao dịch thương mại bằng các hình thức khác thay vì áp thuế trực tiếp lên hàng hóa.

Hàng rào phi thuế quan bao gồm những yêu cầu về mặt chất lượng và hình thức đối với hàng nhập khẩu hoặc trợ cấp cho các nhà sản xuất hàng hóa trong nước. Chẳng hạn như giấy phép nhập khẩu, kiểm soát xuất khẩu, cấm vận, hạn chế thương mại,… Những biện pháp này có thể ảnh hưởng đến giá trị hàng hóa cũng như thời gian hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Hạn ngạch (Quota)

Hạn ngạch được hiểu là một giới hạn tối đa về khối lượng/giá trị hàng hóa được phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu trong một kỳ (thường là một năm).

Hạn ngạch được xem như một biện pháp mà nhà nước sử dụng để quản lý trực tiếp lượng hàng hóa tham gia các hoạt động thương mại. Điều này giúp cho các cơ quan nhà nước có thể cân nhắc và đưa ra động thái điều chỉnh kịp thời nhằm thực hiện mục tiêu bảo hộ.

Ảnh hưởng của rào cản thương mại là gì?

Thực tế cho thấy, rào cản thương mại dù được đặt ra để bảo hộ nền công nghiệp sản xuất trong nước nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại những bất cập chưa thể giải quyết triệt để.

Chẳng hạn như nó ảnh hưởng đến quyền lợi của các quốc gia đang phát triển. Những sản phẩm do những quốc gia này nếu sản xuất tốt vẫn khó có khả năng xuất khẩu sang các nước phát triển. Bởi vì chính sách thương mại của các quốc gia phát triển đánh thuế cao các hàng nhập khẩu để bảo vệ hàng hóa do đất nước họ sản xuất.

Rào cản thương mại cũng tác động đến quá trình hội nhập, tham gia tiến trình thương mại tự do. Các quốc gia đang phát triển cũng không thể tiếp cận được với những hàng hóa chất lượng cao từ các nước phát triển do hàng rào thuế quan/phi thuế quan của nước sở tại.

Theo các nghiên cứu kinh tế cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ hàng rào thuế quan vì sản phẩm của họ ít có khả năng với các thương hiệu lớn trong và ngoài nước.

Có thể vượt rào cản thương mại hay không?

Bên cạnh những nội dung liên quan đến rào cản thương mại là gì, vấn đề có thể “vượt rào” hay không cũng thu hút nhiều sự quan tâm của những đơn vị sản xuất và cả khách hàng nói chung.

Mọi người cũng có thể hình dung ra được những cơ hội và khó khăn thách thức mà một doanh nghiệp cần phải đối mặt khi bước chân vào thị trường cả trong và ngoài nước. Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra ý kiến rằng doanh nghiệp hoàn toàn có thể vượt qua rào cản thương mại thành công khi có sự chuẩn bị bài bản về các phương án kinh doanh song phương, đa phương với các đơn vị phân phối tại thị trường nội địa và quốc tế.

Có nhận định cho rằng xây dựng tính cộng đồng cao để tự bảo vệ lợi ích của mình khi tham gia xuất khẩu sang thị trường nước ngoài là điều cần thiết.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nên tận dụng tối đa những cơ hội, lợi thế và hạn chế những thách thức tiềm ẩn.

Chẳng hạn như rủi ro thay đổi chính sách, các biện pháp bảo hộ của nước có đối tác đang hoạt động. Bên cạnh đó, thông tin thị trường, mở rộng quy mô,.. cũng là những chủ đề mà doanh nghiệp cần hết sức lưu tâm.

Đồng thời, trước khi xuất khẩu hoặc nhập khẩu các sản phẩm ở một nước khác, các nhà sản xuất cần hiểu rõ các quy định hoặc chế tài mà Chính phủ áp dụng với những hoạt động thương mại này. Sau đó, họ cần phải chủ động kiểm tra các quy định liên quan đến thuế quan, giấy phép,… để đảm bảo không vi phạm pháp luật.

Hy vọng qua bài viết về rào cản thương mại là gì trên đây có thể giúp mọi người có cái nhìn tổng quát hơn về vấn đề này, từ đó có thể đưa ra những sự cân nhắc, quyết định đúng đắn nhất nếu có ý định hoạt động trong lĩnh vực thương mại xuất nhập khẩu nói chung.

Pha Lê

Về Tác Giả

CareerLink
Bài Mới Nhất
  • Deep work là gì? Lợi ích và cách để Deep work hiệu quảGóc kỹ năng2024.11.29Deep work là gì? Lợi ích và cách để Deep work hiệu quả
  • Red flag là gì? Cách nhận biết red flag trong mối quan hệGóc kỹ năng2024.11.29Red flag là gì? Cách nhận biết red flag trong mối quan hệ
  • Master là gì? Các bằng master phổ biến và điều kiện theo họcTư vấn nghề nghiệp2024.11.29Master là gì? Các bằng master phổ biến và điều kiện theo học
  • NSFW là gì? Lợi ích của việc gắn nhãn NSFW trên không gian mạngGóc kỹ năng2024.11.29NSFW là gì? Lợi ích của việc gắn nhãn NSFW trên không gian mạng

Từ khóa » Các Loại Rào Cản Trong Thương Mại Quốc Tế