Rào Cản Thương Mại Quốc Tế Là Gì? - Luật Doanh Nghiệp

Nội dung bài viết [Ẩn]

    1. 1 - Rào cản thương mại quốc tế là gì?
    2. 2 - Vì sao cần đặt ra các rào cản thương mại quốc tế?
    3. 3 - Các loại rào cản thương mại quốc tế
    4. 4 - Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

1 - Rào cản thương mại quốc tế là gì?

Thuật ngữ “rào cản thương mại quốc tế” hay “hàng rào thương mại” được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa nào cụ thể về các rào cản trong thương mại. Trên thực tế, khái niệm rào cản trong thương mại chỉ mang tính chất tương đối.

Nhằm mục đích bảo hộ thị trường cho các doanh nghiệp trong nước và đối phó với luồng hàng hoá được nhập khẩu từ bên ngoài, các quốc gia sẽ đặt ra hàng loạt các chính sách, các biện pháp hạn chế nhập khẩu.

Nếu các chính sách, quy định gây cản trở cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, của quốc gia này thì bị quy là rào cản thương mại nhưng đối với doanh nghiệp, quốc gia khác thì chưa hẳn đã vậy. Nó sẽ trở thành rào cản nếu mức thuế suất cao một cách thực sự hoặc là cao hơn mức thuế suất được áp dụng đối với hàng hoá cùng loại của một nước khác. Với các biện pháp khác cũng vậy, bản thân nó không phải là rào cản nếu biện pháp đó không vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia, nhưng nó sẽ trở thành hàng rào nếu như nó gây cản trở cho thương mại của quốc gia khác.

Như vậy, có thể hiểu “rào cản" hay “hàng rào thương mại” là khái niệm được dùng để chỉ các chính sách, các qui định của một quốc gia, một khu vực hay một khối kinh tế điều chỉnh các hoạt động thương mại của quốc gia, khu vực hay khối kinh tế đó với phần còn lại của thế giới mà các biện pháp đó là nhằm mục đích cản trở và hạn chế việc nhập khẩu hàng hoá.

Xem thêm:  Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

 

 

2 - Vì sao cần đặt ra các rào cản thương mại quốc tế?

Rào cản thương mại quốc tế là các biện pháp hạn chế số lượng hàng hóa nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế trong nước. Nhưng rào cản thương mại quốc tế cần được đặt ra vì các mục đích như sau:

Điều tiết vĩ mô nền kinh tế, hướng dẫn tiêu dùng trong nước

Các rào cản trong thương mại được áp dụng vì nhiều mục đích khác nhau nhưng mục đích ưu tiên hàng đầu vẫn là điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Dựa vào tình hình sản xuất và tiêu dùng trong nước Chính phủ các quốc gia phải thi hành các biện pháp điều tiết lượng hàng hoá nhập khẩu phù hợp với nhu cầu tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo lợi ích cho các nhà sản xuất nội địa, đồng thời phát huy được các tiềm lực của đất nước.

Các rào cản thương mại giúp bảo hộ để phát triển các ngành công nghiệp trong nước, bảo vệ việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Ngoài ra, việc kiểm soát nhập khẩu hàng hoá Chính phủ các quốc gia sẽ định hướng được tiêu dùng hàng hoá trong nước. Các hàng hoá không được khuyến khích sử dụng sẽ bị đánh thuế cao hoặc chỉ cho nhập khẩu một lượng nhất định thông qua hạn ngạch, giấy phép... Đối với các mặt hàng không cho sử dụng sẽ bị cấm nhập khẩu.

Bảo vệ an ninh quốc gia, đạo đức xã hội và bảo vệ môi trường

Để đảm bảo an ninh quốc gia các biện pháp cấm hoặc hạn chế tối đa việc nhập khẩu các hàng hoá là vũ khí, chất nổ, phương tiện chiến tranh, nhất là các loại vũ khí, chất độc có thể huỷ diệt hàng loạt là rất cần thiết.

Cấm nhập khẩu các văn hoá phẩm không lành mạnh, các chất gây nghiện làm bại hoại đạo đức và lương tri của con người, ảnh hưởng đến đạo đức toàn xã hội.

Thêm một vấn đề chung hiện nay toàn cầu đang cùng phải giải quyết là bảo vệ môi trường cũng đã làm nảy sinh các rào cản đối với việc luân chuyển một số loại hàng hoá gây hại đến môi trường từ nước này sang nước khác.

Bảo vệ người tiêu dùng

Một trong những mục đích quan trọng nhất của việc áp dụng các hàng rào thương mại là bảo vệ người tiêu dùng. Trong việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh và kiểm dịch, yêu cầu đóng gói và nhãn hiệu đặt sự an toàn của người tiêu dùng lên hàng đầu. Các hàng rào góp phần ngăn cản các hàng hoá không đảm bảo chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự an toàn của người dân.

Chống lại cạnh tranh không lành mạnh và trả đũa thương mại

Mỗi một quốc gia khi mở cửa thị trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn từ các quốc gia khác với sự cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá, trợ cấp xuất khẩu..., Trong tình huống như vậy, đầu tiên các quốc gia sẽ tiền hành thương lượng nhằm ngăn chặn các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh. Nếu thương lượng không thành, quốc gia đó sẽ sẵn sàng thi hành các biện pháp đối kháng và trả đũa thông qua việc áp dụng các rào cản thương mại với hàng hoá xuất khẩu của nước kia

Vì mục đích chính trị

Các biện pháp rào cản thương mại quốc tế rất dễ để các quốc gia sử dụng như là công cụ vào mục đích chính trị. Thông qua rào cản thương mại một quốc gia có thể cấm vận hàng hóa hoặc hoạt động thương mại đối với quốc gia đang có mục đích về chính trị. Điều này rất không côn bằng và ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của quốc gia đang bị cấm vận. Từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến chính trị của quốc gia đó.

Xem thêm:  Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

3 - Các loại rào cản thương mại quốc tế

Rào cản thương mại quốc tế phổ biến có ba loại là thuế quan, hàng rào phi thuế quan và hạn ngạch.

Thuế quan (Tariffs)

Khi hàng hóa di chuyển qua cửa khẩu của một quốc gia bị đánh thuế thì gọi là Thuế quan. Thuế quan là một công cụ tài chính được nhà nước sử dụng để điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu hoặc bảo hộ nền sản xuất trong nước.

Thuế quan là một bộ phận cấu thành của giá cả hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Giá cả hàng hóa thấp hoặc cao có ảnh hưởng đến sức mua của thị trường và đến khối lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Để hạn chế xuất, nhập khẩu Nhà nước sẽ áp dụng mức thuế quan cao; ngược lại để khuyến khích xuất, nhập khẩu, Nhà nước áp dụng mức thuế quan thấp.

Thuế qua là nguồn thu rất quan trọng trong ngân sách nhà nước và cũng là công cụ để phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại và gây áp lực với bạn hàng trong quá trình đàm phán.

Hàng rào phi thuế quan (Non-tariff barriers)

Hàng rào phi thuế quan là những rào cản hạn chế thương mại thông qua các biện pháp khác ngoài việc áp thuế trực tiếp.

Hàng rào phi thuế quan có thể bao gồm các biện pháp như yêu cầu về nội dung và chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc trợ cấp cho các nhà sản xuất trong nước.

Hạn ngạch (Quota)

Hạn ngạch là giới hạn tối đa về khối lượng (hoặc giá trị) hàng hóa được phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu trong một thời kì (thường là một năm).

Hạn ngạch là biện pháp quản lí của nhà nước quy định trực tiếp lượng hàng hoá được phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu nhằm thực hiện mục tiêu bảo hộ.

Xem thêm:  Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

4 - Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

Từ khóa » Các Loại Rào Cản