Rau Cần Tây (cần Tàu) Giúp Giảm Cân, Hạ Huyết áp Và Làm Sạch Máu

Rau cần tây (cần tàu) được nhiều người ăn kiêng lựa chọn vì chứa ít năng lượng. Khi ăn 100 g rau cần tây tươi, cơ thể bạn chỉ nạp thêm 16 kcal nhưng lại bổ sung được nhiều loại vitamin và khoáng chất.

Rau cần tây có tác dụng gì

Nội dung chính ⇒

Toggle
  • Rau cần tây chứa các chất dinh dưỡng nào?
  • Rau cần tây có giúp giảm cân không?
  • Nước ép rau cần tây có tác dụng gì?
  • Phân loại
  • Tác dụng chữa bệnh của rau cần tây
  • Khi dùng rau cần tây cần lưu ý điều gì?
  • Các bài thuốc chữa bệnh
  • Rau cần tây có tên khoa học là gì và tên tiếng Anh là gì?
  • Tư liệu tổng hợp

Rau cần tây chứa các chất dinh dưỡng nào?

Không chỉ chứa đường, chất xơ, chất đạm và chất béo; rau cần tây còn chứa nhiều loại vitamin như A, B1, B2, B3, B5, B6, B9, C, E, K…

Ngoài ra, rau cần tây còn chứa nhiều khoáng chất như Can xi, Đồng, Ma giê, Phot pho, Ka li, Na tri, Sắt, Kẽm… (5).

Rau cần tây có giúp giảm cân không?

Rau cần tây không giúp giảm cân nhanh chóng mà chỉ hỗ trợ giảm cân bởi loại rau này chứa nhiều chất xơ và ít năng lượng (ít hơn cả rau muống). Điều đó có nghĩa là, khi dùng rau cần tây, bạn cũng cần kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, hợp lý mới có thể giảm cân thành công.

nước ép rau cần tây có tác dụng gì
Nước ép rau cần tây

Nước ép rau cần tây có tác dụng gì?

Nhiều người dùng nước ép rau cần tây để giảm cân. Tuy nhiên, rau cần tây nên được chế biến và ăn chín mới dễ tiêu hóa.

Ngoài tác dụng trên, nước ép rau cần tây còn được dùng chữa viêm loét miệng bằng cách súc miệng. Nếu bị viêm họng, bạn cũng có thể lấy nước ép rau cần tây (50 g rau tươi), cho thêm chút muối rồi ngậm và uống dần.

Phân loại

Có ba loại rau cần tây thường được nhắc đến là loại cho lá (Apium graveolens var. secalinum), loại cho cuống (Apium graveolens var. graveolens) loại cho củ (Apium graveolens var. rapaceum).

Các loại rau cần tây
Các loại rau cần tây

Tác dụng chữa bệnh của rau cần tây

Cần tây là cây rau gia vị quen thuộc, thơm ngon và có nhiều công dụng. Trong y học, loại rau này được biết đến với hàng loạt công dụng quý như:

  • Lọc máu, làm sạch máu và điều hòa máu huyết.
  • Giúp giảm béo và hạ huyết áp.
  • Kích thích tuyến nội tiết.
  • Bồi bổ hệ thần kinh.
  • Điều trị suy nhược cơ thể.
  • Kích thích tuyến thượng thận.
  • Điều khí, dẫn mật.
  • Chống thấp khớp.
  • Điều trị tràng nhạc, mất khoáng chất cho bệnh lao.
  • Điều trị sỏi thận, làm sạch thận.
  • Lợi tiểu, điều trị sỏi niệu đạo.
  • Điều trị các bệnh về phổi.
  • Trị bệnh gan, vàng da.
  • Trị ho, làm sạch phổi, thanh nhiệt.
  • Kích thích tiêu hóa, làm mạnh tỳ vị.
  • Chống hoại huyết.
  • Kháng khuẩn và giúp liền sẹo (dùng ngoài da).

Cách dùng: Cách dùng rau cần tây chữa bệnh rất đơn giản. Bạn có thể xắt nhỏ ra rồi hãm lấy nước uống như trà (hoặc chế biến thành các món ăn). Mỗi ngày, mỗi người trưởng thành có thể dùng 50 g rau cần tây tươi.

Ngoài ra, sách Kim quy tân phương còn ghi rằng rau cần tây (dương khổ thái) có tác dụng thanh trùng, làm sạch máu, chuyên trị lở loét, mụn nhọt và giúp da mau lành.

Khi dùng rau cần tây cần lưu ý điều gì?

1. Ăn quá nhiều rau cần tây mỗi ngày (hơn 50 g) hoặc ăn liên tục trong thời gian dài sẽ gây hại cho cơ thể (vì rau cần tây có tác dụng hạ huyết áp). Như vậy, bạn chỉ nên dùng loại rau này như một loại thực phẩm bổ sung và nếu dùng hàng ngày để chữa bệnh thì sau khi khỏi bệnh cũng cần ngưng một thời gian (để tránh các tác dụng phụ).

2. Những người bị huyết áp thấp không được dùng.

3. Với những người chưa từng sử dụng rau cần tây, cần chú ý trong lần sử dụng đầu tiên vì loại rau này có thể gây dị ứng. Hơn nữa, các phản ứng dị ứng do rau cần tây gây ra được nhận xét là nghiêm trọng (có thể dẫn đến tử vong kể cả khi đã chế biến thành thực phẩm). Được biết, hạt và củ rau cần tây là hai bộ phận gây ra dị ứng mạnh, kế đến là cuống.

4. Không ăn loại rau này cùng các món ăn có tính hàn như giá (giá đỗ), dưa leo…

Rau cần tây xào đậu hủ, món ăn bổ dưỡng của người ăn chay
Rau cần tây xào đậu hủ, món ăn bổ dưỡng của người ăn chay

Các bài thuốc chữa bệnh

1. Làm chắc chân tóc, trị nứt nẻ chân tay

Lấy 250 g thân lá hoặc củ rau cần tây, nấu với 3 chén nước rồi dùng nước này ngâm tay, chân hoặc gội đầu.

2. Chữa bệnh tăng huyết áp

Lấy rau cần tây (cả cây, khoảng 50 g), nấu lấy nước rồi chia thành nhiều lần uống trong ngày. Nếu không dùng tươi, bạn có thể phơi khô cây trong bóng râm rồi nấu uống (vì toàn cây đều chứa tinh dầu nên cần phơi âm can).

3. Chữa chứng loét da

Lấy 30 gam lá rau cần tây (lưu ý chỉ dùng lá), rửa sạch, giã nát rồi đắp lên chỗ da bệnh (cứ kiên trì vài lần như thế thì sẽ hết loét và không để lại sẹo).

Rau cần tây có tên khoa học là gì và tên tiếng Anh là gì?

Rau cần tây có tên khoa học là Apium graveolens, thuộc họ Hoa tán. Tuy nhiên, đây chỉ là danh pháp hai phần. Với các giống cần tây nhỏ hơn sẽ có các tên khác nhau (như đã trình bày ở trên).

Trong tiếng Anh, rau cần tây được gọi là “celery”. Trong tiếng Việt, rau cần tây còn được gọi là rau cần tàu (để phân biệt với rau cần ta, loại thân rỗng, hình ống). Trong các sách y học, rau cần tây còn được gọi là “dương khổ thái”.

Xem thêm: Uống nước rau má có tác dụng gì? Rau má có giúp trị mụn, đẹp da không?

***

Bạn có thể trồng rau cần tây bằng cách lấy cây con (ở chợ hay bán mấy bó rau cần tây còn cả rễ), trồng xuống đất. Sau một thời gian, cây sẽ đâm lá non. Lúc này, bạn cắt bỏ những lá già để cây tập trung nuôi lá non và khi thấy lá non to hơn thì bạn cắt vào để chế biến. Lưu ý chỉ dùng lá non vì lá già rất dai, cứng và nhiều xơ.

Vì vậy, để đỡ tốn công hơn thì cách tốt nhất là bạn ươm từ hạt. Hiện nay, hạt rau cần tây đã được bán rất phổ biến. Hiển nhiên, ươm từ hạt thì cần phải chuẩn bị đất thật kỹ và chăm sóc, tưới nước kỹ lưỡng vào những ngày đầu, bạn nhé! Rau này cần nhiều nước, vì vậy sẽ hơi vất vả trong khâu tưới tiêu. Tuy nhiên, nó lại là một loại rau ngon, đáng để trồng một ít quanh nhà.

Tư liệu tổng hợp

  1. Nhiều tác giả, Chữa bệnh bằng cây lá quanh nhà, NXB Văn hóa dân tộc, trang 22.
  2. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 566.
  3. Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, trang 437.
  4. Tạ Duy Chân, Những phương thuốc hay – “Rau cỏ trị bệnh”, 1998, trang 193.
  5. Celery, https://en.wikipedia.org/wiki/Celery
  6. Rau cần tây có tác dụng gì, https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BA%A7n_t%C3%A2y

Keyword: Rau cần tây có tác dụng gì?

  • Share on Facebook
  • Tweet on Twitter
  • Share on LinkedIn

Từ khóa » Cây Cần Tàu Trị Bệnh Gì